‘Giáo viên mầm non đánh con tôi dã man hàng ngày’
Một người cha ở Trung Quốc đã đau đớn thốt lên như vậy khi nói về nạn bạo hành trẻ mầm non. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia xảy ra nhiều vụ giáo viên đánh trẻ.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI), hành động bỏ bê hay ngược đãi có thể ảnh hưởng sự phát triển về thể chất, cũng như tâm lý của trẻ.
Do đó, giáo viên mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát hiện sớm và can thiệp vào hành vi lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ nhỏ. Song nhiều khi, họ lại là người thực hiện các hành động bị lên án này.
Theo một số báo cáo, hai quốc gia có nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non là Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Ấn Độ, 3 trong số 5 trẻ em ở nhóm 3-5 tuổi bị đánh. Bốn hình thức phổ biến nhất là trẻ bị đánh bằng roi, bị đập vào lưng, bị tát hoặc véo tai.
Những vết thâm tím trên chân của trẻ mầm non bị giáo viên bạo hành ở Trung Quốc. Ảnh: Weibo.
Những vụ việc đau lòng
Đầu năm 2015, dư luận Hàn Quốc rúng động vì đoạn băng quay cảnh giáo viên mầm non tát một em nhỏ ngã xuống đất và không thể đứng dậy. Theo Straits Times, Yang tức giận vì bé không chịu ăn kim chi và nhổ thức ăn ra ngoài.
Cô giáo 33 tuổi cho rằng cái tát là một phần của biện pháp giúp sửa thói quen xấu ở trẻ. Camera ghi hình trong vòng 24 ngày trước đó cho thấy 16 trường hợp tương tự đã xảy ra. Yang từng nhốt một em nhỏ để phạt vì tội không nghe lời.
Gần đây, tại bang Maharashtra ở Ấn Độ, gia đình bé Ritisha, 9 tháng tuổi, bị sốc với hành vi bạo hành của giáo viên Afsana Shaikh. Đoạn băng ghi hình cho thấy phụ nữ này liên tục đá và tát Ritisha, ném em xuống sàn và dốc ngược đứa bé.
Khi đến đón con vào cuối buổi chiều, mẹ của bé gái 9 tháng tuổi phát hiện những vết bầm tím trên khuôn mặt con. Gia đình cho biết đó là ngày đầu bé đến trường.
Ban giám hiệu giải thích bé tự cào vào mặt khi đang chơi. Tuy nhiên, khi về nhà, em liên tục khóc và không chịu ăn. Hai vợ chồng sau đó phát hiện thêm nhiều vết bầm tím trên lưng con gái.
Buổi tối, Ritisha bắt đầu sốt cao và nôn mửa. Phụ huynh đưa con đến bệnh viện khám vào ngày hôm sau. Các bác sĩ nhận định em bị nứt hộp sọ dẫn đến chảy máu bên trong.
Tại Trung Quốc, năm 2014, cô giáo 27 tuổi dạy tại một trường mầm non ở Bắc Kinh thừa nhận hành vi đánh và quát trẻ.
Một phụ huynh nói với The South China Morning Post rằng giáo viên đánh con anh mỗi ngày và cấm bé kể với người khác. Anh nhìn thấy vết bầm tím trên chân con trai trong nhiều tháng.
“Con trai tôi thường giật mình tỉnh giấc nhiều lần vào ban đêm và gào khóc: &’Đừng đánh con’”, người cha nói.
Theo lời phụ huynh này, giáo viên hay đánh vào đầu, bắp chân và lưng của những đứa trẻ. Các bác sĩ kiểm tra và cho biết các em có nhiều chấn thương ở phần mô mềm.
Video đang HOT
Sau khi kiểm tra đoạn băng ghi hình, giới chức phát hiện cô giáo 27 tuổi từng bắt 21 học sinh (từ 3 đến 4 tuổi) đứng vào một góc trong nhà vệ sinh. Hai cậu bé cố gắng chạy trốn nhưng bị bắt lại. Tiếng giáo viên quát mắng và tiếng la khóc của lũ trẻ ầm ĩ.
