Hà Nội hôm nay ô nhiễm thứ 2 thế giới
Trang IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 thế giới lúc 11h ngày 4/1. Các hệ thống quan trắc khác của Sở TN&MT cũng đồng loạt đưa chỉ số chất lượng không khí ở thủ đô ở mức kém và xấu.
Lúc gần 11h ngày 4/1, trang tổng hợp hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới (IQAir) xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) 240.
Trong sáng nay, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đồng loạt đưa ra chỉ số chất lượng không khí ở thủ đô ở mức kém và xấu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời.
Theo chuyên gia, khi chất lượng không khí ở mức kém và xấu, nhóm người nhạy cảm, người mắc bệnh mãn tính, tim mạch… hạn chế các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời.
Trang IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới lúc 11h hôm nay (Ảnh: CTV).
Đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã duy trì hơn một tuần qua khi không khí lạnh suy yếu, đêm trời lạnh, ngày nắng hanh; các yếu tố giúp giảm ô nhiễm như gió, mưa gần như không có.
Sáng 3/1, tất cả trạm quan trắc nội, ngoại thành của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí đang ô nhiễm ở mức rất xấu trở lên. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trạm đặt tại trụ sở UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) với chỉ số chất lượng không khí (AQI) 247 – mức rất xấu.
Đêm 2 rạng sáng 3/1, lần đầu tiên trong ít nhất một năm trở lại đây cả 6 trạm quan trắc không khí gồm Minh Khai, An Khánh (Hoài Đức), Chúc Sơn (Chương Mỹ), Tứ Hiệp (Thanh Trì), Vân Hà (Đông Anh) và Sài Sơn (Quốc Oai) chỉ số AQI vượt 200, tương đương với cảnh báo rất xấu.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, thành phố đã có kế hoạch tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn thành phố, hướng tới thành phố “sáng – xanh – sạch – đẹp” và nhiều nội dung quan trọng.
Video đang HOT
Theo đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.
Không khí ở Hà Nội thời gian gần đây ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh: Mạnh Quân).
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý ô nhiễm môi trường không khí; kiểm kê phát thải nhằm xác định nguồn phát thải và đối tượng phát thải chính…
Song hành với việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải; bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, khu vực đông dân cư để hạn chế bụi phát tán…
Đặc biệt, Hà Nội khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch, xanh, thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải công cộng để giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông…
Hà Nội cũng giao các quận, huyện, thị xã yêu cầu 100% công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp, không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, giảm đốt vàng mã…
Chủ tịch Hà Nội: Người dân sẽ được giảm giá, hỗ trợ đổi xe máy cũ
Thành phố sẽ nghiên cứu phương án như giảm giá, đổi xe, hỗ trợ đổi xe, hỗ trợ vốn vay để người dân chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện, theo Chủ tịch Hà Nội.
Chiều 11/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu HĐND thành phố và cử tri quan tâm.
Hà Nội thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng/năm
Theo ông Thanh, nền kinh tế thủ đô đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, thành phố hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho biết, kinh tế thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; GRDP 9 tháng đầu năm tăng 6,12%, dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ 6,27%), quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng/năm, tăng gần 20% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước (thu nội địa đạt khoảng 470.000 tỷ đồng, chiếm hơn 32% tổng thu nội địa cả nước); GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng, theo ông Thanh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu HĐND và cử tri quan tâm (Ảnh: CTV).
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội cho hay, công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố chuyển biến tích cực; nhiều công trình khánh thành, nhiều dự án khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như vận hành thương mại đoạn trên cao dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, hoàn thành dự án đường Âu Cơ, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô.
Đặc biệt, theo ông Thanh, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; tới đây thành phố sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu.
"Hiện nay đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu gồm Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc. Thành phố tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư và đầu tư đối với 3 cầu gồm Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi", Chủ tịch Hà Nội nói.
Làm "sống lại" các dòng sông nội đô
Ông Thanh cho biết, Hà Nội đang quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường một cách triệt để, thực chất, toàn diện. Từ việc thu gom, xử lý rác thải, xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch... đến việc tập trung xử lý vấn đề nước thải, làm "sống lại" các dòng sông nội đô, trước mắt là sông Tô Lịch sẽ được "hồi sinh" trước ngày 2/9/2025.
"Trong tuần sau, thành phố sẽ phát động phong trào Hà Nội xanh, sạch, đẹp với cách làm thực chất để thay đổi căn cơ bộ mặt đô thị trong năm 2025", ông Thanh cho hay.
Sông Tô Lịch được kỳ vọng được "hồi sinh" trước 2/9/2025 (Ảnh: CTV).
Nói rõ hơn về việc "hồi sinh" sông Tô Lịch, ông Thanh cho biết, khi nước thải không đổ trực tiếp vào sông nữa thì mùa khô chắc chắn sông sẽ cạn đáy nên việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch là cấp bách.
Theo ông Thanh, thành phố sẽ trình sớm, xin làm giải pháp trong tình huống khẩn cấp để nhanh chóng "hồi sinh" sông Tô Lịch.
"Phấn đấu 2/9/2025 sẽ bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Các sở ngành cùng chuyên gia và cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi khảo sát tuyến, hướng cụ thể. Tới đây sẽ báo cáo Thủ tướng và triển khai thực hiện. Trên cơ sở hồi sinh sông Tô Lịch sẽ tạo đà làm sạch các dòng sông còn lại", ông Thanh nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng cho hay, tới đây thành phố phát động phong trào sạch, trước hết là quận nội đô, đồng thời thành phố sẽ thu gom, xử lý rác thải theo hướng hiện đại.
Quyết tâm phải làm sạch, cả thành phố phải sạch; thành phố cũng sẽ nghiên cứu và triển khai các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, ông Thanh nói.
Về vùng phát thải thấp, ông Thanh cho biết, sau khi HĐND thành phố thông qua nghị quyết về vấn đề này, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu phương án cùng với các nhà sản xuất phương tiện để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp.
Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội cũng cho hay, thành phố cũng sẽ nghiên cứu phương án như giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, hỗ trợ vốn vay mua xe mới... để người dân cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện...
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, ông Thanh cho rằng đây là vấn đề nhức nhối của thành phố. "Thay mặt cho thành phố và các quận, huyện có chung cư cũ thành thật xin lỗi HĐND thành phố", Chủ tịch Hà Nội nói.
Theo ông Thanh, hiện chưa có quận, huyện nào hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết các khu cải tạo chung cư cũ. Một số quận như Ba Đình, Đống Đa dù người dân đã đồng thuận nhưng chưa xây dựng được vì không có quy hoạch.
Vấn đề này UBND thành phố đã họp và quyết liệt chỉ đạo, cố gắng trong quý I/2025, tất cả quận, huyện có chung cư cũ phải phê duyệt xong quy hoạch, theo ông Thanh.
"Hiện chúng ta mới kiểm định được 50% chung cư cũ, phải kiểm định hết. Những chung cư loại D thì tuyên tuyền vận động, thậm chí có thể phải cưỡng chế để xây dựng lại. Đây là vấn đề nhức nhối, thành phố nhận lỗi về vấn đề này", Chủ tịch Hà Nội cho biết.
Nồng độ bụi mịn tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Ngày 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo "Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội - Hợp tác và Hành động" kêu gọi sự hợp tác cải thiện chất lượng không khí... Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, TP đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than...