Giúp học sinh giảm căng thẳng, âu lo vì “núi bài tập online”
Bị “cắt” khỏi những hoạt động xã hội thường nhật, tất bật với lịch học online, lo lắng vì còn “núi bài tập” chờ giải quyết, xuất hiện cảm giác bất an, căng thẳng… Không ít học sinh, sinh viên đang trải qua trạng thái này trong những ngày nghỉ học ở nhà để phòng dịch COVID-19.
Ngồi học trực tuyến trong thời gian dài, bị hạn chế tiếp xúc xã hội khiến trẻ có cảm giác căng thẳng, mệt mỏi. Ảnh minh họa: Bích Hà
“…Từ đầu tháng 4 đến giờ, em luôn cảm thấy mệt mỏi, đêm nào cũng phải thức làm bài tập cho kịp buổi học tiếp theo. Việc ngủ chỉ dừng ở 5-6 tiếng/ngày, dẫn đến em không có thể trạng tốt nhất để tiếp thu bài học.
Thưa thầy cô, em thật sự rất mong thầy cô đọc được những dòng này để hiểu cho bọn em, giảm bớt đi lượng bài tập, dạy chậm lại một chút. Nếu khối lượng kiến thức nhiều thì có thể xếp bớt vào phần tự học, để bọn em có thể chậm rãi tìm hiểu… Thực sự em nghĩ không chỉ em mà rất nhiều bạn có cảm giác mệt mỏi trong giai đoạn này…”.
“Đúng là mới đầu khi được học online thì bọn con rất hứng thú vì được tiếp xúc với cách học mới, đặc biệt là qua công nghệ… Nhưng càng ngày càng phải học thêm nhiều môn, điều đó đồng nghĩa với việc bài tập nhiều hơn mà thời gian làm bài tập lại ít hơn.
Con thì phải dạy sớm để học đến tận tối muộn. Cả ngày ngoài việc ăn, ngủ, học và 1 tiếng tập thể dục, thì con không còn thời gian để làm việc gì khác. Việc học đối với con ngày càng trở nên áp lực và đôi khi nó biến thành nỗi ám ảnh”…
Trên đây là những dòng tâm sự, tâm trạng của các bạn học sinh, sinh viên trong những ngày phải nghỉ học ở nhà vì dịch bệnh và đang tập thích nghi với phương thức học tập mới.
PGS-TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết, những ngày qua, ông nhận được nhiều tin nhắn của các bạn học sinh, sinh viên kể về những cảm giác tiêu cực mà các em đang gặp phải.
Video đang HOT
Đó có thể là cảm giác dễ cáu bẳn, bức bí khi phải ở trong nhà nhiều ngày. Ngồi học trực tuyến trong thời gian dài dẫn đến mệt mỏi; lượng bài tập, nhiệm vụ khi học online nhiều hơn nên lo lắng, dẫn đến mất ngủ. Rồi việc thay đổi thói quen, đồng hồ sinh học hằng ngày cũng khiến nhiều em không có được trạng thái tốt nhất để học tập, dẫn đến căng thẳng.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chúng ta đang ở trong thời gian cách ly xã hội để cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trên khía cạnh tâm lý xã hội, việc cách ly từ khoảng 2 tuần trở lên có thể gây ra những tổn thương về mặt sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên.
Cụ thể, các em có thể trở nên mất phương hướng, hết những thói quen do không được đi ra ngoài, không được vận động, bị giới hạn, nhiều bạn ở lâu trong nhà có thể bị stress, bất an.
Để giúp học sinh, sinh viên vượt qua giai đoạn này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nhà trường, giáo viên cần quan tâm sắp xếp, điều chỉnh lịch học hợp lý. Về phía gia đình, phụ huynh cần quan tâm đến cảm xúc của con, để kịp thời có những động viên, chia sẻ.
Đặc biệt, để vượt qua giai đoạn này, học sinh, sinh viên cần có một số kỹ năng. Đầu tiên là cần lập kế hoạch, xây dựng cho mình thời gian biểu hợp lý để học tập và giải trí hằng ngày. Cố gắng duy trì thời gian biểu như thời gian vẫn đang đi học, chỉ khác là chuyển đổi sang phương thức online, như việc học online, trò chuyện online với bạn bè …
Chuyên gia tâm lý này cũng lưu ý, khi học sinh, sinh viên xuất hiện những tâm lý bất an, hay buồn chán, kể cả những lo lắng trong việc học, thì hãy trò chuyện với người thân, bạn bè, hay giáo viên của mình để được chia sẻ. Đừng ngại viết ra, hay nói ra những cảm xúc đó càng sớm càng tốt.
