GS Trần Ngọc Thêm: ‘Sách của GS Đại nên được thẩm định theo cách khác’
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chúng ta sẽ trở lại lối quản lý theo “ tư duy đồng phục” nếu đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải biên soạn giống nhau đến từng nội dung.
Trả lời phỏng vấn Zing.vn, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, đánh giá cao giá trị của bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Ông Thêm đề xuất Bộ GD&ĐT, cũng như Hội đồng thẩm định, nên thẩm định sách giáo khoa (SGK) của GS Hồ Ngọc Đại theo “chuẩn đầu ra của chương trình”.
Không nên chê trách hội đồng thẩm định
- Hội đồng thẩm định SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã đánh giá bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không đạt. Theo giáo sư, điều này có hợp lý không?
- Bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm 3 cuốn của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại không được thông qua ngay từ vòng đầu vừa hợp lý vừa có chỗ không hợp lý.
Hợp lý là vì Hội đồng thẩm định đã căn cứ nhiệm vụ được giao, kiểm định những bộ sách “ứng thí” soạn theo các chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ban hành đầu năm 2018.
Theo các chương trình này, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp của mỗi môn học ở mỗi lớp đều đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại ra đời từ năm 1978 và được hoàn thiện trong những năm tiếp theo. Dù có được các tác giả rà soát, bổ sung trước khi nộp thẩm định, nó vẫn là sách được biên soạn với những yêu cầu, nội dung, phương pháp khác (hoặc có chỗ khác). Vì vậy, việc ba cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định loại ngay từ vòng đầu là điều dễ hiểu.
Điều không hợp lý ở chỗ cả hai bên có lẽ đều đã dự đoán được trước việc này. Chính GS Đại nói ngay là ông không bất ngờ. Biết trước mà vẫn để nó xảy ra là đáng trách, vì đã làm mất thời gian của cả hai bên, lãng phí tiền của của nhân dân và điều hệ trọng hơn là đã gây nên những ồn ào, bất an, hoang mang không đáng có.
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng lẽ ra GS Đại không nên đem bộ sách của mình đi thẩm định. Ảnh: Minh Nhật.
- Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng 15 thành viên trong hội đồng thẩm định không có chuyên môn, năng lực tương ứng để đánh giá bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại. Chính GS Đại cũng đặt vấn đề “15 người thẩm định hơn hay gần một triệu học sinh hơn?”. Giáo sư nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng những ý kiến như vậy có phần chủ quan và cực đoan, dễ kéo theo những hiểu lầm và gây nên những thương tổn tinh thần không đáng có. Không thể đòi hỏi 15 thành viên trong hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt này ai cũng là những chuyên gia đầu ngành.
Theo khoản 2 điều 32 của Luật Giáo dục mới ban hành, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa gồm cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học… và phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Nhiệm vụ của hội đồng được lập ra cũng không phải để đánh giá bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại, mà lựa chọn những bộ sách đáp ứng yêu cầu mà chương trình môn học đặt ra. Với cách đặt vấn đề như thế, tôi cho rằng hội đồng thẩm định đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình và không có lý do gì chê trách họ cả.
Lẽ ra ngay từ đầu, dự đoán rằng sách sẽ không được thông qua, GS Đại không nên đưa đi thẩm định. Mặt khác, ban tổ chức cũng nên có cơ chế chọn lọc, phân loại ngay từ đầu. Cần đảm bảo rằng các sách nộp để thẩm định phải được biên soạn theo chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới, không nên tiếp nhận những bộ sách không biên soạn theo chương trình này vì đương nhiên chúng sẽ bị loại ra.
- Như vậy, ông cho rằng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại không phù hợp nội dung chương trình môn học của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?
Video đang HOT
- Đúng, tôi nghĩ đơn giản là nó không phù hợp. Con số gần 300 điểm mà hội đồng cho rằng cần phải sửa chữa ấy là để phù hợp chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới, chứ nó không phải cơ sở để phủ nhận giá trị của bộ sách.
Không nên bắt bộ sách đã “sống” 40 năm phải sửa 300 chỗ
- Vậy nên đánh giá thế nào về giá trị bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại?
- Ba cuốn sách đưa đi thẩm định của GS Hồ Ngọc Đại nằm trong bộ sách giáo khoa tiểu học từ lớp 1 đến lớn 4 của Chương trình thực nghiệm. Giá trị lớn nhất của bộ sách này, theo tôi, nằm ở chỗ nó đã chịu đựng được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian.
“Không nên đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải được biên soạn giống nhau đến từng nội dung, chi tiết. Nếu thẩm định theo cách như vậy, những bộ sách được thông qua của một môn học sẽ trở thành những biến thể của một bộ sách.”
GS Trần Ngọc Thêm
Thực tế, qua 40 năm, trong khi sách giáo khoa chính thống phải trải qua hai lần cải cách, thay sách vào năm 1981 và năm 2000, thì sách Công nghệ Giáo dục phải trải qua một lần thu hẹp phạm vi sử dụng và một lần đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Nhưng chỉ 5 năm sau mỗi đợt thay sách, khi hệ thống giáo dục chính thống gặp sự cố (hơn 1/3 học sinh lưu ban vào năm 1986 và nạn “ngồi nhầm lớp” diễn ra phổ biến vào năm 2006), sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được đưa trở lại “cứu nguy”. Sau mỗi lần trở lại, phạm vi sử dụng của sách được mở rộng ra.
Từ trường thực nghiệm, sách Công nghệ Giáo dục đi về các tỉnh thành; từ miền xuôi, sách đi lên miền núi, vùng xa phục vụ thành công cho học sinh các dân tộc thiểu số.
Giá trị quan trọng của bộ sách còn ở chỗ việc lựa chọn ở các địa phương là tự nguyện. Giáo viên dạy theo sách Công nghệ Giáo dục có thể phải bỏ công sức nghiên cứu gấp 3-4 lần so với sách thông thường như một số thành viên hội đồng thẩm định nhận xét. Bù lại, học sinh học theo sách Công nghệ Giáo dục không khó như nhiều người nghĩ (việc học sinh các dân tộc thiểu số cũng học được chính là minh chứng).
Thực tiễn giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy có thể là có những nội dung “vượt chương trình”, nhưng một khi thực hiện được triết lý giáo dục đem lại hạnh phúc, niềm vui cho học trò, một khi nhà trường không chạy theo thành tích, không cần thi đua, xếp hạng, chấm điểm, trẻ học thoải mái, không bị áp lực, các em hoàn toàn có thể tiếp thu những điều mà người lớn cho là khó một cách dễ dàng. Đó có lẽ chính là điều mà hệ thống trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại đã làm được trong những năm qua.
- Tính hiệu quả của bộ sách Công nghệ Giáo dục đã được chứng minh. Nếu lần này bộ sách không được duyệt và đưa vào giảng dạy, nó có thể “chết”. Theo ông, GS Hồ Ngọc Đại có nên sửa hay cần có cơ chế riêng cho bộ sách này?
- Giáo dục liên quan trực tiếp con người, trực tiếp đào tạo con người, nên cần đối xử rất cẩn trọng, không thể vội vàng. Sau nhiều lần cải cách giáo dục bất thành, lần này, chúng ta đang cố gắng làm một cách rất khoa học và bài bản.
Nhưng cố gắng là một chuyện, trên thực tế, việc thực hiện bao giờ cũng bị nhiều khó khăn chi phối. Không có con đường nào chỉ trải hoa hồng. Thực tế bao giờ cũng nhiều chông gai, chưa dám chắc rằng những bộ sách đang được biên soạn và thẩm định hiện nay sau 5 năm nữa có số phận ra sao. Do vậy, cần hết sức trân trọng, nâng niu những thành quả đã đạt được.
Thành quả của sách thực nghiệm giáo dục 40 năm qua không hề nhỏ. Từ trường Thực nghiệm Giảng Võ (Hà Nội) năm 1978, đến 2013, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục không còn là thực nghiệm mà đã trở thành phương án chính thức. Đến năm 2016, nó đã được 48 tỉnh thành lựa chọn, số học sinh học theo phương án này chiếm 1/3 tổng số học sinh cả nước.
Trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, mỗi đợt cải cách chỉ có một lần thẩm định (đợt này là thứ ba) thì sách Công nghệ Giáo dục đã qua hai lần thẩm định (năm 2006 và 2017) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển.
GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông sẽ không sửa bộ sách nếu chỉ để hội đồng thẩm định thông qua. Ảnh: Q.Q.
Vì vậy, không nên đánh đồng những bộ sách đang soạn mới hoàn toàn, được thẩm định lần đầu với bộ sách Công nghệ Giáo dục đã vượt qua nhiều thử thách, đang được gần một triệu học sinh sử dụng, cũng như nhận sự quan tâm của mấy triệu ông bà, cha mẹ.
Cũng không nên bắt bộ sách đã hoàn thiện trong 40 năm và thực nghiệm thành công phải sửa gần 300 chỗ, tức là phải làm lại hoàn toàn, phải “gọt chân cho vừa giày”. Làm việc đó có nghĩa những điểm mạnh mà bộ sách này đã đạt được sẽ bị xóa bỏ.
Thực hiện nguyên tắc “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, theo tôi, cần có cái nhìn mở, thoáng hơn đối với việc biên soạn và thẩm định sách giáo khoa.
Trong xu hướng quản lý coi trọng sản phẩm cuối cùng ở mọi lĩnh vực nói chung và quản lý theo chuẩn đầu ra trong lĩnh vực giáo dục (được khẳng định ở các điều 10, 12, 45 của Luật Giáo dục 2019), bộ sách giáo khoa đã vượt qua sự thử thách của thời gian, được thực nghiệm thành công như Công nghệ Giáo dục chính cần được thẩm định và quản lý theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chứ không nên đòi hỏi nó phải bám sát các nội dung cụ thể và ngữ liệu mang tính định hướng mà chương trình môn học yêu cầu.
Tương tự, chúng ta cũng không nên đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải được biên soạn giống nhau đến từng nội dung, chi tiết. Nếu thẩm định theo cách như vậy, những bộ sách được thông qua của một môn học sẽ trở thành những biến thể của một bộ sách. Chúng ta đã vô tình trở lại lối quản lý theo “tư duy đồng phục” đã lỗi thời. Lối quản lý này sẽ triệt tiêu mọi tính đa dạng, sáng tạo mà chúng ta đang kêu gọi các tác giả phải phát huy.
Theo Zing
Sách giáo khoa mới được thẩm định thế nào?
Việc bộ sách tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị loại bởi hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới khiến dư luận quan tâm sách giáo khoa mới đang được thẩm định thế nào, thành phần gồm những ai?
Bộ sách tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị hội đồng thẩm định SGK mới loại do "không đạt" - Ảnh: Ngọc Dương
Kết quả đánh giá của hội đồng là tiên quyết
Hội đồng thẩm định gồm những ai?
Hội đồng thẩm định thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT theo tinh thần của Thông tư 33 (về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK). Thông tư này có 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí về SGK.
Hội đồng sẽ thảo luận và xây dựng 40 minh chứng cần đạt để làm căn cứ thẩm định. Thành viên hội đồng thẩm định từng môn học là số lẻ, tối thiểu 7 người. Thành phần hội đồng cơ cấu gồm có GS đầu ngành về chuyên môn, có những GS đang công tác tại các trường đại học, am hiểu về nội dung, phương pháp và đặc biệt phải có ít nhất 1/3 giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó. Thành viên của hội đồng cũng đại diện các vùng miền, giúp SGK được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), nói: "Sách giáo khoa (SGK) là một tài liệu giáo dục cụ thể hóa chương trình mới. Kết quả thẩm định sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố trong tháng 10.2019, dựa trên đề xuất của hội đồng. Đánh giá của hội đồng là tiên quyết".
