Giật mình hình ảnh đôi môi sưng phồng của người phụ nữ do tiêm filler làm đẹp
Ở ngày thứ 10 sau khi tiêm filler (chất làm đầy) để môi căng mọng, vùng môi của bệnh nhân vẫn bị sưng nề, căng bóng, có vết dò ở hai môi.
Ngày 6/6, bệnh nhân H. (32 tuổi, Hà Nội) đến BV Da liễu Trung ương khám do bị sưng nề nhiều vùng mắt và môi do tiêm chất làm đầy (filler) ở môi, mắt và thái dương tại một thẩm mỹ viện tại Hà Nội.
Bệnh nhân H. cho biết trước đó khoảng 10 ngày, chị đi làm đẹp tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội, và được tư vấn tiêm môi cho căng mọng, tiêm vùng mắt giảm quầng trũng. Chị đã được tiêm filler ở môi, mắt và thái dương cách đó khoảng 10 ngày.
Sau tiêm filler 4 ngày chị bị sưng nề vùng mắt, môi. Đợi mãi không thấy tình trạng sưng nề sẽ giảm sau vài ba hôm như được tư vấn nên bệnh nhân đã vào BV Da liễu Trung ương khám.
Ths.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (BV Da liễu Trung ương) cho biết, tại thời điểm vào viện, bệnh nhân tổn thương sưng nề, căng bóng, sờ có khối chắc và vết dò ở môi trên và môi dưới, có phản ứng u hạt sau tiêm filler.
Để giải quyết tình trạng này của bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ định tiêm thuốc giải filler và chống phù nề, giảm viêm cho bệnh nhân.
Video đang HOT
Theo Ths.BS Vũ Thái Hà, biến chứng tiêm chất làm đầy có nguy cơ xảy nhưng không nhiều nếu được tiêm filler chuẩn, tại các cơ sở đảm bảo, bác sĩ có tay nghề.
Tuy nhiên, khi khách hàng được tiêm bằng các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc tại các cơ sở không đáng tin cậy hoặc không được cấp phép thì tỷ lệ gặp các biến chứng này cũng tăng lên.
Như trước đó 3 ngày, tại BV Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận cô gái trẻ 23 tuổi đến khám do sau tiêm filler vào mũi, toàn bộ vùng chóp mũi bệnh nhân bị sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi. Sống mũi đỏ, tiết dịch.
Các bác sĩ khuyến cáo khách hàng khi có nhu cầu làm đẹp bằng các sản phẩm chất làm đầy nên đến các cơ sở y tế có uy tín và được cấp phép. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần được tư vấn các biến chứng có thể xảy ra và các hướng xử trí khi cần thiết. Khi có biến chứng cần đến các cơ sở y tế tuyến cao, có giấy phép hành nghề để xử trí, tránh biến chứng gây hậu quả xấu về thẩm mỹ.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Hà Nội: 5 ngày sau tiêm chất làm đầy, cô gái có ổ mủ trên mũi
Tiêm chất làm đầy mũi tại một spa ở Hà Nội, cô gái trẻ 23 tuổi (Thanh Thuỷ - Phú Thọ) xuất hiện tình trạng mũi sưng nề, đau, tiết dịch dưới da phải nhập viện. Bác sĩ lo ngại khả năng vùng mũi của bệnh nhân sẽ để lại sẹo.
Ngày , bệnh nhân Đoàn Thị M. đến BV Da Liễu khám sau tình trạng sưng nề, đau vùng mũi, tiết dịch. Trước đó 5 ngày, cô gái tiêm filler (chất làm đầy) VINCI tại một spa ở Hà Nội.
Vùng mũi bệnh nhân bị chảy dịch, mủ sau tiêm filler 5 ngày.
Sau tiêm 1 ngày bệnh nhân thấy mũi đỏ, đau, tiết dịch ở da. Lập tức, cô gái trẻ quay lại spa và được tiêm thêm mũi Hyalurolidase với mục đích giảm phù nề, nhưng tình trạng ngày càng trầm trọng hơn.
TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ (Viện Da liễu Trung ương) cho biết, tại thời điểm đến khám, chóp mũi bệnh nhân bị sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi. Sống mũi đỏ, tiết dịch. Bệnh nhân cũng mang đến lọ filler dùng để tiêm, được biết là nhập qua đường tiểu ngạch.
Bệnh nhân đã được điều trị chống nhiễm khuẩn, giảm phù nề và chườm nóng.
TS Kiêm cho biết, các tai biến như bệnh nhân sau tiêm chất làm đầy gặp khá phổ biến. BV Da liễu Trung ương thường xuyên phải giải quyết các ca bệnh đến khám do có biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy vùng mũi, cằm, thậm chí môi.
Bình thường, với những bệnh nhân đến sớm, việc điều trị tích cực thường mang lại hiệu quả tốt, bệnh nhân không để lại sẹo. Nhưng với trường hợp này, hiện vẫn đang trong giai đoạn điều trị chống nhiễm khuẩn, nhưng việc xuất hiện nhiều ổ mủ dễ dẫn đến nguy cơ bị sẹo vùng mũi.
TS Kiêm khám cho bệnh nhân.
Theo TS Kiêm, tất cả các filler khi tiêm đều có thể gây biến chứng, nhưng biến chứng đó phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là tay nghề của bác sĩ. Với bác sĩ có tay nghề cao, khả năng bị biến chứng rất ít. Ngoài ra, vấn đề biến chứng cũng phụ thuộc vào cơ địa bệnh nhân. Với bệnh nhân đang có vấn đề ở mũi như viêm nhiễm, chảy máu vẫn tiêm filler sẽ dễ để lại biến chứng.
TS Kiêm cũng bày tỏ băn khoăn không hiểu sao chị em lại dễ dàng "phó mặc" sắc đẹp của mình cho spa, để có thể tiêm filler một cách dễ dàng. Bởi tiêm filler nhìn qua thì tưởng rất dễ dàng, nhưng để tiêm đúng cách nhằm không gây ra biến chứng lại không phải chuyện dễ.
"Theo quy định, một bác sĩ để được tiêm chất làm đầy cho bệnh nhân, bác sĩ đó phải được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân. Trong khi đó, phần lớn các ca có tai biến sau tiêm chất làm đầy nhập viện đều là tiêm tại các spa, cơ sở thẩm mỹ. Không phải cứ thấy người ta tiêm là mình cũng tiêm, dễ xảy ra biến chứng do không hiểu giải phẫu, không hiểu chỉ định tiêm", TS Kiêm nhấn mạnh.
TS Kiêm cho rằng, nhu cầu làm đẹp là tất yếu với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, chị em hãy là người phụ nữ thông thái, lựa chon các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp an toàn. Những tai biến do tiêm chất làm đầy đôi khi để lại những rắc rối về thẩm mỹ khiến chị em hoang mang, lo lắng, hoặc để lại sẹo do nhiễm trùng. Vì thế, việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ là vô cùng quan trọng để hạn chế các nguy cơ tai biến do làm đẹp gây ra.
Hồng Hải
Theo Dân trí
6 vấn đề cơ thể gặp phải khi bạn nạp quá nhiều muối Bụng căng trướng, đau đầu hay đau nhức xương khớp là những vấn đề dễ gặp khi cơ thể dư thừa natri. Liên tục khát nước Tương tự như sau khi ăn một món ăn quá mặn bạn cần uống nhiều nước hơn thì cơ thể cũng phát ra tín hiệu khát nước để cảnh báo chế độ ăn của bạn đang thừa...