Góp ý của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về học môn Lịch sử trong chương trình GDPT mới
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã thiết kế theo hướng học phân hóa ở trung học phổ thông.
Việc đó là đúng hướng, như Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ ra.
LTS: Việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 vẫn đang là tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết cùng độc giả.
Về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông, tôi xin góp mấy ý kiến sau đây:
Thứ nhất, việc học lịch sử, nhất là đối với lịch sử dân tộc, là quan trọng và cần thiết, để có kiến thức, xây dựng nhận thức, nhân cách và phương pháp tư duy; cần học ở các cấp phổ thông và đại học, trong trường, ngoài trường, và cả đời, với các phương thức khác nhau.
Thứ hai, đến hết lớp 9, tức là kết thúc trung học cơ sở, cần hoàn thành việc dạy và học những kiến thức và phương pháp tư duy phổ thông cơ bản đồng loạt cho tất cả học sinh đối với tất cả các thời kỳ lịch sử của dân tộc từ xa xưa đến ngày nay. Tinh thần này đã thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sang trung học phổ thông (từ lớp 10 trở lên) có việc củng cố phần đã học trước đó nhưng chủ yếu là học nâng cao, mở rộng, có phân hóa theo định hướng nghề nghiệp (phân ngành, phân ban). Tùy theo môn học, mà phân ban này học nhiều hơn, phân ban kia học ít hơn, có bắt buộc và có tự chọn, chứ không phải tất cả đều học chung một chương trình như nhau.
Video đang HOT
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh:GDVN)
Thứ ba, trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã thiết kế theo hướng học phân hóa ở trung học phổ thông. Việc đó là đúng hướng, như Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra. Đó là sự tiến bộ, cần được khẳng định, và không nên quay lại học bắt buộc đối với tất cả học sinh một chương trình đồng loạt giống nhau như trước đây.
Việc còn lại là cần lắng nghe các góp ý, cầu thị để tiếp thu, hoàn thiện chương trình, nhằm có phương án học phân hóa sao cho tốt nhất có thể. Đó cũng là định hướng xử lý tình hình tư tưởng và công việc hiện nay về môn học Lịch sử.
Thứ tư, theo ý kiến của tôi, 3 môn học rất cơ bản cần thiết cho học sinh trung học phổ thông ở tất cả các phân ban là Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Các môn này không chỉ là yêu cầu về kiến thức mà hơn nữa còn là xây dựng con người, ý thức, nhân cách và phương pháp tư duy (đó là chưa kể 2 môn công cụ là Ngoại ngữ và Tin học).
Nhưng 3 môn cơ bản này không phải học đồng loạt giống nhau một chương trình đối với tất cả học sinh, mà học nhiều hơn và ít hơn theo các phân ban gắn với định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, định hướng cho lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn thì học Ngữ văn và Lịch sử nhiều hơn, học Toán ít hơn, còn lĩnh vực Khoa học tự nhiên, kỹ thuật thì học Toán nhiều hơn và Ngữ văn, Lịch sử ít hơn.
Thứ năm, khi điều chỉnh một môn trong chương trình thì sẽ dẫn đến nhiều môn khác, kể cả lớp trên lớp dưới nữa, cũng phải điều chỉnh theo trong một tổng thể vì chúng có quan hệ với nhau về thời lượng và nội dung. Vì vậy phải có thời gian nhất định. Cần giao cho một hội đồng để nghiên cứu điều chỉnh phù hợp.
Trong khi chưa điều chỉnh kịp thì có thể sử dụng phương pháp bổ cứu tạm thời theo kiểu chương trình ngoại khóa. Vì thời gian chỉ còn vài ba tháng nữa là đến năm học mới, chưa biết có khả năng điều chỉnh kịp không mà năm học thì không thể lùi lại, làm vội không khoa học thì dễ bị rối thêm.
Bộ GD&ĐT giải thích về sự sắp xếp môn Lịch sử trong Chương trình mới
Trước nhiều ý kiến xung quanh Lịch sử là môn lựa chọn trong chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT khẳng định: Chương trình mới đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT...
Giai đoạn giáo dục cơ bản (9 năm): Lịch sử là môn bắt buộc
Ở cấp tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 3), nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với với Chương trình GDPT 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.
Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục cơ bản
Chương trình môn Lịch sử và Địa lí không thay đổi về thời lượng so với Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Ở cấp học THCS, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp THCS trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Nếu tính riêng phân môn Lịch sử thì chương trình không thay đổi về thời lượng so với môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, nội dung giáo dục lịch sử, ngoài việc được thực hiện trong phân môn Lịch sử còn được tích hợp một cách phù hợp trong các bài học thuộc phân môn Địa lí trong cùng môn Lịch sử và Địa lí; bảo đảm liên thông với chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học và chương trình môn Lịch sử, chương trình môn Địa lí cấp trung học phổ thông; thống nhất, kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), Giáo dục công dân (ở cấp THCS), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12): Lịch sử là môn lựa chọn
Ở cấp THPT, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lí, Kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học . Môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.
Nội dung giáo dục lịch sử còn được lồng ghép trong nhiều môn học
Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại. Chương trình môn Lịch sử cấp THPT (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình GDPT 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.
Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp THPT, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Với cách tổ chức biên soạn, kết cấu các môn học, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục nội dung Lịch sử, ngoài tổng giờ được học nội dung giáo dục lịch sử trong các môn được gia tăng, nội dung giáo dục lịch sử còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học khác một cách phong phú, thực tiễn, đa dạng và toàn diện hơn. Học sinh học theo chương trình mới được học nhiều hơn và sâu hơn theo phương pháp mới.
Bộ GD&ĐT khẳng định: Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới ở cấp THPT. Trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử; tiếp tục tăng cường tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình GDPT 2018, nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình. Bộ luôn lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...
Nếu Lịch sử là môn học bắt buộc, chương trình cần điều chỉnh những gì? Nếu lịch sử là môn bắt buộc ở trung học phổ thông thì không cần phải thay đổi môn Lịch sử ở các cấp. Năm học 2022-2023 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 được lựa chọn 5 môn học lựa chọn, trong đó có môn Lịch sử. Thế nhưng, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục...