Giáo viên bị xem xét cắt hợp đồng ở Cà Mau có cơ hội giảng dạy
Cà Mau cho chủ trương các trường còn thiếu giáo viên lựa chọn, hợp đồng lại với hơn 1.400 giáo viên thuộc diện hợp đồng.
Chủ tịch UBND Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại cuộc họp chiều 15/8. Ảnh: Phúc Hưng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chủ trì cuộc họp chiều 15/8, thông tin kết quả rà soát bước đầu về việc sắp xếp trường, lớp và đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn (năm học 2018 – 2019).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, qua rà soát, năm học 2018-2019, các trường thuộc Sở quản lý hiện còn thiếu 511 người so với quy định của Bộ giáo dục; còn 86 biên chế chưa tuyển dụng; hợp đồng lao động có 264 người.
Riêng bậc học từ mầm non đến THCS do các địa phương quản lý đang thừa hơn 670 giáo viên (thuộc diện hợp đồng) so với biên chế được giao.
Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh xác định còn thiếu 1.858 vị trí việc làm ở ngành học mầm non, THCS và THPT. Song, lại có trên 1.400 giáo viên do các trường tự ý hợp đồng khi chưa được UBND tỉnh cho chủ trương đang được xem xét, sắp xếp lại.
“Nếu không hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên ở các trường THPT sẽ không đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy, hoạt động của trường trong năm học tới”, ông Luân nói và kiến nghị tỉnh cho phép hợp đồng lại với 264 giáo viên thuộc diện hợp đồng ở các năm trước.
Video đang HOT
Đồng quan điểm, hiệu trưởng ở các trường THPT kêu khó vì thiếu giáo viên. “Trường có 16 lớp, cần 36 giáo viên (trong khi biên chế hiện có chỉ 17), nếu trường không hợp đồng thêm giáo viên làm sao giảng dạy”, ông Võ Thanh Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Quách Văn Phẩm nêu vấn đề.
Thầy giáo này cũng bày tỏ băn khoăn, để đảm bảo công tác giảng dạy, buộc trường phải hợp đồng thêm giáo viên, nhưng lại bị quy trách nhiệm là tự ý hợp đồng khi chưa được cho phép.
Thầy Châu Văn Tuy, Hiệu trưởng trường THPT Đầm Dơi, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sớm cho cơ chế để các trường còn thiếu chủ động hợp đồng lại với giáo viên trước ngày 27/8. Việc này nhằm đảm bảo cho công tác sắp xếp, phân công công việc cho từng giáo viên trong năm học mới.
Cà Mau giữ quan điểm xóa các điểm trường lẻ không còn phù hợp nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Ảnh: Phúc Hưng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, chủ trương rà soát trường lớp, học sinh, giáo viên đã được Cà Mau thống nhất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải thấu tình, đạt lý, sắp xếp sao cho phù hợp nhằm đảm bảo công tác giảng dạy.
Ngoài ra, ông Hải cũng thống nhất với phương án cho hợp đồng lại với giáo viên ở các trường còn thiếu. “Giáo viên hợp đồng lại phải được phân loại, rồi xếp theo thứ tự ưu tiên để làm cơ sở điều chuyển phù hợp”, ông Hải yêu cầu.
Chủ tịch Cà Mau cũng chỉ đạo, sau khi xem xét, phân loại, những người không đạt yêu cầu phải cắt hợp đồng, ngay cả giáo viên trong diện biên chế.
Riêng các địa phương phải rà soát, kiểm tra lại số lượng học sinh, đặc biệt là khối tiểu học đang thiếu 623 em, so với số lượng năm học 2017 – 2018.
“Phải tìm hiểu thật kỹ, xem các cháu có khó khăn gì để sớm có biện pháp hỗ trợ, chớ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà bỏ học khi mới hết lớp 5 là không được”, ông Hải nhấn mạnh.
