Giữ chân học sinh lớp ghép đi liền bảo đảm chất lượng
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức dạy lớp ghép ở cấp tiểu học.
Theo đó, để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là Chương trình GDPT 2018, mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá 2 trình độ. Trường hợp đặc biệt có thể ghép 3 trình độ nhưng mỗi lớp không quá 10 học sinh. Hạn chế tổ chức lớp ghép ở lớp đầu cấp (lớp 1) và lớp cuối cấp (lớp 5).
Linh hoạt trong điều kiện thực tế
Thầy Hoàng Trường Kháng – Phó Hiệu Trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn – cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT công bố hướng dẫn dạy lớp ghép, nhà trường đã họp giáo viên lại để lấy ý kiến và phân tích những khó khăn, thuận lợi trong việc triển khai lớp ghép. Theo đó, các giáo viên đồng tình với những hướng dẫn mà Bộ GD&ĐT đưa ra.
Năm nay, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình có 1 lớp ghép 2 trình độ lớp 1 (4 học sinh) và lớp 2 (5 học sinh). Trước khi triển khai lớp ghép theo Chương trình GDPT 2018, trường đã cử giáo viên đi tập huấn. Trong quá trình triển khai, nhà trường cũng lấy ý kiến phản hồi từ giáo viên để nắm được tình hình, những khó khăn và thuận lợi trong quá trình dạy lớp ghép.
“Đến thời điểm này, qua phản ánh, giáo viên không gặp khó khăn gì”, thầy Kháng nói. Tuy nhiên, thầy Kháng và nhiều đồng nghiệp đều mong muốn phụ huynh có thể đồng lòng phối hợp nhà trường để xóa bỏ lớp ghép.
Lý giải về mong muốn đó, thầy Kháng nói: “Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực. Vì vậy khi học lớp ghép, các em phần nào bị hạn chế do ít có cơ hội thực hành hơn so với lớp độc lập”.
Còn cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) – cho biết: “Văn bản hướng dẫn tổ chức dạy lớp ghép của Bộ GD&ĐT rất chi tiết, cụ thể và dễ thực hiện. Tuy nhiên, năm học 2022 – 2023, sĩ số tại các lớp ghép của nhà trường vượt quá con số mà Bộ hướng dẫn. Cụ thể: Lớp 2 – 3 có 16 học sinh (8 em lớp 2 và 8 em lớp 3); lớp 4 – 5 có 17 học sinh (9 trò lớp 4 và 8 em lớp 5)”.
Cô Hạnh đề xuất, đối với sĩ số lớp ghép nên để các trường linh động với tình hình thực tế của địa phương; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy của nhà trường.
Theo cô Hạnh, nếu căn cứ vào hướng dẫn, Trường Tiểu học Phú Gia không thể đáp ứng được yêu cầu sĩ số lớp mà Bộ GD&ĐT đưa ra đối với lớp ghép 2 trình độ và 3 trình độ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không thể bố trí 5 giáo viên dạy 44 học sinh tại điểm trường trong bối cảnh toàn huyện hiện đang thiếu giáo viên.
“Chưa kể, Chương trình GDPT 2018, lớp 2 và 3, bài giảng đòi hỏi học liệu điện tử. Nếu một lớp lắp 2 tivi; 2 bảng để giảng thì học sinh sẽ khó tập trung so với phương pháp dạy truyền thống sử dụng đồ dùng dạy học”, cô Hạnh nhấn mạnh
Giờ học của học sinh lớp ghép điểm trường Phú Lâm của Tiểu học Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NT
Bảo đảm chất lượng
Đánh giá cao hướng dẫn tổ chức dạy lớp ghép của Bộ GD&ĐT, ông Phan Quốc Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh – nói: “Trong văn bản Bộ GD&ĐT hướng dẫn đã căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương. Theo đó, các trường dựa vào hướng dẫn để triển khai lớp ghép làm sao cho đạt hiệu quả và chất lượng. Bên cạnh đó, với văn bản hướng dẫn này, Bộ cũng chú ý đến chất lượng của lớp ghép khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo đó, lớp ghép không quá 2 trình độ là phù hợp”.
Phân tích thêm lớp ghép không quá 2 trình độ, ông Thanh nói: “Trong một giờ dạy, giáo viên nếu dạy 1 đến 2 trình độ sẽ dạy kỹ bài giảng cho học sinh. Từ 2 trình độ trở lên, thầy cô rất vất vả, đòi hỏi giáo viên làm việc hết công suất; biết phân bổ thời gian, sắp xếp phương pháp giảng dạy hợp lý để có thể truyền đạt tối đa kiến thức cũng như rèn kỹ năng cho học trò.
Video đang HOT
Với các lớp ghép ở huyện Hương Khê, ông Phan Quốc Thanh luôn nhấn mạnh với ban giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên, ngoài bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu. Luôn có sự phối hợp giữa ba bên gồm: Nhà trường – chính quyền địa phương – phụ huynh.
