Giáo viên chủ nhiệm tiểu học được dạy thêm mới lạm phát học sinh xuất sắc?
Giá như, không có chuyện dạy thêm của giáo viên chủ nhiệm thì có lẽ cấp tiểu học không có chuyện lạm phát học sinh xuất sắc như bây giờ.
Nếu trong trường không có giáo viên dạy thêm, chúng tôi tin là họ sẽ đánh giá chất lượng học sinh trung thực và điều quan trọng là những mâu thuẫn, những dị nghị cũng ít xảy ra.
Khổ nỗi, ở nhiều trường tiểu học hiện nay- nhất là khu vực thành thị thì dù Bộ, Sở cấm nhưng nhiều giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm ở nhà bình thường.
Đa phần, giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học ở khu vực thành thị nuôi, dạy thêm cho học trò tại nhà. Họ bao trọn gói việc dạy ở trường, hết buổi học chính khóa đưa về nhà mình nuôi cơm, dạy thêm. Và, điều thông thường là những thầy cô này cũng bao luôn danh hiệu học tập cho học trò.
Những em xứng đáng được khen thưởng thì không nói làm gì, những em chưa xứng đáng, chưa đạt mức hoàn thành tốt (T) ở các môn như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục thì giáo viên chủ nhiệm chủ động xin. Xin không được thì giận hờn, trách móc…
Việc khen thưởng tràn lan ở tiểu học có một nguyên nhân chính là học thêm và được gửi gắm – (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)
Đưa đón, nuôi cơm, dạy thêm trọn gói cho học trò tiểu học
Học sinh khu vực đô thị đa phần có phụ huynh là cán bộ, công viên chức nhà nước hoặc kinh doanh, buôn bán…nên họ bận công việc suốt ngày.
Giải pháp mà nhiều phụ huynh đang vận dụng hiện nay là khi học sinh vào học ổn định sẽ gửi luôn con cho giáo viên chủ nhiệm lớp.
Vì thế, những trường học ở khu vực đô thị mà người viết có dịp chứng kiến hoặc theo chia sẻ của các đồng nghiệp thì tình trạng giáo viên chủ nhiệm lớp “nuôi” học trò tại nhà hiện nay đang khá phổ biến. Nó vừa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và cũng là cách tăng thu nhập cho một bộ phận giáo viên dạy lớp.
Nếu học sinh học buổi sáng thì đầu giờ học, phụ huynh chở con vào lớp, hết giờ học buổi sáng sẽ được giáo viên chủ nhiệm đưa những em được cha mẹ gửi về nhà mình. Thầy cô sẽ lo cơm trưa, học sinh ăn uống xong thì nghỉ ngơi, chiều sẽ được giáo viên dạy thêm và đến tối thì phụ huynh sẽ đón con tại nhà giáo viên.
Video đang HOT
Nếu học sinh học chính khóa tại trường vào buổi chiều thì buổi sáng phụ huynh đưa con đến nhà thầy cô để học thêm, trưa- thầy cô nấu cơm cho ăn và buổi chiều thì đưa học trò vào lớp. Hết thời gian học buổi chiều thì phụ huynh sẽ đón con tại cổng trường.
Gói dịch vụ trọn gói này ở khu vực đô thị đang dao động khoảng 1,8- 2,2 triệu đồng/ tháng/ 1 học sinh.
Việc “bao trọn gói” như thế này đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh bận rộn công việc, không có điều kiện chăm sóc, trông coi con em mình những lúc không học ở trường.
Song, nó cũng tạo ra một số hệ lụy mà nhiều phụ huynh không muốn gửi con cho thầy cô dạy thêm cũng phải miễn cưỡng…gửi đến nhà thầy cô giáo. Bởi, họ được giáo viên chủ nhiệm gợi ý và cũng vì nếu không học thêm thì học sinh…không hiểu bài.
Hệ lụy từ việc dạy thêm, học thêm ở tiểu học
Công tâm mà nói, việc học thêm ở tiểu học hiện nay cũng có những ưu điểm nhất định. Đó là việc tạo sự yên tâm cho một số phụ huynh bận công việc, không có điều kiện trông coi con trong ngày.
