Hà Nội chuẩn bị cho học sinh lớp 10, 11, 12 trở lại trường như thế nào?
Trước thông tin dự kiến học sinh cấp THPT của 30 quận, huyện Hà Nội sẽ trở lại vào ngày 6/12 tới đây, hiện, các trường THPT trên địa bàn đang rốt ráo chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản trình UBND TP về việc cho học sinh THPT và học viên giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trở lại trường từ ngày 6/12.
Sở cũng đã có cuộc họp với lãnh đạo các nhà trường vào ngày 30/11 để quán triệt các nội dung chuẩn bị đón học sinh khi được lãnh đạo TP quyết định cho trở lại trường.
Theo ông Tiến, trước hết, các trường học sẽ phải đạt các tiêu chí về yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế. Cùng đó, phải đáp ứng một số nguyên tắc cơ bản như: giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ được dạy trực tuyến; các trường chỉ dạy học trực tiếp một buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng-tin; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân;…
Ông Tiến cũng cho hay, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đang xây dựng văn bản hướng dẫn liên ngành về phương án phòng chống dịch khi có trường hợp F0, F1, F2 hoặc nghi ngờ F0 trong trường học…
Ví dụ, khi phát hiện có F0 trong trường học sẽ phải kích hoạt ngay các phương án phòng chống dịch; phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0 tùy thuộc mức độ di chuyển của F0; diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực, phòng học có liên quan F0,…
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho hay, để chuẩn bị cho học sinh đến trường trở lại, cần tuân thủ theo các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhằm đảo bảo tối đa an toàn cho các em.
Video đang HOT
Bà Hiền băn khoăn khi trường nằm trên địa bàn đang có tình hình dịch phức tạp. Nếu áp theo quy định như hiện nay thì điều kiện để mở cửa trường lại là phường, xã nơi trường đóng trong vòng 14 ngày (tính từ ngày 30/11 trở về trước) không có F0 trong cộng đồng.
“Với điều kiện này thì như Trường THPT Kim Liên sẽ bị vướng. Bởi phường Trung Tự, quận Đống Đa trong 14 ngày qua có F0. Do vậy, nhà trường sẽ phải đợi kết luận và chỉ đạo cụ thể từ các cấp trên”, bà Hiền nói.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, khi nghe thông tin Hà Nội dự kiến cho học sinh THPT trở lại từ 6/12, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch, lên các phương án đón học sinh trở lại trường, phân công đầu việc cụ thể cho từng lực lượng, bộ phận.
“Sở GD-ĐT cũng đã tập huấn cho các trường công tác đảm bảo an toàn khi cho học sinh trở lại; tập huấn cho hiệu trưởng và cán bộ y tế trường về quy trình xử lý khi có F0,…”, bà Hiền nói.
Bà Hiền cho hay, đến hết ngày 25/11, hầu hết học sinh của trường đã được tiêm vắc xin. Một số học sinh diện cách ly, trong vùng phong tỏa trước đây thì chiều nay 2/12 sẽ được tiêm.
Theo thống kê, cũng có khoảng 50 học sinh trên tổng số 2.104 toàn trường không đăng ký tiêm phòng. “Nhà trường cũng đã tuyên truyền sâu rộng về việc tiêm vắc xin để tăng miễn dịch, đảm bảo sức khỏe và cơ hội hoạt động xã hội nhiều hơn cho học sinh. Tuy nhiên, cân nhắc quyết định tiêm hay không là quyền của phụ huynh và học sinh”.
Riêng về công tác dạy học, bà Hiền cho hay, trường đã chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc có thể kết hợp cả dạy học trực tiếp và trực tuyến, giúp các học sinh chưa thể đến trường (nếu có) không bị chậm chương trình so với các bạn trên lớp.
Cụ thể, nhà trường đã lắp đặt thêm Webcam cho 30 phòng học với tổng chi phí lắp đặt mới khoảng 70 triệu đồng.
“Trường hợp có những học sinh diện F0 hoặc phải cách ly hay trong khu phong tỏa thì các em vẫn có thể nhìn thầy cô giáo và theo dõi bài giảng như đang ngồi trực tiếp trên lớp. Các em cũng có thể xin phát biểu, tương tác với thầy cô và bắt kịp với tiến độ của cả lớp”, bà Hiền chia sẻ.
Bà Trần Thị Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho hay, lãnh đạo nhà trường vẫn thường xuyên có mặt tại trường trong thời gian qua để chỉ đạo các công việc phòng chống dịch và đã xây dựng sẵn kế hoạch sẵn sàng đón học sinh trở lại.
Theo bà Tuyến, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phụ huynh lo lắng khi học sinh trở lại trường nhưng những người quản lý nhà trường như bà càng lo hơn. Chính vì vậy, công tác đảm bảo phòng chống dịch rất được quan tâm, chú trọng.
“Dịch bệnh khó có thể nói trước được điều gì, chỉ mong mọi việc bình an với cô trò”, bà Tuyến chia sẻ.