Ông Tài cũng thông tin: Hội đồng đọc độc lập bản thảo trong 15 ngày. Sau đó nghe tác giả SGK trình bày nội dung và quan điểm. Tiếp theo, hội đồng làm việc độc lập với bản thảo và họp phân tích, kết luận lần 1, với sự tham gia của tác giả. Có 3 mức đánh giá bản thảo là "đạt", "đạt nhưng phải sửa" và "không đạt". Những bản thảo được đánh giá là đạt nhưng phải sửa, tác giả có 1 tháng để sửa và thẩm định vòng 2 (trình tự giống như vòng 1). Sách được đánh giá không đạt, tác giả và các nhà xuất bản có thể chỉnh sửa để đề nghị thẩm định lại từ đầu.
Đánh giá chung sau vòng 1, ông Tài cho rằng các tác giả rất tâm huyết, nhiều bản thảo biên soạn công phu. "Quan điểm của Bộ là việc thẩm định phải công bằng, minh bạch. Chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức nào về kết luận sau vòng 1 của hội đồng thẩm định", ông Tài cho biết.
Sau vòng 1, không có bản thảo nào "đạt" ngay, ngoài một số "không đạt", hầu hết bản thảo "đạt nhưng cần sửa chữa".
Hội đồng thẩm định "có vấn đề"?
Theo thông tin của hội đồng thẩm định, hội đồng "loại" sách tiếng Việt 1 và sách toán công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vì lý do sách đó chỉ phù hợp với chương trình hiện hành chứ không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lý do này cho thấy tư duy về chương trình và SGK của hội đồng thẩm định môn tiếng Việt lớp 1 là... có vấn đề. Bởi trong giáo dục phổ thông, dù chương trình nào và của nước nào đi chăng nữa thì cũng đều chung một cái lõi kiến thức và mục tiêu giáo dục. Vì thế, sẽ có những cuốn sách trở thành kinh điển, phù hợp với bất kỳ chương trình nào, khi mà trong xã hội vẫn tồn tại đối tượng học sinh mà cuốn sách đó muốn tiếp cận.
Đồng tình với nhận xét trên, PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nói: "Chương trình mới so với chương trình hiện hành có khác biệt, nhưng cơ bản không có gì ngược lại với nhau. Đối với sách tiểu học, nếu chúng ta đủ cởi mở thì lấy sách Singapore, sách Hàn Quốc về điều chỉnh, sắp xếp lại thì cũng sẽ đạt được yêu cầu của chương trình toán".
Một tác giả tham gia viết SGK toán cũng cho biết ông bức xúc về cách Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định như hiện nay, mà theo ông là "có vấn đề", cụ thể là hội đồng môn toán. Trong số những người tham gia hội đồng thẩm định môn toán thì không có bất kỳ ai là người tham gia xây dựng chương trình. Vì thế, họ cũng chỉ là những người có tư cách giống như các tác giả, tức là họ sẽ hiểu chương trình theo cách chủ quan của mình, nên khi đánh giá sự phù hợp của sách đối với chương trình cũng sẽ đánh giá theo nhận thức chủ quan, không thật sự đúng đắn.
TS Nguyễn Huy Đoan, một tác giả tham gia viết sách, cho rằng những người chủ chốt trong nhóm tác giả xây dựng chương trình cũng nên là những người chủ chốt trong hội đồng thẩm định vì họ nắm rõ chương trình. Ngoài ra, trong hội đồng thẩm định cần có thêm các nhà khoa học chuyên sâu về chuyên môn và phương pháp dạy học, những giáo viên đứng lớp của cấp học. Hội đồng thẩm định phải chọn được những người công tâm, tránh thiên kiến. "Còn làm thế nào để chọn được những người công tâm, không thiên kiến, thì đó là việc của Bộ GD-ĐT. Dù việc này không dễ dàng, nhưng tôi cho là Bộ phải nắm được không chỉ trình độ khoa học mà còn cả đặc điểm con người của những người mà Bộ mời tham gia hội đồng thẩm định", TS Đoan đề xuất.
