Giáo viên bản ngữ thất nghiệp
Chỉ hai tháng trước, “giáo viên bản ngữ” vẫn còn là cụm từ sáng giá trong cộng đồng học ngoại ngữ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhóm người này rơi vào cảnh “thất nghiệp”. Có người phải lang thang ở vườn hoa, công viên, có người tìm đủ việc ngắn hạn khác để kiếm tiền sinh sống, người ở nhà trông con…
Các lớp học ngoại ngữ đóng cửa khiến nhiều giáo viên phải ở nhà trông con
Chưa bao giờ khó khăn như lúc này!
Kết thúc buổi học tiếng Pháp, thầy Antoine (một giáo viên Pháp ngữ đã sống và dạy tiếng Pháp ở Hà Nội 12 năm) hỏi chúng tôi: “Trong lớp ai có nhu cầu luyện cấp tốc thì đăng ký, học một thầy một trò, học phí giảm một nửa, giáo viên đến từ Paris chứ không phải dân nói tiếng Pháp “Le Nhà quê” – ông đẩy mạnh tiêu thụ cho những đồng nghiệp trẻ đang thất nghiệp vì các lớp học đóng cửa.
Như thường lệ, thời gian này đúng ra là lúc “vắt chân lên cổ” với các giáo viên Pháp ngữ bởi lịch thi DELF, DALF (kỳ thi lấy văn bằng tiếng Pháp chính thức do Bộ Giáo dục quốc gia Pháp cấp) cận kề và lịch đăng ký du học cũng vào lúc nước rút. Song bởi vì dịch bệnh, tất cả đều bị hoãn lại, các trung tâm ngoại ngữ lớn đều đóng cửa.
“Tôi hiện đang duy trì cuộc sống ở Việt Nam nhờ số tiền trợ giúp của chính phủ Pháp. Nói thật là không đến mức quá khó khăn, chỉ có hơi buồn thôi. Bar, pub đóng cửa, ngay cả rạp chiếu phim cũng đóng. Mỗi ngày quanh quẩn với Internet mãi cũng chán nên tôi sẽ về nước đợi dịch bệnh ổn định rồi mới quay lại”.
Giáo viên tiếng Pháp Jean Besson cho biết
Hàng nghìn giáo viên bản ngữ rơi vào cảnh thất nghiệp. Một số người túng quẫn phải lang thang trong công viên, vườn hoa. Trường hợp của T. (giáo viên tiếng Anh) lang thang ở vườn hoa Đại học Thủy Lợi là một ví dụ. Phần lớn các giáo viên dạy ngoại ngữ người nước ngoài ở Việt Nam là người trẻ, ham thích du lịch và khám phá. Trong đó không ít người thuộc diện Gap Year – họ tạm nghỉ một năm để khám phá thế giới trước khi thi đại học hoặc đi làm. Việc những người này đến Việt Nam dạy học phần lớn để kiếm tiền trang trải cho những chuyến đi. Chỉ có một số ít người định cư và có gia đình ở Việt Nam. Số này đỡ túng quẫn hơn, tuy nhiên họ vẫn phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của việc đột nhiên không có việc làm.
Chị Nguyệt Hà (Đống Đa, Hà Nội, có chồng là giáo viên dạy tiếng người Anh) cho biết: “Hai tháng nay chúng tôi sống bằng tiền lương của mình tôi. Alex nghỉ dạy ngồi nhà trông con. Cuộc sống có xáo trộn nhưng còn đỡ hơn một số bạn của Alex, khi các bà vợ chỉ ở nhà và chồng thất nghiệp thì sống tạm bằng tiền dự phòng”.
David Orange (giáo viên dạy tiếng Anh người Mỹ đồng thời là một blogger du lịch) chia sẻ: “Đây gần như là giai đoạn khó khăn nhất của các giáo viên người nước ngoài. Ở các trung tâm ngoại ngữ lớn, khi nghỉ dạy chúng tôi còn được hỗ trợ một phần lương, nhưng ở những trung tâm nhỏ thì không có gì. Nhà trọ của tôi giai đoạn này thường xuyên phải làm nhiệm vụ couchsurfing (cho ở nhờ) vì quá nhiều đồng hương không còn đủ tiền thuê chỗ ở”.
Ngay cả làm bồi bàn cũng không có việc
Nhiều người tìm kiếm cơ hội việc làm ở những nông trại
Video đang HOT
Charlotte Farmer (giáo viên tiếng Pháp đến từ Toulouse) cho biết: “Ông nội tôi từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam. Đó là một trong những nuối tiếc nhất của ông. Tốt nghiệp đại học, tôi quyết định Gap Year để khám phá đất nước này. Tôi có thể làm bartender, làm giáo viên dạy tiếng, thậm chí làm hướng dẫn viên. Cứ nghĩ kỹ năng thế là đủ rồi, không ngờ khi có dịch, nhà hàng đóng cửa, khách du lịch không đến, trường delay, tôi thất nghiệp triệt để. Tôi đang đặt vé để quay về Pháp trước thời hạn bởi vì thực sự không nghĩ ra cách kiếm tiền để tiếp tục chu du”.
David Orange kể một số giáo viên trẻ mà anh quen đã đăng thông tin tìm việc làm bồi bàn. Tuần đầu tiên một số bar ở khu phố Tây còn nhận người, tuần gần đây thì bồi bàn cũng thất nghiệp vì bar đóng cửa. Họ phải tìm cách đi qua các nước khác như Ấn Độ, Nepal để vừa tránh dịch vừa tìm việc.
Một trong những công việc được các “giáo viên bản ngữ” tìm kiếm nhiều nhất trong giai đoạn này chính là trở thành tình nguyện viên ở các nông trại. Qua WWOOF – một tổ chức phi lợi nhuận liên kết các nông trại hữu cơ của 99 nước trên thế giới họ tìm được một số trang trại ở Việt Nam có dịch vụ này là: Tuệ Viên, Dream Farm, Oganic Farm… Theo đó, tình nguyện viên sẽ đến ở và làm việc tại các nông trại, trung bình mỗi ngày làm việc từ 4-8 tiếng, 5-6 ngày/tuần. Bù lại họ được cung cấp đồ ăn, chỗ ở. Tuy nhiên, vì số người đăng ký tăng đột ngột, không phải ai cũng may mắn kiếm được một cơ hội “tay làm hàm nhai”.
Giải pháp “duy trì cuộc sống” khác mà các thầy cô giáo người nước ngoài giai đoạn này đang áp dụng chính là tận dụng triệt để mạng lưới Couchsurfing. Đây là một mạng toàn cầu, sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn… mang đến cơ hội ở nhờ, không mất tiền cho những người ưa thích du lịch bụi.
Sở dĩ phải nhấn mạnh chi tiết “du lịch bụi” vì những chỗ ở nhờ này đôi khi rất thiếu tiện nghi. Couch, nguyên nghĩa là chiếc ghế sofa. Surf là đi du lịch. Nghĩa là khi bạn đến xin ở nhờ nhà ai đó, bạn có thể sẽ ngủ trên ghế sofa của nhà họ.
Hiện tại, ở Việt Nam đã có hẳn một cộng đồng chuyên làm Couchsurfing thu hút hàng nghìn thành viên. Nhiều gia đình ở Hà Nội có điều kiện nhà ở rộng rãi đã tình nguyện đăng ký làm host cho người nước ngoài ở nhờ. Song, kể từ khi Hà Nội phong tỏa khu Trúc Bạch vì bệnh nhân số 17, hầu hết các địa chỉ Couchsurfing đều tạm đóng cửa.
