Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Lao động tự do mừng vì được Chính phủ trợ giúp
Rất nhiều người lao động tự do mong muốn gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sẽ được Chính phủ sớm triển khai, tiến hành chi trả nhằm giúp vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trước đại dịch Covid-19 vào hôm 1/7. Tổng trị giá gói hỗ trợ vào khoảng 26.000 tỷ đồng.
Chính sách kịp thời
Ngay khi thông tin mới được công bố, nhiều người dân ở Hà Nội, đặc biệt là những người lao động tự do rất phấn khởi trước thông tin về gói hỗ trợ này.
Làm nghề lái xe ba gác gần 10 năm, ông Ngô Doãn Lực (69 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết: “Tôi là thương binh nên mỗi tháng được hỗ trợ gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đi làm thêm để đủ tiền trang trải cho cuộc sống, nhưng có hôm không chạy được cuốc nào vì Covid-19″.
Ông Ngô Doãn Lực gặp khó khăn vì không có khách thuê chở đồ trong mùa dịch Covid-19.
Theo ông Ngô Doãn Lực, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ vào thời điểm này là hợp lý. Vì dịch Covid-19 đã có những tác động lớn tới đời sống của nhóm người lao động tự do.
Tuy nhiên, ông băn khoăn vì không biết chính xác khi nào mới được nhận trợ cấp và thủ tục để khai báo hay phải chờ chính quyền địa phương xét duyệt.
Cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, quán ăn của bà Nguyễn Thị Lượng (54 tuổi, trú tại Hà Nội) tại quận Cầu Giấy phải đóng cửa hơn 2 tuần để ủng hộ quy định phòng chống dịch của thành phố.
Bà Nguyễn Thị Lượng mong muốn Chính phủ sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ.
“Tôi cũng có nghe qua thông tin những hàng ăn phải đóng cửa trong đợt dịch vừa rồi sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng. Tuy số tiền không quá lớn nhưng cũng là sự chia sẻ, quan tâm của Nhà nước. Chúng tôi thực sự rất đánh giá cao điều đó”, chủ quán ăn tâm sự.
Video đang HOT
Với bà Nguyễn Thị Lượng, thời điểm hiện tại, những người buôn bán, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Bà mong muốn Chính phủ sẽ triển khai nhanh gói hỗ trợ vì đây là điểm tựa để người dân vượt qua đại dịch.
Mong tránh những tiêu cực
Cùng khó khăn trong mùa Covid-19, thu nhập từ công việc thu mua sắt vụn trên các tuyến phố Hà Nội của chị Nguyễn Thị Toan (32 tuổi, quê Nam Định) cũng bị giảm đáng kể so với thời gian trước.
Chị Nguyễn Thị Toan làm nghề thu mua sắt vụn tại Hà Nội.
“Bình thường mỗi tháng trừ các khoản phí sinh hoạt, thuê trọ, tôi còn để dành được gần 5 triệu đồng. Dịch bệnh khiến hàng quán đóng cửa. Lượng sắt vụn mua trong ngày cũng ít hơn, khiến thu nhập giảm gần một nửa” – chị Nguyễn Thị Toan tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Toan có 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Gánh nặng tài chính khiến chị ngày càng áp lực. Hay tin về gói hỗ trợ của Chính phủ, chị rất vui và hy vọng sẽ nằm trong diện được hỗ trợ.
Đối với bà Hoàng Thị Quyến (56 tuổi, quê Hà Nội) – chủ sạp hoa quả nhỏ trong ngõ Trần Thái Tông (Cầu Giấy) – đại dịch đã khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn và khó khăn hơn rất nhiều.
Mọi chi phí trong gia đình chỉ trông vào sạp hàng của bà Hoàng Thị Quyến.
“Chồng tôi chạy xe ôm nhưng dịch Covid-19, sinh viên về quê học online nên cũng không có khách mấy, nhiều tháng liền gần như không có thu nhập, mọi chi tiêu trong nhà giờ chỉ trông vào sạp hàng này. Được nhận khoản hỗ trợ từ nhà nước là niềm động viên lớn đối với chúng tôi” – bà Hoàng Thị Quyến bộc bạch.
