Giáo viên bỡ ngỡ trong lần đầu tiên được chọn sách giáo khoa
Nhiều giáo viên kể cảm xúc lạ lẫm, hồi hộp khi lần đầu tiên trong đời được tham gia vào việc chọn sách giáo khoa.
Từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai chương trình phổ thông mới trên cả nước đối với lớp 1. Các cơ sở giáo dục được quyền lựa chọn sách giáo khoa mới (trong 5 bộ sách) để sử dụng cho chương trình.
Giáo viên nghiên cứu, thảo luận về các bộ sách giáo khoa
Lần đầu tiên trong nghề
Đây cũng là lần đầu tiên trong đời, trong nghề, nhiều giáo viên được tự chọn sách giáo khoa (SGK) để dạy thay vì “đến hẹn lại lên” với bộ sách dùng chung cho cả nước.
Cô Nguyễn Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Bảo ( TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay các giáo viên của trường đã tận dụng ngay khoảng thời gian nghỉ dịch Covid-19 từ tháng 2 đến tháng 4 để nghiên cứu, lựa chọn SGK lớp 1.
“Trong quá trình lựa chọn, chúng tôi nhận thấy mỗi một bộ SGK đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung, các SGK đều có chất lượng tốt, hình thức trình bày đẹp, màu sắc hài hòa, hình ảnh sinh động tạo cảm hứng học tập”.
Theo tiêu chí “chọn cho mình sử dụng nên phải phù hợp với mình”, cô Cúc cho biết giáo viên nhà trường đã thống nhất chọn các sách giáo khoa thuộc 3 bộ sách (Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục).
Quá trình chọn sách diễn ra với nhiều bước, từ đọc, nghiên cứu, thảo luận đến bỏ phiếu kín,…
Cô Nguyễn Thị Bích Hiền, giáo viên của trường Tiểu học Liên Bảo dự kiến sẽ dạy lớp 1 chương trình phổ thông mới trong năm học 2020-2021 tới đây. Cô kể rằng đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Video đang HOT
“Tất nhiên bước đầu có những băn khoăn nhất định, nhưng tôi nghĩ những điều đó không đáng để mình lùi bước. Qua nghiên cứu 5 bộ sách, tôi thấy kênh chữ và kênh hình tt rất bắt mắt, nội dung trong các bộ sách đều rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn”.
Cô trò Trường Tiểu học Liên Bảo (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) trong một giờ học nhóm.
Một giáo viên khác của trường cho hay thông qua quy trình mà địa phương ban hành, các giáo viên sẽ nghiên cứu, thảo luận theo tổ và bỏ phiếu kín chọn sách.
“Đi dạy nhiều năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi chọn sách giáo khoa để dạy cho năm sau. Cảm xúc có chút lạ lẫm, hồi hộp, trái ngược với các năm trước khi chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất. Bản thân tôi cũng muốn nghiên cứu sâu tất cả các bộ nên thức nhiều đêm với “món” này. Dù mất thời gian nhưng mình lại có được cái nhìn tổng thể để đưa ra quyết định công tâm hơn”, cô giáo nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng phòng GD-ĐT TP Vĩnh Yên, cho hay mỗi sách giáo khoa được xem như một con đường và như vậy có thể hiểu là nhiều đường đi nhưng đều dẫn tới cái đích cuối cùng, đó là yêu cầu cần đạt được của chương trình từng môn học. Do vậy, đứng ở góc độ người quản lý, theo bà Chung, việc có nhiều bộ SGK sẽ không quá khó trong quá trình chỉ đạo thực hiện và đánh giá.
Phải thực hiện tốt để không “mất điểm”
Cô Trần Thị Tố Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) lo lắng bởi đây là chủ trương mới, nếu thực hiện không tốt thì sẽ “mất điểm” trong mắt phụ huynh, học sinh. Do đó, cô Oanh cho hay phải dựa trên một hệ thống văn bản của Bộ, Sở, Phòng và cho giáo viên tập huấn, nghiên cứu rất nhiều lần.
Từ tháng 2, tất cả các giáo viên của Trường Tiểu học Tam Hợp được giao nghiên cứu cả 5 bộ sách giáo khoa (được Bộ trưởng GD-ĐT phê duyệt sử dụng cho chương trình phổ thông mới), dù ưu tiên nhóm dạy khối 1 nhiều hơn. Từ đó, các giáo viên phải đánh giá những ưu điểm, nhược điểm của từng bộ sách.