Đồng quan điểm với ông Phan Quốc Thanh, ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn – nói: Hướng dẫn Bộ GD&ĐT đưa ra rất phù hợp với điều kiện triển khai lớp ghép ở tại huyện. Đặc biệt, văn bản đã hướng dẫn cụ thể về sĩ số cũng như linh động trong việc soạn bài giảng, tổ chức các hoạt động cho học sinh sao cho phù hợp với điều kiện thức tế của trường, lớp.
“Năm nay, huyện Văn Quan chỉ còn 1 lớp ghép với 9 học sinh, do đó đáp ứng được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là mỗi lớp ghép không quá 2 trình độ và 15 học sinh. Dẫu là lớp ghép, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo và duy trì được chất lượng giáo dục mà chương trình đề ra”, ông Hiền nhấn mạnh.
Ảnh minh họa.
Giữ chân học sinh
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, trước đây, do điều kiện trường lớp còn khó khăn nên một số trường học duy trì lớp ghép. Vào cuối năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh còn 4 trường tồn tại lớp ghép với 7 lớp, 149 học sinh, thuộc địa bàn khó khăn ở huyện Đầm Dơi và Phú Tân. Lớp ghép ở các điểm này với các hình thức 1 2; 2 3; 3 4…
Đến đầu năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh Cà Mau chỉ còn 1 lớp ghép 2 3 tại Trường Tiểu học Gò Công Đông, thuộc điểm lẻ tại ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Lớp ghép có 19 học sinh, trong đó lớp 2 có 12 em, lớp 3 có 7 em.
Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT, tồn tại lớp ghép ở địa bàn huyện xuất phát từ điều kiện khó khăn về hạ tầng nông thôn và điều kiện của gia đình học sinh. Hiện Phú Tân chưa thể xóa lớp ghép này, vì nếu xóa sẽ nhiều học sinh bỏ học. Ngành đang hướng đến xóa lớp ghép nhằm hoàn thiện mạng lưới trường lớp và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, vấn đề này phải tùy vào điều kiện cụ thể ở từng địa bàn, địa phương…
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Chiều, Phó Trưởng phòng GD&T huyện Phú Tân, từ 45 điểm lẻ, nay toàn huyện chỉ còn 9 điểm. Đây là những điểm có điều kiện đi lại khó khăn, chưa thể xóa ngay để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.
Năm học 2022 – 2023, thành phố Cần Thơ không còn duy trì lớp ghép. Tuy nhiên, sở vẫn có hướng dẫn để các trường có sự chủ động. Theo đó, mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ. Trường hợp đặc biệt, lớp ghép có thể ghép ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh.
Lớp ghép hai trình độ hoặc lớp ghép ba trình độ đều được tính là một đơn vị lớp ghép. Ưu tiên tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau và hạn chế ghép lớp trình độ không liền nhau. Mỗi lớp ghép cần bố trí đủ không gian, được trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học theo quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng lớp ghép, nhóm trình độ và đặc thù khi tổ chức dạy học lớp ghép.
Về giải pháp, theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sở tổ chức tập huấn phương pháp và kỹ thuật dạy học lớp ghép cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy học lớp ghép hiệu quả. Các phòng GD&ĐT kiểm tra việc xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học lớp ghép của các cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức lớp ghép trên địa bàn quản lý.
Chỉ đạo cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức dạy học lớp ghép, kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh học lớp ghép bảo đảm đúng quy định. Tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp và kỹ thuật dạy học lớp ghép cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp tham gia dạy học lớp ghép. Cử cán bộ quản lý, giáo viên được phân công dạy lớp ghép tham gia các lớp tập huấn khi có công văn triệu tập…
“Năm học 2022 – 2023 để xóa bỏ lớp ghép, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phân tích những lợi ích khi học sinh được học tại trường chính. Tuy nhiên, sau một tháng miệt mài vận động phụ huynh chỉ đồng ý xóa bỏ lớp ghép trình độ 3 và 4; riêng lớp ghép trình độ 1 và 2 phụ huynh không đồng ý. Lý do, học sinh còn nhỏ quá, không muốn trẻ đi xa; phụ huynh không đưa đón được. Do đó, năm nay trường vẫn triển khai lớp ghép trình độ 1 và 2 cho 9 học sinh”, thầy Hoàng Trường Kháng – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ...'
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, về vấn đề tài chính và giáo viên, Bộ này cũng chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất.
Ngày 19-10, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4.
Tại phiên họp, một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được các thành viên Ủy ban nêu ý kiến trao đổi, gồm: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thừa - thiếu giáo viên, tuyển dụng, sử dụng giáo viên tại địa phương; sách giáo khoa phổ thông; sáp nhập trường lớp; tự chủ đại học....
Luôn đi kiến nghị, đề xuất
Cũng tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ, là giáo viên và tài chính. Cả hai vấn điều này, chúng tôi không khác gì mấy với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất".
Về lực lượng giáo viên, ông Sơn cho biết, về ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý, sau vài năm tha thiết đi xin, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025.
