Giáo viên vùng lũ đón 20/11: ‘Còn trường lớp là mừng rồi’
Thầy Biên chia sẻ, 14 năm trong nghề thầy chưa nhận được một bó hoa chúc mừng ngày 20/11 nào của học sinh.
Đợt bão lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề đối với đồng bào miền Trung. Hàng ngàn ngôi nhà bị sập, nhiều ngôi làng bị vùi lấp, hàng trăm gia đình mất người thân, tài sản trôi theo dòng nước dữ, có người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Có những gia đình mất đến 2-3 người thân. Tang thương bao trùm lên nhiều xóm nghèo.
Trước nhiều mất mát, đau thương do thiên tai gây ra, ngành giáo dục một số tỉnh miền Trung kêu gọi mọi người hướng về đồng bào vùng bão lũ, tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay sẽ gọn nhẹ hơn những năm trước.
Trao đổi với báo Đất Việt ngày 19/11, thầy Phan Duy Biên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Trà Ka (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, hiện giờ thầy cô trong trường còn đang lo khắc phục sau bão lũ nên ngày 20/11, nhà trường chỉ tổ chức gặp mặt thầy cô một lúc để chúc mừng ngày nhà giáo và tặng quà cho những thầy cô có thành tích cao trong năm học vừa qua.
“Những năm trước, trường có tổ chức các hội thi văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng do năm nay ảnh hưởng của bão lũ, không gian không có, chỉ có một chiếc phòng nhỏ dùng tạm, trong khi trường sáp nhập 2 đơn vị nên thầy cô cũng tăng gấp đôi.
Sân trường hiện giờ vẫn còn ngổn ngang bùn đất, chưa thể ngồi ngoài sân được, nguy cơ sạt lở vẫn cao. Mọi năm gần đến ngày 20/11, nhà trường còn lo mời chính quyền địa phương hay cho các em, thầy cô tập văn nghệ nhưng năm nay phải bỏ tất cả những hoạt động đó”, thầy Biên chia sẻ.
Sau hơn 20 ngày mưa bão, sạt lở, một sân trường ở Quảng Nam vẫn còn ngập ngụa bùn đất. Ảnh: TPO
Theo thầy Biên, do thầy dạy ở vùng cao nên 14 năm trong nghề, thầy chưa nhận được một bó hoa hay gói quà nào của học sinh. Mặc dù 2 vợ chồng thầy cùng làm trong ngành giáo dục nhưng cũng rất hiếm khi 2 vợ chồng đi ăn cùng nhau hay gửi lời chúc cho nhau.
Video đang HOT
“Có lẽ chúng tôi cũng quen rồi vì cuộc sống ở vùng cao để lo đủ cho các em việc ăn uống, học tập đã quá sức rồi, còn ai nghĩ đến việc tặng hoa, quà hay đi ăn riêng với nhau ngày này nữa?
Hiện giờ vợ con tôi đang ở cách nơi tôi giảng dạy 50km nên cũng không thể gặp nhau. Đến con tôi đi học cũng phải nhờ bên ông bà ngoại và người thân đưa đón, ngày 20/11, tôi cũng không đi thăm hỏi được giáo viên của con bao giờ”, thầy Biên chia sẻ thêm.
Thầy Biên cho biết, khi chưa xảy ra bão lũ, thông thường thầy lên trường từ sáng sớm thứ 2 đầu tuần và đến tối thứ 6 mới về nhà với gia đình. Tuy nhiên, từ sau khi xảy ra bão lũ, thầy phải ở lại trường cùng thầy cô sắp xếp lại bàn ghế, trang thiết bị trong trường và tranh thủ dạy bù vào những ngày cuối tuần cho các em kịp thi học kỳ.
“Không chỉ tôi mà đa số giáo viên trong trường cũng ở lại trường vì ai cũng ở xa, chỉ có một vài thầy cô buôn bán thêm, làm nhà cửa gần đây thì hết giờ dạy là về. Nói chung, bão lũ thiên tại, hạn hán thì những trường ở vùng sâu vùng xa trên cả nước đều phải chịu thiệt thòi nhưng cũng mong sao không ảnh hưởng nhiều để chúng tôi vẫn còn trường lớp dạy dỗ các em là mừng lắm rồi”, thầy Biên chia sẻ thêm.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn 60 em ở trường do nhà bị sạt lở, không có chỗ ở. Ảnh: Dân trí.
Còn theo chia sẻ của của ông Phạm Minh Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) cho biết, ngày 20/11 năm nay, trường chỉ tổ chức một buổi tọa đàm để kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam.
“Năm nay ảnh hưởng của bão lũ quá lớn, kinh tế khó khăn, Sở GD-ĐT cũng đã quán triệt về ngày 20/11 nên trường sẽ bỏ bớt các tiết mục văn nghệ để tiết kiệm chi phí.
Do địa phương cũng còn khó khăn nên không chỉ năm nay mà những năm trước cũng không có truyền thống học sinh đến thăm thầy cô như những địa phương khác. Thường thường các cháu cũng chỉ đến thăm các cô nội trú rồi mang bánh kẹo ra cùng chia vui cho có tinh thần thôi chứ cũng không có quà cáp gì”, ông Phương cho biết thêm.
