Gọn nhà với thiết kế ‘giấu đồ’
Sở hữu một không gian sống đầy đủ tiện nghi luôn là điều mà ai cũng mơ ước.
Tuy nhiên, với xu hướng nhà ở mini, nhà lô phố hẹp ngang diện tích có hạn thì việc thiết kế không gian sao cho hợp lý và tối ưu nhất được mọi người đặc biệt quan tâm.
Sử dụng nội thất thông minh ‘giấu đồ’ là một giải pháp hiệu quả, vừa có đầy đủ công năng, vừa tiết kiệm không gian, vừa mang lại cảm giác gọn gàng, ngăn nắp cho căn nhà của bạn.
Phòng bếp với hệ thống tủ kín tạo cảm giác gọn gàng, sạch sẽ. Ảnh: Nhà của tui
Xu hướng thiết kế nội thất “giấu đồ” không còn quá xa lạ với nhiều gia đình, đặc biệt là trong kiến trúc hiện đại. Từ phòng khách, phòng ngủ cho đến phòng bếp đều có thể áp dụng “nghệ thuật giấu đồ” để tạo nên không gian ngăn nắp, mang đến cảm giác thoải mái cho gia đình. Ngoài ra, gia chủ cũng hạn chế tốn nhiều thời gian, công sức để sắp xếp, dọn dẹp đồ dùng trong gia đình một cách thường xuyên. Hơn nữa, sử dụng nội thất thông minh đa chức năng cũng giúp tiết kiệm được khoảng không gian đáng kể cho các thành viên vui chơi, sinh hoạt. Chính vì có nhiều ưu điểm lớn, rất phù hợp với đa số căn nhà có diện tích vừa và nhỏ nên đã có rất nhiều gia đình lựa chọn những thiết kế nội thất thông minh cho không gian sống của mình.
Có dịp ghé thăm căn nhà của chị Phạm Thị Thu Hằng, phường Kim Long, tôi vô cùng ấn tượng với ngôi nhà nhỏ vô cùng tối giản, nhưng vẫn đầy đủ công năng của chị. Khu vực phòng khách thay vì sử dụng ghế sofa như thông thường thì gia đình chị Hằng lựa chọn thay thế bằng bàn trà ngồi bệt tích hợp tủ đựng đồ bên dưới, vừa nâng cao độ tạo điểm nhấn, vừa có thể tận dùng khoảng không gian bên dưới làm các tủ cất giấu đồ đạc một cách gọn gàng. Tủ bếp với hệ tủ kịch trần chữ I với nhiều ngăn tủ có thể đựng hết đồ đạc. Thiết kế tủ bếp có ngăn dành riêng cho lò nướng, lò vi sóng tích hợp ngăn nắp.
Chia sẻ về lý do lựa chọn sử dụng những thiết kế thông minh và tối giản trong căn nhà của mình, chị Hằng cho biết: “Bản thân mình rất khó chịu khi nhìn thấy đồ đạc để lộn xộn, lung tung. Trước đây mình phải mất rất nhiều thời gian để sắp xếp đồ đạc trong nhà vì đồ dùng để trên bàn, trên kệ bày ra quá nhiều, dễ rơi rớt và thất lạc. Sau này, mình ưu tiên chỉ sử dụng những đồ cần thiết, bỏ đi những đồ trang trí rườm rà, thay vào đó là sử dụng các kệ tủ treo tường, tủ đóng kín tích hợp với bàn tiếp khách… để cất gọn đồ chơi của con và những đồ đạc cần thiết khác trong gia đình. Nhờ đó mà không gian cũng sạch sẽ và không còn bừa bộn nữa. Mình cũng thấy những đồ nội thất thông minh này rất tiện lợi. Ví dụ như bàn trà tiếp khách này, khi không sử dụng thì mình sẽ gập xuống, tạo ngay không gian phẳng cho con cái mình có thể nằm vui chơi ở đây”.
Những thiết kế tối giản không gian, sử dụng nội thất thông minh, đa năng bằng phương pháp “giấu đồ” này mang lại nhiều tiện lợi cho gia đình nhưng cũng vì thế mà dễ khiến không gian trở nên đơn điệu. Vì vậy cần có những giải pháp khác kết hợp để tạo sự hài hòa nhưng vẫn đem lại điểm nhấn trong không gian gia đình. Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Nghi Minh Hiếu (phường Phú Nhuận, TP. Huế), cần phải chọn chất liệu, gam màu nội thất phù hợp với màu sơn tường và nền sàn để tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
“Hiện nay có rất nhiều thiết kế nội thất thông minh được nhiều người lựa chọn sử dụng có thể kể đến như: giường ngủ, ghế sofa kết hợp tủ đồ, bàn gập, tủ bếp tích hợp… Và đôi khi ngăn nắp, gọn gàng quá cũng mang lại sự nhàm chán, vì vậy cần phối màu sắc cho nội thất và căn nhà để có sự hài hòa và nổi bật. Thông thường người ta thường phối từ 2 đến 3 màu sắc với nhau để tránh sự đơn điệu. Ví dụ như màu tường be ấm kết hợp với nền gỗ nâu đậm, lựa chọn nội thất chất liệu gỗ nhưng nhạt hơn. Ngoài ra có thể sử dụng những vật liệu vải để tăng sự mềm mại, nhẹ nhàng. Một phương pháp cũng rất hiệu quả nữa là sử dụng đèn led chạy dọc trên các hệ tủ như một hình thức trang trí nổi bật, vừa mang chức năng chiếu sáng, vừa tạo điểm nhấn cho không gian”, KTS Lê Nghi Minh Hiếu phân tích.
