GS.TS Trần Văn Chứ: Mấu chốt phải kiểm soát được chất lượng đào tạo y và sư phạm
Ngành y và ngành sư phạm là hai ngành quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Phải có chính sách hỗ trợ để đảm bảo chất lượng đào tạo của hai nhóm ngành này.
Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp khi trao đổi về vấn đề giáo dục đại học hiện nay.
Theo GS. Trần Văn Chứ, chất lượng giáo dục ĐH là tổng hòa của nhiều yếu tố. Từ người thầy, người học, đến cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy. Đầu tiên, muốn chất lượng tốt thì đội ngũ giảng viên phải có chất lượng.
Chất lượng đội ngũ được thể hiện ở 3 yếu tố: tâm – đức – năng lực. Nhưng để đạt được điều này, phải đảm bảo được đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ giảng viên, đội ngũ phục vụ. Cha ông ta vẫn nói “có thực mới vực được đạo”.
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam
Trong bối cảnh thực tế, nhà nước chưa thể hỗ trợ được nguồn lực cho các trường, các trường công lập đang trả lương cho đội ngũ giảng viên theo quy định ngạch bậc, trong khi trường ngoài công lập được trả lương theo khối lượng công việc. Tuy vậy, vẫn có nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho giảng viên, điều này, GS. Trần Văn Chứ cho rằng phụ thuộc lớn vào sự năng động của từng trường.
Nhưng quan trọng hơn cả, đó là tạo ra môi trường giáo dục thông thoáng để đội ngũ nhà giáo phát triển tài năng, giảng viên cảm thấy hứng thú khi dạy học. “Vật chất có thể không bằng nhưng phải có được môi trường giáo dục thúc đẩy nhà giáo phát huy năng lực”, GS. Trần Văn Chứ nói.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, yếu tố người học cũng quyết định chất lượng nguồn nhân lực sau này. Đầu vào có tốt thì việc chuyển tải kiến thức của các trường đến người học sẽ hiệu quả hơn. Ngay từ bây giờ, GS.Trần Văn Chứ đề nghị Bộ GD&ĐT cũng cần cân nhắc khống chế chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ của các trường. Nên có chính sách để phân luồng một cách triệt để sau khi tốt nghiệp THPT để tránh lãng phí nguồn lực vật chất và thời gian của xã hội.
“Kiểm soát” được chất lượng sư phạm, y tế
GS. Trần Văn Chứ cũng cho hay ngành y và ngành sư phạm là hai ngành quan trọng nhất của mỗi đất nước. Phải có chính sách hỗ trợ hoặc đảm bảo chất lượng. Cần phải có chính sách, đầu tư nguồn lực để tạo điều kiện cho sinh viên học được thực hành tiếp cận trang thiết bị máy móc hiện đại, tiếp nhận được kiến thức chất lượng ngay từ đầu.
Nhà nước cần kiểm soát được chất lượng của 2 ngành này. Bởi vì, y tế là để đảm bảo sức khỏe cho con người, còn sư phạm, đó là bộ máy cái để đào tạo nên con người. Là người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH có trường phổ thông nên GS. Trần Văn Chứ hiểu rất rõ vấn đề này. Ông cho rằng chất lượng giáo dục phổ thông như thế nào của mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ sinh viên sư phạm ra trường.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm chưa đủ hấp dẫn để thu hút người giỏi vào học sư phạm. Vì vấn đề vị trí việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp của nhà giáo đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Tại sao giáo viên phải dạy thêm? Câu hỏi này không khó để trả lời. Sự cào bằng trong đánh giá giáo viên cũng đang là rào cản để các nhà giáo có tâm, có tầm phấn đấu. Bởi họ không có động lực khi những đánh giá giáo viên hiện nay không đi kèm với chính sách khuyến khích giáo viên giỏi phát huy năng lực của mình.
Đấu thầu trong đào tạo giáo viên nghe hay nhưng khó khả thi?
Bộ GD-ĐT đang có dự thảo văn bản về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, UBND các tỉnh sẽ xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương, đảm bảo phù hợp với kế hoạch sử dụng giáo viên sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục của địa phương và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc đặt hàng đào tạo hay đấu thầu giáo viên không giống với những hàng hóa thông thường. "Sản phẩm" của quá trình đào tạo này sẽ quyết định đến chất lượng nền giáo dục một quốc gia.
"Việc đấu thầu đào tạo giáo viên ban đầu nghe có thể rất hay, nhưng lại không mấy khả thi. Việc đấu thầu nếu được tiến hành, một số trường đào tạo giáo viên có thể ủng hộ vì sẽ có thêm thí sinh, nguồn thu. Về phía địa phương, nếu không công tâm, cũng có thể xảy ra tình trạng giao dịch ngầm, hứa hẹn lại quả để được trúng thầu.
Học sinh nhiều em chưa biết chọn ngành nào cũng có thể tặc lưỡi vào sư phạm vì được miễn học phí, lại được đảm bảo đầu ra. Nhưng thực tế học xong các em có về địa phương hay không lại là chuyện khác.
