Giáo viên, nhà trường chọn cách kiểm tra phù hợp
Trước băn khoăn, lo lắng của một số phụ huynh học sinh phổ thông về tính chính xác, khách quan của bài kiểm tra chất lượng học kỳ I năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết hiện nay, học sinh chỉ còn 4 bài kiểm tra đánh giá định kỳ.
Bài kiểm tra có thể thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính, cũng có thể qua bài thực hành hoặc dự án học tập để các thầy cô, nhà trường lựa chọn một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học lưu ý Bộ GD-ĐT đã giao quyền cho các trường quyết định hình thức kiểm tra đánh giá trong trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường. Hiệu trưởng các trường quyết định cách thức thực hiện để bảo đảm công bằng, minh bạch, đặc biệt là đánh giá đúng năng lực học sinh. Bài kiểm tra định kỳ, kết quả đánh giá định kỳ phải phù hợp với kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Giáo viên, nhà trường chọn cách kiểm tra phù hợp (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO
Giải tỏa lo ngại việc kiểm tra trực tuyến có thể dẫn đến kết quả đánh giá thiếu trung thực, chính xác, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh giáo viên và phụ huynh cần hiểu rằng kiểm tra chỉ là nhất thời. Bản thân phụ huynh cũng cần nghiêm khắc để kiểm tra con đạt được năng lực đến đâu chứ không phải phó mặc cho nhà trường. Phụ huynh nên nhìn nhận việc kiểm tra định kỳ trực tuyến ở khía cạnh tích cực, đánh giá đúng năng lực người học thay vì lo lắng việc gian lận. Tất nhiên, các trường vẫn có những biện pháp giám sát qua camera, theo dõi, coi thi bình thường…
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nếu kiểm tra định kỳ phát hiện trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Việc kiểm tra đánh giá được thực hiện theo quy định chung, công khai, minh bạch, tháo gỡ những khó khăn, bất thường xảy ra trong quá trình học. “Bộ GD-ĐT không thể nào đưa ra quy định chung áp dụng cho hàng triệu giáo viên, học sinh. Chúng tôi rất đồng tình, chia sẻ và mong nhà trường thực hiện tốt việc dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến” – ông Thành kỳ vọng.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết không quy định cứng về hình thức kiểm tra học kỳ I. Căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của dịch Covid-19, nhà trường chủ động quyết định hình thức kiểm tra cho phù hợp. Nếu dịch bệnh tại địa phương được kiểm soát, nhà trường có thể bảo đảm các điều kiện an toàn và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, được sự phê duyệt của cấp quản lý trực tiếp thì có thể tổ chức cho học sinh đến trường làm bài kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tiếp. Trường hợp học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho các em làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến với phòng GD-ĐT trước khi thực hiện.
Học trực tuyến cả năm thầy trò chưa gặp mặt, đánh giá xếp loại hạnh kiểm thế nào
Nếu xếp loại hạnh kiểm tất cả học trò ở mức Tốt thì dễ vô cùng nhưng nó sẽ dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không học hành gì cũng Tốt, hệ lụy sẽ rất lớn về sau.
Tính đến thời điểm này, đa phần các trường phổ thông trên cả nước đã có kế hoạch kiểm tra học kỳ I. Đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 đã bước vào giai đoạn ôn tập, nhiều nơi đã tiến hành kiểm tra học kỳ I.
Theo hướng dẫn hiện nay, khi kết thúc học kỳ I thì bắt buộc các nhà trường phải xếp loại học tập, hạnh kiểm (Thông tư 58) đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 và xếp loại rèn luyện đối với học sinh lớp 6 (Thông tư 22).
Việc xếp loại hạnh kiểm cho học sinh ở những địa phương đang tiến hành dạy học trực tiếp thì mọi chuyện không có gì khó khăn cả nhưng những nơi đang phải dạy và học trực tuyến thì sẽ gặp nhiều bất cập.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy Bộ, cũng như các Sở Giáo dục có những chỉ đạo cụ thể về việc này. Chính vì thế, nhiều nhà trường và giáo viên chủ nhiệm ở những nơi đang phải dạy học trực tuyến sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá, xếp loại học trò.
Việc xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) ở những nơi đang học trực tuyến đang lúng túng - (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)
Các văn bản hướng dẫn xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) học sinh đang hướng dẫn ra sao?
Theo hướng dẫn của Thông tư số 58/2011/TT- BGDĐT về việc đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thì hạnh kiểm của học sinh được xếp thành 4 loại: Tốt (T), Khá (K), Trung bình (Tb), Yếu (Y). Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.
Đối với những học sinh được xếp loại hạnh kiểm Tốt phải đáp ứng được các yêu cầu theo điểm a, khoản 1, Điều 4 của Thông tư số 58/2011/TT- BGDĐT, đó là:
a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội;
b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu;
c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình;
d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập;
đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân".
Hiện, việc xếp loại hạnh kiểm theo Thông tư số 58/2011/TT- BGDĐT đang được thực hiện đối với học sinh từ lớp 7 cho đến lớp 12.
Năm nay, học sinh lớp 6 sẽ thực hiện việc xếp loại rèn luyện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT theo 4 mức, bao gồm: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại rèn luyện của học sinh lớp 6 khác hơn rất nhiều so với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.
Nếu như việc xếp loại hạnh kiểm của học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT- BGDĐT có rất nhiều tiêu chí về nội quy, học tập, thái độ, hành vi... thì việc xếp loại rèn luyện của học sinh lớp 6 lại căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức.
- Mức Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông và có nhiều biểu hiện nổi bật.
- Mức Khá: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông và có biểu hiện nổi bật nhưng chưa đạt được mức Tốt.
- Mức Đạt: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
- Mức Chưa đạt: Chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Và, phẩm chất trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bao gồm 5 phẩm chất, đó là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Nếu trong điều kiện học trực tiếp bình thường, học sinh đi học và tham gia các hoạt động giáo dục đầy đủ thì việc xếp loại hạnh kiểm hay rèn luyện cho học sinh phổ thông không có gì khó khăn vì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn sẽ căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn của các Thông tư để xếp loại.
Tuy nhiên, trong điều kiện rất đặc biệt như năm học này, nhiều địa phương vẫn đang phải dạy và học trực tuyến, việc xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) cho học trò sẽ gặp một số khó khăn nhất định.
Giáo viên nào cũng muốn xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) cho học trò mình ở mức Tốt nhưng nếu học sinh đều xếp loại Tốt cả thì sẽ bất công cho những em phấn đấu và những em không phấn đấu.
Bộ và các Sở Giáo dục cần có hướng dẫn cụ thể về việc xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) đối với những nơi đang phải dạy và học trực tuyến
Việc dạy và học trực tuyến trong năm học này ở nhiều địa phương là trường hợp bất khả kháng, là giải pháp tình thế vì dịch bệnh diễn biến phức tạp và nó chưa có tiền lệ trong ngành giáo dục.
Chính vì thế, có lẽ để cho giáo viên thuận lợi và có cơ sở pháp lý để xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) ở học kỳ I trong năm học này thì Bộ và các Sở cần có văn bản chỉ đạo cụ thể. Bởi, việc dạy và học trực tuyến hiện nay ở các nhà trường đang phải đối mặt với rất nhiều tình huống mới.
Nhiều học sinh không tương tác với giáo viên trong giờ học, nhiều học sinh chỉ đăng nhập tài khoản rồi đi đâu thì giáo viên không biết bởi giáo viên gọi thì học sinh không lên tiếng hoặc luôn có các lí do như míc hỏng, máy tính không có webcam.
Nhiều học sinh không làm bài tập, không làm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ (kiểm tra giữa kỳ). Nhiều em vắng học không phép quá số buổi quy định... Gặp những trường hợp như vậy, giáo viên gọi điện, nhắn tin nhưng nhiều em không trả lời, không phản hồi lại.
Nếu căn cứ vào Thông tư số 58/2011/TT- BGDĐT và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì nhiều em chỉ đạt hạnh kiểm (rèn luyện) ở mức Trung bình (Đạt), thậm chí là Yếu (Chưa đạt).
Đó là chưa kể nhiều em vì các lý do khác nhau mà mấy tháng học vừa qua vẫn chưa tham gia học trực tuyến, giáo viên phải phát tài liệu hàng tuần tại nhà cho học sinh...
Nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể thì giáo viên chủ nhiệm - người có vai trò quyết định trong việc xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) của học trò sẽ gặp khó. Bởi, từ đầu năm học đến nay thì thầy và trò ở nhiều tỉnh phía Nam vẫn chưa biết mặt nhau.
Nếu xếp tất cả học trò ở mức Tốt thì dễ vô cùng nhưng nó sẽ dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không học hành gì cũng Tốt, hệ lụy sẽ rất lớn về sau. Nếu xếp loại học sinh ở mức Trung bình (Đạt) hoặc Yếu (Chưa đạt) thì giáo viên... không dám vì không có hướng dẫn của cấp trên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Kiểm tra trực tuyến: Cần ra đề để học sinh mở vở cũng không được điểm cao Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng, các trường kiểm tra định kỳ trực tuyến có thể ra đề mở, học sinh không nắm chắc kiến thức nếu mở vở vẫn không đạt điểm cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn áp dụng hình thức học trực tuyến,...