Gửi email cho người Trung Quốc, hiếm khi bạn được trả lời và đây là lý do tại sao
Người dân Trung Quốc thích dùng WeChat hơn, bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ luôn sẵn sàng để trao đổi công việc với sếp của mình mọi lúc mọi nơi.
Gửi email cho người Trung Quốc là một hành động có thể khiến bạn rất bực bội. Lý do rất đơn giản: hiếm hoi lắm bạn mới được hồi âm!
Ở phương Tây, email bạn gửi đi nhiều khi dễ bị bỏ qua bởi chúng bị vùi dưới một loạt những email khác. Ở Trung Quốc, mọi chuyện khác hoàn toàn, dù là email có nội dung kinh doanh hay đơn giản là email thăm hỏi qua lại giữa những người bạn mới quen trong những chuyến du lịch.
Tất nhiên, mọi thứ đều có lý do, và nó có liên quan đến lịch sử Internet của Trung Quốc, cũng như sự trỗi dậy của một trong những công ty công nghệ lớn bậc nhất trên thế giới.
Khi bước vào thế kỷ 21, email ở phương Tây không còn là cái gì đó xa lạ. Nó phổ biến như số điện thoại vậy. Tính đến thời điểm email kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 30 của nó vào năm 2001, hầu như mọi văn phòng đều sở hữu một địa chỉ email cho riêng mình.
Cũng thời điểm đó, chỉ có chưa đầy 3% dân số Trung Quốc đang sử dụng Internet. Nhiều người dùng Internet lúc này thậm chí còn chưa có đường truyền riêng tại nhà, và họ phải sử dụng Internet tại các quán cafe.
“ Một yếu tố (khiến email không phổ biến) là ngay từ buổi ban đầu khi triển khai Internet tại Trung Quốc, nó được sử dụng nhiều nhất bởi những người rất trẻ tuổi, nhiều trong số họ không làm việc trong các môi trường văn phòng” – Kaiser Kuo, cựu giám đốc truyền thông quốc tế của Baidu, hiện là tổng biên tập của SupChina, cho biết – “ Sự hấp dẫn chính của Internet đối với họ không phải là năng suất; họ tập trung hơn vào các khả năng giao tiếp xã hội của nó”.
Vào năm 1999, một công ty công nghệ nhỏ tại Trung Quốc quyết định vay mượn ý tưởng từ nền tảng tin nhắn desktop phổ biến là ICQ để tạo ra QQ. Công ty đó là Tencent, nay trở thành một trong những ông lớn công nghệ trên thế giới. Nền tảng của họ tăng trưởng rất nhanh trong số người dùng Internet cafe và những người đã có PC tại gia. Tại sao phải phí phạm thời giờ và dung lượng mạng vốn đã ít ỏi vào việc làm mới các hộp thư điện tử nặng nề chứ?
Dù QQ và người anh em trên desktop của nó đã trở nên lỗi thời, nhưng các ứng dụng nhắn tin tiếp tục trở thành phương thức chính mà người dùng Internet ở Trung Quốc tin dùng để liên lạc với nhau. Đó là lúc WeChat, nên tảng mạng xã hội lớn thứ hai của Tencent, ra đời. Với hơn 1 tỷ người dùng sử dụng mỗi ngày, WeChat có tầm phủ sống cực kỳ rộng rãi ở Trung QUốc.
Hiện nay, có hơn 802 triệu người dùng Internet ở Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong quá trình phát triển đó, người ta dần phát hiện ra những lý do để tránh sử dụng email, thay vào đó là nhắn tin.
Video đang HOT
Một số chỉ ra rằng họ không thể phân biệt được các khái niệm của email như CC và BCC, trong khi số khác lại cho rằng sử dụng các địa chỉ email tiếng Anh là một rào cản trong quá trình giao tiếp. Về khía cạnh kinh doanh, Kuo nhấn mạnh rằng không nhiều công ty khuyến khích việc đầu tư nguồn lực vào phát triển các sản phẩm email, đơn giản vì vào thời điểm đó, kiếm tiền từ email là một điều không hề dễ dàng.
