Gỡ khó mùa tuyển sinh 2020 – cánh cửa đại học rộng mở hơn?
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng thay đổi trong phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2020 dù là áp lực không nhỏ đối với học sinh, giáo viên, phụ huynh và các trường học, nhưng lại mở ra nhiều cánh cửa cho mùa tuyển sinh năm nay.
Con đường vào đại học, cao đẳng năm nay dường như mở rộng hơn sau những tháng ngày học tập bị gián đoạn vì dịch Covid-19.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020 với điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của năm 2019 cùng với phương án thi tốt nghiệp THPT 2020. Dù không còn là kỳ thi THPT quốc gia nhưng thực chất quy mô và tính chất quan trọng của kỳ thi này không khác mọi năm. Đặc biệt, công tác nhân sự của kỳ thi đang được Bộ rất quan tâm để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và minh bạch.
Khi địa phương là đầu tàu thi tốt nghiệp
Tại buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi năm nay sẽ giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương và sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức, thanh tra, giám sát… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực từng xảy ra. Theo Bộ trưởng, các kỳ thi trước để xảy ra tiêu cực do có cá nhân thiếu trách nhiệm, kể cả người chịu trách nhiệm chính cũng bỏ bê nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có trách nhiệm cao nhất.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là tăng cường hơn về tính tự chủ của các địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm của Bộ vẫn rất lớn trong việc chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Một điểm mới của kỳ thi năm nay là ngoài thanh tra cấp sở và bộ sẽ có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh. Điểm này gây băn khoăn cho địa phương về sự chồng chéo nhưng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, lực lượng thanh tra sẽ làm việc độc lập. TS. Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là giải pháp tốt và quan trọng để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Việc tăng cường thanh tra, giám sát với sự tham gia của lực lượng thanh tra chuyên môn ngoài ngành giáo dục là điều cần thiết và chắc chắn mang lại hiệu quả.
Đáng chú ý, công tác chấm thi năm nay hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả trắc nghiệm và tự luận. Việc chấm thi phải thực hiện bảo đảm đúng quy trình, quy định trong Quy chế và đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học lớp 12 nhằm bảo đảm kết quả kỳ thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học ở trường phổ thông. Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, phải lưu ý công tác chấm thi bởi đây là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực.
Bài toán nhiều lời giải của các trường
Để chủ động gỡ khó công tác tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã kịp thời cập nhật phương thức xét tuyển, thời gian nhận hồ sơ và hình thức đăng ký xét tuyển mới để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Đến nay, các trường đại học trên cả nước đều đã công bố đề án tuyển sinh chính thức. Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia và các phương thức kết hợp khác.
Video đang HOT
Điển hình là trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hiện là trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhất với việc áp dụng đồng thời sáu phương thức: kết quả thi THPT; học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; thi tuyển – kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức; xét tuyển học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Đây là năm đầu tiên trường Đại học Ngoại thương áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập ba năm THPT và trường Đại học Bách khoa Hà Nội có ba phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Lạc Hồng… bổ sung phương thức xét tuyển học bạ ba học kỳ (gồm học kỳ 1 của lớp 12 và hai học kỳ của lớp 11).
Không chỉ vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội còn sử dụng phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh còn tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực (tháng Ba và tháng Bảy), sử dụng kết quả từ kỳ thi này tuyển đến 40% chỉ tiêu và có gần 30 trường đại học, cao đăng sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Nhiều trường khác tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, trong đó trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra năng lực xem như một trong những tiêu chí bắt buộc để tuyển sinh.
Chia sẻ về mùa tuyển sinh năm nay, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Dung – Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc linh hoạt hình thức tuyển sinh không chỉ gỡ khó cho công tác tuyển sinh của các trường trong mùa dịch Covid-19, mà còn giúp học sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, chọn ngành học cho mình dù phải nghỉ học ở nhà tránh dịch.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học được tôn trọng. Ngoài ra, quy chế tuyển sinh 2020 cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn.
Như vậy, con đường vào cánh cửa đại học, cao đẳng của học sinh, sinh viên năm nay dường như càng được mở rộng hơn nhiều sau những tháng ngày học tập bị gián đoạn vì dịch Covid-19.
Các trường ĐH có đủ "36 cách" tuyển sinh nếu không tổ chức thi THPT quốc gia
Tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia là hình thức phổ biến của các trường đại học, song các trường vẫn có thể chủ động tuyển sinh ngay cả trong tình huống không thể tổ chức kỳ thi này.
Với tình hình dịch bệnh phức tạp, chưa ai có thể chắc chắn học sinh có thể quay lại trường trước 15/6. Về kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Nếu lịch học muộn hơn 15/6, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp".
Như vậy, các trường đại học ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng trong công tác xét tuyển thí sinh cho năm học mới. Để thích ứng với điều kiện hiện tại, nhiều trường đã lên phương án tuyển sinh riêng, tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 7...
ĐH Mỏ - Địa chất có 4 phương án tuyển sinh
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng đào tạo Đại học Mỏ - Địa chất cho hay: "Như mọi năm thì Đại học Mỏ - Địa chất cũng có các phương án tuyển sinh, trong đó sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là 1 trong 4 phương án.