Trong khi đó, năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì hai năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.
"Không những thế, nhiều địa phương còn không dám tuyển, để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm thì biết trừ vào ai, cho nên thôi giao cho em ít chỉ tiêu em để đấy để em trừ dần thế là xong...Thế thì chúng ta phải làm thế nào đây", ông Sơn bày tỏ.
Toàn cảnh buổi họp. Ảnh CTV
Về mặt tài chính, ông Sơn đề nghị phải nhìn nhận một cách sòng phẳng, khi triển khai chương trình GDPT 2018 ghi rõ trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để triển khai đến chủ tịch UBNB các tỉnh, thành phố.
Cần có trường, lớp, có trang thiết bị, dụng cụ dạy học; đủ giáo viên, còn giáo viên trình độ như thế nào thì ngành GD&ĐT lo.
Các tỉnh, thành phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì phải đề nghị Trung ương hỗ trợ.
Nhưng hàng năm các địa phương làm việc với Trung ương về ngân sách Bộ GD&ĐT không được biết, kiến nghị cũng không được, việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngành GD-ĐT không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu nơi nào thừa.
"Cho nên, không thể nói Bộ GD&ĐT lấy tiền đi mua cái máy tính cho địa phương để làm phòng học tin học được. Chúng tôi chỉ luôn luôn lưu ý, tha thiết yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho việc này và phải giám sát.
Do vậy, mong Quốc hội khi giám sát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 các địa phương phải đảm bảo cho được nguồn lực về tài chính, đã kêu đến nơi đến chốn chưa"- ông Sơn đề nghị.
Về vấn đề SGK, ông Sơn cho biết, có ý kiến cho rằng vẫn còn có sạn hay chất lượng thẩm định.... Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và sẽ còn tiếp tục làm nhiều nữa để gia tăng chất lượng của sách.
Nhưng ông Sơn khẳng định, Bộ không thể chỉ huy được hiệu sách trong khâu phát hành, chỉ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phải làm thế nào để điều phối sách đến được với các trường theo nhu cầu của họ.
"Không thể nói hiệu sách này mang các cuốn sách a, b, c xuống trường kia. Mà chỉ báo cáo các tỉnh rằng, các trường phổ thông chỗ này đã có, chỗ kia chưa... thì chúng tôi chỉ có thể khẩn khoản, nài nỉ chủ tịch UBND tỉnh hãy điều phối ngay việc đó để sách tới được với học sinh.
Nói vậy không phải là thoái thác trách nhiệm, mà ở đây là cùng nhau tăng cường trách nhiệm..."- ông Sơn nói.
Kỳ vọng về chương trình phổ thông mới nhưng thiếu mọi thứ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Chúng ta đặt kỳ vọng vào Chương trình GDPT mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ. Nó là sự thật!
Các chuẩn về trường học, giáo viên, cơ sở vật chất... để đảm bảo được chất lượng cao, cái chuẩn phải theo thông lệ.
Ông Nguyễn Kim Sơn. Ảnh CTV
Ví dụ: Chuẩn của giáo viên, đối với các nước của Khối EU thì 15 học sinh phải có 2 giáo viên. Việt Nam còn rất lâu mới đạt được như vậy, nhưng phải đặt ra một cái chuẩn, cái chuẩn này có thể tổn hại đến "thành tích" của các địa phương.
Một số ý kiến cho rằng cần hạ thấp chuẩn xuống để các đơn vị khi tính thành tích đỡ tổn hao.
Theo ông Sơn, đặt ra chuẩn để các nơi cố gắng, yêu cầu các địa phương và nhà nước đầu tư để đạt chuẩn chứ không phải làm đẹp lòng nhau, đẹp thành tích. Thế nhưng lại có người đề nghị hạ chuẩn xuống để địa phương đạt được chuẩn. Đó mới là bệnh thành tích.
"Các cháu muốn được chăm sóc chu đáo thì phải đủ giáo viên, nơi nào chưa đạt thì phải cố gắng đạt chứ không phải làm đẹp lòng nhau mà hạ xuống.
Nếu đổi mới mà cả triệu giáo viên đều thấy hạnh phúc, sớm chiều không kêu ca gì, đổi mới mà không ai cảm thấy áp lực thì liệu có hay không? Giáo viên mà không có áp lực trước đổi mới thì chúng ta không kỳ vọng con em có gì mới", ông Sơn nói.
Phiên họp cũng xem xét 4 báo cáo kết quả khảo sát chuyên đề:
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống đuối nước trẻ em (giai đoạn 2016-2021).
Hà Nội: Phấn đấu giảm sĩ số học sinh, hạn chế tuyển sinh trái tuyến Lãnh đạo Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện hệ thống tuyển sinh trực tuyến bảo đảm tuyển sinh trực tuyến hiệu quả hơn, giảm phiền hà cho phụ huynh học sinh. Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì giao ban. Đối với công tác tuyển sinh...