Giáo viên chán ngán vì module 5 bắt “nhai lại” những điều cũ kĩ
Giáo viên dạy học hàng chục năm vẫn phải bồi dưỡng những nội dung cũ kĩ liên quan đến tâm lí học sinh khiến nhiều người chán ngán.
Thời điểm này, ngành giáo dục nhiều địa phương trên cả nước đang tiến hành cho giáo viên bồi dưỡng thường xuyên module 5 và 9 Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo viên vừa dạy trực tuyến vừa bồi dưỡng thường xuyên 2 module trong tháng 12/2021 khá vất vả. Điều đáng nói là, ở module 5, thầy cô có thâm niên dạy học hàng chục năm (kể cả sắp về hưu) vẫn phải học lại tâm lí học sinh.
Những nội dung bồi dưỡng về tâm lí học sinh cũ kĩ
Trong phạm vi bài viết này, tôi phân tích nội dung module 5 của giáo viên bậc trung học phổ thông để chứng minh cho nhận định, giáo viên phải học lại tâm lí học sinh với những điều cũ kĩ.
Theo đó, module 5 có nội dung ” Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” là một trong hệ thống 9 module được thiết kế dành cho giáo viên trung học phổ thông cốt cán với mục đích phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai các hoạt động tiếp theo cho giáo viên đại trà nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ảnh minh họa, nguồn: Nhandan.vn
Nội dung của module 5 gồm 4 phần như sau:
1. Những vấn đề chung về tư vấn, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông trong hoạt động giáo dục và dạy học.
2. Xây dựng, lựa chọn, thực hiện chuyên đề tư vấn tâm lí cho học sinh trung học phổ thông và phân tích trường hợp thực tiễn trong hoạt động dạy học, giáo dục.
3. Thiết lập kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn và hỗ trợ học sinh trung học phổ thông.
Video đang HOT
4. Xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông trong giáo dục và dạy học.
Là giáo viên bậc trung học phổ thông có thâm niên dạy học hàng chục năm, tôi khẳng định, thầy cô không cần phải bồi dưỡng những phạm vi kiến thức này để cấp giấy chứng nhận. Bởi, trong 4 năm học ở trường đại học sư phạm, giáo viên đã học những học phần liên quan đến tâm lí lứa tuổi, tâm lí giáo dục, tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Kể cả người được đào tạo ngành ngoài sư phạm nhưng khi làm giáo viên thì cũng phải học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, và tâm lí học vẫn là một trong những học phần không thể thiếu.
Tôi lấy ví dụ, Thông tư 40/2011/TT-BGDĐT ngày 16/9/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung học phổ thông có các học phần: Tâm lý học; Giáo dục học đại cương và lý luận giáo dục; Giao tiếp và ứng xử sư phạm; Quản lý nhà trường và công tác giáo viên chủ nhiệm lớp; Đánh giá trong giáo dục trung học phổ thông…
Hay Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/20212011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông, gồm các học phần:Tâm lý học giáo dục; Giáo dục học; Đánh giá trong giáo dục; Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống…
Ngoài ra, hàng năm giáo viên đều phải đăng kí các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên theo quy định, trong đó có nhiều chuyên đề liên quan đến tâm lí học sinh. Chẳng hạn: Đặc điểm tâm lý của học sinh trung học phổ thông; Giáo dục học sinh trung học phổ thông cá biệt; Chăm sóc hỗ trợ tâm lý học sinh nữ, học sinh người dân tộc thiểu số trong trường trung học phổ thông…
Nếu không bồi dưỡng module 5, giáo viên có dạy học được không?
Phần mục tiêu của khoá bồi dưỡng cho biết, sau khóa học này học viên cần đạt những mục tiêu sau (trích):
- Nhận diện được đặc điểm tâm sinh lí của học sinh trung học phổ thông, các đặc điểm của học sinh theo từng đối tượng (đặc biệt là học sinh nữ, dân tộc thiểu số, khuyết tật) và những khó khăn của học sinh trung học phổ thông trong cuộc sống học đường.
- Thiết lập được kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lí và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.
- Xây dựng được kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp triển khai hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông trong hoạt động dạy học và giáo dục.
Cá nhân tôi cho rằng, không cần bồi dưỡng module 5 thì giáo viên cũng đã làm tốt những mục tiêu trên. Giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc với học sinh hàng giờ, hàng tuần thì lẽ nào thầy cô không “nhận diện được đặc điểm tâm sinh lí của học sinh và những khó khăn của học sinh trung học phổ thông trong cuộc sống học đường”?
Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học và giáo dục học sinh. Muốn giáo dục học sinh có hiệu quả thì nhất thiết giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với giáo viên bộ môn và cha mẹ (người thân) học sinh, chứ không phải đợi lúc học xong module 5 thì giáo viên mới thực hiện được.
Bản thân tôi từng gặp rất nhiều tình huống phức tạp liên quan đến tâm lí học sinh, cả trong học tập và cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở một số nội dung như modul 5 đề cập. Vấn đề nằm ở chỗ, người thầy phải làm thế nào để có thể giải quyết được tất cả các tình huống liên quan đến tâm lí học sinh mới là chuyện đáng bàn.
Vậy nên, Bộ Giáo dục yêu cầu giáo viên phải bồi dưỡng lại những nội dung liên quan đến tâm lí, hỗ trợ, tư vấn học sinh khiến nhiều giáo viên cảm thấy chán ngán. Thậm chí, theo tìm hiểu của tôi, nhiều giáo viên chỉ cần học các module cho xong chuyện bằng cách đi xin, mua các bài tập cuối khóa để nộp.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin ghi lại những trải lòng của cô giáo chủ nhiệm tôi (thời trung học phổ thông) khi cô bồi dưỡng module 5. Xin nói thêm, cô giáo tôi từng đoạt giải 3 học sinh giỏi Văn quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học sư phạm, sau khi tốt nghiệp thì giảng dạy một ngôi trường danh tiếng ở miền Trung.
“Em à! Bồi dưỡng đến module 5 thì cô muốn về hưu nhưng chưa đủ điều kiện, không lẽ nghỉ ngang. Cô vẫn rất yêu nghề nhưng cảm thấy chán ngán khi phải học đi học lại những điều cũ kĩ chẳng mấy liên quan đến chuyên môn từ module 1 đến module 5. Mình già rồi, nói ra sợ ảnh hưởng đến tâm lí giáo viên trẻ, nhưng không nói thì bức xúc.
Ai đời sách giáo khoa mới chẳng thấy đâu mà cứ hết soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512 (Công văn 5512/BGDĐT ngày 18/12/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì đến bồi dưỡng về tâm lí học sinh. Không biết các module còn lại họ “đẻ” ra cái chi nữa, mà thôi cô cũng chẳng quan tâm”.
Tài liệu tham khảo:
https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-40-2011-tt-bgddt-chuong-trinh-boi-duong-nghiep-vu-su-pham-1f8f5.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-12-2021-tt-bgddt-chuong-trinh-boi-duong-nghiep-vu-su-pham-200906-d1.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Bồi dưỡng giáo viên phải thực chất
Việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên nói riêng và nhiều ngành nghề khác nói chung lâu nay có ý kiến băn khoăn về hiệu quả do học kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Nhất là một số chương trình hiện nay tổ chức bồi dưỡng trực tuyến thì liệu thực chất đến đâu?
TS Lê Thị Kim Anh.
TS Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình phát triển các trường Sư phạm ETEP (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Để triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một trong những giải pháp quan trọng đó là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Song trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tập huấn trực tiếp có những mô đun chuyển sang bồi dưỡng trực tuyến, giáo viên tự xem và học qua tài liệu. Nhiều ý kiến lo ngại việc học trực tuyến sẽ khó đạt hiệu quả bồi dưỡng, thưa bà?