Nếu năm nay không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì nhà trường vẫn tuyển sinh theo 3 phương án còn lại: Xét tuyển theo học bạ; Xét tuyển thẳng HSG theo kết quả học THPT, HSG cấp quốc gia, quốc tế; Thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/06/2020) đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 450 trở lên hoặc TOEFL iBT 53 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi THPTQG năm 2020 theo tổ hợp môn xét tuyển của Trường trừ môn thi Tiếng Anh, đạt từ 10 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán".
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát cho biết thêm, ngoài 3 phương án trên, sinh viên vào trường sẽ được làm một bài test nhanh về ngoại ngữ và kiến thức khoa học tự nhiên để phân lớp và phân biệt trình độ.
Ngoài ra còn phỏng vấn ngành và chuyên ngành mà thí sinh đăng ký, tìm hiểu kiến thức xã hội của sinh viên khi đăng ký chọn ngành, chọn nghề.
"Nếu Bộ GD&ĐT có phương án phù hợp, cụ thể thì việc tuyển sinh của các trường cũng dễ hơn bởi dù sao bài thi quốc gia cũng kiểm tra được kiến thức của học sinh trong cả quá trình.
Còn nếu dịch bệnh phức tạp, không tổ chức được kỳ thi quốc gia thì các trường ĐH phải tự lo việc tuyển sinh vì các trường được giao tự chủ rồi. Các trường như ĐH Mỏ - Địa chất sẽ có bài test kiểm tra đầu vào.
Tuy nhiên, tôi nghĩ đầu vào chỉ là một phần, quan trọng là chất lượng đầu ra mà mỗi trường phải đảm bảo. Trong quá trình học, nhà trường cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng như thế nào để đảm bảo được yêu cầu của xã hội sau khi sinh viên tốt nghiệp", PGS.TS Nguyễn Đức Khoát chia sẻ.
ĐH Thủy Lợi lên phương án cho mọi tình huống
Trao đổi về phương án tuyển sinh nếu không tổ chức thi THPT Quốc gia, TS. Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy Lợi cho biết: "Tất nhiên, ĐH Thủy Lợi cũng đã lên phương án cho mọi tình huống có thể xảy ra trong việc tuyển sinh bao gồm cả khả năng không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm này chia sẻ về các phương án thì hơi sớm.
Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng học sinh có thể quay lại trường trước 15/6 để có thể thực hiện được kế hoạch của kỳ thi THPT quốc gia".
Ảnh minh họa
ĐH Kinh tế Quốc dân có đề án tuyển sinh riêng từ 2017
Còn PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: "Nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi THPT Quốc gia thì trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn tổ chức xét tuyển như các năm trước.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã có đề án tuyển sinh riêng từ năm 2017. Tương tự như trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ thi 01 bài Kiến thức tổng hợp, môn tiếng Anh và thực hiện sơ tuyển.
Theo đó, phương án thi sẽ tổ chức tuyển sinh 2 kỳ/năm, kỳ mùa Xuân và kỳ mùa Thu. Với môn thi tiếng Anh có thể chỉ là môn điều kiện, không tính vào điểm xét tuyển. Bài thi Kiến thức tổng hợp dùng để xét tuyển. Tuy nhiên, nếu tổ chức được kỳ thi quốc gia thì vẫn là tốt nhất cho thí sinh".
ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng
Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh riêng năm 2020. Theo đó, trường dự kiến sẽ tổ chức một kỳ thi riêng, lấy khoảng 70% chỉ tiêu hệ đại học chính quy của từng khối ngành (không quá 80%). Tỉ lệ này có thể thay đổi trong trường hợp có sự biến động lớn về kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Đại học Bách khoa Hà Nội nêu rõ, các thí sinh sẽ thực hiện làm 3 môn/bài thi trong 1 buổi duy nhất, vào chiều 25/7, tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong một buổi với thời gian làm bài 180 phút, riêng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh thời gian làm bài 210 phút.
Đối với khối kỹ thuật, kinh tế: Thi một buổi trên giấy với 3 môn Toán (85 - 90 phút), Đọc hiểu (30 - 35 phút) và Môn thứ ba (60 phút). Tổng thời lượng bài thi 180 phút.
Đối với ngành Ngôn ngữ Anh: Thi một buổi với bài thi trên giấy 2 môn Toán (85 - 90 phút) và Đọc hiểu (30 - 35 phút), tổng thời lượng bài thi trên giấy 120 phút; Môn thứ ba là tiếng Anh (90 phút) thi trên máy tính.
Tất cả các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận (tự luận ngắn làm trực tiếp lên bài thi có đề và ô trống).
Hoàng Thanh
Các trường đại học chịu trách nhiệm chất lượng tuyển sinh? Nhiều hiệu trưởng, chuyên gia giáo dục cho rằng, nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp cho học sinh năm nay, để các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng và chịu trách nhiệm về chất lượng tuyển sinh. Học sinh mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi hay bỏ để chủ động học tập Thứ...