Giáo viên, học sinh ‘bội thực’ với các phong trào chào mừng ngày 20/11
Việc ‘ bội thực’ các phong trào, hội thi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như một số địa phương làm gây nên sự quá tải, áp lực cho giáo viên và học sinh.
Ngày 20/11- ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, đây là thời điểm mà sở, phòng giáo dục, các trường học trên cả nước thường có những kế hoạch tổ chức các hội thi, phong trào nhằm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tổ chức quá nhiều các phong trào, hội thi trong cùng một thời điểm khiến cho giáo viên và học sinh quá tải. Đối với giáo viên, có người sẽ tham gia hội thi, tham gia làm giám khảo, có người phải tham gia cùng với học sinh lớp mình chủ nhiệm để chuẩn bị các phong trào mà trường phát động.
Nhiều em học sinh, nhất là những em nằm trong ban cán sự lớp cũng đuối sức khi phải phụ trách nhiều hoạt động, phong trào của lớp mình. Đó là chưa kể mỗi khi cô thầy tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ giao rất nhiều công việc cho học trò thực hiện.
Rất nhiều hội thi, phong trào được phát động, tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam(Ảnh minh họa: toquoc.vn)
Cấp nào cũng muốn tạo điểm nhấn để chào mừng ngày 20/11
Như đã thành thông lệ, khi bước sang tháng 11, nhiều sở, phòng giáo dục, nhà trường thường lồng ghép một số hội thi để hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam. Vì thế, các hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi đều được đồng loạt tổ chức vào những tuần đầu của tháng.
Việc các cấp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng kéo theo sự vất vả của nhiều người liên quan. Giáo viên tham gia tất nhiên là phải chuẩn bị biện pháp cải tiến, chuẩn bị tiết thực hành cho tốt, nhất là đối với cấp huyện, cấp tỉnh.
Mặc dù hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, cấp tỉnh chỉ diễn ra 1 tiết thực hành trên lớp và vài chục phút báo cáo biện pháp cải tiến nhưng giáo viên tham gia và một số đồng nghiệp hỗ trợ phải tất bật chuẩn bị nhiều ngày mới có được sự thành công.
Bên cạnh đó, học sinh lớp nào được giáo viên lựa chọn dạy cũng vất vả không kém khi thầy cô giáo nhiệm vụ chuẩn bị các hoạt động trên lớp để đến ngày giáo viên dạy không có những hạn chế đáng tiếc xảy ra.
Một số thầy cô là ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn hay một số giáo viên đã có thành tích cũng được điều động tham gia làm giám khảo hội thi. Nhiều khi phải đi mấy chục cây số đến trường bạn để chấm 1 tiết thực hành giáo viên giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Những buổi phải đi như vậy, tất nhiên giáo viên phải sắp xếp công việc trường lớp, phải đổi tiết cho giáo viên khác dạy thay nên công việc dồn ứ lại. Nhất là giai đoạn này, các trường phổ thông đang bước vào ôn tập và tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I.
Video đang HOT
Ngoài các hội thi, các phong trào chuyên môn thì ngành giáo dục, các ngành khác tổ chức hội thao và cùng với đó các trường học cũng phải cử người vào đội tuyển để tập luyện, tham gia, đi cổ vũ cho trường.
Bên cạnh đó, các trường học thường tổ chức các tiết dạy tốt chào mừng 20/11. Tổ chức thi văn nghệ, làm báo tường và một số phong trào thể thao nên giáo viên chủ nhiệm và học sinh phải tất bật chuẩn bị, thực hiện.
Một số giáo viên không chủ nhiệm được điều động làm giám khảo chấm phong trào cũng phải bố trí thời gian để hoàn thành công việc được Ban giám hiệu phân công.
Một số thầy cô kiêm nhiệm công tác Đoàn- Đội, tổ trưởng chuyên môn còn phải lo hoàn thiện các loại kế hoạch, hồ sơ cho các hội thi, phong trào của trường để trình lãnh đạo nhà trường ký duyệt, xin kinh phí phát thưởng cho học trò.
Vì thế, gần như tháng 11 năm nào cũng khiến cho giáo viên, học sinh chạy đua cùng các phong trào theo các kế hoạch của sở, của phòng và Ban giám hiệu nhà trường triển khai nên rất áp lực và mệt mỏi.
