‘Gieo chữ’ ở vùng cao
Để mang con chữ đến với học trò vùng cao, những thầy cô giáo “cắm bản” phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả. Bằng niềm tin và trách nhiệm, các thầy, cô đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đưa “con đò tri thức” đến với học sinh vùng sâu, vùng xa.
Cô Lò Thị Hải và học trò.
Giáo dục ở miền biên viễn
Cô giáo Vi Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng (huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa) cho biết, năm học 2021 – 2022 nhà trường có tổng số 166 học sinh/14 nhóm, lớp và 25 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trường Mầm non Trung Thượng hiện nay có 3 điểm lẻ, nhà trường đã tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ tại các nhóm, lớp 150 trẻ/166 đạt 90,4%.
“Nếu 5 năm trước, nhà trường thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên không đảm bảo theo định biên số trẻ, số lớp… thì trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự nhìn nhận đúng mức của mọi tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm, nay nhà trường đã có được ngôi trường mới khang trang hơn.
Các điểm lẻ cơ bản đủ về phòng học, trang thiết bị dạy và học đủ theo yêu cầu; đảm bảo đủ về số lượng đội ngũ giáo viên, chế độ chính sách nhà giáo tương đối ổn định. Tháng 11/2021 vừa qua, nhà trường vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1, và đạt kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 2″, cô Vinh chia sẻ.
Những khó khăn, thách thức đối với cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, theo cô Vi Thị Vinh, đó là: Địa hình phức tạp, dân cư không tập trung, điều kiện kinh tế – xã hội thấp, mặt bằng dân số nghèo và cận nghèo vẫn duy trì tỷ lệ nhất định; việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục cá nhân, tổ chức xã hội hóa để phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn…
Các phòng học điểm lẻ còn phòng lắp ghép, phòng cấp 4 xuống cấp trầm trọng; trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế (vì chưa phủ sóng hết)…
Cô Vi Thị Vinh hướng dẫn học sinh tập chơi đánh chiêng.
Cũng theo cô Vinh, để truyền cảm hứng cho học sinh, tập thể cán bộ, giáo viên trong trường luôn thay đổi phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường luôn tạo cảnh quan môi trường trong và ngoài lớp học “xanh – an toàn – thân thiện” nhằm năng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và ngày càng thu hút trẻ đến trường nhiều hơn.
Video đang HOT
Với cương vị của một Hiệu trưởng trường mầm non ở vùng biên giới giáp với nước bạn Lào, cô Vinh luôn trăn trở làm thế nào để đổi mới công tác nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ được tốt hơn.
Gắn bó với Tìa Dình
Nếu cô Vi Thị Vinh đã có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” tại ngôi trường Mầm non Trung Thượng thì cô Lò Thị Hải cũng có gần 10 năm giảng dạy ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Mà toàn là các điểm bản xa xôi. Năm học này cô dạy ở Trường Mầm non Tìa Dình. Tìa Dình là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông.
Ở đây, đời sống bà con chủ yếu vẫn phụ thuộc vào làm nương. Trường hiện có 1 điểm trung tâm và 6 điểm bản. Ngoại trừ 1 điểm bản cách trung tâm 3 km, còn lại các điểm khác đều không có điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại, khó khăn về nước sạch. Vì thế công việc của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non cũng ảnh hưởng nhiều.
Cô Hải chia sẻ: Khó khăn nhất phải kể đến ở đây là giao thông. Ngoài một số đoạn rất ngắn được trải bê tông, thì còn lại đều là đường đất, đèo dốc hiểm trở. Mùa mưa đi lại vô vùng vất vả, việc ngã xe, bị thương xảy ra như cơm bữa.
Cùng với việc giảng dạy, hàng ngày cô Hải phải thay cha mẹ chăm sóc học sinh.
Theo cô Hải, vết sẹo trên mặt cô là hậu quả của tai nạn trong lần đầu tiên đến nhận phụ trách tại điểm bản Na Xu, đây là bản xa và đường đi rất khó khăn. “Hôm ấy tôi đi một mình và đúng vào ngày mưa, đường rất trơn. Tôi mất nhiều giờ, vừa đi vừa dắt, đến con dốc cách điểm bản chừng 2km thì xe bỗng dưng mất phanh lao thẳng xuống vực. Tôi bất tỉnh chừng 20 phút, lúc tỉnh dậy chỉ thấy máu chảy xuống từ mặt, xe hỏng hết. Cố gắng bò lên, rồi đi bộ về điểm bản, nhờ dân giúp”, cô Hải nhớ lại.
Nói về sự thay đổi của giáo dục vùng cao, cô Lò Thị Hải cho biết: Những năm gần đây giáo dục miền núi, mà cụ thể nhất là ở Tìa Dình đã thay đổi rất nhiều. Trước kia các điểm bản đa phần là nhà tranh tre, nứa lá, tốt hơn thì nhà gỗ tạm bợ, không đảm bảo điều kiện học tập cho các con. Nhưng giờ được đầu tư xây dựng.
Ở các điểm bản, trước kia giáo viên ngày nào cũng phải 2 lượt đi hứng và xách nước từ các mó về trường phục vụ sinh hoạt của cô và trò, vất vả lắm. Nhưng giờ đường ống dẫn nước về tận nơi nên cơ bản cũng đảm bảo đủ dùng.
“Đặc biệt là chế độ ăn trưa cho các con thay đổi liên tục. Từ ngày tổ chức nấu ăn trưa, các con đi học chuyên cần và phát triển về thể chất hơn hẳn”, cô Hải cho biết thêm.
Năm học này, cô Hải cùng 3 giáo viên khác phụ trách tại điểm Tào La. Đây gần như là điểm cao nhất trong xã. Một ngày ở đây chỉ có khoảng 2 giờ là nhìn thấy mặt trời, còn lại thời tiết âm u, mù sương và rét. Đồng hành với học sinh ở Tìa Dình, cô Hải nói, không mong mỏi gì hơn ngoài việc các em được học tập.
“Vì chỉ có con đường đó mới giúp các em thay đổi chính cuộc sống của mình, sau đó mới kỳ vọng thay đổi được quê hương”.
Người lính trở về gắn bó với nghề giáo
Hai người lính sau khi rời quân ngũ đã quyết tâm thi vào ngành sư phạm để trở thành nhà giáo.
Thầy Lê Văn Sáng và học trò của mình.
Giờ đây, một thầy đã có 27 năm công tác và một người gắn bó với nghiệp "trồng người" ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) gần 24 năm.
Chọn nghề giáo sau khi rời nghiệp binh
Hai nhà giáo chúng tôi muốn nhắc đến là thầy Nguyễn Đăng Long (47 tuổi), đang công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh và thầy Lê Văn Sáng (55 tuổi), công tác tại Trường THCS Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Thầy Long sinh ra và lớn lên ở xã Thọ Tân (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Sau khi tốt nghiệp THPT, tháng 2/1993, chàng trai Nguyễn Đăng Long nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 375 Phòng không, đóng tại Đà Nẵng. Tháng 2/1995, binh nhất Nguyễn Đăng Long được xuất ngũ.
Khi về địa phương, Nguyễn Đăng Long nhận thấy nhiều em nhỏ vừa thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả học hành..., nên anh quyết tâm thi vào ngành sư phạm, với mong ước sẽ đem chữ về truyền thụ cho các em.
Dù đã "buông sách" khá lâu, kiến thức không còn nhiều, song Nguyễn Đăng Long không hề nản chí, vẫn quyết tâm mượn sách về tự ôn tập.
Sau một thời gian tự ôn tập, tháng 8/1996, Nguyễn Đăng Long trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Đến tháng 9/1998, giáo sinh Nguyễn Đăng Long được phân công lên nhận công tác ở Trường THCS Tam Văn, huyện Lang Chánh.
Còn thầy Lê Văn Sáng (sinh năm 1966), cũng trở thành nhà giáo sau khi rời quân ngũ, nhưng lại có hoàn cảnh khác với thầy Long.
Chia sẻ về quá trình trở thành nhà giáo của mình, thầy Sáng kể: "Năm 1983, huyện Lang Chánh chưa có trường cấp III. Vì thế, chúng tôi muốn đi học phải xuống huyện Ngọc Lặc. Trong khi gia đình tôi lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bố mẹ quanh năm lam lũ với ruộng nương, nên không có điều kiện cho tôi học hành. Vì thế, tôi quyết định xin gia nhập quân đội, hy vọng sẽ thay đổi được cuộc sống vất vả của mình và mở mang tầm hiểu biết".
Tháng 3/1983, thầy Sáng nhập ngũ và đến tháng 3/1986, phục viên về địa phương.
"Khi trở về địa phương, vẫn là cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Vì thế, tháng 9/1987, tôi tiếp tục đi học cấp III, hệ Bổ túc văn hóa. Tháng 6/1990, sau khi tốt nghiệp, tôi quyết tâm thi vào Khoa Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Tháng 9/1994, sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về dạy ở Trường cấp I-II Tam Văn. Năm 1997, tôi chuyển về công tác tại Trường THCS Đồng Lương, rồi sau đó (năm 2012), tôi tiếp tục học lên hệ đại học và công tác đến bây giờ", thầy Sáng chia sẻ.
Thầy Long trên bục giảng trong giờ dạy môn Toán.
Vượt khó nhờ cốt cách của người lính
Khi được điều động lên công tác ở vùng núi cao, xa, đặc biệt khó khăn, thầy Nguyễn Đăng Long và Lê Văn Sáng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, để mang tri thức đến truyền thụ cho lớp lớp học sinh. Dường như, cả thầy Long và thầy Sáng đều thấm nhuần được khí chất và cốt cách của người lính, nên dù khó khăn, vất vả trong cuộc sống cũng như trong công tác, các thầy đều vượt qua.
Sau 4 năm công tác, đến tháng 9/2002, thầy Nguyễn Đăng Long được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tam Văn. Hai năm sau đó, thầy Long được điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trí Nang, Lang Chánh. Đến năm 2007, được bổ nhiệm Quyền Hiệu trưởng Trường THCS Trí Nang và 2 năm sau, (2009), thầy Long chính thức giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.
Sau 5 năm công tác ở Trường THCS Trí Nang, thầy Nguyễn Đăng Long được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THCS Giao An (Lang Chánh). Từ tháng 9/2016 đến nay, thầy Long được điều động biệt phái lên công tác tại Phòng GD&ĐT huyện, mỗi tuần thầy vẫn lên lớp một ngày.
Thầy Lê Văn Sáng bộc bạch: "Khi trở thành giáo viên đứng lớp dạy môn Toán - Lý cho học sinh, tôi luôn trăn trở: Cuộc sống của bà con ở huyện vùng núi này vốn dĩ đã vất vả, thiệt thòi hơn so với nơi khác. Nếu mình không chịu khó vượt qua những gian nan, thì làm sao "kéo" được học sinh đến trường? Những lúc rảnh rỗi, tôi thường kể chuyện về năm tháng trong quân ngũ cho học sinh nghe, để truyền cảm hứng cho các em phấn đấu học tập", thầy Sáng tâm sự.
Nhận xét về thầy Long và thầy Sáng, ông Lê Minh Thư - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh - nói: Thầy Nguyễn Đăng Long và Lê Văn Sáng là những nhà giáo hết lòng vì học sinh.
"Từ khi còn là giáo viên rồi được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm lên làm quản lý, thầy Long luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hết lòng thương yêu các lớp học trò của mình. Tạo nên sự nghiêm khắc trong cách giáo dục học sinh, nhưng cũng đầy tình thương và trách nhiệm. Thầy Lê Văn Sáng cũng vậy, luôn tạo được nền nếp, giờ giấc cho học sinh biết sắp xếp một cách khoa học trong thời gian biểu. Chính cốt cách của người lính ở các thầy, mà đồng nghiệp luôn trân quý, học sinh luôn kính trọng dù ở môi trường học tập nào", ông Thư chia sẻ.
"Thời điểm lên nhận công tác ở Trường THCS Tam Văn, thật lòng, có những lúc tôi cảm thấy nản. Bởi lẽ, điều kiện cuộc sống vô cùng khó khăn. Đường đi, lối lại chỉ có thể đi bộ từ thị trấn (cách hơn chục km) lên trường mà thôi. Tất cả mọi thứ đều thiếu thốn, nên thầy lẫn trò đều vất vả. Cũng may, dù cuộc sống khó khăn, nhưng học sinh rất chăm ngoan, chuyên cần đến lớp và luôn nghe lời thầy, cô giáo. Đó chính là động lực lớn nhất của tôi lúc bấy giờ, để vượt qua khó khăn, gian khổ. Phải quyết tâm không để cho học sinh và bà con dân bản mất đi niềm tin đối với thầy, cô giáo", thầy Long tâm sự.
'Ươm chữ' trên đỉnh Đun Pù Trên đỉnh Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) có một lớp học đặc biệt được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá giữa chênh vênh gió núi, mây ngàn. Lớp học ấy là tấm lòng, là cái tâm của những người thầy đang miệt mài ngày đêm với sự nghiệp trồng người. Bà con dân bản trong...