Giáo viên mổ xẻ mở đoạn bài văn 0 điểm
Người trong nghề nhìn nhận điểm 0 trong mở đoạn bài văn tả mùa yêu thích của học sinh lớp 7 có lỗi thiếu sót của giáo viên là không giải thích.
Cô Nguyễn Ngọc Hà, giáo viên Văn, trường THCS Quảng Lạc (Lạng Sơn) cho biết: “Cảm nhận ban đầu của tôi khi đọc câu mở đầu là hay. Học sinh viết mở đoạn hay, tư duy sáng tạo, logic, có sự hấp dẫn. Em cũng viết đúng yêu cầu đề bài, không giống với đa phần các bạn.
Thường đa phần học sinh khi nhận được đề bài như vậy sẽ viết ở dạng một năm có bao nhiêu mùa, em thích nhất là mùa này… Dĩ nhiên là có những học sinh cảm nhận được sâu sắc như em học sinh viết bài văn kia. Nếu đúng đó là cảm nhận của chính học sinh thì nên khuyến khích”.
Cách dạy và học văn trong trường phổ thông đã có nhiều thay đổi tích cực. Ảnh: VietNamNet.
Cô Hà cho biết trong quá trình dạy học, đã có những lúc cô gặp những đoạn văn hay như người lớn viết, hoặc hay nhưng giống bài văn nào đó, phải tranh luận với các đồng nghiệp.
“Trong quá trình học, học sinh tham khảo nhiều sách, nên có thể em ngấm hoặc chép lại. Nhưng nếu học sinh đã viết ra, thì phải chấm. Bài nào cho điểm cao, tôi vẫn nhận xét như Em viết hay, sáng tạo. Nếu cho điểm thấp hoặc có gì đặc biệt như sao chép SGK, tôi cũng chú thích cho học sinh biết”.
“Vì không được xem cả bài viết, nên tôi không biết cả bài văn này bao nhiêu điểm, và những phần khác nữa được chấm như thế nào. Thông thường nếu là một bài văn 10 điểm thì phần mở bài được 1 điểm, thân bài 7 điểm, kết luận được 1 điểm và 1 điểm dành cho trình bày.
Trong trường hợp này, khi cho điểm cô giáo nên ghi chú lý do điểm 0 ở bên cạnh. Hoặc vì tế nhị, không muốn để những học sinh khác thấy nhận xét trên bài của bạn, cô giáo nên nói riêng với học sinh lý do tại sao.
Tôi nghĩ rằng cô chấm 0 điểm chắc chắn có lý do, có dụng ý mà không nói ra. Bởi vì, câu văn đó đọc lên ai cũng thấy rằng hay, cô giáo cũng chấm điểm ở bài văn cẩn thận, cho điểm rõ ràng từng phần”.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) nhận xét: “Với những bài văn phát biểu cảm xúc như đề văn đó, các giáo viên rất trân trọng sự mới lạ. Một bài văn thường có barem điểm chấm về nội dung và hình thức. Phần nội dung thường được 8 điểm, hình thức được 2 điểm.
Cô Thuận cho rằng, mặc dù có barem, nhưng barem điểm trong văn không như toán. Cở nhiều cách đánh giá khác nhau với một bài văn.
“Khi tôi còn làm tổ trưởng tổ chuyên môn đã thống nhất, luôn nhắc nhở trong nhóm không được cho học sinh ‘mặc đồng phục’ trong các bài tập làm văn. Một học sinh có thể viết: Em không thích mùa nào cả, em không hài lòng với mùa nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, cảm xúc mỗi mùa mang lại cho em khác nhau…”.
Một bài viết có chính kiến, có tâm trạng, đưa ra được các lập luận có logic, hoàn toàn có thể chấm điểm cao.
Bài kiểm tra của con được phụ huynh chia sẻ.
Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với giáo viên
Cô Nguyễn Ngọc Hà cho biết, trong cách ứng xử với học sinh và phụ huynh hiện nay, giáo viên văn đã tế nhị hơn trước rất nhiều.
“Trong trường hợp này, có lẽ giáo viên nên trao đổi trực tiếp với phụ huynh” – lời cô Hà.
“Cũng có một số lý do khiến giáo viên đôi khi chấm điểm không chính xác. Nhiều lúc do việc này việc kia, định ghi chú, ghi nhận xét vào bài kiểm tra của học sinh, nhưng chấm xong rồi quên đi. Hoặc khi chấm xong các điểm thành phần rồi lại quên cộng điểm tổng hoặc cộng thiếu các điểm thành phần”.
Tôi thấy rằng, học sinh trong trường hợp này có điểm yếu là không thắc mắc ngay với cô giáo. Thông thường, giáo viên không vào điểm ngay khi trả bài cho học sinh. Sau khi trả bài, các em có 10 phút để xem lại. Nếu có vấn đề gì, thắc mắc gì, có chỗ nào cô cộng thiếu điểm…, các em phản ánh lại với giáo viên. Sau đó, cô mới lấy điểm vào sổ con, rồi sau nữa mới lấy điểm vào sổ chính.
Có những trường hợp cộng điểm thiếu. Nhiều em đòi quyền lợi ghê lắm nhé, ‘Tại sao chỗ này cô cho bạn điểm mà em thì không?’. Học sinh phải có kỹ năng lên tiếng khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng”, cô Hà chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thuận cũng cho rằng, phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với giáo viên. Dù sao người có lỗi ở đây trước hết là giáo viên, khi không giải thích rõ ràng với học sinh về lý do cho điểm 0. Nhưng nếu phụ huynh gặp trực tiếp giáo viên thì cả hai bên sẽ được giải tỏa dễ dàng hơn…
Nói thêm về công việc của một giáo viên văn, theo cô Thuận: “Người dạy học như ca sĩ, tại sao cùng một bài hát mà người này hát hay, người kia lại không thể? Giáo viên phải thấm được tác phẩm mới dạy hay được. Điều này phụ thuộc năng lực sư phạm của mỗi người. Giáo viên phải truyền được cảm xúc cho học trò. Nếu trò không tốt, có trách đầu tiên là phải trách mình.
Tôi thấy nghề giáo vừa như đạo diễn, vừa như biên kịch, lại cũng như một diễn viên. Biên kịch tốt, đạo diễn tốt mà diễn xuất tồi cũng không được.
Một lúc người giáo viên phải đóng nhiều vai. Trong khi sự đòi hỏi của phụ huynh đối với nhà giáo không ngừng tăng lên cả về chuyên môn, năng lực sư phạm, công nghệ thông tin lẫn tâm lý.
Phụ huynh bây giờ có ít con và có điều kiện hơn nên rất chăm con, đòi hỏi con mình phát triển toàn diện… Đó là xu hướng tất yếu”.
Theo Ngân Anh/Vietnamnet
Cách chấm bài văn quá chi tiết gây tranh cãi
Trong bài viết của một học sinh lớp 2, cô giáo chấm và sửa chữa bằng giọng văn của mình. Nhiều người cho rằng, điều này sớm hình thành cho các em tư duy và cách làm sao chép.
Bài văn lớp 2 được nữ sinh trường CĐ Sư phạm Hà Nội chia sẻ lên diễn đàn tiểu học có nội dung như sau: "Mùa hè bắt đầu từ tháng 6 trong năm. Mặt trời chiếu những tia nắng chói chang. Cây cối trong vườn của ông em trĩu quả, em thỏa thích hái. Mùa hè chúng em được nghỉ học để về quê thăm ông bà. Em còn được đi chơi với bố mẹ. Ôi mùa hè thật tuyệt vời làm sao".
Bằng bút màu đỏ, cô chữa bài của học sinh rất chi tiết bằng cách thêm loạt từ ngữ, câu mới. Bên cạnh đó, giáo viên còn viết thêm một đoạn văn mẫu dài như sau:
"Những loài hoa mùa hè đua nhau khoe sắc. Hoa hồng bạch, hồng nhung nở rực rỡ. Hoa sen thơm ngát nở trong đầm. Hoa phượng đỏ rực như lửa cùng ve kêu báo hiệu hè đến, chúng em tạm xa trường để về quê nghỉ hè. Em được về quê thăm ông bà. Cây cối....".
Bài văn gây tranh cãi.
Nữ sinh trường sư phạm trăn trở: "Để học sinh tự do sáng tạo hay sửa thành bài văn của mình thế này? Bài nào cô giáo cũng chữa nhiều như vậy. Với học sinh lớp 2 em nghĩ chỉ nên hướng dẫn trên lớp hoặc thêm một vài câu gợi ý. Còn cách chấm và chữa bài như thế này sẽ như một chiếc máy photo, các em làm văn rất rập khuôn".
Người đăng tải bài văn cho biết thêm, khi về nhà học sinh đã được mẹ hướng dẫn viết một bài khác giống như cô đã sửa. Tới lớp nộp lại, em nhận được lời phê ngắn gọn: "Bài viết đủ ý, nội dung đạt".
"Như vậy, cô giáo chấm bài của chính mình hay sao?"- cô gái kết thúc chia sẻ.
Dòng chia sẻ về cách chấm bài văn chi tiết này nhận được nhiều ý kiến bình luận. Có người cho rằng, đây chỉ là bản hướng dẫn cụ thể của giáo viên. Cũng có ý kiến khác bình luận: "Học sinh lớp 2 mà viết được bài như lúc chưa sửa là được rồi. Những câu từ mà bạn thêm vào bằng mực đỏ là trình độ của học sinh năng khiếu".
"Văn phải gần gũi với cuộc sống, chính từ sự quan sát và cảm nhận của các em. Đừng viết mấy câu sáo rỗng. Cô giáo nói mặt trời đỏ rực như chiếc mâm đồng nhưng nếu hỏi học sinh lớp 2, các em sẽ không biết đồ vật này, và sự thật chiếc mâm đồng cũng không đỏ rực. Thêm nữa, nếu cô viết mùa hè bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6, vậy học sinh hỏi "Cô ơi, tháng 7 mùa gi hả cô?". Cô sẽ trả lời, tháng 7 mùa thu, như vậy có hợp lý không?" - thành viên Vịnh Nguyễn viết.
"Vì bệnh thành tích nên cô giáo phải dạy như thế này thôi. Mỗi lớp có 40 học sinh sẽ tạo ra 40 bài văn y hệt nhau. Ngay từ những bài viết đầu tiên các em đã được dạy tư duy và cách làm sao chép" - là lời lo lắng của nhiều người quan tâm đến giáo dục tiểu học.
Theo Zing
Mở đoạn bài văn 0 điểm gây tranh cãi Chị Lê Huệ (Hà Nội) vừa chia sẻ bài văn kiểm tra giữa kỳ của con (học sinh lớp 7) bị 0 điểm với phân vân: Vì mở đoạn không đúng văn mẫu, không đúng yêu cầu? Đề bài: Viết một đoạn văn cảm nhận về mùa yêu thích. Mở đầu học sinh viết: "Một buổi sáng thức giấc, bạn chợt thấy những...