BÍCH HÀ
5 yếu tố quyết định thành công trong dạy học trực tuyến
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành giáo dục đã triển khai giải pháp dạy học trực tuyến.
Để việc dạy học theo phương thức này đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Để việc dạy học online đạt hiệu quả, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có ý thức tự giác học tập của học sinh, sinh viên. Ảnh: Bích Hà
Nỗ lực từ những địa phương vùng khó
Theo đánh giá của ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, việc triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng dịch COVID-19 đạt được 3 hiệu quả: Duy trì việc học, phần nào đó tạo được cho học sinh ý thức học tập và thực hiện được mục tiêu "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La - cũng cho rằng, hiệu quả lớn nhất của việc dạy học trực tuyến là giúp việc học không bị gián đoạn, học sinh duy trì được nền nếp học tập trong thời gian không được đến trường. Cả học sinh và giáo viên có thêm những kỹ năng về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học.
Tuy nhiên với đặc thù của địa phương, học sinh còn khó khăn trong việc trang bị đủ thiết bị, đường truyền tốt để thực hiện học trực tuyến, nên ngành giáo dục Sơn La xác định đây là giai đoạn để giáo viên, học sinh làm quen với công nghệ, phương pháp dạy học mới, chứ chưa đặt nặng, hay kỳ vọng quá nhiều vào chất lượng của việc dạy học online.
Học sinh, sinh viên vùng cao dựng lán giữa đồi để "bắt sóng" học online. Ảnh: Học viện Hành chính quốc gia cung cấp.
Tại tỉnh Đắk Lắk, ngay từ đầu mùa dịch, ngành giáo dục địa phương cũng đã triển khai dạy học qua internet. Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk cho biết, ở tỉnh có nhiều học sinh sinh sống thuộc vùng sâu, vùng xa nên ngoài dạy học qua internet, trên truyền hình, các giáo viên còn đến tận nơi giao bài trực tiếp cho học sinh, nhất là với cấp tiểu học. Ngoài ra, Đắk Lắk đang vào mùa phát nương làm rẫy, các em học sinh phải tham gia lao động cùng gia đình, nên việc triển khai học từ xa gặp không ít khó khăn.
Là địa phương có 100% trường học triển khai dạy học trực tuyến, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam cho rằng, tùy vào vùng miền mà việc học trực tuyến đạt hiệu quả khác nhau. Hiệu quả đến đâu còn do nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Đặc biệt, ông Quốc nhận định, những nơi nào ban giám hiệu nhà trường, giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, phụ huynh lo việc học cho con, chia sẻ với giáo viên, với nhà trường thì nơi đó sẽ đạt hiệu quả.
Yếu tố quyết định thành công trong dạy học trực tuyến
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, dạy học qua internet, trên truyền hình dù là giải pháp tình thế, nhưng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Có 5 yếu tố quyết định thành công trong dạy học trực tuyến được Thứ trưởng đưa ra, trong đó trước hết là cơ sở hạ tầng, từ máy tính, phần mềm, đến đường truyền. Về vấn đề này, Bộ GDĐT đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông để có hỗ trợ địa phương.
Yếu tố thứ hai là công tác quản lý chỉ đạo. Theo Thứ trưởng, sự quyết liệt trong quản lý, theo dõi, động viên, ghi nhận trong thời điểm khó khăn sẽ tạo động lực cho học sinh, giáo viên. "Hiệu trưởng cần quán triệt đây là nhiệm vụ để không có tâm lý vì nghỉ dạy mà làm việc với tinh thần không cao" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng thứ ba trong triển khai dạy học trực tuyến. Để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Bộ GDĐT sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ đội ngũ chuyên gia để bồi dường trực tuyến cho giáo viên các địa phương.
Có hạ tầng tốt, người quản lý quyết liệt, giáo viên chất lượng, tâm huyết nhưng học sinh thiếu động lực học tập, phụ huynh thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ thì quá trình triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình không thể thành công.
Đây cũng hai yếu tố cuối cùng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề cập. Ông mong muốn, học sinh phải có ý thức tự học, nhất là các em cuối cấp, để cùng vượt khó trong giai đoạn này.
ĐẶNG CHUNG
Học sinh Đồng Nai nghỉ học đến 3.5 phòng, chống dịch Covid-19 Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 3.5 để phòng, chống dịch Covid-19. Học sinh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) rửa tay sát khuẩn tại trường - Ảnh: Lê Lâm Chiều 16.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp đã ký văn bản...