Giáo viên “bội thực” các lớp tập huấn dạy học trực tuyến
Việc các cấp quản lý giáo dục tổ chức nhiều lớp tập huấn dạy học trực tuyến khiến giáo viên “bội thực tập huấn” càng làm cho các thầy cô giáo đã vất vả càng thêm mệt mỏi, nhọc nhằn hơn.
Giáo dục đã và đang thích ứng với dịch bệnh Covid-19 bằng việc chuyển đổi số mạnh mẽ. Giáo viên đã nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ vào dạy học trực tuyến với mong muốn đưa năm học 2021-2022 thành công đến mức cao nhất có thể.
Và việc các cấp quản lý giáo dục tổ chức nhiều lớp tập huấn dạy học trực tuyến khiến giáo viên “bội thực tập huấn” càng làm cho các thầy cô giáo đã vất vả càng thêm mệt mỏi, nhọc nhằn hơn.
Nhiều giáo viên nói với nhau rằng buổi tập huấn không phải cưỡi ngựa xem hoa mà là cưỡi sóng biển ngó mây”.
Dạy trực tuyến gần 2 tháng mới tập huấn sử dụng phần mềm
Những tưởng thời gian dạy học trực tuyến cho học sinh nhàn nhã hơn ai ngờ lại mệt hơn bởi những lớp tập huấn vô bổ. Tình trạng lạm dụng công nghệ để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến với cái cách “gom” hàng trăm, hàng ngàn người vào 1 lớp còn hơn các hội nghị trực tuyến tầm cỡ quốc tế thì không ổn chút nào.
Do số lượng người đông, vượt quá quy định của phần mềm nên đăng nhập vào cuộc họp khó, bị văng ra phòng chờ liên tục. Người dự khó khăn trong việc nắm bắt nội dung của cuộc họp.
Mới đây, thầy giáo tại một tỉnh tâm tư: “Tôi đi dự tập huấn về dạy học trực tuyến 1 ngày mà đuối vô cùng, thở không ra. Chỉ mỗi việc đăng nhập vào cuộc họp đã toát mồ hôi. Buổi tập huấn trễ cả tiếng đồng hồ mà vẫn có khá nhiều thầy cô không vào được. Chưa hết, trong lúc tập huấn giáo viên bị đá văng ra khỏi phòng họp liên tục.
Rồi báo cáo viên không thể chia sẻ bài thuyết trình được, máy tính cứng đơ. Báo cáo viên có lúc bất lực với cái máy tính của mình. Nhưng thất vọng hơn là nội dung triển khai không thiết thực.
Đó là việc ban tổ chức đưa ra một số phần mềm dạy trực tuyến, một số phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến và hướng dẫn cách sử dụng. Chẳng có gì đáng nói nếu như buổi tập huấn này diễn ra trước khai giảng năm học mới.
Trong khi giáo viên đã dạy được gần 2 tháng mới hướng dẫn từ cách… cài đặt phần mềm và vài ứng dụng đơn giản thầy cô đã biết. Hơn nữa, trong 1 ngày tập huấn “cái lẩu thập cẩm” hàng chục phần mềm dẫn đến quá tải.
Trong cái lẩu thập cẩm đó có những phần mềm không phù hợp với lứa tuổi học sinh, các em khó sử dụng. Về triển khai cho đồng nghiệp ở trường lại tốn thêm thời gian mà không có được những điều giáo viên mong mỏi”.
Trường hợp của giáo viên ở tỉnh nọ cho thấy sự bất cập, các cấp quản lý đã bị động trong việc ứng dụng công nghệ số. Thời gian qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hình thức dạy học trực tuyến là phương án tối ưu nhất để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho học sinh.
Song song đó, làm việc, tập huấn, hội họp trực tuyến cũng được tận dụng tối đa. Và vì thế có nhiểu người, cơ quan đã lạm dụng hình thức này để mở những lớp trực tuyến có số lượng quá đông, hời hợt trong khâu tổ chức dẫn đến chất lượng kém. Giáo viên chán ngán với lịch làm việc 1 ngày với sáng dạy trực tuyến, chiều tập huấn phần mềm của trường, tối tập huấn của phòng.
Video đang HOT
Dạy được 7 tuần, cô giáo dạy tiếng Anh được nhà trường phân công tham gia lớp tập huấn trực tuyến về kiểm tra trực tuyến than thở rằng: “Lớp tập huấn quá đông có tới gần 500 người dẫn tới quá tải. Giáo viên cứ bị cho ra khỏi cuộc họp liên tục, ở trong phòng cũng chỉ nghe tiếng được tiếng mất của báo cáo viên.