Cuối cùng, nhiều người bắt đầu dựa dẫm vào WeChat bởi nó nhanh và thuận tiện, đặc biệt trong môi trường làm việc. Bạn có thể gửi hình ảnh, tài liệu, tiến hành hội thảo video, tất cả đều có thể được thực hiện trong một ứng dụng duy nhất (và WeChat còn rất nhiều tính năng khác nữa).
Văn hóa làm việc cũng đóng vai trò trong việc này. Cộng đồng mạng Trung Quốc cho rằng việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin có phần nhiều nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu vắng các quy trình chuẩn hóa trong các công ty Trung Quốc so với các công ty phương Tây. Trong nhiều trường hợp, điều này có thể là nguồn cơn dẫn đến thất bại, nhưng nó cũng là một cách để tránh thói quan liêu.
Lằn ranh giữa đời sống cá nhân và đời sống công việc ở Trung Quốc cũng ít gay gắt hơn.
“ Sự phổ biến của emoji, tin nhắn tiếng, và hình thức giao tiếp thân thiện mang lại sự linh hoạt và giảm bớt tính rạch ròi giữa công việc và các mối quan hệ riêng tư thường đi kèm với công việc tại Trung Quốc” – Elliott Zaagman, host của kênh podcast China Tech Investor, cho biết.
Sự tự nhiên trong giao tiếp này được chấp nhận rộng rãi đến mức nhiều doanh nhân bắt đầu ngừng trao đổi card visit và chuyển sang quét mã QR WeChat để thuận tiện trong liên lạc. Đối với nhiều người, sự hòa lẫn giữa đời sống riêng tư và đời sống công việc như thế này đã đi quá xa.
Aoki là một điều phối viên dự án tại một công ty Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác với các đối tác phương Tây, và cô sử dụng cả hai hình thức liên lạc.
“ Theo quan điểm của tôi, tôi thích dùng email hơn bởi nó mang lại cho tôi những khoảng thời gian riêng tư và cá nhân” – Aoki nói.
Aoki cũng từng làm cho một công ty con của chính phủ, và cô thừa nhận rằng cô và các đồng nghiệp hiếm khi kiểm tra email. Cô chẳng hề nghĩ đến việc gửi email cho các cơ quan công bởi cô biết họ sẽ chẳng trả lời chúng. Thay vào đó, nhiều cơ quan giao tiếp với nhau thông qua các tài khoản WeChat và các nền tảng IM khác.
Vậy trong thực tế, bỏ qua email và dùng tin nhắn tức thời có những tác động như thế nào?
Đối với Aoki, hành động kêu gọi nhau trên các nhóm chat nhiều lúc rất bực mình. Tin nhắn tức thời không chỉ đồng nghĩa với sự tiện lợi, nó còn có nghĩa bạn phải luôn có mặt để đọc và trả lời chúng.
“ Tôi nghĩ nó (việc dùng tin nhắn tức thời) có liên quan gì đó đến văn hóa 996″ – Zaagman nói. Văn hóa 996 ở đây là văn hóa làm việc quá giờ cực kỳ khắc nghiệt của Trung Quốc, diễn ra trong ngành công nghiệp công nghệ, khi mà người ta phải ngồi làm việc tại văn phòng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, và phải làm liên tục 6 ngày mỗi tuần.
WeChat không chỉ thống trị môi trường kinh doanh; nó còn xen vào mối quan hệ giữa giáo viên – phụ huynh. Các sở giáo dục địa phương bắt đầu đưa ra những quy chế nhằm cấm giáo viên sử dụng các công cụ tin nhắn trong việc giao bài về nhà và yêu cầu phụ huynh phải chấm điểm các bài tập đó. Các nhóm nhắn tin thì bị chỉ trích nặng nề vì tiết lộ thứ hạng trong lớp học, cũng như điểm số của các học sinh trong lớp, đặc biệt là các học sinh có các bậc cha mẹ quan tâm quá mức đến kết quả.
Bản thân WeChat thậm chí cũng tỏ ra lo ngại vì mọi người đang dùng WeChat quá nhiều. Viện nghiên cứu Tencent đã tiến hành một thử nghiệm, trong đó người dùng chỉ được dành ra 30 phút sử dụng ứng dụng, thay vì mức trung bình 107 phút. Thử nghiệm này đã phát hiện ra rằng những chủ thể tham gia tỏ ra ít tiêu cực hơn, và tập trung hơn đáng kể vào công việc và học tập.