10 phút sau, một camera khác cho thấy cô giáo đưa lũ trẻ đến nhà ăn nhưng phạt hai em nhỏ không được ăn cơm. Trong giờ ăn, phụ nữ này liên tục dạo quanh, đá vào chân và quát những đứa trẻ ăn chậm.
Tức nước vỡ bờ
Những hành động tương tự cũng xảy ra hồi tháng 4/2016 tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Một giáo viên mầm non đang đánh vào đầu và giật tóc bé gái thì bà của em đến.
Bất bình trước hành vi này, bà xông vào lớp và đánh giáo viên. Vụ việc căng thẳng đến mức một nhân viên trong trường phải lao đến ngăn cản.
Wu, bố của bé gái bị bạo hành, thông tin con gái anh không muốn đến trường. Tìm hiểu nguyên nhân, anh biết cô bé thường xuyên bị giáo viên đánh.
Hầu hết trường hợp bạo hành trẻ nhỏ tại trường mầm non bị phát hiện, hình phạt thường là sa thải giáo viên. Một số vụ việc gây rúng động dư luận, giới chức mới vào cuộc.
Điển hình là vụ giáo viên mầm non 27 tuổi tại Bắc Kinh, cô giáo này bị bắt và Ủy ban Giáo dục của huyện Triều Dương thành lập nhóm điều tra đặc biệt.
Tại Hàn Quốc, sau khi vụ việc vỡ lở, nhà trẻ phải đóng cửa. Cô giáo Yang bị bắt. Hiệu trưởng đã đứng ra xin lỗi em nhỏ và phụ huynh song vẫn không thể dẹp làn sóng phẫn nộ. Các vị phụ huynh trong khu vực đó thay phiên nhau đứng bên ngoài trung tâm cầm khẩu hiệu: “Nói không với bạo hành trẻ em”.
Trong vụ đánh trẻ 9 tháng tuổi đến chấn thương sọ não ở Ấn Độ, cha mẹ của Ritisha đã đệ đơn tố cáo để cảnh sát vào cuộc. Giáo viên và giám đốc trường đã bị bắt.
Từ tháng 9/2012, chính phủ Ấn Độ bắt đầu sửa đổi một số điều luật, thắt chặt khung hình phạt đối với những người tấn công trẻ nhỏ. Theo đó, người vi phạm có thể lĩnh mức án lên đến 7 năm tù và bị phạt tiền.
Đặc biệt, điều 85 của Bộ luật tư pháp đối với trẻ vị thành niên nêu rõ: “Trong trường hợp một đứa trẻ bị tổn thương về thể xác và cảm xúc, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 3 năm”.
Theo Zing
Giáo viên mầm non: 'Chúng tôi nhận phong bì vì lương thấp'
Một số giáo viên mầm non cho hay khi phụ huynh đưa tiền, họ nhận vì lương thấp, hơn nữa việc này không ảnh hưởng tới quyết định có đánh trẻ hay không.
Thời gian gần đây, giáo viên mầm non bạo hành trẻ là một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong xã hội.
Trước tình trạng hàng loạt vụ việc không hay bị phanh phui trên báo chí và mạng xã hội, câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu vụ bạo hành giấu kín đằng sau cánh cửa trường mầm non và nguyên nhân nào dẫn đến những hành vi phản giáo dục này.
1.001 lý do đánh trẻ
Thực tế, việc giáo viên đánh trẻ không hiếm nhưng không nghiêm trọng đến mức phụ huynh tới trường ý kiến hoặc đưa chuyện lên mạng xã hội.
Những bậc cha mẹ nuôi con nhỏ chắc chắn hiểu việc quản một đứa trẻ đang trong giai đoạn tò mò với thế giới chung quanh không dễ. Trong khi đó, giáo viên mầm non bị bao quanh bởi ít nhất 10 trẻ, mỗi trẻ có những rắc rối và gây phiền phức theo cách riêng.
Giáo viên mầm non vừa phải dạy dỗ, vừa phải chăm sóc trẻ từ việc ăn, ngủ đến vệ sinh cá nhân. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.
Thùy D. - giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh - cho rằng công việc ở nhà trẻ thực sự gây ức chế. Cô thường cáu kỉnh, thể hiện rõ sự bực bội với học sinh, thậm chí dọa nạt và đánh khi trẻ nghịch phá, quá cứng đầu.
"Tôi biết đánh trẻ không phải giải pháp hay nhưng đôi khi, đây là biện pháp duy nhất. Nhiều cha mẹ cũng dặn tôi cứ đánh khi cần, miễn giữ đúng chừng mực vì họ hiểu rõ mức độ khó bảo của con họ hơn ai hết", nữ giáo viên trẻ tâm sự.
Không ít cô giáo mầm non thừa nhận bản thân khó kiềm chế sự bực tức khi học sinh quậy phá, khóc không dứt, không chịu ăn, ngủ, đánh bạn khác hay không chịu báo giáo viên khi muốn đi vệ sinh.
Cô V.O. - giáo viên ở TP.HCM - chia sẻ nhiều khi bực quá, cô không kiểm soát được tình huống nên dùng tay đánh vào mông trẻ. Lúc mới vào nghề, cô cũng được các đồng nghiệp đi trước "mách nước" các chiêu dỗ học sinh nhưng thực sự có nhiều bé quá quậy phá, vượt quá sức chịu đựng.
Thêm vào đó, lãnh đạo trường cũng là nguyên nhân gây khó chịu khi họ nhận hết những trẻ được gửi vào mà không quan tâm đến cơ sở vật chất có đủ không và giáo viên phụ trách lớp có quản hết hay không.
N. Quỳnh ở Lâm Đồng cho biết thường xuyên ngột ngạt vì bị kẹt giữa quản lý nhà trường, phụ huynh và học sinh. Nhiều khi, cô cảm thấy việc giữ thái độ bình tĩnh để đối mặt với 30 đứa trẻ là việc quá khó.
Thêm vào đó, một số giáo viên thừa nhận họ có hành vi bạo lực với trẻ vì tức phụ huynh.
D.H. - giáo viên ở Lâm Đồng - cho biết cô hiểu rõ nỗi băn khoăn cũng như sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng của bậc cha mẹ khi các vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xuất hiện. Song việc phụ huynh phản ứng thái quá và đổ oan cho giáo viên là không thể chấp nhận được.
Cô kể khi trẻ đau ốm hay trầy xước, không ít phụ huynh ngay lập tức tố cáo lên gặp hiệu trưởng. Họ thậm chí không chịu tìm hiểu nguyên nhân mà khẳng định luôn là do giáo viên đánh trẻ hoặc chăm trẻ không tốt.
"Thỉnh thoảng, tôi muốn gạt đạo đức nhà giáo qua một bên, đánh những trò không ngoan. Vì dù đánh hay không, tôi cũng mang tiếng đánh trẻ do chính phụ huynh áp đặt rồi", cô H. bức xúc.
Nhiều giáo viên mầm non cũng thấy tủi thân trước thái độ thiếu tôn trọng của cha mẹ học sinh, từ việc luôn dùng giọng điệu sai bảo đến việc tặng quà, đi tiền với thái độ bố thí.
Tuy nhiên, họ cũng ít khi từ chối vì đây là nguồn thu nhập thêm, bổ sung cho mức lương ít ỏi. Hơn nữa, họ sẽ không vì tiền mà quyết định đánh trẻ hay không.
"Tôi biết gia đình họ có điều kiện nên vứt tôi một khoản tiền để tôi không đánh con họ. Tôi khẳng định mình chưa từng đánh trẻ quá tay. Nhưng họ đưa tiền thì tôi nhận, dù sao lương giáo viên cũng chẳng đủ để tôi lo cho gia đình", N.A. - giáo viên ở Đà Nẵng - cho biết.
Cô giáo nói thêm việc đánh trẻ không hiếm nhưng đánh đến mức trẻ bầm tím, chảy máu hay dùng dép đánh hoặc dội nước lạnh vào người trẻ là không thể chấp nhận và không có lý do nào để bao biện. Họ làm vậy chỉ vì thiếu tình thương trẻ và lương tâm của con người.
Tranh cãi quanh việc đánh trẻ
Thực tế, xã hội luôn bất bình trước những vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ, nhưng không ít phụ huynh thừa nhận họ chấp nhận để giáo viên đánh con chỉ mong trẻ nên người.
Anh Công Tú (ở Hà Tĩnh) cho biết con trai anh rất quậy phá và khó bảo. Ở nhà, nhiều khi anh cũng đánh, phạt đứng nhưng bà và mẹ cháu luôn can ngăn. Vì thế, khi gửi con đến nhà trẻ, anh cho phép dùng biện pháp mạnh để đưa cháu vào nề nếp.
"Con tôi nên tôi hiểu, cứng đầu lắm, không đánh không được. Từ hồi đi học tới giờ, ngoan hơn hẳn. Thằng bé kể không nghe lời cô đánh, không đau nhưng xấu hổ với các bạn khác", nam phụ huynh nói.
Chị Đào Phương (ở Vũng Tàu) cũng không phản đối việc giáo viên đánh trẻ để răn đe. Nhưng chị nhấn mạnh việc đánh này chỉ mang ý cảnh cáo, nghĩa là đánh để trẻ biết việc trẻ làm là không nên và cần chấm dứt ngay.
Bà mẹ trẻ cho biết chị là giáo viên tiểu học, cũng làm việc thường xuyên với trẻ nhỏ nên hiểu được sự ức chế của cô giáo mầm non cũng như tin các cô không đánh vì ghét trẻ, chỉ đánh nhẹ để nhắc nhở học sinh ngoan hơn.
Tuy nhiên, nhiều người không nghĩ vậy. Họ cho rằng đánh trẻ là hành vi phản giáo dục. Theo họ, trẻ em chưa biết gì, các em cần được chỉ dẫn để sống có kỷ luật, không phải dùng bạo lực để đưa trẻ vào khuôn khổ.
Một số người khác nặng lời hơn, chỉ trích giáo viên thiếu tình thương, độc ác khi đưa tay đánh đứa bé còn chưa hiểu chuyện.
"Chọn nghề giáo vì phải chấp nhận cái khó của nghề, không thể chỉ vì ức chế mà trút bực tức lên học sinh", anh Tuấn (ở Hà Nội) nhận định.
Nhiều người cũng nghi ngờ về chừng mực mà các giáo viên nhắc đến khi họ thừa nhận có đánh trẻ vì không ai xác nhận được đâu là mức độ vừa phải, vừa có tác dụng răn đe, vừa không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Trước đó, trao đổi với báo Thanh Niên, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - Trưởng bộ môn Công tác Xã hội , CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM - khẳng định đòn roi chỉ là giải pháp tức thời của phụ huynh, giáo viên không nên thực hiện.
Theo ông, trẻ còn quá nhỏ để bị trừng phạt. Ông khuyên khi gặp trẻ chưa ngoan, giáo viên mầm non nên sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của nghề để dỗ, hoặc lớn tiếng nghiêm khắc với trẻ thay vì đánh đập.
Trước tình trạng giáo viên phổ thông dôi dư, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp đào tạo lại lượng giáo viên này để chuyển xuống dạy mầm non.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc điều chuyển này nếu không thực hiện cẩn thận sẽ gây ra nhiều hệ lụy vì hai bậc họ này có những khác biệt cơ bản.
Các bé học sinh mầm non chưa biết tự chăm sóc nên các cô phải chịu trách nhiệm dạy học, cho trẻ ăn, uống, ngủ và lo cả chuyện vệ sinh cá nhân.
Giáo viên mầm non phải hiểu rõ tâm sinh lý của trẻ, có kỹ năng sư phạm tốt để không chỉ dạy mà còn dỗ và còn cần năng khiếu hát vẽ.
Trong khi đó, giáo viên phổ thông thường chỉ dạy một môn và chú trọng kiến thức là chính. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy nào mầm non có thể gây hệ lụy.
Theo Zing
Trường Mầm non Sen Vàng giải thể sau vụ cô giáo đánh trẻ Chủ trường Mầm non Sen Vàng chính thức xin lỗi phụ huynh có con theo học tại cơ sở Minh Khai (Hà Nội), đồng thời xin giải thể sau vụ cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ. Những ngày qua, nhiều gia đình có con nhỏ không khỏi bức xúc trước clip ghi cảnh giáo viên ở trường Mầm non Sen Vàng...