Trên màn hình liên tục có tin nhắn với báo cáo viên là không nghe được gì. Một buổi tối tập huấn đổ sông đổ biển, tốn quá nhiều công sức, thời gian. Giáo viên nói với nhau rằng buổi tập huấn không phải cưỡi ngựa xem hoa mà là cưỡi sóng biển ngó mây”.
Với giáo viên mới, giáo viên kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều mà dạy trực tuyến thì quả là “toát mồ hôi hột”.
Trong khi đi dạo lang thang vào các lớp học trực tuyến được bạn bè chia sẻ đường link, người viết thật bất ngờ khi có những lớp tập huấn phần mềm dạy trực tuyến có tới vài trăm, thậm chí cả ngàn thầy cô giáo tham dự.
Mới đây, vào một lớp học hướng dẫn sử dụng phần mềm có gần 300 thầy cô giáo với thời gian 2 tiếng. trong thời gian đó, các cấp lãnh đạo phát biểu, người hướng dẫn chỉnh máy đã hết 1 tiếng đồng hồ.
Tới báo cáo viên loay hoay không chia sẻ màn hình được cũng hết 15 phút, sau đó là màn “ca ngợi” phần mềm này tiện lợi, nguồn tài nguyên phong phú, quản lý được hết trường học… Giáo viên dự tập huấn nghĩ mình đang lạc vào hội nghị giới thiệu… sản phẩm.
Một cô giáo cho biết: “Cả ngày dạy và chuẩn bị cho các tiết học ngày mai, tối phải vào nghe những thứ này thật không cần thiết. Chúng tôi muốn được biết kĩ năng, kinh nghiệm, cách xử lý tình huống… trong dạy trực tuyến còn việc hướng dẫn sử dụng phần mềm thì dạy 2 tháng rồi ai mà không biết”.
Thay đổi phần mềm dạy trực tuyến như thay áo
Thay ngựa giữa dòng hay thay đổi phần mềm như thay áo là các cách ví von mà các thầy cô một số trường của tỉnh Đồng Nai khi nhà trường đột nhiên yêu cầu giáo viên tập huấn để thay đổi bằng phần mềm dạy học trực tuyến Microsoft Team.
Nhiều phụ huynh và giáo viên đã phản ánh với người viết về vấn đề này. Cô giáo trẻ gọi điện cầu cứu: “Lúc đầu, tôi dạy 1 tiết trực tuyến mà mệt quá. Phụ huynh cùng học với con nhiều, họ nói với con là phải làm thế này thế kia, cô dạy chỗ này khó hiểu, nghe mà run quá hết dạy nổi. Phần vì lúng túng khi sử dụng phần mềm, phần vì chưa có kinh nghiệm dạy trực tuyến nên rất vất vả. Mới quen được phần mềm chưa lâu giờ trường đổi phần mềm nữa, làm lại từ đầu thì cô còn đuối nữa chứ nói gì đến học sinh tiểu học”.
Đúng là với giáo viên mới, giáo viên kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều mà dạy trực tuyến thì quả là “toát mồ hôi hột”. Với thầy cô giáo trẻ, dạy trực tiếp trên lớp có người dự giờ đã “hồn xiêu phách lạc” rồi nói gì đến 1 tiết dạy trực tuyến, hàng trăm con mắt ngó nhìn, dò xét, bắt lỗi.
Chưa quen sử dụng các tính năng của phần mềm, “non” tay nghề nên giáo viên thường được cha mẹ của trò dự giờ và nhận xét còn hơn cả đồng nghiệp, hiệu phó, hiệu trưởng góp ý tiết dạy. Và nghe tin trường thay phần mềm, cô hoảng hốt là điều dễ hiểu.
Cô bạn tôi nhắn tin kể, thằng bé học lớp 3 một trường nội ô học trực tuyến mấy ngày đầu mà có muôn chuyện dở khóc, dở cười. Học cùng bé chị biết cô giáo con mình chưa sử dụng quen phần mềm. Đầu buổi học mạnh cô la, mạnh phụ huynh lớn tiếng trong máy chỉ mỗi cái việc tắt mic, bật camera. Ai cũng mở mic, ai cũng nói như chỗ không người nên lớp học trực tuyến ồn ào, náo nhiệt chẳng khác nào cái chợ.
Xong phần đầu khoảng 10 phút tạm ổn với những tiếng ồn, cô giáo lúng túng chia sẻ màn hình cũng phải mất 5 phút mới vô được bài. Tiết dạy không thành công vì con chị chẳng hiểu gì. Chị cho biết thêm, sắp tới nghe nói trường đổi phần mềm khác quả là tội nghiệp học trò, thương giáo viên vì vừa mới ổn định lại phải “tối tăm mặt mũi” lo làm quen, sử dụng cái khác.
Mong các cấp quản lý giáo dục đừng quá lạm dụng tập huấn trực tuyến, tránh tình trạng những lớp tập huấn vô bổ không có ý nghĩa, không cần thiết.
