Gỏi nhệch chấm cơm mẻ ăn no còn thèm
Đĩa mồi gồm từng miếng thịt con nhệch đặc trong lớp áo thính cùng sả, riềng, lá chanh xắt mỏng, món ngon ở Kim Sơn, Ninh Bình, tên nghe lạ hoắc trong danh sách cá mú lai rai đất phương Nam.
Gỏi nhệch đã sẵn, nhưng để thăng hoa, phải thêm công đoạn trang điểm bằng một đĩa rau đủ vị: lá mơ lông, lá sung, đinh lăng, ngò ôm, ngò gai, dấp cá, tía tô, kinh giới, rau răm… – Ảnh: Nguyễn Đình
Quán nhệch ở Kim Sơn giản đơn với vài manh chiếu, bàn trà thuốc án ngữ trước cửa để khách khề khà vài bi thuốc lào hoặc tợp ngụm trà xanh trong khi đợi gia chủ bày binh bố trận món nhệch.
Cá nhệch sống vùng nước lợ ở khu vực cửa biển trải dài từ Thanh Hóa vào Ninh Bình, thế nên dung nhan của nhệch dường như là sự kết hợp của mình lươn – đầu chình.
Ngư dân dùng đó đơm đánh bắt nhệch chui lủi trong các hang hốc vùng đầm lầy, đem về chế biến các món ăn dân dã như chiên, kho, nấu chua, om chuối… Nhưng món “hoàng kim” nhất của nhệch phải là gỏi.
Dung nhan của nhệch dường như là sự kết hợp của mình lươn – đầu chình – Ảnh: Nguyễn Đình
Nhệch trơn nhẫy, chao vuốt qua lớp nước tro để sạch nhớt, lột da, tách thớ thịt chạy dọc theo xương sống thành từng đoạn ngắn độ hai đốt ngón tay, xử lý cho miếng nhệch khô ráo rồi trộn ngay vào tô thính nếp rang thơm lựng để “khóa” độ ngọt của vị thịt không bị phôi phai ra ngoài.
Trộn kèm nhệch, thính vào cùng riềng giã nhỏ, sả cây xắt lát, lá chanh thái chỉ, món mồi chính gỏi nhệch sẵn sàng.
Đĩa gỏi chỉ mới là phần xác, cái tinh túy tạo nên phần hồn của gỏi nhệch chính là chén chẻo – còn gọi là mẻ (miền Nam gọi là cơm mẻ), trong đó là hỗn hợp gồm xương nhệch xay nhuyễn, kết hợp cùng đủ thứ gia vị bí truyền, vị chua dịu, thoảng men rượu của dấm bỗng, cay thanh của tiêu, ớt, sả, béo ngậy của thịt, bùi của đậu phộng, mè…
Chẻo được nấu cho đến cô đặc, quánh lại là đạt chuẩn, đặt bên đĩa gỏi nhệch trong cái mâm nhôm cong cong vẹo vẹo, thượng lên chiếu hoa nơi khách đang ngồi ứa vị giác vì chờ đợi.
Video đang HOT
Gỏi nhệch đã sẵn, nhưng để thăng hoa, phải thêm công đoạn trang điểm bằng một đĩa rau đủ vị nghe như bốc thang thuốc Nam: lá mơ lông, lá sung, đinh lăng, ngò ôm, ngò gai, dấp cá, tía tô, kinh giới, rau răm…
Gỏi nhệch ăn kèm với chẻo- nước mẻ kho với nhiều gia vị mới thành cặp hoàn hảo – Ảnh: Nguyễn Đình
Đĩa quả sung để mộc, khế chua chuối chát, gừng riềng xắt lát, hành tím, ớt xắt khoanh, nhúm muối hột trắng tươi cùng cái bánh đa nướng giòn và vài chung rượu đưa cay.
Chọn lá sung già to bản, vẹo thành hình phễu ước vừa miệng rồi thượng lên đó đủ loại rau, gia vị, miếng cá nhệch trộn thính ỏn ẻn cho vào phễu, chế miếng chẻo dẻo quẹo trong tô lên trên cùng.
A lê hấp một phát ăn ngay, nhai thật kỹ không phải để no lâu, mà là để cảm nghiệm rằng mỗi chữ “nhệch” mà ra đủ ngọt bùi, chua cay, đắng chát. Nhai đến dẻo miệng mà mắt vẫn thèm, cho đến khi đĩa gỏi sạch trơn, lấy miếng bánh tráng quét qua tô chẻo còn sót lại vài muỗng, chưa đứng lên khỏi chiếu xoa bụng đã mơ màng hẹn ngày… tái ngộ.
Nguyễn Đình
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
[Chế biến] - Cà pháo muối xổi
Thỉnh thoảng chị em hãy thêm món cà pháo muối xổi này vào thực đơn để bữa cơm thêm hấp dẫn nhé!
Nguyên liệu:
- Cà pháo: 300 gr
- Riềng: 1 miếng cỡ ngón tay cái
- Tỏi: 1 củ
- Ớt: 1 quả
- Chanh: 2 quả
- Đường: 1 thìa ăn cơm
- Mắm: 1 thìa ăn cơm
- Muối
Thực hiện:
Bước 1: Cà rửa sạch, cắt bỏ cuống, sau đó cắt thành lát (quả to thì cắt làm 3, 4 còn quả nhỏ cắt đôi). Ngâm cà trong nước đun sôi để nguội có pha muối loãng trong vòng 1 tiếng (cứ 15 - 20 phút thay nước muối loãng 1 lần để cà ra nhựa).
Bước 2: Riềng rửa sạch, thái lát mỏng. Tỏi bóc bỏ vỏ thái lát. Ớt cũng thái lát.
Bước 3: Vớt cà ra, bóp cà với 1 thìa cà phê muối và nước cốt của 1 quả chanh. Bóp đều trong khoảng 2, 3 phút, sau đó rửa lại với nước đun sôi để nguội cho bớt mặn rồi để ráo bớt nước.
Bước 4: Cho vào bát cà 1 thìa đường và nước cốt của 1/2 quả chanh (có thể hơn nếu bạn thích ăn chua), trộn đều.
Bước 5: Tiếp tục thêm vào bát cà 1 thìa mắm, trộn đều. Nếm xem cà đã đủ độ chua mặn ngọt vừa miệng chưa để gia giảm thêm.
Bước 6: Cuối cùng là cho đến riềng, ớt, tỏi vào trộn đều. Dùng màng bọc thực phẩm bọc bát cà lại (để cho cà khỏi thâm đen). Cà pháo muối xổi 30 phút - 1 tiếng có thể ăn được. Nếu chưa ăn ngay, bạn có thể cho cà vào ngăn mát tủ lạnh để cà được giòn. Thi thoảng xóc đều để cà ngấm gia vị.
Nếu nhà có sẵn dứa thì cho thêm vào bát cà vài lát dứa ướp cùng cho thơm nhé!
Chúc bạn thành công và ngon miệng với cà pháo muối xổi chua giòn nhé!
Theo Eva
Hấp dẫn cá trê đồng nấu chuối Nếu như cá trê và chuối là nguyên liệu chính, thì riềng và mẻ là hai loại gia vị chủ đạo làm cho món ăn đậm chất Bắc này dậy mùi đặc trưng. Mẻ thường được làm từ cơm nguội lên men bằng con mẻ, sau này người ta còn có thể làm mẻ bằng sữa chua. Người Bắc hay dùng cá trê...