Giáo viên trẻ làm chủ nhiệm dễ hay khó?
Đào tạo giáo viên chủ nhiệm tại trường thì chúng tôi luôn quan tâm đến trình độ chuyên môn, nhưng tính cách con người của giáo viên đó là việc quan tâm số một.
“Cuộc đời làm giáo viên thì ai cũng phải có lúc mới đầu rồi sau một vài năm có thời gian trải nghiệm, bản thân tôi khi mới ra trường thì lớp đầu tiên tôi nhận làm chủ nhiệm là lớp 2, đây là lớp 1 của một giáo viên rất giỏi đã dạy, nên tôi cảm thấy áp lực.
Bản thân tôi rất lo lắng và phụ huynh lớp đó cũng không yên tâm vì thấy tôi trẻ quá.
Buổi họp đầu tiên, tôi có chia sẻ với với phụ huynh học sinh rằng: Tâm lý lo lắng của các anh chị về giáo viên trẻ là đúng, bản thân em vừa mới ra trường thì đã lấy đâu ra kinh nghiệm, đến trải nghiệm cũng còn chưa có.
Nhưng mọi người hãy yên tâm một điều là em rất yêu quý học sinh, mặc dù kinh nghiệm chưa có nhưng thời gian em lại có rất nhiều, cùng với tâm huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề.
Trong quá trình phối hợp với các anh chị để giáo dục con, nếu có vấn đề gì thì xin mọi người cứ trao đổi để hỗ trợ em làm tốt công tác chủ nhiệm, cũng như việc học tập và giáo dục các con được hiệu quả.
Với tâm niệm luôn cầu thị thì phụ huynh lại chính là những người thầy giúp cho tôi làm công tác chủ nhiệm tốt hơn.
Vì vậy mà sau năm lớp 2 đó thì tập thể phụ huynh của lớp yêu cầu nhà trường cho tôi được theo để dạy tiếp những lớp sau, cuối cùng tôi theo dạy lớp đó 4 năm liền”, cô Thủy chia sẻ.
Cô Đào Thị Thủy – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội: Phụ huynh và học sinh cảm nhận được tình cảm của mình đối với các con và công việc, thì đó là lúc công tác chủ nhiệm của mình đạt hiệu quả. Ảnh: Tùng Dương.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thị Thủy – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cho biết:
“Sau nhiều năm dạy học rồi lên làm quản lý, từ sự trải nghiệm của mình tôi thấy trong việc dạy học sinh thì không thể tránh khỏi việc mình sơ sảy, hoặc chưa được như mong muốn của phụ huynh.
Nhưng nếu tâm mình xuất phát từ việc yêu quý học sinh, làm tất cả cho các con một cách tốt nhất, thì những việc sơ sảy kia đều bị lu mờ.
Phụ huynh và học sinh cảm nhận được tình cảm của mình đối với các con và công việc, thì đó là lúc công tác chủ nhiệm của mình đạt hiệu quả.
Chọn và đào tạo giáo viên chủ nhiệm.
Việc tuyển giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi trải qua rất nhiều vòng, từ lựa hồ sơ, phỏng vấn xem hình thức, quan sát việc giao tiếp của cô với học sinh.
Tiếp đến phần thi viết về kiến thức Toán, tiếng Việt… nếu đạt tiếp vòng thi này sẽ đến phần thi giảng trực tiếp trên lớp.
Ban giám hiệu chỉ là người quan sát phần tương tác của giáo viên với học sinh có thân thiện hay không, có mang tính chất tất cả vì học sinh hay không…? Đây là phần được đánh giá rất cao, còn trực tiếp chấm điểm lại là việc của tổ trưởng bộ môn.
Có thể với cách dạy của giáo viên trong bài này, bài kia chưa được sáng tạo lắm, nhưng cách xử lý của cô ở trên lớp thì được ban giám hiệu quan tâm và đánh giá rất cẩn thận.
