Giới tài phiệt thao túng giá dầu để phá hoại Nga?
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong 3 tháng qua rõ ràng là có “bàn tay” của giới chính trị. Nhiều khả năng, đây là 1 cách để giới tài phiệt phương Tây gây sức ép với Nga trong vấn đề khủng hoảng Ukraine. Nga đang tìm cách chống lại sự thao túng giá dầu hòng làm tổn hại cho kinh tế nước này thông qua dầu mỏ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Arập Xêút Saud al-Faisal bàn cách ổn định giá dầu thế giới
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc giá dầu thế giới đi xuống đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và đây là một phần hệ quả của sự thao túng mang động cơ chính trị. Có thể việc thao túng này liên quan đến việc gây sức ép lên Nga trong vấn đề khủng hoảng Ukraine.
Video đang HOT
Tính đến hết phiên giao dịch ngày 19/11, giá dầu thô giao tháng 12 trên thị trường châu Á tiếp tục giảm 0,33 USD/thùng (0,44%) so với phiên trước, đứng mốc 74,28 USD/thùng. Như vậy, tính từ ngày 7/7 đến nay, giá dầu thô thế giới đã giảm 28,52%.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Putin đã không đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia cụ thể nào đã gây ra tình trạng rớt giá dầu. Nhưng một số nhà bình luận chính trị của Nga đã miêu tả chuyện này như là một âm mưu của Arập Xêút và Mỹ nhằm chống lại Nga.
Theo một văn bản được Điện Kremlin công bố, ông Putin đã nói: “Tất nhiên, lý do rõ ràng của sự sụt giảm giá dầu thế giới là việc giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (toàn cầu). Điều này có nghĩa tiêu thụ năng lượng đang giảm ở một loạt nước”. Ông Putin cho rằng: “Ngoài ra, yếu tố chính trị luôn xuất hiện trong vấn đề giá dầu. Hơn nữa, trong một số thời điểm của khủng hoảng khi nó nổ ra khiến người ta có cảm giác giống như hoạt động chính trị thường chi phối giá của các nguồn năng lượng”.
Nhằm tìm cách ngăn chặn giá dầu tiếp tục xuống dốc, ngày 21/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có buổi làm việc với người đồng cấp Arập Xêút Saud al-Faisal, đang ở thăm Moskva. Nga và Arập Xêút chủ trương phản đối việc giá trên các thị trường dầu mỏ bị lệ thuộc vào tác động chính trị và địa chính trị.
Phát biểu tại buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Arập Xêút, ông Lavrov cho hay Nga và Arập Xêút đều tin là sự hình thành giá dầu phải mang tính thị trường, tức dựa trên những yếu tố cung và cầu. Trong trường hợp “cung hoặc cầu bị một số kẻ cố tình làm sai lệch, các nước xuất khẩu dầu mỏ tất nhiên có quyền áp dụng biện pháp điều chỉnh yếu tố không khách quan này, đưa thị trường trở lại trạng thái tự nhiên”.
Trước đó, các quan chức Nga cũng đã có buổi làm việc với Venezuela, một thành viên quan trọng của OPEC, để thống nhất một số điều khoản về việc ấn định giá dầu thế giới trước thềm hội nghị thượng đỉnh của tổ chức OPEC và tuần tới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính nước này bắt đầu nghiên cứu các biện pháp chống đỡ nền kinh tế và hệ thống tiền tệ trong trường hợp giá dầu giảm xuống mức 60 USD/thùng. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng bộ này hoạch định ngân sách trên cơ sở giá dầu 80 USD/thùng.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/11 đã cáo buộc phương Tây đang tìm cách kích động một sự thay đổi chế độ ở Nga bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina.
Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà phân tích chính trị ở thủ đô Moskva, ông Lavrov khẳng định: “Phương Tây đang thể hiện một cách rõ ràng rằng họ không muốn ép (Nga) thay đổi chính sách, mà họ muốn có một sự thay đổi chế độ. Hiện các nhân vật công chúng ở các nước phương Tây đang rao giảng rằng cần phải đưa ra những biện pháp trừng phạt nhằm hủy hoại nền kinh tế (Nga) và kích động quần chúng biểu tình”.
Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes