Giáo viên “học” cách nhận xét tích cực
Thông tư 27 giúp giáo viên (GV) nắm chắc mục đích, đặc điểm, sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ.
GV sát sao từng hoạt động học tập của HS.
Với triết lý vì sự phát triển của người học, đánh giá thường xuyên có tác dụng tốt hơn. Vấn đề là GV sẽ phải “học” để có cách nhận xét tích cực khi đánh giá thường xuyên sự tiến bộ của học sinh (HS) mỗi ngày.
Học sinh ảnh hưởng nhiều từ nhận xét của giáo viên
Chị Nguyễn Thu Trang, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: Con nhút nhát nên khi đọc bài thường không tự tin. Biết đặc điểm của con, cô giáo hay gọi con đọc bài để khích lệ, đồng thời phê vào bài: “Con đọc tình cảm nhưng cần đọc to, rõ ràng hơn”. Dần dần, cháu tự tin hơn và đến hết học kỳ I đã đọc to, rõ ràng, thường được cô tặng bông hoa đỏ vào bài nên không còn sợ học đọc, mà còn thích đọc mọi nơi, mọi lúc…
Trong khi đó, chị Vũ Thị Hồng, có con học lớp 1 ở trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Con chưa quen với việc làm các phép toán tìm số lớn, nhỏ nên rất sợ mỗi khi học môn Toán. Phải mất một thời gian phối hợp với GV kèm con, cháu đã khắc phục điểm yếu, được cô giáo khen: “Con học tiến bộ, biết cách làm bài”. Cháu phấn khởi và thích đi học hơn, không còn lo lắng mỗi khi làm các bài tập Toán…
GS.TS Hoàng Công Khanh – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi: Kết quả học tập của HS tiểu học bị ảnh hưởng sâu sắc bởi không khí lớp học, đặc biệt từ những lời nhận xét của GV. Vì vậy, ngoài việc đánh giá thường xuyên, với đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, GV cũng cần cân nhắc để có những nhận xét, phù hợp, thỏa đáng.
Video đang HOT
Theo GS Khanh, yêu cầu mới đòi hỏi GV phải học cách nhận xét tích cực người học; sử dụng công cụ đánh giá đa dạng (câu hỏi, tình huống, bài tập, trò chơi…), đặc biệt là đánh giá thường xuyên, chú ý phân hóa từng HS. Nếu không sẽ không tạo ra sự công bằng, không vì sự tiến bộ của người học. Việc đánh giá thường xuyên nhằm mục đích phát hiện lỗi, sai sót, thiếu hụt… cả sự tiến bộ, sáng tạo của mỗi HS nhằm cải tiến, điều chỉnh các hoạt động, kế hoạch dạy học, không nhằm phân loại, xếp hạng HS.
GV có thể đánh giá HS qua các hoạt động trải nghiệm.
Giáo viên phải quan tâm, sát sao từng học sinh
Thầy Nguyễn Xuân Trường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Bình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhận định: Thông tư 27 mới triển khai nên để đánh giá đúng tinh thần Thông tư cần thận trọng để đánh giá khách quan, phản ánh đúng năng lực, khả năng tiếp thu chương trình mới của HS lớp 1.
GV tiểu học đã có nền nếp đánh giá thường xuyên, kết hợp với động viên, khích lệ HS nên không quá khó khăn. Vấn đề là làm sao có được những nhận xét tích cực, tạo hứng thú học tập cho HS, đồng thời phải bảo đảm đúng năng lực, sự tiến bộ của các em. Thay vì điểm số, nhận xét, đánh giá phải thể hiện được trình độ của HS theo từng thời điểm, qua đó có phương pháp dạy phù hợp, hiệu quả hơn với HS, nhất là HS tiếp thu kiến thức còn chậm…
Theo thầy Trường, GV “học” cách nhận xét tích cực qua thực tiễn dạy học hằng ngày, trao đổi với đồng nghiệp trong khối, dự các chương trình tập huấn… Tuy nhiên, quan trọng nhất là từ sự sát sao, gần gũi với HS trong mỗi giờ học, đánh giá thường xuyên sẽ khách quan và chính xác nhất.
Cô Trần Thị Huyền Trang – GV Trường Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng: Đánh giá theo Thông tư 27 có nhiều điểm hay so với cách đánh giá cũ. Bởi thực tế, một HS có thể kém môn này nhưng lại giỏi lĩnh vực khác. Theo Thông tư mới, các em được đánh giá đúng theo năng lực của mình.