Như vậy, chính sách này sẽ thu hút được nhiều người vào sư phạm, nhưng liệu có thực sự chất lượng hay không, đầu ra của quá trình đào tạo chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu mà địa phương mong muốn", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lo ngại.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng việc đấu thầu trong đào tạo giáo viên là không khả thi. (Ảnh: KT)
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cần thấy được những tính chất đặc biệt trong đào tạo giáo viên, trong đó những giáo viên mầm non, tiểu học, THCS phải gắn chặt với nhu cầu và đặc điểm từng địa phương. Nên việc chọn một trường sư phạm bất kỳ để đấu thầu đào tạo giáo viên là không nên.
Thực tế, trước đây, mỗi địa phương đều có một hệ thống các trường cao đẳng sư phạm làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục mới nâng chuẩn trình độ giáo viên từ bậc tiểu học lên thành cử nhân. Do đó hệ thống các trường cao đẳng sư phạm tại các địa phương sẽ chỉ còn duy nhất nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất giải pháp rằng Bộ GD-ĐT cần có lộ trình, chính sách để nâng chuẩn các trường cao đẳng sư phạm địa phương thành các trường đại học sư phạm. Đây là những trường sẽ chịu trách nhiệm về đào tạo đội ngũ giáo viên cho chính địa phương đó.
"Khi đào tạo tại chỗ, những sinh viên này sau khi ra trường sẽ có sự gắn bó hơn với quê hương, địa phương mình. Giả sử nếu đấu thầu những trường đại học ở trung ương, sinh viên có quê ở Hà Nội sau khi học xong được cử về Lai Châu, Sơn La, hay một tỉnh miền núi nào đó công tác, thì liệu các em có muốn đi hay không. Nhiều người nếu đi cũng sẽ có tâm lý muốn nhanh chóng kết thúc thời hạn 3 năm để được trở về, như vậy chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ không đảm bảo. Chưa nói đến việc quê quán một nơi nhưng lại có thể phải công tác ở một nơi khác xa hơn gây khó khăn cho chính giáo viên", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc nâng chuẩn các trường cao đẳng sư phạm tại địa phương không chỉ giúp giải quyết bài toán về đào tạo giáo viên phục vụ nhu cầu tại chỗ, mà còn giúp nâng cao trình độ dân trí của chính địa phương đó, như vậy cùng lúc có thể đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
"Việc nâng chuẩn các trường sư phạm cần lộ trình cụ thể, song trước mắt có thể áp dụng mô hình "3 năm cộng 1", tức trong 3 năm đầu, việc đào tạo giáo viên giao cho các trường cao đẳng tại địa phương đã có nhiều kinh nghiệm, trong năm cuối, có thể gửi những sinh viên này đi đào tạo tại các trường ĐH Sư phạm ở Trung ương. Sau khi tốt nghiệp sẽ quay về địa phương để phục vụ công tác giảng dạy", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều rơi vào tình trạng thừa thiếu giáo viên theo từng giai đoạn, thời gian chênh nhau về nhu cầu giáo viên có khi chỉ từ 5-7 năm. Lý do là phần lớn giáo viên thuộc khu vực công lập, biên chế nhà nước, đến tuổi sẽ về hưu đồng loạt, hay mỗi giai đoạn thay sách giáo khoa, chương trình sẽ đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.
TS Nguyễn Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) (Ảnh: KT)
Hiện nay theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường sư phạm sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng sẵn hoặc đấu thầu để được đào tạo theo nhu cầu của các địa phương.
"Giải pháp đưa ra có vẻ hay, nhưng lại không thực sự khả thi. Bởi lẽ, các địa phương chịu trách nhiệm về quy mô, số lượng giáo viên, nhưng cũng cần chịu trách nhiệm về việc đào tạo, chất lượng giáo viên, không thể chỉ đẩy cho các trường ở trung ương.
Nếu muốn chịu trách nhiệm, địa phương cũng cần nâng cao vai trò của các trường sư phạm tại chính địa phương. Theo Luật Giáo dục, giáo viên từ Tiểu học trở lên phải có trình độ cử nhân, đáng ra phải có lộ trình nâng dần các trường từ cao đẳng ở địa phương lên các trường đại học.
Còn nếu làm như hướng của Bộ, các địa phương được quyền tự chủ trong quy mô tuyển sinh nhưng lại không chịu trách nhiệm với với chất lượng giáo viên mà phải dựa vào các trường trung ương. Điều này dẫn đến việc nhiều em học đại học tại các trường ĐH Sư phạm lớn nhưng sau khi học xong lại không muốn về các địa phương, thậm chí chấp nhận bồi hoàn lại học phí để có những cơ hội việc làm tốt hơn", TS Lê Viết Khuyến nói.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh rằng, việc đấu thầu đào tạo có thể áp dụng với những nhân lực mang tính đại trà, giáo viên là nguồn nhân lực đặc biệt, do đó không thể đặt ván đề đấu thầu mà cần tập trung đưa ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo./.
Đặt hàng đào tạo giáo viên: Chất lượng, minh bạch, đảm bảo cung - cầu Mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng trong công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa. Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, với ba đầu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng., Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết,...