Bên cạnh đó, bà Hoàng Thị Quyến hy vọng gói hỗ trợ sớm đến tay người dân, các địa phương sẽ không đưa ra quá nhiều thủ tục phiền hà trong thời gian tiến hành chi trả, trao cho đúng đối tượng, tránh xảy ra tiêu cực.
Thủ tướng nêu giải pháp "hạ nhiệt" Covid-19, đẩy chỉ số kinh tế "nóng" dần
"Không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải kiên trì "mục tiêu kép".
Chiều 2/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.
Vừa chống dịch, vừa sản xuất trong tình trạng khẩn cấp
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đánh giá rất cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay khi Chính phủ vừa kiện toàn.
Các địa phương đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật và khen thưởng nghiêm minh để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, linh hoạt của cấp dưới, huy động mọi nguồn lực phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: Đoàn Bắc).
Chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc, khoa học, bài bản, sáng tạo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc lấy ví dụ, khi Thủ tướng nêu quan điểm "chống dịch như chống giặc", Vĩnh Phúc không coi đó chỉ là một khẩu hiệu mà còn là mệnh lệnh, một căn cứ pháp lý để UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển trạng thái sang tình trạng khẩn cấp, từ đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, áp dụng các biện pháp phù hợp tình hình.
Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang - cho biết, tỉnh Bắc Giang đã kiên quyết, kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều giải pháp vừa sản xuất, vừa chống dịch tại các nhà máy, khu công nghiệp. Nhờ đó, nhiều chỉ số kinh tế hết sức tích cực, tăng cao so với năm ngoái.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang thông tin, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng tỉnh đã tiêu thụ tốt 215.000 tấn vải thiều với tổng doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng.
"Có được điều này là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ hàng ngày gọi điện chỉ đạo sát sao" - ông Thái thông tin và nói thêm: Mọi khó khăn, vướng mắc mà tỉnh nêu ra đều được các bộ, ngành giải quyết rất nhanh, cùng với đó là sự hỗ trợ của các địa phương khác và sự ủng hộ của nhân dân cả nước.
Cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 2/7 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chia sẻ kinh nghiệm "vừa chống dịch, vừa sản xuất" tại các nhà máy, khu công nghiệp, gắn với vai trò, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ và người lao động đồng hành với các cấp chính quyền.
Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị các bộ ngành một số nội dung như đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại sau dịch; đơn giản hóa các thủ tục trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Kiên trì "mục tiêu kép": Không có cách nào khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của các tất cả các địa phương, của cả hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, thách thức; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, truyền cảm hứng cho nhân dân cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý những thành tựu, thành tích là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với thắng lợi.
Thủ tướng cho biết Chính phủ thống nhất chưa thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đảng các cấp đã xác định, Quốc hội và HĐND các cấp đã giao. Trên cơ sở đó và căn cứ 2 kịch bản tổng thể được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2), các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tích cực, chủ động, phù hợp.
"Kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là lựa chọn rất khó khăn, không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công" - Thủ tướng nhấn mạnh và nêu lên 4 bài học, chỉ ra 5 quan điểm chỉ đạo và 11 nhiệm vụ mà các địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện trong thời gian tới.
Hiện nay, Chính phủ chưa thay đổi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở, vướng mắc ở đâu phải tìm ra, chỉ rõ để điều chỉnh. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ dứt khoát phải xử lý nhanh, kịp thời, có hiệu quả, đúng quy trình. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết, xử lý. Những nội dung vượt quá thẩm quyền thì chúng ta báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, thuyết phục các cơ quan liên quan trên cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn.
Vấn đề đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện, cơ hội thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận chính sách và giải quyết các công việc được Thủ tướng đề cập và yêu cầu phải hết sức năng động, sáng tạo, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, không để đứt gãy thị trường lao động.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải vào cuộc kiểm tra, đôn đốc, xác định rõ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cho rằng là thời cơ để thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu; có giải pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, cấp bách; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, càng lúc này càng phải gần dân hơn, hành động quyết liệt hơn...
TP HCM gặp khó khi tìm mua vaccine Covid-19 Sở Y tế TP HCM cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm vaccine Covid-19 từ nguồn cung ứng uy tín, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng. Trong báo cáo gửi UBND TP HCM ngày 28/6, Sở Y tế TP HCM cho biết thời gian qua một số doanh nghiệp, tổ chức đã liên hệ để tài trợ kinh phí...