Cô Trang xác định, để đánh giá đúng, GV phải quan tâm, sát sao từng HS mới phát hiện ra năng lực của từng em. Vì có những HS không phải lúc nào cũng thể hiện năng lực, nhận thức của mình qua tiết học mà có thể qua các hoạt động khác… GV sẽ phải linh hoạt để đưa ra nhận xét tích cực và phù hợp với sự phát triển của trò.
Với HS lớp 1 thực hiện Chương trình GDPT 2018 được đánh giá theo qui định tại Thông tư 27 dựa trên nguyên tắc: Đánh giá HS thông qua mức độ cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của HS…; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh HS này với HS khác; không tạo áp lực cho HS, GV và cha mẹ HS. – Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Thay đổi cách đánh giá HS góp phần tạo ra thế hệ công dân toàn cầu
Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập đến những đột phá của GD-ĐT trong tiến trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.
GV cần tôn trọng, truyền cảm hứng, tạo môi trường thân thiện với HS.
Việc đổi mới Chương trình, SGK phổ thông kèm theo những thay đổi cách đánh giá, nhận xét HS cho thấy những nỗ lực của ngành Giáo dục trong hành trình phát triển phẩm chất, năng lực của người học, góp phần tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu trong tương lai.
GS.TS Nguyễn Công Khanh- giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ quan điểm về đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 27:
Thông tư 27 chuyển đánh giá HS theo hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất của HS; coi trọng đánh giá thường xuyên. Đây là 2 vấn đề cốt lõi của đánh giá theo yêu cầu mới.
Thông tư 27 quy định rõ thời điểm đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá HS đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Đánh giá là một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học, diễn ra trong suốt quá trình dạy học, giúp HS nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học và yêu cầu cần đạt; giúp GV kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy học cũng như giúp HS điều chỉnh phương pháp học.
Qua việc phân tích, so sánh, GV nắm chắc mục đích, đặc điểm, sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì. Với triết lý đánh giá để phát triển người học, vì người học thì đánh giá thường xuyên có tác dụng tốt hơn.
Yêu cầu mới đòi hỏi GV phải học cách nhận xét tích cực người học, sử dụng công cụ đánh giá đa dạng (câu hỏi, tình huống, bài tập, trò chơi...), đặc biệt là đánh giá thường xuyên, chú ý phân hóa từng HS. Nếu không sẽ không tạo ra sự công bằng, không vì sự tiến bộ của người học.
Việc đánh giá thường xuyên nhằm mục đích phát hiện lỗi, sai sót, thiếu hụt... cả sự tiến bộ, sáng tạo của mỗi HS nhằm cải tiến, điều chỉnh các hoạt động, kế hoạch dạy học, không nhằm phân loại, xếp hạng HS.
Dạy học và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được thể hiện bằng việc GV: sử dụng những lời nói tích cực; Khơi gợi những cảm xúc tích cực; Tạo ra những tương tác xã hội tích cực; Tăng cường các trải nghiệm tích cực.
Để đạt thành công trong dạy HS tiểu học, điều quan trọng nhất là GV phải thiết kế được không khí buổi học trong lớp mang tính tương tác, khơi được sự hứng thú của HS, HS được đánh giá lẫn nhau, được tăng cường làm việc nhóm...
Kết quả học tập của HS tiểu học bị ảnh hưởng sâu sắc bởi không khí lớp học. GV cần tôn trọng, truyền cảm hứng, tạo môi trường thân thiện với HS. Qua đó, GV tổ chức được giờ dạy hiệu quả và quan sát được khả năng nhận thức, phẩm chất của từng HS. Từ đó có những nhận xét thường xuyên khách quan, đúng với từng HS và có hướng dạy học phù hợp với năng lực của mỗi em.
Tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, phản hồi có tính xây dựng (dựa trên những cảm xúc tích cực) sẽ là một chiến lược dạy học và đánh giá khác biệt để phát triển năng lực trong những năm tiếp theo của thế kỷ 21.
Bộ giảm hồ sơ sổ sách ở đâu đấy, giáo viên vẫn phải ghi chép ngập đầu Về nhà là bỏ hết bao công việc để lao vào ghi ghi chép chép tới tận khuya ròng rã hàng mấy ngày trời đến tê cả bàn tay, mỏi nhừ cổ và mờ cả đôi mắt. Sau bài viết "Giáo viên trung học vật vã với việc đánh giá học sinh bằng nhận xét" của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Tạp...