Người bạn dạy tiểu học phàn nàn: “Học sinh đang học vừa ổn với phần mềm Google Meet miễn phí thì nhà trường bỗng thông báo đổi sang phần mềm khác. Thế là ban ngày dạy bù đầu, tuần rồi mất 4 tối tập huấn.
Dạy trực tuyến mà thử nghiệm phần mềm giống như các nhà khoa học thí nghiệm giống lúa mới, cây trồng mới hay vắc xin mới vậy đó. Mệt bở hơi tai vì các phần mềm có nhiều tính năng khác nhau. Vấn đề là phần mềm sắp tới rất khó khăn trong đăng nhập đối với học sinh tiểu học. Tôi cho học sinh đăng nhập tài khoản nhiều em bị báo lỗi, đặc biệt là sử dụng bằng điện thoại”.
Phụ huynh sau một tiếng đồng hồ đăng nhập tài khoản cho con không được đành nhờ giáo viên chủ nhiệm. Do bị lỗi khi làm trên điện thoại nên chị không thể đăng nhập lại tài khoản thành công dù làm trên lap top, máy tính bàn.
Chị than phiền: “Nhà trường thay đổi phần mềm xoành xoạch làm phụ huynh chúng tôi cũng lao đao theo. Năm dịch đầu tiên là 1 phần mềm, năm học này là phần mềm khác, chưa đầy 2 tháng lại 1 phần mềm khác.
Trường quay chúng tôi như chong chóng. Không rành công nghệ, phần mềm này lại không dễ dàng đăng nhập nên gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Giá như nhà trường cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn thì đỡ tốn thời gian cho giáo viên, không phải làm khó phụ huynh, học sinh. Việc ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập là khó tránh khỏi khi đổi phần mềm liên tục như thế này”.
Không nói thì ai là giáo viên đã từng dạy trực tuyến cũng biết dạy hình thức này cực hơn nhiều so với dạy học trực tiếp. Thầy cô có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững, công nghệ thông tin thành thạo ít cũng gấp 2, 3 lần còn giáo viên khác khó mà cân đo đong đếm được.
Vì vậy, mong các cấp quản lý giáo dục đừng quá lạm dụng tập huấn trực tuyến, tránh tình trạng những lớp tập huấn vô bổ không có ý nghĩa, không cần thiết, cân nhắc kĩ lưỡng khi thay đổi phần mềm để thầy cô giáo có thời gian chuyên tâm vào việc dạy học trực tuyến cho học sinh đạt hiệu quả cao.
Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Đa dạng hình thức, phù hợp thực tế
Trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài, kiểm tra đánh giá trực tuyến trở thành hình thức bắt buộc. Nhà trường, giáo viên đã chủ động bám sát quy định, áp dụng vào thực tiễn phù hợp.
HS huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trong giờ học trực tuyến.
Kiểm tra, đánh giá bằng bài thu hoạch, dự án
Tại các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến, việc kiểm tra đánh giá là một trải nghiệm mới. Một trong những vấn đề giáo viên, phụ huynh quan tâm là làm sao để việc này được công bằng, khách quan và chất lượng.
Tại Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai linh hoạt. Giáo viên, học sinh không bị áp lực mà còn hào hứng tham gia. Theo đó, các tổ bộ môn triển khai đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức như vấn đáp, làm bài qua các phần mềm, theo sản phẩm... Đặc biệt, một số bộ môn như Vật lý, Sinh học... thầy cô chủ động xây dựng bài kiểm tra theo dự án bằng cách quan sát sự sinh trưởng của cây, từ đó ghi nhận làm bài thu hoạch, chụp ảnh.
Theo thầy Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, nhà trường giao quyền chủ động cho các tổ bộ môn trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, nhưng phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, thực hiện theo đúng chủ trương của ngành. Nhà trường cũng yêu cầu công tác đánh giá học sinh phải có sự thống nhất giữa các thành viên trong tổ bộ môn với nhau.
Để tránh tình trạng mỗi giáo viên, lớp kiểm tra, đánh giá khác nhau, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có cách làm thống nhất. Thay vì giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh trên hệ thống phần mềm, các thành viên trong mỗi tổ xây dựng kế hoạch và thống nhất về hình thức để tạo sự công bằng trong đánh giá, điểm số học sinh.
"Để tránh tình trạng lớp này chấm điểm kiểu này, lớp kia lại theo kiểu khác, chúng tôi yêu cầu tổ phải thống nhất về hình thức kiểm tra chung để tạo sự công bằng cho các em. Học sinh không được đến trường và phải học trực tuyến tại nhà đã là một thiệt thòi lớn. Nếu giáo viên đánh giá không khách quan và công bằng sẽ tạo thêm áp lực cho các em", cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, chia sẻ.
Trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài, kiểm tra đánh giá trực tuyến trở thành hình thức bắt buộc.
Thay đổi để thích ứng
Theo chia sẻ của các giáo viên, để kiểm tra, đánh giá trực tuyến đạt chất lượng, công bằng thì nhà trường, giáo viên và học sinh phải thay đổi. Trước hết, giáo viên thay đổi một số hình thức đánh giá theo cách cũ. Nhà trường cũng không nên quá chú trọng vào điểm số học sinh, thay vào đó cần hướng đến đánh giá khả năng hiểu bài và mức độ vận dụng kiến thức để làm bài của các em. Đây cũng là cơ sở để giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học sau khi học sinh đi học trở lại.
Ngoài ra, để bảo đảm tính công bằng, khách quan, giảm thiểu gian lận trong kiểm tra, đánh giá cần thực hiện bằng cả hai hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, hướng đến mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Theo bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, đối với lớp 1, lớp 2 không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian học tập trực tuyến hoặc học qua truyền hình. Tuy nhiên, giáo viên chú ý theo dõi tình hình học tập của từng học sinh theo giai đoạn để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng khi học sinh trở lại trường học tập trực tiếp. Đối với lớp 3, 4, 5, giáo viên có giải pháp khác nhau để ghi nhận, đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của từng học sinh.
Cụ thể, bài kiểm tra trên hệ thống dạy học trong môi trường Internet hoặc ghi nhận thông qua quá trình dạy học, trao đổi, đặt câu hỏi cho học sinh trả lời. Các bài tập được xây dựng đa dạng, nhiều hình thức khác nhau, bao gồm trắc nghiệm và tự luận. Giáo viên lưu đầy đủ minh chứng quá trình dạy học, đánh giá thường xuyên hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh để làm cơ sở đánh giá định kỳ trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, không gây áp lực về đánh giá, không gây căng thẳng cho học sinh.
Nhờ chủ trương trên, nhiều giáo viên đã linh hoạt công tác đánh giá học sinh theo phương pháp tự học, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức để tham gia các hoạt động trò chơi, ứng dụng phần mềm... Những đổi mới này đã đem lại hiệu quả, đồng thời giúp học sinh thích thú.
Để giờ học online trở nên thú vị và đạt hiệu quả như mong muốn, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn - Giáo dục công dân, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tận dụng những ứng dụng, phần mềm thiết kế câu hỏi đố vui, trò chơi... giúp học sinh học tập, đồng thời tạo tâm lý hứng thú.
Đồng thời, cô thay đổi một số phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh qua hình thức học online. Với chủ đề bài học tương đối dễ và đơn giản, cô sử dụng đánh giá tại chỗ để kiểm tra mức độ hiểu bài của các em. Một số ứng dụng như Azota, Pallet... được cô sử dụng, vừa để các em làm bài tập và cũng là hình thức để đánh giá năng lực thực chất. Những bài giảng dài, lượng kiến thức nhiều, cô thiết kế hình thức dạy học theo dự án...
"Học sinh học và được giao bài tập theo chủ đề, yêu cầu rõ nội dung cần làm và thời hạn nộp bài trong vòng 5 - 7 ngày. Giáo viên sẽ phân nhóm, làm bài theo từng chủ đề khác nhau và thời hạn nộp bài ít nhất là 7 ngày để các em có thời gian trao đổi, hợp tác. Hình thức đánh giá này dễ áp dụng, đặc biệt phù hợp với học sinh ở vùng nông thôn không có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ, lượng thông tin tiếp cận còn ít", cô Hằng chia sẻ.
Thầy cô có thể tự thiết kế bài tập để đánh giá kết quả học tập học sinh tại lớp học trực tuyến. Hình thức này giống như một trò chơi, mang tính chất nhẹ nhàng, đúng mức độ tiếp thu bài, giúp các em hứng thú hơn. Bên cạnh đó, giáo viên có thể thêm phần tuyên dương học sinh hoàn thành bài sớm nhất và đúng nhất để khích lệ tinh thần, cho điểm cộng. Những em chưa được tuyên dương sẽ lấy đó làm mục tiêu để cố gắng hơn. - Cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).
Dạy trực tuyến quá lâu, giáo viên than trời vì căng thẳng, mệt mỏi Dạy trực tuyến nhưng thời khóa biểu trực tiếp, học sinh không trả lời, bật nhạc, xem phim trong giờ học... khiến nhiều giáo viên phải 'than trời'. Do dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM, nên từ đầu tháng 5 đến nay học sinh trên địa bàn thành phố vẫn phải học trực tuyến tới hết học kỳ 1. Giáo viên mệt...