Không nên tập trung quá nhiều phong trào trong cùng một thời điểm
Cho dù giáo viên, học sinh tham gia hội thi, phong trào nào đi chăng nữa thì hàng tuần giáo viên cũng phải dạy đủ số tiết theo định mức quy định của ngành. Học sinh vẫn phải học theo số tiết thời khóa biểu mà nhà trường phân công.
Trong khi, nhiều phong trào như tập dượt văn nghệ của các lớp thường phải chuẩn bị nhiều ngày mới ra sản phẩm.
Đối với những trường lớn thường thuê một số giáo viên về dạy nhảy, dạy múa, tập kịch nên mất rất nhiều thời gian mà thường tập vào cuối buổi học hoặc những ngày nghỉ cuối tuần nên học sinh gần như không được nghỉ ngơi.
Vì thế, cả thầy và trò đều phải sắp xếp thời gian để tham gia, tập luyện và tất nhiên học sinh phải đóng góp nhiều tiền cho mỗi tiết mục văn nghệ khi thuê giáo viên dạy và thuê trang phục biểu diễn.
Người Việt mình vốn trọng đạo lý, nghĩa tình nên việc thể hiện tình cảm, sự tri ân trong tháng 11 đối với những thầy cô giáo cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, không phải là các cấp của ngành giáo dục cũng dồn dập các hội thi, phong trào để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam vì nó gây ra sự quá tải cho cả thầy và trò ở các nhà trường.
Đối với ngành giáo dục ở các địa phương có 3 cấp quản lý là nhà trường, phòng và sở giáo dục thì cũng nên tổ chức luân phiên cho hợp lý. Cấp này tổ chức hội thi, phong trào này thì cấp khác lùi sang thời điểm khác.
Một năm có biết bao nhiêu ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn khác nhau, đâu nhất thiết cứ phải chào mừng ngày 20/11.
Ngày Nhà giáo Việt Nam ở các nhà trường cũng nên đơn giản, không nhất thiết phải rình rang tổ chức giải thể thao, văn nghệ, báo tường cùng thời điểm- nhất là phong trào các lớp thi làm báo tường trong bối cảnh hiện nay thực ra đâu còn phù hợp mà năm nào cũng tổ chức.
Những bài thơ, những câu chuyện được học sinh chép trên mạng, kiểu hô khẩu hiệu nhạt nhẽo, không vần điệu được trình bày thành sản phẩm, sau đó trường chấm giải xong thì bỏ xó chứ bây giờ mấy giáo viên, học trò đọc những tờ báo tường như trước đây nữa.
Có lẽ, việc làm giản đơn nhất trong nhà trường ở tháng 11 là phát động những tiết học tốt, nói lời hay sẽ thiết thực hơn nhiều những việc làm vô bổ khác mà không phải tốn kinh phí của nhà trường và học sinh.
Ngày 20/11, chỉ cần giáo viên Âm nhạc lựa chọn một vài tiết mục văn nghệ giản đơn nhưng ý nghĩa là được. Sự tri ân thầy cô giáo không nhất thiết phải lôi kéo cả thầy và trò vào những phong trào hình thức, không mang tính thiết thực, hiệu quả nhưng lại rất tốn nhiều tiền bạc, công sức tập luyện, chuẩn bị.
Suy cho cùng, các hoạt động giáo dục trong trường học, trong đội ngũ nhà giáo là hướng tới chất lượng giảng dạy và học tập của cả thầy và trò. Việc “bội thực” các phong trào, hội thi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như một số địa phương, nhà trường đang làm chỉ gây nên sự quá tải, áp lực cho giáo viên và học sinh mà thôi.
Thời điểm này, học sinh đang rất cần dành nhiều thời gian cho việc ôn tập nhưng phải lao vào vòng xoáy phong trào của trường, rồi các thầy cô thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thì làm sao các em có sự chuẩn bị tốt nhất để có thể tập trung cho việc kiểm tra giữa học kỳ I được hiệu quả nhất?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
63 thầy cô quận Ngô Quyền, Hải Phòng được công nhận giáo viên giỏi cấp THCS
Sáng 8/11 tại trường THCS Đà Nẵng, phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền, Hải Phòng tổ chức tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS năm học 2022-2023.
Kết thúc Hội thi có 63/66 giáo viên được công nhận đạt Giáo viên dạy giỏi cấp THCS Quận Ngô Quyền năm học 2022-2023.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS quận Ngô Quyền năm học 2022-2023 đã được tổ chức trước đó vào các ngày 28/10, 1/11 và 3/11 theo đúng quy định, nghiêm túc, an toàn.
Hội thi có 66 giáo viên tham, trong đó có 5 giáo viên nam chiếm 7.6%; 2 giáo viên nhiều tuổi nhất tham gia hội thi sinh năm 1977; 2 giáo viên ít tuổi nhất sinh năm 1998.
Số giáo viên dự thi môn Ngữ văn và Toán học là 29/66. Các môn có ít giáo viên tham gia dự thi như: Công nghệ, Thể dục, Tin học (1 giáo viên/môn); môn Mĩ thuật, Sinh học không có giáo viên đăng kí dự thi.
Mỗi giáo viên tham gia 2 phần thi: thi thực hành giảng dạy 1 tiết và thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại lễ tổng kết bà Trần Thị Hồng Hiệp, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền đánh giá: Phần thi thực hành giảng dạy giáo viên dự thi có sự chuẩn bị cho tiết dạy chu đáo. Nhiều tiết dạy có sáng tạo trong việc thiết kế các hoạt động dạy học; chất lượng tốt, thể hiện sự đổi mới tích cực của giáo viên trong giảng dạy.
Phần lớn giáo viên nghiên cứu kĩ nội dung bài dạy, xác định rõ yêu cầu cần đạt của tiết dạy; xây dựng kế hoạch phù hợp với nội dung và việc tổ chức các hoạt động tại lớp học. Dạy học đúng đặc trưng môn học, tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp, phong phú, tương đối rõ ràng và đạt hiệu quả. Giáo viên vận dụng khá đa dạng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để tổ chức và dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Bà Trần Thị Hồng Hiệp, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền phát biểu tại lễ tổng kết Hội thi.
Tác phong giáo viên chững chạc, tự tin; quan tâm, giúp đỡ học sinh kịp thời; chú ý nhận xét, đánh giá, động viên học sinh trong tiết dạy. Chuẩn bị đồ dùng dạy học, học liệu điện tử, ứng dụng CNTT để tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp, đạt hiệu quả nhất định, tạo hiệu ứng tốt trong tiết dạy.
Học sinh có thái độ học tập tích cực, hợp tác, hứng thú, tự giác tham gia vào các hoạt động học; tự tin, sáng tạo khi trình bày sản phẩm học tập; nắm được kiến thức và vận dụng đạt hiệu quả.
Tại phần thi trình bày biện pháp, 100% giáo viên dự thi chuẩn bị chu đáo bản báo cáo bằng văn bản và trình chiếu; báo cáo bằng văn bản đúng cấu trúc, đủ yêu cầu.
Giáo viên cơ bản nắm và trình bày được biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục theo cấu trúc các phần rõ ràng. Các minh chứng thể hiện được hiệu quả của biện pháp do giáo viên áp dụng tại lớp mình dạy có tính thuyết phục.
Nhiều giáo viên đã đưa ra những biện pháp mang tính cấp thiết và khả thi trong công tác giảng dạy, giải pháp phong phú, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong giáo dục và đề cao vai trò học sinh làm trung tâm trong các hoạt động học.
Tuy nhiên, một số biện pháp mà giáo viên đưa ra còn nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tế hoặc biện pháp đó đã được sử dụng từ nhiều năm học trước đây, chưa thực sự đổi mới hoặc còn nhầm lẫn giữa phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học...
Kết thúc Hội thi có 63/66 giáo viên được công nhận đạt Giáo viên dạy giỏi cấp THCS Quận Ngô Quyền năm học 2022-2023, trong đó 52 giáo viên xếp loại Giỏi, 11 giáo viên xếp loại khá.
Hội thi được tổ chức thường niên đã giúp nâng cao sinh hoạt chuyên môn của các thầy cô giáo, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của quận Ngô Quyền cũng như thành phố Hải Phòng.
Bế mạc hội thi giảng viên, giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp trong quân đội năm 2022 Ngày 5-11, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức bế mạc Hội thi giảng viên, giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp trong quân đội năm 2022. Phát biểu bế mạc hội thi, Thiếu tướng Nguyễn Đình Đản, Phó cục trưởng Cục Nhà trường Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: Mặc...