Sau khi đạt phần thi giảng thực hành, chúng tôi sẽ phỏng vấn thông qua tiết học mà giáo viên đó vừa thi, để chính giáo viên đó tự đánh giá, nhận xét phần thi của mình?
Cuối cùng, cô Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch hội đồng quản trị của nhà trường sẽ phỏng vấn lần cuối trước khi giáo viên đó được nhận”.
Hàng năm nhà trường chúng tôi dành cả tháng 6 và tháng 7 để đào tạo giáo viên trực tiếp sau khi đỗ thi tuyển, vì mỗi giáo viên trước khi vào trường đều có xuất phát điểm khác nhau.
Video đang HOT
Ngoài việc đào tạo kỹ năng làm việc trên lớp thực tế, chúng tôi tập chung đào tạo về phát triển bản thân của giáo viên, đồng thời mỗi ngày các cô sẽ báo cáo với ban giám hiệu những việc mình đã và đang làm.
“Trong quá trình báo cáo sẽ bộc lộ, phát sinh ra những tình huống mà giáo viên xử lý chưa được tốt lắm, lúc này ban giám hiệu sẽ hướng dẫn, điều chỉnh sát với thực tế.
Sau 2 tháng được đào tạo, nhà trường sẽ sàng lọc lại xem giáo viên nào phù hợp, đủ điều kiện giảng dạy thì mới phân công công việc.
Cũng có trường hợp sau khi giáo viên được phân công làm chủ nhiệm, qua một thời gian thì các phụ huynh có ý kiến…chúng tôi sẽ gặp trực tiếp phụ huynh và giáo viên đó để tìm hiểu vấn đề phản ánh là gì.
Nếu thấy thực sự có vấn đề thì giáo viên chủ nhiệm đó sẽ có thời hạn 3 tuần để thay đổi, nếu như không thay đổi, không có tiến bộ thực sự thì chúng tôi sẽ đổi giáo viên.
Giáo viên chưa đạt đó sẽ chuyển xuống làm ở bộ phận hành chính, cũng như tiếp tục được đào tạo cho đến khi đạt tiêu chuẩn giáo viên chủ nhiệm.
Ban giám hiệu nhà trường luôn xác định vai trò đầu tiên của giáo viên chủ nhiệm phải giống như một người bố, người mẹ của các con ở trường.
Khi học sinh ở nhà thì các em có bố mẹ bên cạnh, nhưng khi ở trường cũng có bố mẹ nhưng đó là các thầy cô giáo chủ nhiệm của mình.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm ở trên lớp còn là người bảo vệ học sinh, là người luôn luôn đến trước để đón chào học sinh ở trường vào mỗi sáng.
Họ cũng như một trọng tài trong các tình huống học sinh trong lớp xảy ra mâu thuẫn, có thể các em không bằng lòng với bạn, với bố mẹ ở nhà nên đến kể với cô, nhờ cô giải quyết.
Những lúc như vậy thì giáo viên chủ nhiệm lại phân tích cho học sinh hiểu thế nào là sai, là đúng với bố mẹ, gia đình, bạn bè…
Vấn đề bồi dưỡng đào tạo giáo viên chủ nhiệm tại trường thì chúng tôi luôn quan tâm đến trình độ chuyên môn, cũng như tính cách con người của giáo viên đó, nhưng vấn đề con người thì chúng tôi quan tâm đầu tiên.
Khi mà yêu quý học sinh thì bản thân người giáo viên đó sẽ nghĩ được rất nhiều thứ, ví dụ với bài này mình cần phải dạy cho học sinh theo phương pháp nào để các em dễ tiếp thu, hoặc phải làm sao để các em hứng thú học tập.
Học sinh sẽ cảm nhận được tình cảm của giáo viên chủ nhiệm, thấy tin tưởng, thoải mái thì tự nhiên tư duy của các em sẽ phát triển, lúc này người giáo viên chủ nhiệm không cần phải hướng dẫn nhiều, các em sẽ tự tìm hiểu và rất nhớ kiến thức.
Nếu như giáo viên chỉ yêu bản thân và cách thể hiện của mình thì giờ lên lớp của giáo viên đó sẽ khác ngay, cô sẽ nhanh nhanh dạy xong giáo án của mình nhưng thực chất là học sinh không tiếp thu được gì qua bài giảng đó”, cô Thủy nói.
Giáo viên chủ nhiệm như người bố, người mẹ của các con ở trường. Ảnh: Tùng Dương.
Nên hay không chọn giáo viên chủ nhiệm trẻ tuổi.
“Vấn đề này cũng tùy quan điểm suy nghĩ của từng người, bản thân tôi cũng không đánh giá nặng về độ tuổi, nhưng nếu chọn giữa một giáo viên trẻ vừa ra trường với một giáo viên đã có kinh nghiệm lâu năm, thì tôi sẽ chọn giáo viên trẻ.
Tại sao? Giáo viên trẻ vừa ra trường sẽ có nhiều thời gian hơn để gần gũi chăm sóc học sinh, cô như một người chị lớn chứ không bị xa cách về tuổi và suy nghĩ.
Giáo viên trẻ cập nhật mọi kiến thức mới rất nhanh, dễ tương tác với học sinh, hơn nữa các em thấy cô giáo của mình trẻ trung, xinh đẹp, vui vẻ thân thiện, thì bản thân các em cũng rất thích được làm việc với cô ở trên lớp.
Ngược lại thì giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm, nên để dạy một vấn đề nào đó thì các cô cần phải có nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi cũng như chia sẻ với các đồng nghiệp đi trước nhiều hơn.
Thậm chí giáo viên trẻ còn mang cả những đề Toán nâng cao của học sinh về nhà để làm, rồi các cô chấm chéo lẫn nhau, báo cáo ban giám hiệu, vậy nên những cô giáo trẻ vừa ra trường không có việc gì các cô không làm được, đó cũng là một lợi thế.
Cách dạy hiện nay không như ngày trước, cứ dạy nâng cao rồi làm đi làm lại các dạng toán, những giáo viên đã dạy lâu năm cũng đã thuộc làu ở trong đầu.
Vậy nên những giáo viên chỉ chăm chăm dạy kiến thức cho học sinh sẽ không còn phù hợp với xã hội hiện nay.
Để thay đổi được một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức là một việc rất khó, tuy nhiên không thể phủ nhận được có rất nhiều giáo viên đã thay đổi và thích nghi với những phương pháp dạy học mới khá nhanh.
Còn đối với những giáo viên có độ thay đổi ít, tính bảo thủ cao thì ngay từ vòng thi tuyển thứ 2 vào trường là chúng đã loại ra.
Hàng năm, chúng tôi tổ chức cho các giáo viên chủ nhiệm trong trường ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm ở một số nước có nền giáo dục phát triển.
Hàng tháng ngay tại trường, các giáo viên này vẫn được đào tạo thực tế với nhiều phương pháp giáo dục tích cực, điều này giúp cho các giáo viên chủ nhiệm áp dụng vào giảng dạy ở trên lớp rất tốt”, cô Thủy nhấn mạnh.
Tùng Dương
Theo giaoduc
Hiệu ứng Pygmalion: Các bậc cha mẹ hay thầy cô giỏi đều là những người giỏi nói dối
Nói dối là một kĩ năng giáo dục của bậc trí tuệ. Thành công của phương pháp này phụ thuộc vào cách cha mẹ nói dối trẻ như thế nào.
Tôi từng nghe một bài hát có tựa đề là: Ngắm hoa trong sương mù. Ca từ của bài hát nhẹ nhàng thế này: "Hãy cho tôi mượn một đôi mắt thông tuệ, để tôi nhìn thấu mọi điều trên thế gian".
Trong cuộc sống, có lẽ mỗi người chúng ta đều cần một đôi mắt thông tuệ. Nhưng trong việc giáo dục con cái, tôi thường khuyên các bậc phụ huynh rằng: "Bạn chỉ cần một mắt nhắm, một mắt mở".
"Một mắt mở" là để nhìn thấy ưu điểm, sở trường, tiềm năng của con. Còn đối với khuyết điểm hoặc những điều con không thực hiện được, bạn chỉ cần "một mắt nhắm" là những điều ấy sẽ không tồn tại.
Một số phụ huynh đã bật lại: "Làm thế chẳng khác nào tự lừa người dối mình". Các bậc phụ huynh này không biết rằng, nói dối là một kĩ năng và là phương pháp giáo dục đạt cảnh giới cao nhất mà hiếm người làm được.
Một người mẹ khi đi họp phụ huynh, giáo viên nói rằng: "Con của chị học kém nhất lớp, khả năng tập trung của nó chỉ vọn vẹn khoảng 3 phút". Trở về nhà, người mẹ nói với con: "Cô giáo khen ngợi con tiến bộ, cô nói rằng con có khả năng tập trung khoảng 3 phút". Đứa trẻ nghe xong cảm thấy rất phấn khích, khả năng tập trung của đứa trẻ bắt đầu tăng lên từ 5 phút, cho đến 10 phút.
Một học sinh kiểm tra văn học chỉ đạt 12 điểm. Giáo viên đã hỏi nguyên nhân và được biết cậu học sinh này không hứng thú với văn học, trên lớp cậu ta cũng không chuyên tâm nghe giảng. Giáo viên đã nói rằng: "Em không hứng thú với văn học, không chăm chú nghe giảng nhưng có thể đạt 12 điểm, chứng tỏ em rất giỏi. Nếu em dành thêm thời gian học, tin rằng kết quả của em sẽ tốt hơn".
Bài kiểm tra tiếp theo, cậu học sinh này đã đạt 20 điểm. Giáo viên tiếp tục khen ngợi bằng cách sử dụng kĩ năng nói dối, và thành tích của cậu học sinh ngày càng ấn tượng.
Hiệu ứng Pygmalion - lời tiên tri tự ứng nghiệm
Giáo sư tâm lý học Robert Rosenthal đã khám phá ra hiệu ứng Pygmalion, còn gọi là "lời tiên tri tự hoàn thành" hay "lời tiên tri tự ứng nghiệm". Một lần đến trường học, ông đã chọn ngẫu nhiên 10 học sinh và nói rằng các em là những thiên tài. Kết quả 8 tháng sau, hiệu trưởng và giáo viên phát hiện thành tích của 10 em học sinh này đều có tiến bộ rõ rệt.
Hiện tượng kỳ vọng cao dẫn đến sự gia tăng hiệu suất được gọi là hiệu ứng Pygmalion. Hầu hết giáo viên đều biết đến "trò bịp" này, những người có thể áp dụng nhuần nhuyễn phương pháp này sẽ trở thành giáo viên xuất sắc. Nhưng thật đáng tiếc, một số giáo viên khác bởi vì có đôi mắt thông tuệ, quá tỉnh táo, quá lý trí nên không thể một mắt nhắm, một mắt mở. Sau cùng, họ đã vuột mất cơ hội trở thành một giáo viên xuất sắc trong việc dẫn dắt, khai phá tiềm năng của học sinh.
Một số phụ huynh than thở với tôi rằng, con của họ nhỏ tuổi và rất nghịch ngợm, nó không hề hiểu chuyện như "con nhà người ta". Khi nghe điều này, tôi cảm thấy mừng thầm cho họ, bởi họ có nhiều cơ hội để áp dụng kĩ năng nói dối với con. Nếu con của họ già dặn như ông cụ non, khi bố mẹ sử dụng kĩ năng nói dối, nó liền khịt mũi và cho rằng "trò bịp" của cha mẹ thật nhạt nhẽo. Thế là hỏng bét rồi, bởi họ không thể vận dụng kĩ năng nói dối để khai phá tiềm năng của con.
Tại sao kĩ năng nói dối có tác dụng "đáng gờm" đến thế?
Hành vi của con người thường hình thành theo 3 mốc giai đoạn: Nhận định, giả vờ, thay đổi.
Chẳng hạn, bạn muốn con trở thành một đứa trẻ ham học, bạn có thể áp dụng phương pháp như sau:
1. Nhận định:
Dùng mọi cách để nói với con rằng: "Con là đứa trẻ ham học".
Nói với người khác rằng: "Con của tôi là đứa trẻ ham học".
Lúc bình thường, bạn hãy đối xử với con bạn theo cách nó là đứa trẻ ham học.
2. Giả vờ
Ban đầu, con có thể phản ứng gay gắt: "Con không ham học, mẹ đừng nói vớ vẩn nữa".
Nhưng sau khi nghe người khác nhắc đến nó là đứa trẻ có niềm đam mê bất tận với việc học. Nó sẽ muốn thử cảm giác tỏ ra là đứa trẻ ham học. Ngay lập tức, bạn tiếp tục nhận định: "Quả nhiên con là đứa trẻ ham học".
Tâm lý của trẻ sẽ tỏ ra ham học trước những người khuyến khích nó về việc học. Cho dù con không thích học thật đấy, nhưng khả năng giả vờ của con đã thuần thục rồi.
3. Thay đổi
Khi nhiều người khen con bạn là đứa trẻ ham học, khả năng giả vờ của con sẽ khuếch trương theo phạm vi rộng. Khi nhiều người kiên trì khen con bạn là đứa trẻ ham học, khả năng giả vờ của con sẽ tăng dần theo thời gian. Tiếp theo, giả vờ ham học sẽ dần biến thành thói quen, đứa trẻ sẽ nghĩ mình là một đứa trẻ ham học. Cuối cùng, đứa trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ ham học thật sự.
Điều này tương tự như lời nói dối, khi lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành lời nói thật. Khi một người tin rằng mình là người thế nào, người đó sẽ trở thành người như vậy.
Các nhà tâm lý học đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: "Bạn chỉ cần đối xử với một người theo cách mà bạn muốn người đó trở thành. Không lâu sau, người đó sẽ thật sự biến thành người mà bạn mong muốn".
Những bậc cha mẹ hoặc giáo viên tài giỏi là người vô tình hoặc cố ý áp dụng theo quy tắc này. Trước tiên, họ sẽ nhận định là đứa trẻ tài giỏi, biết quan tâm người khác. Tiếp theo, trước mặt giáo viên hoặc cha mẹ, đứa trẻ sẽ thể hiện mình là người như vậy. Sau đó, đứa trẻ sẽ thật sự trở thành người mà cha mẹ và giáo viên mong muốn.
Các bậc cha mẹ cần lưu ý, khi bạn nói con mình là một kẻ bất tài, không giỏi giang. Khi đó cha mẹ đã trở thành kẻ nói dối theo hướng tiêu cực, bởi đứa trẻ sẽ thật sự trở thành một kẻ bất tài, không giỏi giang theo cách mà cha mẹ tiêm nhiễm vào đầu nó.
Nói dối là một kĩ năng giáo dục của bậc trí tuệ, thành công của phương pháp này phụ thuộc vào cách cha mẹ nói dối trẻ như thế nào. Khi cha mẹ mong muốn con trở nên tài giỏi, thì trước tiên cha mẹ phải thạo "trò bịp" bằng cách nhắn nhủ với trẻ: "Con chính là đứa trẻ tài giỏi!".
Theo QQ/Helino
Phong trào "Nuôi heo đất" - việc làm nhỏ ý nghĩa lớn Thời gian qua tập thể giáo viên và học sinh trường Tiểu học Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã tích cực hưởng ứng và thực hiện mô hình "Nuôi heo đất trong trường học". Đây là một phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các thầy cô giáo cùng các em học sinh hưởng ứng phong trào nuôi...