Hà Nội: Học sinh phổ thông háo hức đi học, phụ huynh xen lẫn lo lắng
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc mở cửa trường học sẽ được thực hiện thận trọng, với lộ trình mở cửa dần theo từng khối, phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine và tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện để đón học sinh đi học trực tiếp sau 3 tháng học trực tuyến. Đây là khẳng định của đại diện nhiều trường THPT sau khi Thành ủy Hà Nội đồng ý đề xuất cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 các trường trung học phổ thông tại xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 đi học trở lại từ đầu tháng 12 này.
Học sinh đi học lại, phụ huynh mừng xen lẫn lo lắng
Để chuẩn bị đón học sinh đi học trực tiếp, các nhà trường đáp ứng các tiêu chí về trường học an toàn, trong đó giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine, chuẩn bị đủ thuốc men ở phòng y tế, phòng cách ly, có phương án đón, phân luồng học sinh...
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa cho biết, luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết: "Về phía nhà trường thì luôn chuẩn bị tất cả các điều kiện, tất cả các phương án, các kịch bản khi các con trở lại trường, đặt ra an toàn cho học sinh lên hàng đầu. Tuy nhiên, phải chờ hướng dẫn chi tiết, cũng phải theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn"- ông Nhân nói.
Thời điểm này, chỉ còn 3 tuần nữa là kết thúc học kỳ I, dự kiến từ ngày 16 đến ngày 22/1, các trường sẽ kiểm tra học kỳ. Nếu mở cửa trường học thì các thầy cô giáo sẽ có thời gian ôn tập lại kiến thức cần thiết cho các em trước khi kiểm tra. Còn các học sinh và phụ huynh mong muốn đi học trực tiếp sẽ có hiệu quả và tập trung hơn khi tự học ở nhà sau 3 tháng học online: "Con có cơ hội được đến trường sớm, có thể dễ dàng ôn tập với các thầy cô để kết thúc cuối học kỳ I và chuẩn bị hành trang tâm lý tốt để bước vào kỳ thi trung học phổ thông".
"Bây giờ các con đã được tiêm mũi 1, nếu các con đi học cũng là điều tốt. Hiện nay các con cũng chuẩn bị thi học kỳ, nếu như học trực tiếp nếu như học trực tiếp tiếp thu kiến thức của các con cũng tốt hơn, đánh giá đúng thực chất hơn. Tuy nhiên, cũng phải làm thế nào để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất cho các con"- ông Nhâm nói.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID -19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh tăng cao, mặc dù các trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện để đón học sinh, nhưng một số phụ huynh bày tỏ lo lắng khi con đến trường học trực tiếp trong thời điểm này: "Các con ở trong nhà lâu ngày, khi được đi học tập trung, các con sẽ rất vui và đó sẽ tăng cường các hoạt động gần gũi nhau nhiều hơn. Cũng như nhiều phụ huynh khác, tôi rất lo ngại vấn đề này".
"Về tâm lý cũng vẫn hơi lo ngại. Tại vì các con đi học, chẳng may các nguồn lây nhiễm thì rất nhanh thôi, các con thì mới tiêm được mũi 1".
Với đặc thù của các trường THPT có học sinh rải rác khắp các quận, huyện, nên yêu cầu đón học sinh ở địa bàn phường, xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 trở lại trường đang gặp khó khăn. Theo đó, những em ở vùng 1, vùng 2 sẽ đi học trực tiếp, còn học sinh ở địa bàn có mức độ dịch cao hơn sẽ tiếp tục học trực tuyến. Khi tình hình dịch ổn định, các em đến trường học bình thường và các trường bố trí giáo viên ôn tập, bồi dưỡng miễn phí, đảm bảo học sinh được tiếp nhận kiến thức công bằng như các bạn cùng lớp. Do đó, các nhà trường vẫn chuẩn bị các phương án dạy học song song trực tuyến và trực tiếp.
Ông Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm khẳng định, trường không bị động trong bất kỳ tình huống nào.
"Nhà trường sẵn sàng đón học sinh đến trường. Những trường hợp F1, F0 nhà trường cũng sẽ có một phương án riêng, có nghĩa là những trường hợp đó là nhà trường sẽ phân công tổ chức dạy trực tuyến cho các em học. Quan trọng nhất là nâng cao ý thức của học sinh, phụ huynh học sinh. Trường tổ chức họp phụ huynh học sinh trực tuyến quán triệt các chủ trương chính sách, các hướng dẫn của nhà trường, của Sở Giáo dục- Đào tạo, Sở Y tế"- ông Phi nói.
Hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã, các ban, ngành chức năng xây dựng phương án và hướng dẫn các trường trung học phổ thông chuẩn bị kỹ các điều kiện phòng chống dịch phù hợp để đón học sinh tới trường. Việc mở cửa trường học sẽ được thực hiện thận trọng, với lộ trình là mở cửa dần theo từng khối, phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine và tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Trong đó yêu cầu các trường bảo đảm nguyên tắc luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết khi tổ chức học trực tiếp./.
Thí sinh Hà Nội, TP HCM điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học nhiều nhất Tính đến 17 giờ chiều 5-9, có 358.659 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Hà Nội là địa phương có số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều nhất, tiếp theo là TP HCM. Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD-ĐT chiều 5-9 cho biết kết thúc thời hạn đăng ký xét tuyển, đến 17 giờ chiều 5-9,...