Một giờ học Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
“Dù đã chọn xong các đầu sách nhưng ban đầu, giáo viên của trường vẫn cảm thấy bỡ ngỡ, mới mẻ. Tuy nhiên, chúng tôi lại thấy có thể sẽ rất thuận lợi bởi có nhiều nội dung gắn liền với thực tiễn, áp dụng vào được trong cuộc sống của các em học sinh” – Cô Oanh nói.
Cô Oanh cũng khẳng định: 5 bộ sách chỉ như là 5 con đường đi để đến đích trong chương trình dạy. Dù sách có khác nhau nhưng sau khi kết thúc, học sinh sẽ có những điểm chung về chuẩn phẩm chất, năng lực. Vì vậy, phụ huynh không cần lo lắng về chuyện mỗi trường học một sách, khi con chuyển trường có theo kịp được các bạn hay không.
Ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc
Ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết tới đây sẽ có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình.
“Sở cũng đã tham mưu với UBND tỉnh để có một kế hoạch tổng thể cho việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, SGK mới. Riêng với lớp 1, hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các nhà xuất bản có SGK mà các trường học ở tỉnh lựa chọn để phân chia thời gian bồi dưỡng. Tất cả các giáo viên dạy lớp 1 năm nay sẽ được bồi dưỡng đầy đủ 100% nội dung. Ngoài ra, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho toàn bộ giáo viên cấp tiểu học”.
Khi địa phương được chọn sách
Đến thời điểm này, kết quả chọn SGK của các tỉnh đã gửi về Bộ GDĐT. Số liệu lựa chọn đưa ra khiến dư luận băn khoăn, có hay không sự bất thường khi có tỉnh 100% các trường học chọn SGK của một bộ sách...
Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho rằng, việc lựa chọn một số môn hay một nhóm môn của một NXB trên một địa phương có cùng điều kiện hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta phải tôn trọng kết quả lựa chọn của giáo viên, tôn trọng sinh hoạt chuyên môn của nhà trường và kết quả lựa chọn.
Số liệu có bất thường?
Công tác lựa chọn SGK lớp 1 trong năm học 2020-2021 nhận được sự quan tâm của dư luận trong suốt thời gian dài. Nhiều ý kiến từng lo lắng, việc chọn sách sẽ bị tác động bởi những yếu tố ngoài chuyên môn dẫn tới kết quả không khách quan. Lo lắng nhất là chọn sách theo chỉ đạo và có bóng dáng của nhóm lợi ích.
Trong tuần vừa qua, 63 tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo kết quả lựa chọn SGK về Bộ GDĐT. Kết quả chọn SGK cho thấy cả 46 đầu SGK của 5 bộ SGK do Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt đều được các địa phương lựa chọn. Trong 46 đầu SGK được phân thành 5 bộ, 61 địa phương chọn các đầu SGK của từ 3 bộ SGK trở lên, trong đó 35 tỉnh chọn SGK của đầy đủ cả 5 bộ.
Đáng chú ý, theo kết quả chọn SGK của TP Hồ Chí Minh, chỉ xét riêng sách Tiếng Việt lớp 1, sách Tiếng Việt của bộ "Chân trời sáng tạo" có lượt đặt mua gấp 6 lần sách Tiếng Việt của "Cánh diều"- bộ sách được chọn nhiều thứ hai. Kết quả áp đảo này cũng được thể hiện ở lượt đặt mua những cuốn sách khác trong bộ "Chân trời sáng tạo". Cụ thể, bộ sách "Chân trời sáng tạo" được các trường đặt mua từ 86.942 đến 121.195 cuốn, tùy theo môn.
Đặc biệt là kết quả chọn SGK tại Khánh Hòa, Long An. Tờ trình của Sở GDĐT Long An về kết quả lựa chọn một bộ SGK lớp 1 cho biết, bộ sách được chọn để dạy học tại 100% trường tiểu học của tỉnh này là "Cánh diều". Còn theo văn bản mà tỉnh Khánh Hòa báo cáo với Bộ GDĐT, 100% trường học trên địa bàn chọn bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" của NXB Giáo dục cho 8 môn bắt buộc. Riêng môn tiếng Anh, các nhà trường chọn SGK của NXB khác. Điều này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch, công bằng trong quy trình chọn lựa tại các địa phương.
Lý giải về số lượng đặt mua của mỗi cuốn sách trong một bộ không giống nhau, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho hay: Các trường tiểu học thảo luận và chọn lựa sách cho từng môn học riêng lẻ, chứ không chọn cả bộ của một nhóm tác giả hay NXB nhất định. Vì vậy, mỗi cuốn sách có số lượng đặt mua khác nhau.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở GDĐT Long An cũng lý giải, 100% các trường của tỉnh lựa chọn sách "Cánh Diều" là do có 70% trong tổng số 218 trường tiểu học trong tỉnh chọn bộ sách "Cánh Diều". Để cho thống nhất, Sở đã trình UBND tỉnh Long An phê duyệt, báo cáo về Bộ GDĐT để áp dụng cho 100% học sinh lớp 1 (29.000 em) học bộ sách này trong năm học 2020-2021...