Hàng xóm làm tôi sốc với 6 thiết kế giấu đồ quá tài tình: Thay đổi suy nghĩ khiến nhà gọn gàng hơn
Thay đổi các quan điểm decor kiểu cũ, hàng xóm của tôi có ngay căn nhà gọn đẹp mà tôi mơ ước bấy lâu.
Bấy lâu nay muốn decor nhà sao cho vừa tiện nghi, vừa tiết kiệm diện tích nhưng mãi không thành, nhà tôi vẫn cứ bị bừa bộn, chật chội. Đến khi sang nhà hàng xóm tôi mới thực sự được mở mang tầm mắt với những thiết kế giấu đồ quá tuyệt vời khiến tôi phải nể.
1. Máy giặt giấu trong tủ
Video đang HOT
Nhà tôi từng để máy giặt ở góc bếp, rồi đến ban công. Giặt xong có thể nhân tiện phơi luôn, sạch sẽ mà khô ráo. Song, đâu đó vẫn khiến không gian trở nên chật chội và dễ tích bụi bẩn.
Cho đến khi thấy nhà hàng xóm cất máy giặt trong tủ tôi mới thấy tài tình. Thiết kế này vừa lạ vừa gọn, khi đóng cửa tủ lại có thể giảm tiếng ồn. Mà nếu sợ bí, không muốn lắp cửa tủ thay bằng 1 tấm rèm che cũng rất đẹp.
Chiếc tủ chứa mày giặt này có thể đặt ở ban công hoặc bất cứ đâu, tích hợp chứa thêm nhiều đồ đạc khác nữa. Tôi phải học hỏi ngay.
2. Bàn làm việc có bệ cửa sổ lồi
Nhiều gia đình thường đập bỏ phần bệ cửa sổ lồi vì nghĩ như vậy sẽ khiến không gian rộng và thoáng hơn. Hãy thử thiết kế 1 chiếc bàn làm việc, bàn trà hoặc đọc sách ngay vị trí này, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Đầu tiên, hàng xóm của tôi thiết kế một kệ tủ có ngăn kéo, ngăn kéo này được dùng làm bàn luôn, khi không dùng thì đẩy vào gọn gàng. Ở bệ cửa khác, họ trải 1 tấm đệm êm lên, vậy là có thể ngồi lên "chill" rồi.
3. Kệ đầu giường giấu trong tủ
Kệ hay tủ đầu giường cũng là món đồ cần thiết trong phòng ngủ. Nhưng nếu phòng ngủ nhỏ thì không có chỗ để kê hoặc rất chật chội, chưa kể là có thể vướng víu khi mở tủ quần áo, đi lại...
Vậy nên nhà hàng xóm "hô biến" tủ quần áo có thêm 1 chiếc kệ kéo thay thế cho tủ đầu giường. So với tủ truyền thống thì chức năng vẫn đảm bảo, lại tiết kiệm không gian, khi không dùng thì có thể đóng lại nên cũng tránh được nhiều vấn đề trong sinh hoạt.
4. Tủ "vô hình" sau cánh cửa
Phần không gian sau mỗi cánh cửa tưởng rất nhỏ nhưng thực tế cũng có thể tận dụng để "chèn" thêm 1 chiếc tủ chứa được kha khá đồ. Thông thường, vị trí này sẽ thừa khoảng 10-15cm, vẫn đủ để tạo 1 thiết kế vô hình.
Bạn có thể lắp hẳn 1 chiếc tủ gắn tường, hoặc đơn giản hơn là lắp những thanh ngang lên tường làm kệ đựng đồ. Nơi này có thể dùng để đựng khăn giấy, mỹ phẩm, vài món đồ gia dụng nhỏ...
5. Bàn trang điểm "vô hình"
Chắc hẳn nhiều người vẫn thích đặt 1 chiếc bàn trang điểm hoàn thiện trong phòng ngủ hoặc sử dụng bồn rửa mặt trong phòng tắm để trang điểm.
Thế nhưng nếu nhà không to, chúng ta có thể tạo ra một bàn trang điểm "vô hình" để tiết kiệm diện tích mà cũng đỡ phải dọn dẹp nhiều. Bạn có thể tận dụng 1 - 2 ngăn tủ ở cạnh cửa sổ hay bất cứ đâu để đựng đồ make up, lắp luôn gương soi vào cửa.
So với bàn trang điểm truyền thống thì cách này vẫn đảm bảo chức năng mà còn tránh trường hợp bày bừa, nếu đống mỹ phẩm lộn xộn quá thì chỉ cần đóng cửa tủ là xong.
6. Hộp giấy "vô hình"
Khăn giấy được sử dụng rất thường xuyên nhưng nếu đặt từng bịch trong phòng tắm, nhà bếp... thì rất dễ dính nước ướt, bẩn.
Hàng xóm của tôi đã tạo các lỗ hình chữ nhật ở tủ gương, tủ treo tường để đặt khăn giấy vào. Kích thước lỗ khoét khoảng 20cmx16cm, có thể nhờ thợ hoặc tự làm rồi úp ngược hộp khăn giấy vào là sạch sẽ, tiện lợi liền.
Không giỏi cất giữ, làm sao để nhà cửa luôn gọn gàng? Có 1 sự thật như thế này, dù bạn có cố gắng tự mình sắp xếp mọi việc đến đâu, điều này cũng không mang lại hiệu quả như khi cả gia đình bạn cùng nhau thực hiện. Tuy vậy, việc bạn cần làm lúc này vẫn là tìm ra "chìa khóa" giải quyết vấn đề - chính là cách thức dọn dẹp...