Còn PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng chủ trương một chương trình nhiều SGK sẽ cho phép chúng ta có được những bộ sách phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khác nhau. Vì thế, khi thẩm định một bản thảo SGK, việc đánh giá phần thực nghiệm rất quan trọng. Như sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ chẳng hạn, có thể rất hiệu quả cho một đối tượng học sinh các tỉnh xa, còn đưa về dạy cho học sinh thành phố thì không phù hợp. "Cần phải xoáy sâu vào minh chứng, nếu không tạo ra tiền lệ. Muốn có tự do học thuật thì khi anh bác bỏ một cái gì đó có căn cứ không, căn cứ có thuyết phục không!", PGS Chu Cẩm Thơ đặt vấn đề.
Trước câu hỏi giá trị đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn của một bộ SGK có được coi là một yếu tố cần xem xét trong quá trình thẩm định hay không, ông Thái Văn Tài cho hay: "Theo quy định thì hồ sơ thẩm định SGK đã bắt buộc phải có hồ sơ thực nghiệm bộ sách ấy trên thực tế, kèm theo thuyết trình của tác giả về quan điểm khi biên soạn SGK".
Ý kiến
Không có sự phân biệt nào cả !
Chúng tôi làm đúng nhiệm vụ của mình, thẩm định theo quy định mà Thông tư 33 đã ban hành, những cuốn sách nào không đạt về nội dung, về phương pháp thì chúng tôi đánh giá là "không đạt". Ở đây không có sự phân biệt nào cả! Đạt hay không đạt thể hiện ở một loạt các tiêu chí, chúng tôi dựa vào hệ thống tiêu chí ấy để đánh giá. Hội đồng của chúng tôi có 5 giáo viên dạy tiếng Việt tiểu học, có trưởng phòng giáo dục tiểu học của một tỉnh rất lớn, có hiệu trưởng trường tiểu học.
GS Trần Đình Sử (Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1)
Phải viết đúng và đủ nội dung chương trình
Hội đồng toán gồm 13 người, trong đó có 5 giáo viên dạy lớp 1 ở địa phương. Môn toán tôi đang thẩm định 6 bản thảo SGK toán lớp 1. Cả 13 người phải làm theo cách là mở từng trang của mỗi bản thảo góp ý lần lượt cho 1.200 trang. Cách làm việc rất tỉ mỉ, theo đúng các quy tắc. Trong 4 điều, 13 tiêu chí thì có những điều cực kỳ quan trọng mà một số bản thảo không đạt là vì vi phạm các tiêu chí đó. Phải viết đúng và đủ nội dung chương trình. Một điều nữa là đối tượng học sinh lớp 1, vào trường chưa biết chữ nên phải cực kỳ cân nhắc, đó là một đặc điểm mà tác giả viết SGK và người thẩm định phải tính đến, làm thế nào để học sinh học được mà học hứng thú. Tôi làm thẩm định nhiều thì thấy kỳ này là kỳ làm việc vất vả nhất vì yêu cầu rất chi tiết và chặt chẽ.
PGS Trần Kiều (Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK toán lớp 1)
Tuệ Nguyễn (ghi)
Theo Thanh niên
Tiếp tục câu chuyện sách giáo khoa chương trình mới: Thẩm định chặt chẽ, công phu? Việc bộ sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên bị Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK chấm không đạt từ vòng đầu, được dư luận rất quan tâm. Xung quanh việc này, cũng như vấn đề sách giáo khoa chương trình mới nói chung còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy...