Giáo viên nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy học tích hợp liên môn lớp 6
“Thay đổi, sáng tạo, nỗ lực” chính là bộ từ khóa vàng của nhiều thầy cô đang trực tiếp giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là môn học lần đầu xuất hiện ở lớp 6 – môn Khoa học tự nhiên.
Năm học 2021-2022, một số môn học tích hợp sẽ lần đầu áp dụng ở lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Tường Vân.
Vừa dạy vừa nghiên cứu
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 6 trên cả nước chính thức bước vào đổi mới chương trình, học sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, đây là lần đầu học sinh và giáo viên THCS được tiếp cận với môn học tích hợp – Khoa học tự nhiên nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu.
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, cô Lê Thị Thủy (Đông Sơn, Thanh Hóa) cho biết, nội môn học tích hợp khá “nặng”, buộc giáo viên phải nỗ lực tìm tòi và xây dựng bài giảng thích hợp nhất.
“Kiến thức trong sách mới nhìn có vẻ nhẹ nhưng thực tế giảng dạy rất nặng. Việc truyền đạt hết nội dung bài giảng cho học sinh sẽ gặp khó, dẫn đến tình trạng học sinh bị áp lực bởi kiến thức nhiều, giáo viên thêm môn, thêm tiết nên vất vả.
Chiếu theo chương trình cũ, phân môn Sinh học liên kết nội dung dạy của chương trình lớp 6 và lớp 7; phân môn Hóa cũng liên kết chương trình lớp 6 với lớp 8. Nếu giáo viên không tìm hiểu sâu, không nghiên cứu bài giảng kỹ thì học sinh khó có thể tiếp cận được kiến thức” – cô Thủy cho biết.
Giáo viên này cũng nhận định, quá trình dạy và học môn tích hợp sẽ còn nhiều khó khăn, vì vậy giáo viên cần nỗ lực hết mình, vừa dạy vừa nghiên cứu, đảm bảo truyền tải kiến thức đến học sinh theo mục tiêu đã đề ra.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Đỗ Thị Thanh Tuyền (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, hiện nay giáo viên phải thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận kiến thức và hình thức truyền đạt bài học đến học sinh.
Video đang HOT
“Trước đây, giáo viên quen hình thức trình bày dài dòng, cố gắng xây dựng nhiều dạng bài tập và phải truyền tải nhiều kiến thức nhất. Hiện nay, mục tiêu bài giảng đã thay đổi, buộc giáo viên phải đổi mới cách tiếp cận và truyền đạt nội dung cho học sinh. Giáo viên phải tư duy, nghiên cứu và sáng tạo rất nhiều trong quá trình giảng dạy” – cô Tuyền bày tỏ.
Tích cực xây dựng giáo án bài bản, khoa học
Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, theo cô Tuyền, giáo án là nhân tố quan trọng hàng đầu, các trường học phải tích cực xây dựng giáo án bài bản, khoa học và đúng tinh thần.
“Tại đơn vị tôi công tác, giáo án được soạn theo một khung chung và từ đó các thầy cô có sự điều chỉnh về từng lớp cho phù hợp với năng lực, khả năng của từng học sinh.
Đặc biệt, chúng tôi rất tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Trước đây, 2 tuần mới có 1 buổi sinh hoạt, nhưng hiện nay, chúng tôi sinh hoạt nhóm chuyên môn vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần để đưa ra phương hướng giảng dạy trong tuần mới, giúp tất cả thầy cô xác định rõ mình sẽ dạy những gì, dạy như thế nào, số tiết ra sao. Đồng thời, các thầy cô có khó khăn gì sẽ được đưa ra thảo luận chung để tìm phương án xử lý” – cô Tuyền thông tin.
Cô Phạm Thùy Dung (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho rằng, để chương trình mới phát huy ưu điểm, thầy cô phải nỗ lực hết sức trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy và phối hợp chặt chẽ với nhau.
“Trường tôi soạn giáo án theo nhóm. Ví dụ, khối 6 có 3 người phụ trách bộ môn Khoa học tự nhiên, hàng tuần, 3 thầy cô sẽ họp nhóm, xác định nội dung trọng tâm bài giảng là gì, cần truyền tải những gì đến học sinh để các con hiểu bài nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trao đổi về phương pháp, kỹ thuật dạy học, cùng nhau chia sẻ các công cụ dạy học hiện đại. Đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau trong thiết kế bài giảng để các con hứng thú hơn khi học trực tuyến. Chúng tôi cũng xác định, sáng tạo trong giảng dạy chính là chìa khóa vàng để thầy cô truyền cảm hứng học tập đến học sinh” – cô Dung chia sẻ.
Phụ huynh cùng nhà trường chống "sốc" cho HS lớp 6
Chương trình - SGK lớp 6 năm học 2021 - 2022 sẽ có một số thay đổi, có những môn mới như KHTN, Lịch sử - Địa lý.
Ngoài sự hướng dẫn của GV, phụ huynh nên cùng con tìm hiểu SGK mới để có phương pháp học thích hợp.
Một giờ học của HS Trường THCS Nguyễn Huệ
Đồng hành cùng con
Thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết:
Đầu vào của HS lớp 6 năm tới không học được trọn chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Tiểu học . Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình và kế hoạch bổ sung cho lớp 5. Điều này nhằm giúp HS tiểu học được bổ trợ kiến thức để sẵn sàng đón nhận chương trình lớp 6.
Chính vì vậy, theo thầy Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, phụ huynh nên dành thời gian cùng con tìm hiểu sách giáo khoa mới, tìm phương pháp học thích hợp, thay đổi cách học sao cho phù hợp với chương trình hiện hành.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Huệ trong chương trình ngoại khóa giáo dục địa phương về chủ quyền biển đảo
Ngoài ra, thầy Võ Thanh Phước lưu ý: "Giai đoạn chuyển cấp này sẽ có những thay đổi lớn về môi trường học đường và phương pháp học tập. Vì vậy, trong giai đoạn này, bố mẹ nên ở bên cạnh các con nhiều hơn, động viên và theo sát các con.
Các bậc phụ huynh hãy lắng nghe cảm xúc, tâm sự với con để chuẩn bị tâm lý khi sắp bước vào giai đoạn mới. Phụ huynh hãy giúp con thích ứng được với môi trường mới, tập cho con những kỹ năng khi gặp bạn mới, thầy cô mới thì nên làm gì cho hợp lý. Đồng thời, trang bị những kỹ năng giao tiếp cơ bản để con không bị rụt rè hay lạc lõng trong đám đông".
Học môn tích hợp như thế nào?
Với những môn học mới, có tính chất tích hợp như Lịch sử - Địa lí, KHTN, trường THCS Nguyễn Huệ phân công GV dạy học các nội dung phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Ví dụ như với môn Lịch sử - Địa lý, sẽ do GV Lịch sử và GV Địa lý đảm nhận. Ở học kỳ I, mỗi tuần lớp 6 có 2 tiết Lịch sử, và 1 tiết Địa lý. Học kỳ II sẽ phân thời khóa biểu ngược lại, 1 tiết Lịch sử và 2 tiết Địa lý.
HS Trường THCS Nguyễn Huệ với các hoạt động trải nghiệm trong chuyên đề Giáo dục kỹ năng sống
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Ví dụ, dối với môn KHTN ở học kì 1, thời lượng mỗi môn: Sinh học 2 tiết/tuần; Hóa học: 1 tiết/tuần; Vật lí: 1 tiết/tuần. Bài kiểm tra định kì là bài kiểm tra tổ hợp của 3 môn, trong đó: Môn Sinh học sẽ chiếm 50% điểm số, môn Hóa học 25% và môn Vật lí 25%.
Với môn Lịch sử - Địa lý, bài kiểm tra thường xuyên thì ở học kỳ I, phần Lịch sử sẽ có 3 cột điểm, Địa lý 1 cột điểm. Sang học kỳ II sẽ đổi ngược lại. Đối với bài kiểm tra đánh giá định kỳ, gồm một bài giữa kỳ và cuối kỳ thì sẽ làm một đề kiểm tra chung với cấu trúc 70% dung lượng kiến thức Lịch sử, 30% môn Địa lý ở học kỳ I và ngược lại ở học kỳ II.
Đây cũng là phương án tổ chức dạy học và đánh giá mà nhiều trường THCS sẽ áp dụng trong năm đầu dạy học chương trình SGK mới ở lớp 6. Song song với đó, các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học trong những năm học đến.
"Không phải đến khi thực hiện chương trình GDPT mới, GV mới đổi mới mà việc áp dụng các phương pháo dạy học mới, nhiều năm qua đã được GV của trường thực hiện và đạt được kết quả tốt. Chúng tôi đã có những đổi mới theo hướng đón đầu như dạy học theo hướng tích hợp liên môn, xây dựng các chủ đề dạy học, hoạt động. Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, đã có thêm nội dung nghiên cứu bài học để GV cùng nhau chia sẻ kinh nhiệm, tránh được những lúng túng ban đầu khi thực hiện CT-SGK mới ở lớp 6", thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
"Tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách như ván đã đóng thuyền, tổ trưởng sẽ rất vất vả Những thầy cô được phân công làm tổ trưởng chuyên môn ở 2 môn tích hợp trong năm học tới sẽ vất vả nhiều hơn các tổ khác, nhất là tổ trưởng môn Khoa học tự nhiên. Đối với các trường học phổ thông, Ban giám hiệu nhà trường là những người chịu trách nhiệm chung trong việc quản lý, giám sát về...