Giáo viên còn 7 năm nữa nghỉ hưu có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Để biết mình đã đáp ứng các tiêu chuẩn để được xếp giáo viên Hạng II thì bạn tham khảo kĩ hướng dẫn tại Điều 4, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT mà Bộ mới ban hành.
Bạn đọc có địa chỉ email là duongthu…@gmail.com gửi thư đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ tư vấn về trường hợp của mình, nội dung câu hỏi như sau:
Tôi là giáo viên Trung học cơ sở ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Vừa qua, địa phương tôi có yêu cầu các trường rà soát xem những ai còn thiếu chứng chỉ chức danh bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Tôi còn 7 năm nữa nghỉ hưu nên tôi chưa học nhưng tôi cũng rất lo lắng nếu không học mà tới đây chuyển xếp lương sẽ bị tụt hạng không được hưởng lương Giáo viên Trung học cơ sở hạng II mới theo qui định.
Tôi xin hỏi khi nào thì thực hiện chuyển xếp lương giáo viên theo chức danh nghề nghiệp? Có xóa bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không? Tôi có cần đi học chứng chỉ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để được giữ hạng II không? Nếu cần thiết phải học để tôi còn đi học. Tôi xin cảm ơn!
Theo đề xuất của Báo cáo số 2499/BNV-CCVC, chỉ còn giáo viên Hạng I là cần chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin tư vấn để bạn tham khảo như sau:
Thứ nhất : ngày 02 tháng 02 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập.
Sau đó, ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục tiếp tục ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Vì thế, việc địa phương của bạn, cũng như các địa phương khác ” yêu cầu các trường rà soát xem những ai còn thiếu chứng chỉ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” và các tiêu chuẩn của từng hạng giáo viên cũng là chuyện rất bình thường, bạn không cần thiết phải lo lắng.
Thứ hai : vấn đề bạn lo lắng là ” Tôi còn 7 năm nữa nghỉ hưu nên tôi chưa học nhưng tôi cũng rất lo lắng nếu không học mà tới đây chuyển xếp lương sẽ bị tụt hạng không được hưởng lương Giáo viên Trung học cơ sở hạng II mới theo qui định”.
Trong thư, bạn không nói rõ là mình đã đạt được những tiêu chuẩn nào để đảm bảo giữ hạng Giáo viên trung học cơ sở hạng II – Mã số V.07.04.31 nên chúng tôi chưa rõ các tiêu chuẩn mà bạn đã có.
Để biết mình đã đáp ứng các tiêu chuẩn để được xếp giáo viên Hạng II thì bạn nên tham khảo kĩ hướng dẫn tại Điều 4 , Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT mà Bộ mới ban hành để xem mình có đủ tiêu chuẩn hay không, bạn nhé.
Video đang HOT
Nếu các tiêu chuẩn cơ bản về ” Nhiệm vụ; Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ” mà đạt được thì việc bạn còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không phải là vẫn đề quá quan trọng trong việc xếp hạng mới.
Bởi, vừa qua thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Điều đáng chú ý là trong văn bản này, Bộ Nội vụ đã đề nghị giảm 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Theo đó, giáo viên hạng I, II, III từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông đang có 3 loại chứng chỉ cho 3 hạng tương ứng sẽ được giảm bớt 2 loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Vì thế, theo đề nghị của văn bản số 2499/BNV-CCVC, chỉ còn giáo viên Hạng I là cần chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà thôi.
Vấn đề này cũng đã được ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ với Báo Vietnamnet ngày 02/6/2021 như sau:
” Với định hướng như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp “.
Vì vậy, có thể trong thời gian tới đây thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn cụ thể thêm về vấn đề này. Bạn không phải quá lo lắng vì thực tế bạn cũng chỉ còn có 7 năm nữa là về hưu.
Nếu như, trường hợp của bạn không đủ tiêu chuẩn để được xếp Giáo viên trung học cơ sở hạng II – Mã số V.07.04.31 mà phải xuống Giáo viên trung học cơ sở hạng III – Mã số V.07.04.32 thì về cơ bản hệ số lương, phụ cấp của bạn vẫn đảm bảo như hiện nay.
Vậy nên, theo quan điểm của chúng tôi thì bạn chờ đợi thêm một thời gian ngắn nữa xem đề xuất của Bộ Nội vụ có được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hay không rồi đi đến quyết định có cần thiết phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không, bạn nhé.
Những tư vấn trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Cảm ơn bạn đã gửi thư đến Tòa soạn.
Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, giáo viên khổ sở tìm minh chứng "hạng II"
Hiện các địa phương đang tiến hành rà soát, lập danh sách và đề nghị các cấp có thẩm quyền thẩm định, ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.
Theo hướng dẫn 971/BGDĐT-CNGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ngày 12 tháng 3 năm 2021 thì các tỉnh sẽ hoàn thành bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.
Đến nay phần lớn các địa phương đang tiến hành rà soát, lập danh sách và đề nghị các cấp có thẩm quyền thẩm định, ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.
Qua việc lập hồ sơ bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo Thông tư 03/2021, người viết nhận được nhiều phản ánh của các bạn đồng nghiệp là giáo viên đang đứng lớp về những bất hợp lý trong việc bổ nhiệm ở một số đơn vị trường học, địa phương họ công tác.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến
Nơi căn cứ vào tiêu chuẩn, nơi coi trọng nhiệm vụ
Nguyên tắc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT là phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này (Khoản 1, Điều 6).