TS Lê Thị Kim Anh: Trước hết phải nói rằng việc học "cưỡi ngựa xem hoa" xảy ra ở các cấp học, không chỉ khi bồi dưỡng giáo viên mà ngay cả đối với học sinh, sinh viên đại học cũng vậy. Điều này bộc lộ vấn đề là lâu nay chúng ta chú trọng đến việc đánh giá đầu ra ở giai đoạn cuối cùng và thường chỉ tập trung đến đó. Những bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết vẫn dừng lại ở chỗ học sinh có thể học cho xong, thiếu tập trung trong quá trình học... Với ý nghĩa đó, chúng tôi tổ chức tài liệu điện tử học trên mạng với thiết kế nội dung bài tập cuối cùng chỉ là một phần chiếm 20-30% đánh giá kết quả khóa bồi dưỡng. Kết quả học tập được đánh giá rải ra trong quá trình học.
Tài liệu điện tử này được thiết kế để giảm thiểu tối đa hiện tượng học tập qua quýt, bằng cách tài liệu được thiết kế thành những đơn vị nhỏ có những video để minh hoạ, có ví dụ thực tiễn và không thể bấm tua nhanh tài liệu, học trong vòng 2-3 tiếng là xong.
Quá trình học đòi hỏi phải có sự tương tác, nghĩa là xem khoảng 10 phút phải trả lời câu hỏi và buộc người học phải thực sự xem tài liệu và hiểu. Nếu chưa trả lời câu hỏi, sẽ dừng chương trình ở đó. Nếu trả lời sai, người học có quyền trả lời lại nhưng phải dành thời gian xem lại mới được trả lời chứ không phải cứ bấm chọn bừa cho xong. Khi mất thời gian xem đi xem lại, người học sẽ ít nhiều lĩnh hội được bài học hoặc hiểu ra việc chú tâm học tập trung sẽ đỡ mất thời gian hơn so với việc xem đi xem lại.
Nhìn chung tài liệu này tương đối dài, được thiết kế học trong vòng 5-7 ngày nên giáo viên đã học trong quá trình nghiên cứu tài liệu rồi, các bài tập hoàn thành cuối khóa học chỉ là một phần. Kết quả của khóa học không chỉ phụ thuộc vào bài tập cuối cùng mà là cả quá trình họ đã học được những gì.
Việc đánh giá hiện nay cũng đã thay đổi, chuyển từ đánh giá sau sang đánh giá quá trình, trong đó bắt buộc sự tham gia của người học là tích cực. Trong đó, các giảng viên sư phạm thiết kế ra các câu hỏi kiểm tra xem người học có học thật không.
Trong bối cảnh học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương đang học trực tuyến thì đây là một kinh nghiệm quý giá. Theo bà, các trường, các thầy cô nên áp dụng kinh nghiệm này khi triển khai dạy học cho học sinh, sinh viên ra sao?
- Kinh nghiệm này thực tế đã được triển khai ở các trường ĐH sư phạm và các trường khác. Đó là tăng cường các hoạt động của học sinh, sinh viên không chỉ là đọc sách mà trên nền tảng kiến thức mình tiếp thu được, họ phải thao tác, hoạt động trong nhóm, ra một sản phẩm. Chính quá trình đó sẽ giảm thiểu việc học không thực chất. Người học phải áp dụng những kiến thức đã học được để phát triển thành những hoạt động ra sản phẩm, sau đó trình bày sản phẩm này để cho thầy cô, bạn bè góp ý. Đó là cách để dạy học phát triển năng lực, bao gồm không chỉ năng lực về phẩm chất mà cả năng lực tư duy, hành động, làm việc theo nhóm, năng lực trình bày thuyết phục...
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo TS Lê Thị Kim Anh, quá trình học đòi hỏi phải có sự tương tác, nghĩa là xem khoảng 10 phút phải trả lời câu hỏi và buộc người học phải thực sự xem tài liệu và hiểu. Nếu chưa trả lời câu hỏi, sẽ dừng chương trình ở đó. Nếu trả lời sai, người học có quyền trả lời lại nhưng phải dành thời gian xem lại mới được trả lời chứ không phải cứ bấm chọn bừa cho xong.
Tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 3 Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn về việc tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 3. Để bảo đảm chất lượng sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời giúp giáo viên sớm tiếp cận với các bản mẫu sách giáo khoa lớp 3, sở đề nghị...