Hơn nữa, một số em học hành còn yếu, học trên lớp chưa thể tiếp thu hết bài vở thì sẽ được củng cố khi các em tham gia học thêm ở nhà thầy cô giáo. Nhưng, hệ lụy từ dạy thêm, học thêm cũng không hề ít.
Đó là tình trạng một khi phụ huynh đã gửi gắm con em mình cho thầy cô, đóng phí đều đặn, thậm chí là có quà cáp cho thầy cô vào dịp lễ, tết thì đương nhiên là thầy cô cũng phải tạo cho học trò của mình có những thành tích nhất định.
Những em học tốt, chú ý học tập ở lớp, ở nhà thầy cô thì đương nhiên là được xếp loại cao, được khen thưởng vào dịp cuối học kỳ, cuối năm học. Nhưng, những em chưa tốt, chưa đạt được đến mức khen thưởng danh hiệu thì giáo viên cũng phải tìm cách nâng đỡ cho các em để được khen thưởng.
Khi tổ chức ôn tập, kiểm tra, chấm bài kiểm tra giữa kỳ, cuối học kỳ thì giáo viên sẽ “quan tâm” đặc biệt. Tất cả các khâu đều một tay cô thầy đảm nhận cả thì việc có được những điểm số cao ở những môn đánh giá bằng điểm số sẽ không phải là vấn đề khó khăn.
Hơn nữa, giáo viên chủ nhiệm dạy gần hết các môn cho điểm như: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…
Thế nhưng, đối với những môn học đánh giá kết quả học tập bằng nhận xét như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục mà xếp ở mức hoàn thành (H) thì đương nhiên không được khen thưởng vì theo quy định việc đánh giá, xếp loại học sinh ở tiểu học thì những môn này phải xếp ở mức “T” mới được khen danh hiệu “hoàn thành xuất sắc”.
Vì thế, một số giáo viên chủ nhiệm phải xin giáo viên các môn học mà mình không dạy.
Có giáo viên họ miễn cưỡng cho vì cùng đồng nghiệp với nhau nhưng cũng có người họ không cho ngay ở học kỳ I vì một số em mà giáo viên chủ nhiệm đề nghị thay đổi mức đánh giá học hành chểnh mảng, không xứng đáng xếp ở mức “hoàn thành tốt”.
Nhiều giáo viên họ cho rằng nếu thay đổi kết quả đánh giá học sinh thì hệ lụy sẽ rất nhiều vì lớp 1, lớp 2 mà cho thì các lớp học còn lại học sinh sẽ không có sự có gắng trong học tập.
Hơn nữa, ở các trường loại II, loại III cấp tiểu học thì đa phần học sinh học với giáo viên các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục xuyên suốt cả 5 năm học.
Câu chuyện giáo viên chủ nhiệm xin nâng kết quả từ “hoàn thành” lên mức “hoàn thành tốt” ở tiểu học đã xảy ra từ năm học 2014-2015, lúc mà Bộ ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT cho đến nay.
Dù từ thời điểm 2014 cho đến bây giờ Bộ đã có vài lần điều chỉnh, bổ sung Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT nhưng về cơ bản thì học sinh được khen thưởng danh hiệu “hoàn thành xuất sắc nội dung các môn học” đều phải đạt mức “T” đối với các môn đánh giá bằng nhận xét.
Câu chuyện này cứ được lặp đi, lặp lại vào thời điểm cuối học kỳ I và cuối năm học…
Giá như, không có chuyện dạy thêm của giáo viên chủ nhiệm thì có lẽ cấp tiểu học không có chuyện lạm phát học sinh xuất sắc như bây giờ và đương nhiên những thầy cô giáo chủ nhiệm lớp cũng không làm khó giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Chuyên gia 'mách nước' cấm tận gốc dạy thêm, học thêm lớp 1
Để cấm dạy thêm, học thêm triệt để cần quan tâm tới nhu cầu chính đáng của phụ huynh và giáo viên.
Những ngày Hà Nội lạnh hơn 10 độ C, càng tối, trời càng lạnh nhưng sau khi tan sở, chị Hương Bình (Hà Nội) vội vàng mua chiếc bánh mì kẹp thịt rồi đến trường đón con, giục con ăn nhanh còn đến lớp học thêm nhà cô.
Mới lớp 1 nhưng một tuần có đến 4 buổi con chị Bình phải đi học thêm nhà cô giáo chủ nhiệm, trong đó có 3 buổi học tiếng Việt và 1 buổi học Toán.
Lúc đầu chị Bình cũng nói không với việc cho con đi học thêm vì chị nghĩ tuổi của con chỉ cần khỏe mạnh, đến lớp đọc viết bình thường là được. Thế nhưng, lứa của con chị là lứa đầu tiên học chương trình sách giáo khoa mới lớp 1 với thay đổi, có những chỗ chị Bình bó tay không biết giải thích cho con ra sao.
"Rồi cô giáo chủ nhiệm liên tục gọi điện nói con tôi tiếp thu chậm, viết xấu, đề nghị bố mẹ tăng cường phối hợp với nhà trường kèm cặp. Ngày nào cũng ăn cơm xong hai mẹ con đánh vật với bài vở nhưng đâu cũng vào đó, cô giáo vẫn gọi điện nhắc liên tục.
Biết cô dạy thêm ở trung tâm gần trường nên tôi cho con đi học luôn. Từ hôm cho con đi học, không thấy cô phản ánh cháu viết xấu, về nhà tôi dạy con cũng đỡ áp lực", chị Bình tâm sự.
(Ảnh minh họa: NLĐ)
Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) nói: "Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm bậc tiểu học nhưng lại không quy định rõ ràng khiến nhiều giáo viên vẫn có thể lách luật dạy thêm.
Luật quy định giáo viên trường công không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng họ lại có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Tức là không tổ chức nhưng vẫn tham gia dạy thêm được.
Giáo viên tham gia dạy thêm không được dạy học sinh mình đang dạy chính khóa ở trường khi chưa báo cáo hiệu trưởng. Thế nhưng, thực tế, khi giáo viên liên kết với các trung tâm dạy thêm thì hiệu trưởng cũng không thể biết họ có dạy học sinh trong trường của mình hay không vì không thể đến trung tâm kiểm tra được", thạc sĩ Phương Anh nói.
Theo thạc sĩ Phương Anh, nếu cấm dạy thêm triệt để thì phải có quy định cụ thể, nghiên cứu các khả năng, trường hợp cụ thể để giáo viên không thể lách luật được.
Hơn nữa, hiện nay phụ huynh ở các thành phố lớn rất chú trọng đầu tư việc học hành cho con em mình.
"Cấm học thêm nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 lại vô vàn kiến thức mà bố mẹ chịu không thể dạy được con, lớp 1 mà học những câu văn dài dằng dặc thì phụ huynh đưa con đi học thêm là nhu cầu chính đáng của họ.
Thay vì cấm dạy thêm tôi nghĩ nên tiếp cận dạy thêm, học thêm ở góc độ tổ chức giảng dạy học tập theo kiểu nối dài các môn học chính khóa trong trường, trong phạm vi học 2 buổi/ngày là quá đủ.
Cái quan trọng không kém so với giảm tải chương trình là cần tăng thêm các chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Cụ thể là trả tiền dạy tăng giờ, tăng tiết, tiền buổi 2 đầy đủ để giáo viên có thêm thu nhập và không phải lo chuyện "cơm, áo, gạo, tiền".
Tôi tin rằng sau một ngày làm việc vất vả ở trường không giáo viên nào thích tối còn phải ngồi dạy thêm cho học sinh. Nếu họ không bị gánh nặng kinh tế họ cũng sẽ chuyên tâm và cống hiến cho công việc nhiều hơn".
Trường nào có dạy thêm, trường đó có thêm nhiều điều phức tạp! Điều đáng buồn là nội bộ của một số tổ chuyên môn, nhà trường có thêm những điều phức tạp trong mối quan hệ giữa các thầy cô dạy thêm với nhau... Năm học 2020-2021 mới chính thức được hơn 1 tuần lễ nhưng việc mở lớp dạy thêm của nhiều giáo viên ở các trường học đã hình thành và thu hút...