Giúp học sinh yêu văn học
Phần văn bản trong chương trình Ngữ văn THCS được bố trí theo các kiểu văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, hành chính – công vụ, nghị luận. Do yêu cầu gắn với cuộc sống nên trong hệ thống các văn bản được học ở THCS có điểm mới so với sách giáo khoa trước đây là ở các khối lớp đều có khoảng 10% các văn bản nhật dụng.
ảnh minh họa
Các văn bản nhật dụng cập nhật, gắn kết với đời sống, đưa học sinh trở lại với những vấn đề vừa quen thuộc, vừa gần gũi hàng ngày. Nội dung các văn bản nhật dụng gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như: thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, ma tuý…
Văn bản nhật dụng có thể dùng tất cả các kiểu văn bản. Với mục tiêu nhằm giảm bớt tính hàn lâm, tạo cơ hội rõ rệt hơn cho việc dạy văn học gắn kết với đời sống, nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân nên các văn bản nhật dụng không phải là những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả tiêu biểu. Tuy vậy vẩn đề nội dung tư tưởng của nó lại rất sâu sắc và giàu ý nghĩa nhân văn.
Vậy dạy các văn bản nhật dụng như thế nào để HS yêu thích văn học để rồi hàng ngày, khi tiếp cận với cuộc sống xung quanh các em sống nhân hậu, nhân ái và có trách nhiệm cao hơn, đó là điều mỗi nhà giáo chúng ta luôn suy nghĩ, trăn trở và đúc rút ra sáng kiến: Dạy văn bản nhật dụng trong chương trình Ngữ văn THCS.
1. Một số kiến thức về văn bản nhật dụng: Bao gồm nhận diện các đặc điểm nổi bật về hình thức, nội dung. Hệ thống tên, đề tài nhật dụng của văn bản theo từng khối, lớp trong chương trình Ngữ văn THCS..
2. Phương hướng dạy học văn bản nhật dụng: Cần chú ý:
Xác định mục tiêu bài học đúng, phù hợp..
Chuẩn bị dạy học: Chuẩn bị kiến thức và phương tiện dạy học.
Phương pháp dạy học:
- Phù hợp với phương thức biểu đạt của mỗi văn bản.
- Đáp ứng dạy học tích hợp.
Video đang HOT
- Đáp ứng dạy học tích cực.
3. Vận dụng dạy học văn bản nhật dụng (Thiết kế bài giảng: Văn bản: “Thông tin về ngày Trái đất năm 2000″, (Tiết 39 – Ngữ văn 8)
Mong muốn sáng kiến này sẽ là một nhành hoa nhỏ đồng hành cùng ngàn hoa tươi sắc trong các trường THCS, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 29 -NQTW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Môn Ngữ văn trong chương trình THCS được xây dựng theo quan điểm tích hợp giữa ba phân môn: Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn, gồm các kiểu văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, hành chính, nghị luận. Văn bản nhật dụng đã thể hiện sự hiện diện của các kiểu văn bản trên.
Các văn bản nhật dụng vừa mang tính đổi mới so với chương trình cũ, vừa cuốn hút học sinh yêu môn Ngữ văn và thích viết văn hơn.
Mang nội dung gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại, các văn bản nhật dụng thường hướng người đọc vào những vấn đề thời sự gần gũi hàng ngày mà mỗi cá nhân và cộng đồng đều quan tâm như môi trường, dân số, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, các tệ nạn xã hội như ma túy, thuốc lá, lao động, trẻ em, vấn đề hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…
Vì lẽ đó nên trong các văn bản nhật dụng tính chất: “Văn, sử, triết bất phân” thể hiện rất rõ. Sự khác biệt của nó so với các kiểu văn bản khác khó có thể chỉ ra rành rọt, có chăng là ở những đề tài có tính chất rất thời sự và cập nhật với cuộc sống hiện đại của nó.
Một sự hiện diện khoảng 10%, các văn bản nhật dụng đã làm cho chương trình Ngữ văn THCS phần nào giảm bớt tính hàn lâm, tạo cơ hội rõ rệt hơn cho việc dạy văn học gắn kết với đời sống – một trong những mục tiêu đổi mới của việc dạy Ngữ văn trong nhà trường.
Văn bản nhật dụng được đưa vào chương trình Ngữ văn THCS trong khi trước đó lí luận dạy học văn chưa từng đặt vấn đề về phương pháp dạy học văn bản nhật dụng. Đây là một khó khăn cho giáo viên.
Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của các tác giả SGK Ngữ văn trong các cuốn SGV Ngữ văn 6 hoặc Ngữ văn 9 về đặc điểm nội dung và hình thức của văn bản nhật dụng chính là những chỉ dẫn quan trọng giúp giáo viên và học sinh nhận diện văn bản nhật dụng và định hướng cách dạy – học văn bản nhật dụng.