Viện này còn phát hiện một số lợi ích của việc sử dụng WeChat, bao gồm giúp tìm kiếm thông tin liên quan và cho phép người dùng tham gia vào các cuộc thảo luận về các chủ đề họ cần nghiên cứu. Và theo Zaagman, trong một số ngành công nghiệp nhất định, như ngành công nghệ chẳng hạn, phương thức giao tiếp công việc thân thiện là một yếu tố quan trọng thu hút các nhân viên.
Dù email vẫn là một loại hình giao tiếp chủ đạo trong kinh doanh tại phương Tây, các nền tảng tin nhắn tập trung vào công việc như Slack và Microsoft Team đang ngày một thu hút sự chú ý. Điều đó có nghĩa là sự lệ thuộc vào email ở phương Tây có thể sẽ sớm chấm dứt, song song với đó là phương thức giao tiếp dần chuyển sang phong cách tương tự Trung Quốc – và đó là điều mọi người buộc phải chấp nhận, dù họ có thích hay không.
Tham khảo: AbacusNews
'Ông lớn' Vietnam Airlines cũng than khó tuyển nhân lực an toàn thông tin
Nhấn mạnh khó khăn về nguồn nhân lực an toàn thông tin, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Trưởng ban CNTT - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho hay, hiện nay Vietnam Airlines rất khó tiếp cận và tuyển được nhân lực an toàn thông tin.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Trưởng ban CNTT của VietNam Airlines chia sẻ về thách thức và kinh nghiệm đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng.
Trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm an toàn, an ninh mạng quốc tế - Vietnam Security Summit 2019 được tổ chức mới đây, chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên đề "Phòng ngừa mã độc, cửa hậu và lộ lọt thông tin", ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Trưởng ban CNTT của Vietnam Airlines thẳng thắn chỉ rõ, với mạng đường bay trải rộng và hệ thống CNTT bao gồm cả trong và ngoài nước, hệ thống host được thuê đặt bên Mỹ cùng nhiều hệ thống dữ liệu khác, Vietnam Airlines luôn là mục tiêu nhắm đến của các đối tượng hacker.
Cũng theo ông Tiến, tính từ ngày 1/1/2019 đến nay, Vietnam Airlines ghi nhận có khoảng 8 tỷ sự kiện mà đơn vị phải xử lý trong hệ thống an ninh thông tin (ATTT) của mình. Thống kê cũng cho thấy, hiện nay nguy cơ tấn công mạng các hệ thống của Vietnam Airlines gặp phải nhiều nhất là tấn công bằng mã độc và qua email. Cụ thể, trong hơn 3 tháng đầu năm nay, có tới 1.622 sự cố tấn công bằng mã độc và tấn công email có 1.553 trường hợp vào các hệ thống của Vietnam Airlines.
Xét về nguồn tấn công qua email, email phishing - tấn công lừa đảo bằng email đang chiếm vị trí số 1, ví dụ như giả mạo email từ admin gửi đến người dùng với nội dung "Bạn có thể nâng hạn mức hộp thư", "Bạn đến hạn phải đổi password"... "Với nhiều người dùng mặc dù đã được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức an toàn, an ninh mạng nhưng vẫn có người bị lừa click vào đường dẫn, khi đó người dùng bị chiếm quyền email, hacker tiếp tục dùng email của nạn nhân để làm bàn đạp tấn công đến những người dùng khác. Đây là tình trạng thực tế chúng tôi đang gặp phải", ông Tiến chia sẻ.
Đề cập đến các thách thức trong đảm bảo ATTT mạng, vị Phó Trưởng ban CNTT của Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh an toàn, an ninh thông tin trở thành một trong những thách thức của thời đại mới khi các hoạt động được số hóa trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn khác tại Việt Nam, Vietnam Airlines phải đối mặt với những thách thức chung, đó là: số vụ tấn công mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, các hacker ngày càng tinh vi trong đánh cắp dữ liệu từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý hành chính; gia tăng hành vi phát tán mã độc tống tiền, đòi tiền chuộc; các thông tin sai trái, thù địch, gây chia rẽ xã hội được tuyên truyền, tán phát rộng rãi... trên mạng xã hội; tình trạng thu thập, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân tại Việt Nam chưa được kiểm soát.