Kết quả thực hiện đúng quy trình
Trước câu hỏi gửi tới Bộ GDĐT về sự bất thường trong việc lựa chọn SGK này, TS Thái Văn Tài-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) trả lời rằng: Cả 5 bộ sách ở 46 đầu sách đều được Hội đồng quốc gia thẩm định về mặt chuyên môn, đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và chuẩn đầu ra đối với từng môn học của lớp 1 và được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt. Như vậy, việc hội đồng lựa chọn SGK thực hiện theo Thông tư 01: Dựa vào phân tích, cách tiếp cận SGK của từng tác giả, điều kiện thực hiện, điều kiện địa lý tự nhiên của trường và điều kiện người học để chọn 1 bộ sách phù hợp nhất... "Việc lựa chọn một số môn hay một nhóm môn của một NXB trên một địa phương có cùng điều kiện hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta phải tôn trọng kết quả lựa chọn của giáo viên, tôn trọng sinh hoạt chuyên môn của nhà trường và kết quả lựa chọn. Nên ghi nhận đó là một sản phẩm được các thầy cô thực hiện đúng theo quy trình"- ông Tài nói.
Còn việc nhiều ý kiến dị nghị khi bộ sách "Chân trời sáng tạo" của NXB Giáo dục Việt Nam được TP Hồ Chí Minh lựa chọn bởi NXB đã chi trả thù lao cho một số lãnh đạo và một số phòng ban chuyên môn của sở, ông Tài chia sẻ: Trong 5 bộ SGK được thẩm định lần này, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội hiếm của nhóm tác giả phía Nam tham gia biên soạn SGK theo Chương trình GDPT quốc gia. Khi các nhóm tác giả ở miền Nam tham gia biên soạn SGK, có thể nhận thấy nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào SGK mang tính đặc trưng của vùng miền. Ví dụ, sách Tiếng Việt lớp 1, có thể dùng từ ba má thay cho bố mẹ; dùng từ "ghe thuyền"... Các phương ngữ này gần gũi với lứa tuổi HS tiểu học khu vực này.
Nhóm tác giả phía Nam nghiên cứu chương trình, biên soạn SGK đang hướng đến một đối tượng khá đặc trưng cho vùng miền. Khi giáo viên tham gia lựa chọn SGK, các bộ sách đã đáp ứng đúng chương trình của Hội đồng thẩm định quốc gia, việc lựa chọn sách gần gũi với địa phương là hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta phải tôn trọng ý kiến, kết quả lựa chọn SGK ở vùng miền đó.
"Chúng ta phải công bằng khi phán xét một vấn đề, cần tìm hiểu quy trình có sai không? Có chỉ đạo gì sai không? Khi kết quả làm đúng, quy trình làm đúng, không có chỉ đạo sai, phải tôn trọng quyền lựa chọn của giáo viên và phải ghi nhận quyền này; Không nên có suy diễn làm tổn thương đến thầy cô trong quá trình lao động vất vả"- ông Tài nhận định.
Chỉ đạo sát sao việc tập huấn giáo viên
TS Thái Văn Tài-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: Có 2 nội dung trọng tâm Bộ sẽ chỉ đạo sát sao trong thời gian tới.
Thứ nhất, các địa phương và NXB phải làm việc với nhau để xây dựng và tổ chức thực hiện việc tập huấn cho giáo viên lớp 1, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc. 100% giáo viên lớp 1 phải hoàn thành tập huấn trước năm học mới. Việc cung ứng có những khó khăn và thuận lợi riêng, song phải gấp rút thực hiện từ nay đến 30/7 và chậm nhất là 15/8.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm của địa phương đối với việc bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1 tìm hiểu về Chương trình GDPT 2018. Sở GDĐT phải gấp rút hoàn thiện bồi dưỡng tìm hiểu Chương trình GDPT 2018 cho giáo viên trước 30/7 bằng hình thức trực tuyến.
Quảng Ngãi: Hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 1 Đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 1, năm học 2020 - 2021. Bộ sách Tiếng Việt và Toán "Kết nối tri thức với cuộc sống" được nhiều trường chọn nhất. Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho các trường chọn có 5 bộ, trong đó có 4 bộ sách...