Thực tiễn việc dạy học văn bản nhật dụng ở một số trường THCS hiện nay đã bộc lộ những bất cập cả trong kiến thức và phương pháp, nhất là phương pháp dạy học.
Có giáo viên còn mơ hồ về hình thức kiểu loại văn bản nhật dụng, xác định mục tiêu bài học chưa chính xác, sử dụng các phương tiện dạy học, xây dựng hệ thống câu hỏi trong hoạt động đọc hiểu văn bản chưa hợp lí, chưa tạo sự hứng thú và chưa đạt hiệu quả dạy học tích cực cho các bài học văn bản nhật dụng.
Có một số học sinh lớp 9 mặc dù đã được học các văn bản nhật dụng nhưng khi viết một văn bản thuyết minh hoặc nghị luận về một vấn đề có tính chất thời sự ở địa phương, ở cuộc sống xung quanh thì lúng túng, thiếu tự tin.
Thực trạng trên khiến tôi thấy sự cần thiết phải tiếp cận với một tầm sâu hơn, có hệ thống hơn các văn bản nhật dụng cả về kiến thức và phương pháp dạy học, từ đó góp phần tạo thành cơ sở mang tính khoa học và khả thi đáp ứng yêu cầu dạy học có hiệu quả phần văn bản nhật dụng trong SGK Ngữ văn THCS.
Xuất phát từ những lí do trên, nên khi giảng dạy thực hiện chương trình Ngữ văn THCS, bằng kinh nghiệm của bản thân kết hợp với việc dự giờ, khảo sát kết quả học tập trong học sinh của đồng nghiệp, và việc tự học tập nghiên cứu một số tài liệu tham khảo, tôi đã rút ra sáng kiến. Cụ thể là:
1.Một số kiến thức về văn bản nhật dụng (bao gồm nhận diện các đặc điểm nổi bật về hình thức và nội dung của văn bản nhật dụng).
2. Phương hướng dạy học văn bản nhật dụng (Đề xuất một số biện pháp dạy học, các cách tổ chức dạy học và những phương tiện dạy học tương ứng với dạy văn bản nhật dụng).
3. Vận dụng dạy học văn bản nhật dụng (Thiết kế bài giảng: Văn bản: “Thông tin về ngày Trái đất năm 2000″, (Tiết 39 – Ngữ văn 8)
Hy vọng sáng kiến nhỏ này sẽ giúp bạn đọc tham khảo việc dạy học mảng văn bản nhật dụng trên cả hai mặt: lí thuyết và vận dụng thực tế.
Từ đó cùng với những tìm tòi sáng tạo của bản thân, bạn sẽ có thêm sáng kiến để dạy tốt phần văn bản nhật dụng góp phần thực thi đổi mới chương trình Ngữ văn THCS về căn bản, toàn diện góp phần đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường và định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Chúc các bạn thành công!
Theo Giaoducthoidai.vn
Tại sao chỉ học 6 tác phẩm văn học?
Việc chương trình ngữ văn mới dự kiến chỉ đưa 6 tác phẩm văn học với một mạch tư tưởng, cảm hứng chủ đạo sẽ khiến học sinh khó cảm thụ vì thiếu bóng dáng đời thường
Học sinh xem đề thi ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Ngoại trừ "Truyện Kiều", cả 5 tác phẩm đưa vào dự thảo chương trình ngữ văn mới đều mang cảm hứng sử thi, hướng về vận mệnh cộng đồng. Nhiều giáo viên ngữ văn cho rằng vì chương trình mới chỉ đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc nên nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo cũng như đặc trưng thể loại chưa cân đối.
Thiếu chất đời thường
Dự thảo chương trình môn ngữ văn mới đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc, gồm có: "Bài thơ Thần", "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo", "Truyện Kiều", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" và "Tuyên ngôn độc lập". Các tác phẩm khác, trong đó có nhiều tác phẩm trước đây từng có trong chương trình - sách giáo khoa (SGK) sẽ được đưa vào phụ lục để các tác giả SGK và giáo viên tham khảo hình dung về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp về tâm lý lứa tuổi... Từ đó chủ động lựa chọn văn bản cho SGK và việc dạy học để hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc với nhiều ngữ liệu đa dạng khác nhau.
Đánh giá về dự thảo chương trình ngữ văn mới, nhiều giáo viên cho rằng việc xây dựng chương trình theo hướng mở sẽ khắc phục được tình trạng học vẹt, học theo văn mẫu. Việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp là một đổi mới đáng hoan nghênh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Tuy nhiên, việc chọn 6 tác phẩm bắt buộc phải đưa vào SGK mới lại tạo nên nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng 6 tác phẩm được chọn phần lớn đều thể hiện cảm hứng yêu nước và khuynh hướng sử thi sâu đậm. Học sinh sẽ chủ yếu được bồi dưỡng lòng yêu nước hơn là những phẩm chất còn lại như chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm... như mục tiêu đề ra.