Cùng với đó, Vietnam Airlines còn gặp phải hàng loạt thách thức khác trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng như: hệ thống mạng, CNTT có phạm vi rộng, nhiều hệ thống hosting ở nước ngoài; dữ liệu khách hàng của ngành hàng không rất lớn và phạm vi rộng; hệ thống tích hợp với nhiều hãng hàng không, nhà phân phối, nhà sản xuất...; nhận thức về ATTT còn yếu, đào tạo về ATTT chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực về ATTT thiếu, chi phí về an toàn thông tin cao; khó lựa chọn sản phẩm/dịch vụ ATTT phù hợp với doanh nghiệp...
Đại diện lãnh đạo Ban CNTT của Vietnam Airlines nhấn mạnh, hiện nay doanh nghiệp này đã triển khai đầy đủ các giải pháp để đảm bảo ATTT mạng, từ việc ban hành chính sách, quy trình, quy định theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam; cho đến việc triển khai các hệ thống phòng chống tấn công mạng và công tác đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên trong tổ chức mình.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức Vietnam Airlines gặp phải trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, trong trao đổi với báo chí bên lề sự kiện Vietnam Security Summit 2019, ông Nguyễn Nam Tiến cho hay, khó khăn lớn đầu tiên của Vietnam Airlines là về nhân lực ATTT: "Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi tiếp cận rất khó và rất khó tuyển nhân lực ATTT. Vì thế, chúng tôi mong muốn rằng nguồn nhân lực về ATTT sẽ được đào tạo nhiều hơn".
Bên cạnh đó, một khó khăn lớn nữa với công tác bảo vệ các hệ thống thông tin của Vietnam Airlines là chi phí dành cho ATTT. Trong điều kiện đội ngũ nhân lực ATTT còn thiếu, ông Tiến chia sẻ thêm, thời gian qua, Vietnam Airlines đã triển khai thuê ngoài dịch vụ ATTT để đảm bảo giám sát 24/7 hệ thống trực của doanh nghiệp mình.
"Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả của việc thuê ngoài dịch vụ này, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát, giám sát được hoạt động của các hệ thống, nhất là trong điều kiện chúng tôi đang khó khăn với việc tìm kiếm, tuyển dụng nhân lực ATTT chất lượng cao. Nếu tự đầu tư nguồn lực, để đảm bảo trực 24/7 cho các hệ thống, sẽ cần khoảng 12-15 nhân sự. Trong khi thuê bên ngoài, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể trực một lúc cho nhiều đơn vị, hỗ trợ lẫn nhau và kỹ năng họ tốt hơn nên có thể giảm được số lượng nhân sự trực xuống", ông Tiến nói.
Cho biết Vietnam Airlines không gặp khó khăn nào lớn khi triển khai thuê ngoài dịch vụ ATTT, song đại diện lãnh đạo Ban CNTT của Vietnam Airlines cũng cho rằng, việc đánh giá chất lượng dịch vụ của các đơn vị để lựa chọn thuê ngoài đang là vấn đề khó.
"Bởi vì, hiện nay các doanh nghiệp ATTT đều có các chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực; tuy nhiên để kiểm tra được việc họ rà quét các lỗ hổng bảo mật có đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, có đảm bảo an toàn cho đơn vị thuê hay không thì chúng tôi không kiểm chứng được, mà thường là phải thực hiện kiểm tra qua một doanh nghiệp khác. Như vậy, sẽ tốn thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp", ông Tiến lý giải.
Theo ICTNews
Facebook thừa nhận 'vô tình' tự ý tải lên danh bạ email của người dùng Sau hàng loạt những bê bối về bảo mật thông tin người dùng, mới đây Facebook vừa thừa nhận vô tình tải lên danh bạ email của người dùng. Facebook đã xác nhận rằng các thông tin danh bạ mà họ thu thập được từ email của khảng 1,5 triệu người dùng kể từ tháng 5/2016 đã "vô tình" được tải lên trang...