20-11: "Học sinh đến trường là quà quý cho chúng tôi"
Các thầy cô ở vùng lũ miền Trung chia sẻ không cần hoa, không cần quà, chỉ cần thấy những nụ cười của các em đến trường là món quà ý nghĩa nhất với họ trong ngày 20-11.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong khi học sinh (HS) cả nước đang náo nức để tri ân thầy cô thì tại những vùng ngập lụt ở miền Trung, các thầy cô, phụ huynh và các em HS đang cùng nhau nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tất cả bước vào cuộc đua để bảo đảm chất lượng chương trình học.
Đến thời điểm này, tại một số điểm vùng sâu vùng xa, phải rất khó khăn các em HS mới có thể đến trường vì sạt lở, bùn đất bủa vây.
Ngày nhà giáo đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa
Nếu như những năm trước dọc tuyến đường nhiều nơi tại Thừa Thiên-Huế rộn ràng những gian hàng bán hoa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam thì năm nay vắng hẳn. Riêng nhiều ngôi trường ở vùng lũ chúng tôi không còn thấy hình ảnh những nhóm HS đi xe đạp với bó hoa tươi thắm dâng lên thầy cô.
Hơn một tháng qua, địa phương này phải hứng chịu sáu trận bão lũ liên tiếp, nước ngập sâu trong trường hơn 1 m, hàng ngàn HS phải nghỉ học một thời gian dài.
Cô Đoàn Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), cho biết mưa lũ kéo dài hơn một tháng nay cũng là thời gian trường bị ngập lụt. Lũ rút dần, thầy cô tranh thủ dọn dẹp để đón HS trở lại trường.
"Mọi năm nhà trường vẫn tổ chức kỷ niệm 20-11 và có mời một số giáo viên về hưu tới để họ thăm lại trường lớp, giao lưu cùng các thầy cô ở trường nhưng với tình hình này, khả năng... sẽ hẹn vào mùa sau" - cô Lan tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), cũng cho biết: Bây giờ ở điểm Trường Cu Dong, hàng rào thì bị lũ cuốn, sân trường bị vỡ nham nhở, đồ chơi cho trẻ cũng sứt sẹo, hư hỏng.
Cũng theo bà Hà, năm nay nhà trường không có hoạt động gì về ngày 20-11. Trường và giáo viên tập trung cho việc khắc phục, việc gì tự làm được thì vận động phụ huynh cùng giáo viên làm. Ước mơ của ngày truyền thống nhà giáo năm nay của các giáo viên là trường không phải đóng cửa, HS được đến trường.
Ngày 20-11 của Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng được tổ chức khác những năm trước. Các thầy cô trong trường chỉ làm một bữa cơm nhỏ để mọi người ngồi lại tâm sự sau thời gian dài vất vả dọn dẹp trường lớp.
Cô Thúy Phụng, giáo viên nhà trường, tâm sự: "Ngày 20-11 năm ngoái, lúc về đến phòng thì tôi thấy một túi nylon đựng năm lon nếp để trên bàn và mấy củ khoai, sắn nằm dưới nhà. Tôi thấy nhiều em nhỏ còn hái hoa dại, những khóm hoa dã quỳ trên rừng về tặng các thầy cô. Cảm động và ấm lòng lắm. Còn năm nay chỉ cần thấy các con đi học đầy đủ là chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi".
Thầy cô dọn dẹp cho ngôi trường ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang - (Thừa Thiên - Huế) bị tốc mái sau bão số 13. Ảnh: N.DO
Khắc phục hậu quả bão lũ, chạy đua tiến độ dạy học
Ông Đỗ Viết Đề, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thuận (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), chỉ tay vào dãy phòng học chỉ còn bộ khung bằng bê tông nói: "Việc lợp lại mái nhà cần có kinh phí và có tay nghề, chứ nếu làm được thì giáo viên cũng leo lên đó làm rồi".
"Được sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng địa phương kèm với công sức của các thầy cô, nhà trường sẽ cố gắng khắc phục thiệt hại và tạo điều kiện để các em HS đến trường một cách nhanh nhất. Để kịp chương trình, trường dự định vừa tổ chức cho HS trở lại học vừa khắc phục hậu quả" - ông Đề nói.
Lo ngại hơn là sau mỗi trận bão lũ, nhiều HS nghèo tay trắng trở lại trường học bởi sách vở, bút mực đều bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Sau cơn bão số 13 vừa qua, 34 điểm trường hư hỏng, nhiều trường bị tốc mái khá nặng. Hiện đã có nhiều trường ở vùng lũ HS nghỉ học quá dài ngày, nhiều trường nghỉ hơn một tháng. Từ đó việc tổ chức dạy bù cho các em là hết sức khó khăn.
Chúng tôi không tiếp khách, không nhận hoa vào ngày 20-11 này nhưng lãnh đạo sở sẽ có những món quà gửi đến các cán bộ, giáo viên ở những nơi khó khăn.
Bà LÊ THỊ HƯƠNG, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị
Lớp học trong lều ở bản Sắt Bên trong căn lều phủ bạt, tiếng ê a của học trò vẫn vang lên, chẳng ai nghĩ căn lều phủ bạt ấy là lớp học của con em ở bản Sắt những ngày sau lũ... Những ngày này, khắp nơi trên cả nước những người làm công tác giáo dục đều hân hoan chào đón ngày kỷ niệm Hiến chương các nhà...