TS Trịnh Thu Tuyết, một giáo viên ngữ văn kỳ cựu tại Hà Nội, cho rằng nhìn vào danh sách 6 tác phẩm bắt buộc, có thể thấy nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, đặc trưng thể loại hình như chưa thật cân đối. Trong số 6 tác phẩm bắt buộc thì ngoại trừ "Truyện Kiều", 5 tác phẩm còn lại đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt trong và sau các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. "Cả 5 tác phẩm đều mang cảm hứng sử thi, hướng về vận mệnh cộng đồng, ca ngợi những phẩm chất cộng đồng, phản ánh những nỗi đau và vẻ đẹp cộng đồng. Vậy, học sinh tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự, tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau?" - TS Trịnh Thu Tuyết đặt câu hỏi.
Cô Trần Thu Hương, giáo viên ngữ văn của một trường THPT tại Hà Nội, đặt câu hỏi liệu chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình ngữ văn THPT đã hợp lý chưa? Theo cô Hương, đối với những tác phẩm tự chọn, Bộ GD-ĐT cũng cần phải đưa ra những định hướng, tiêu chí cụ thể để những người viết sách lựa chọn những tác phẩm phù hợp.
Hơn 4.500 tiết, không chỉ học 6 tác phẩm
Trước băn khoăn tại sao lại có quy định tác phẩm bắt buộc, và dựa vào đâu và vì sao lại chỉ chọn 6 tác phẩm này, PGS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình ngữ văn mới, cho rằng quy định học bắt buộc 6 tác phẩm này không có nghĩa là toàn bộ chương trình chỉ dạy 6 tác phẩm đó và cũng không phải là tất cả các tác phẩm khác (không bắt buộc) chỉ là tác phẩm đọc thêm. Tổng thời lượng dành cho môn ngữ văn (12 năm) là 4.520 tiết nên không thể chỉ học 6 tác phẩm này. "Với hơn 4.500 giờ ngữ văn, SGK và giáo viên sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu đời thường" - ông Thống khẳng định.
Ông Thống cho rằng điểm chung xuyên suốt của 6 tác phẩm là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ và tính nhân văn. Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc; tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Thứ hai, dù theo định hướng mở nhưng vẫn cần có những yêu cầu bắt buộc về học vấn cốt lõi, trong đó có hiểu biết về một số tác phẩm học sinh phổ thông không thể không biết như trên đã nêu. Sẽ khó chấp nhận một học sinh tốt nghiệp phổ thông, có bằng tú tài mà lại không có những hiểu biết về 6 tác phẩm ấy. Thứ ba, là kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành. Chương trình SGK hiện hành cũng lựa chọn 9 tác gia lớn để dạy. Sáu tác phẩm được chọn cho chương trình mới thì phần lớn đã thuộc 9 tác gia ấy. Đây cũng là 6 văn bản luôn có mặt trong tất cả các lần đổi mới chương trình ngữ văn từ trước tới nay.
Ông Thống cũng nhấn mạnh đến việc cần dạy cho học sinh cách đọc, phương pháp đọc để các em dần dần có thể tự đọc và học suốt đời chứ không chỉ chú ý dạy vào một số tác phẩm cụ thể, học tác phẩm nào chỉ biết tác phẩm ấy. Cần thiết kế chương trình theo hướng dạy cho học sinh cách đọc các thể loại văn học và các kiểu loại văn bản khác (văn bản thông tin và văn bản nghị luận). Thông qua các tác phẩm tiêu biểu của các thể loại văn học ấy mà hình thành cách đọc. Đấy chính là lý do chương trình được thiết kế theo hướng lựa chọn các thể loại lớn (thơ, truyện, ký kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây.
Cần ý kiến đóng góp
Ông Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh chương trình ngữ văn phổ thông chỉ mới là dự thảo, còn đăng tải, xin ý kiến của công luận và sau đó phải được Hội đồng Thẩm định quốc gia xem xét, chấp nhận thì mới được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chính thức để thực hiện. "Chúng tôi rất mong bạn đọc góp ý, đề xuất thêm bớt các tác phẩm cụ thể cùng với lý do có sức thuyết phục để giúp ban soạn thảo hoàn thiện được chương trình ngữ văn trong thời gian tới"- ông Thống nói.
Theo NLĐ
PGS Đỗ Ngọc Thống: 12 năm phổ thông không chỉ học 6 tác phẩm văn học PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết chương trình Ngữ văn mới đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc nhưng không có nghĩa học sinh chỉ học 6 tác phẩm ấy. ảnh minh họa Theo thông tin từ ban soạn thảo chương trình phổ thông mới, chương trình Ngữ văn sẽ có. Đó là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo,...