Đồng thời tại Khoản 1, Điều 7 của Thông tư này cũng nêu rõ:
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDDT-BNV đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:
a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);
b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);
c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30).
Theo đó, nếu giáo viên có đủ tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng.
Tuy nhiên tại một số đơn vị khi bổ nhiệm, ngoài tiêu chuẩn về hạng chức danh nghề nghiệp còn yêu cầu giáo viên phải bổ sung những minh chứng về nhiệm vụ của hạng chức danh đó, nếu ai thiếu một trong những nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp, xem như chưa đủ điều kiện giữ hạng, nghĩa là sẽ được bổ nhiệm ở hạng thấp hơn.
Một cô giáo xin không nêu tên công tác tại một trường trung học cơ sở ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết ở trường cô có rất nhiều giáo viên đang giữ hạng II (mã số V.07.04.11) bị đề xuất xuống hạng III (mã số V.07.04.32) do thiếu một trong các nhiệm vụ như chưa tham gia đoàn đánh giá, tham gia xây dựng học liệu điện tử....
Cũng theo cô giáo này, nhiệm vụ đánh giá ngoài lâu nay chỉ dành cho cán bộ công chức cấp phòng, sở và một số cán bộ quản lý trường học có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Do đó ngay cả hiệu trưởng cũng khó mà đạt được nhiệm vụ vụ này.
Cùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhưng nhiều giáo viên tại trường trung học cơ sở X. (huyện Hòa Vang) lại khá vui mừng khi nhà trường không chú trọng nhiều vào nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp, chủ yếu xem xét đối chiếu với các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Do đó có thể thấy việc đề xuất bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên phụ thuộc vào ý kiến, quan điểm chủ quan của người đứng đầu nhà trường. Điều này vô tình tạo ra sự không công bằng và gây nhiều thiệt thòi cho các giáo viên cùng công tác trong một huyện, tỉnh khi được bổ nhiệm sang một hạng chức danh nghề nghiệp mới.
Có thể xảy ra tình trạng đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Câu chuyện về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bắt đầu nóng lên sau khi chùm thông tư ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời. Trước nhiều ý kiến của dư luận xã hội, Chính phủ đã đồng ý về những vấn đề có liên quan đến đề nghị của Bộ Nội vụ về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Hiện nay, Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa thông tư quy định về giảm các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hướng tích hợp.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, sắp tới giáo viên ở các cấp học mầm non, phổ thông công lập sẽ được giảm 2 loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nghĩa là giáo viên mỗi cấp học chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đây thực sự là thông tin đáng mừng của những người công tác trong ngành giáo dục.
Trong khi đang chờ các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành văn bản chính thức về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thì việc các địa phương căn cứ vào các tiêu chuẩn của chùm thông tư ngày 02/02/2021 để bổ nhiệm giáo viên vào hạng chức danh nghề nghiệp mới sẽ vô tình làm cho tình trạng giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ như trước đây.
Thầy Ngô Thanh S. (Quảng Nam) tâm sự, năm 2018 thầy đã được học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I để tham gia kỳ thi thăng hạng từ hạng II lên hạng I do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhưng không đạt.
Kể từ khi nghe thông tin Chính phủ yêu cầu giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy hi vọng mình không phải học thêm loại chứng chỉ nào. Nếu sắp tới tỉnh thực hiện theo thông tư 03/2021 thì thầy và những đồng nghiệp ở trường sẽ tiếp tục theo học chứng chỉ chức danh hạng II mới đủ điều kiện giữ hạng.
Còn thầy Hữu Th. (Đà Nẵng) lại bức xúc: "Tôi là giáo viên trung học cơ sở hạng II cũng đã học chứng chỉ chức danh hạng I (năm 2019) để chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi thăng hạng.
Cách đây hai tháng, tôi đã tham gia và hoàn thành chương trình học chứng chỉ chức danh hạng II nhưng do cơ sở đào tạo chưa cấp chứng chỉ nên tôi được cấp giấy chứng nhận để kịp thời bổ sung hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường đã không đồng ý giấy chứng nhận này mà yêu cầu phải có chứng chỉ".
Chùm thông tư ngày 02/02/2021 ra đời ngoài những ưu điểm về việc miễn chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên đã bộc lộ không ít hạn chế, đặc biệt là những bất cập về việc xuống hạng của giáo viên trung học cơ sở hạng I không có bằng thạc sĩ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, quyền lợi khi bổ nhiệm sang mã số mới của giáo viên trung học phổ thông...
Để các thông tư này đi vào thực tiễn, trong lúc này chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chỉ đạo cụ thể để tránh trường hợp cùng làm một nhiệm vụ, trình độ, tiêu chuẩn nhưng khi được bổ nhiệm sang mã số mới, địa phương này tiến hành quá khắt khe, còn nơi khác lại quá dễ dàng.
18 năm đứng lớp tại gia của cụ giáo làng Một buổi sáng 18 năm trước, thấy nhiều cháu nhỏ trong làng dù đã đi học nhưng vẫn chưa thể đọc tròn vành rõ chữ, ông Phan Chí Nhượng nói vui "hay là để ông chỉ cho các cháu học nhé". Trong 18 năm, cụ Nhượng đã dạy học cho gần 40 học sinh trong và ngoài tỉnh. Tưởng chỉ câu nói đùa...