Trước đó, Sở Giáo dục Cà Mau cho biết, có 148 điểm trường lẻ đã được xóa tính đến cuối tháng 7. Tổng số lớp sau khi sắp xếp lại so với cuối năm 2017-2018 đã giảm 691 lớp.
Theo ngành giáo dục, địa phương có hơn 1.400 giáo viên do các trường tự ý hợp đồng trong thời gian qua, nhưng chưa được UBND tỉnh cho chủ trương. Số giáo viên này sẽ bị xem xét chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới theo chỉ đạo của tỉnh.
Phúc Hưng
Theo Vnexpress
Đắk Lắk: Thanh lý hợp đồng đối với trên 500 giáo viên tuyển dôi dư
Liên quan đến việc trên 500 giáo viên hợp đồng được tuyển ồ ạt khiến dôi dư tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) gây xôn xao dư luận thời gian qua, mới đây, UBND tỉnh đã giao cho địa phương thanh lý đối với số giáo viên hợp đồng này.
Thông tin từ một lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cho biết, huyện đang tiến hành rà soát lại tất cả các hợp đồng của 508 giáo viên hợp đồng để có phương án thanh lý số hợp đồng này theo đúng quy định. Về chi phí hỗ trợ trong việc thanh lý hợp đồng đến nay huyện đang xây dựng, tính toán để trình Huyện ủy phê duyệt.
Giáo viên hợp đồng và người thân lo lắng, buồn bã vì sẽ bị mất việc làm
Cũng theo vị lãnh đạo này, sau khi rà soát các vị trí việc làm nếu còn vị trí thì vẫn để giáo viên hợp đồng dạy, còn nếu không còn vị trí thì buộc phải chấm dứt hợp đồng vì không còn cách nào khác. Phía huyện đã tiến hành rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí đã được chi trả cho từng giáo viên và tổng số tiền đã chi trả cho các giáo viên này.
Riêng việc giải quyết chế độ khi thanh lý hợp đồng cho số giáo viên hợp đồng này được Sở Nội vụ cho biết, số tiền sẽ vào khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết lấy nguồn nào để chi trả số tiền giải quyết chế độ nên phải xin ý kiến của HĐND tỉnh.
Như Dân trí đã đưa tin, từ năm 2011 - 2016, UBND huyện Krông Pắk đã tuyển dôi dư trên 500 giáo viên hợp đồng. Trong đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn năm 2011 - 2015 đã ký hơn 400 hợp đồng lao động dù giáo viên đã thừa và ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đương nhiệm đã tuyển dụng 197 hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học dù trước đó Thanh tra tỉnh đã đề nghị UBND huyện này phải khắc phục việc tuyển dụng dư thừa từ thời chủ tịch huyện trước.
Trước những sai phạm, ông Nguyễn Sỹ Kỷ bị kỷ luật cảnh cáo; ông Nguyễn Thành Dũng - Bí thư huyện ủy và ông Y Suôn Byă cùng bị kỷ luật khiển trách liên quan đến sai phạm trong quản lý, điều hành.
Đồng thời, cơ quan CSĐT công an huyện Krông Pắk đã nhận được hàng loạt đơn thư tố cáo của các giáo viên hợp đồng phản ánh việc họ phải chi tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để được đi dạy với mức lương rất thấp. Liên quan đến đơn thư, công an huyện đã bắt giam ông Huỳnh Bê - nguyên Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây vì có hành vi nhận trên 300 triệu đồng tiền chạy việc.
Thúy Diễm
Theo Dân trí
Chủ tịch tỉnh Cà Mau: "Sắp xếp lại đội ngũ ngành giáo dục phải minh bạch, không có chuyện chạy chọt" "Đối với người đang hợp đồng, khi sắp xếp cần lựa chọn theo thứ tự ưu tiên. Việc này cần phải công khai, minh bạch và không có chuyện chạy chọt để được đứng lớp giảng dạy ở đây", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo quyết liệt. Tại buổi họp báo chiều ngày 15/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn...