Giáo viên chủ nhiệm bật mí phương pháp giáo dục học sinh yếu
GD&TĐ – “Muốn làm tốt công tác chủ nhiệm thì người giáo viên ấy phải có một nhân cách tốt để phát huy tính ảnh hưởng của mình đến học sinh”.
Sẵn sàng là “đôi bạn cùng tiến” với học sinh
Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Nhanh – một giáo viên đã có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm của Trường THCS Bình Phú (Càng Long, Trà Vinh). Cô cũng là một trong những giáo viên chủ nhiệm giỏi của nhà trường.
Video đang HOT
Theo cô Nhanh, mọi thầy, cô giáo đều có ảnh hưởng không nhỏ trong môi trường giáo dục. Nhưng giáo viên chủ nhiệm mới là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới học sinh của lớp mình.
Cô Nhanh phân tích: Giáo viên chủ nhiệm với học sinh được thiết lập trên mối quan hệ thường xuyên, quan hệ tình cảm đặc biệt thân thiết trong mọi hoạt động.
Mặt khác, theo cô Nhanh, một giáo viên chỉ có thể làm tốt công tác chủ nhiệm khi thật sự là một người mẫu mực trong cuộc sống, không chỉ tốt với học sinh lớp chủ nhiệm mà còn đối với gia đình, đồng nghiệp và là một công dân gương mẫu.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm được học sinh vừa coi như người thầy, người dẫn lối, chỉ đường. Đồng thời vừa được các em coi là người thân thiết như anh, chị và cha, mẹ.
Vì vậy, để làm tốt công tác chủ nhiệm thì bản thân người giáo viên ấy phải lựa chọn phương hướng và giải pháp phù hợp để giáo dục học sinh của mình.
Ví dụ: Một học sinh học yếu không thể yêu cầu học khá, giỏi ngay được mà phải giáo viên chủ nhiệm phải nắm rõ nguyên nhân em học sinh đó học yếu. Với những em học yếu là do sức khỏe hay do hoàn cảnh thì không thể áp dụng giải pháp như những em học yếu do lười biếng, không chăm chỉ.
Cũng như cùng một hiện tượng không thuộc bài hoặc không làm bài thì cũng không thể áp dụng phương pháp giống nhau mà phải tìm hiểu nguyên nhân.
Vì thế, giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm sâu sát đến học sinh trong mọi hoàn cảnh,biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến học sinh và sẵn sàng trở thành “đôi bạn cùng tiến” với học sinh của mình.
Ngoài giải pháp giáo dục trực tiếp, giáo viên chủ nhiệm còn phải lựa chọn giải pháp gián tiếp thông qua ban cán sự lớp để các em động viên, giúp đỡ nhau.
Gần gũi, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của HS
Cũng theo cô Nhanh, giáo viên chủ nhiệm cũng phải biết tổ chức thi đua trong nhóm, trong tổ. Đồng thời biểu dương, khen thưởng không chỉ ở những học sinh khá, giỏi ngay cả những học sinh yếu nếu có biểu hiện tốt thì phải biểu dương, khen thưởng ngay để các em có niềm tin và ý chí vươn lên đẩy lùi mặc cảm.
Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm cần biết tạo mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Tạo không khí thoải mái để các em tự tin, phấn khởi hăng say trong học tập cũng như sinh hoạt vui chơi.
Nên có thái độ, cử chỉ, gần gũi, lắng nghe ý kiến học sinh, chia sẻ mọi tâm tư nguyện vọng với học sinh cũng là một giải pháp hữu hiệu trong quá trình giáo dục toàn diện học sinh của người giáo viên chủ nhiệm, đúng nghĩa trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Theo GD&TD