“Cũng sợ lây lan chứ, nhất là đối tượng ở nhờ là người nước ngoài. Họ chủ quan lắm, sau Tết, nhà tôi đón hai cậu người Mỹ, thấy tôi phun thuốc diệt khuẩn họ bảo: gì mà nghiêm trọng thế, cúm mùa thôi mà! Tôi bảo con trai treo biển đóng cửa ngay sau đó mặc dù có nhiều người xin ở nhờ nhưng tôi không dám tiếp.” Bà Nguyễn Thị Nga – chủ một địa chỉ Couchsurfing khu vực Âu Cơ, Tây Hồ cho biết.
Dạy online không đơn giản như quảng cáo
Để đáp ứng nhu cầu học ôn thi của học viên trong mùa dịch, thầy Antoine đã mở lớp học online nhưng sau ba buổi chính ông lại tuyên bố đóng cửa.
“Mạng chập chờn không nghe rõ học viên nói gì. Chưa kể học tiếng quan trọng nhất là việc phát âm thì qua loa, hầu hết âm thanh bị méo, tôi không sửa cho các bạn được. Vừa rồi, một số trường ở Hàn Quốc bị học viên đòi lại tiền vì dạy online không hiệu quả. Tôi không muốn lặp lại điều ấy đâu”. Thầy giáo người Pháp hóm hỉnh nói.
Tất nhiên, phương pháp dạy học này vẫn áp dụng được với một số người. Nhiều giáo viên Anh ngữ đã đăng tuyển sinh viên online với học phí chỉ bằng một nửa bình thường, trung bình họ được trả 12-15usd/ giờ tùy vào lượng học sinh. Số tiền này được coi là “rẻ mạt” nhưng đa số vẫn chấp nhận vì “không thể đòi hỏi nhiều ở giai đoạn này”.
Charlotte Farmer cho biết, cô từng nghĩ đến phương án dạy online nhưng việc tuyển sinh khó khăn, chưa kể phải soạn giáo trình mới và phải đảm bảo hiệu quả khi học nên “tôi xin đầu hàng”, cô nói.
Sự khó khăn của việc học online không chỉ đến từ phía giáo viên và “đường truyền internet”, mà rất nhiều học sinh cũng chưa quen với hình thức học online. Chỉ cần máy tính cá nhân có vấn đề về camera, micro, hoặc đường truyền không ổn thì cũng gây ra gián đoạn trong khi học.
Cộng với sự thiếu tương tác của phương pháp này khiến các khóa học online không thể trở thành phao cứu sinh cho giáo viên trong mùa dịch.
“Tôi đã nhận làm rất nhiều việc khác nhau như: dịch thuật, hướng dẫn viên, tư vấn du học… song công việc đều không ổn định. Có thể nói càng ngày càng ít việc, giống như thế giới đang ngừng vận hành. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn nữa, chắc chắn tôi phải về nước hoặc chạy qua Ấn Độ với các bạn. Song vào thời điểm này, tôi vẫn muốn ở lại Việt Nam, ở đây đang kiểm soát dịch rất tốt và tôi hy vọng mọi việc sẽ tốt lên khi trời có nắng”. David Orange tâm sự.
Phương pháp luyện nghe của người thạo 5 thứ tiếng
Thành thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Pháp, James Granahan (sống tại Argentina) chia sẻ năm bước luyện nghe có thể áp dụng với mọi ngôn ngữ.
Tôi cho rằng nghe là kỹ năng ngôn ngữ khó học nhất và tôi từng rất vất vả để có thể nghe hiểu một ngôn ngữ mới vì không biết làm thế nào để ôn tập.
Trước đây, tôi học tiếng Tây Ban Nha khá tốt khi còn ở quê nhà nhưng từ ngày chuyển đến sống tại Argentina tôi mới nhận ra kỹ năng nghe của mình thật tệ. Ở đây, mọi người rất ít khi sử dụng tiếng Anh trong khi tôi không thể nghe ra họ nói gì bằng tiếng Tây Ban Nha nên thời gian đầu tôi chỉ gật đầu, mỉm cười và nỗ lực tuyệt vọng để hiểu mọi người xung quanh.
Dần dần, kỹ năng nghe của tôi được cải thiện đáng kể và tôi phát hiện ra trình độ của mình được nâng cao nhờ vào việc tập trung lắng nghe. Trước đây, tôi học nghe thụ động, nghĩa là "vào tai này, ra tai kia" mà không nghiêm túc tìm hiểu và ghi nhớ thông tin. Khi sống ở Tây Ban Nha, tôi buộc phải chăm chú lắng nghe, ghi nhớ và nghiên cứu lời nói của mọi người xung quanh và tôi nhận ra đó chính là cách luyện tập kỹ năng này.
Sự khác nhau giữa lắng nghe thụ động và chủ động
Nghe thụ động có nghĩa là bạn lắng nghe mà không tập trung. Chẳng hạn bạn mở chương trình phát thanh tiếng Pháp trong khi đang nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa để học ngôn ngữ này. Hãy thử tưởng tượng tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ, liệu bạn có ghi nhớ toàn bộ nội dung của nó khi đang bận làm việc khác? Tất nhiên là vô ích. Nếu với tiếng mẹ đẻ, việc nghe thụ động không có tác dụng thì tại sao nó lại hiệu quả để học ngoại ngữ?
Tôi không hoàn toàn phủ định việc nghe thụ động vì đôi khi trong lúc lơ đễnh trí não bạn vẫn ghi nhớ được một vài từ, cụm từ hoặc đôi tai bạn sẽ được làm quen với ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng phương pháp này để luyện nghe, bạn sẽ không thể thành công. Đó là lý do người học ngôn ngữ cần luyện nghe chủ động, nghĩa là tập trung lắng nghe, lặp đi lặp lại nội dung nghe trong đầu nhiều lần và biến nó thành của riêng.
Việc nghe chủ động giúp bạn phân biệt được những khác biệt nhỏ nhặt ở những từ có cách phát âm gần giống nhau hoặc cách người bản ngữ luyến láy ngôn ngữ của họ. Chẳng hạn, người Mỹ thường nói "Wassup". Đây vốn không phải một từ có nghĩa. Nó là cách nói tắt của câu "What's up?" (kiểu chào của người bản ngữ, tương tự câu "Hi, how are you?", có nghĩa là sao rồi).
Ảnh: Fluent in 3 Months.
Năm bước luyện nghe ngoại ngữ
Khi luyện nghe, tôi thường sử dụng tệp âm thanh không dài quá bốn phút với chủ đề tôi yêu thích để duy trì cảm hứng học tập.
1. Nghe nhưng không đọc
Bước đầu tiên chỉ đơn giản là nghe tệp âm thanh. Bạn không cần đọc văn bản trước hoặc vừa nghe vừa đọc. Điều quan trọng là bạn phải tập trung nghe và xác định có thể hiểu được bao nhiêu phần nội dung mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào.
Trừ khi bạn đạt trình độ cao, bước này sẽ tương đối khó khăn. Thay vì cố gắng hiểu từng từ đơn lẻ, hãy tập trung tìm ra ý chính của tệp âm thanh. Bạn có thể ghi chú những từ khóa giúp hiểu được nội dung chính. Những từ khóa này sẽ là gốc rễ ban đầu giúp bạn xây dựng ngữ cảnh.
2. Nghe lặp lại
Sau khi nghe, nhiều người mắc sai lầm vì ngay lập tức chuyển sang đọc nội dung văn bản. Bước thứ hai chưa phải là đọc mà bạn vẫn nên tiếp tục luyện nghe.
Trong lần nghe ở bước đầu tiên, bạn có thể ghi chép một số từ khóa chính. Ở lần này, hãy lắng nghe cẩn thận, tìm thêm nhiều từ hoặc cụm từ bỏ lỡ. Đến bây giờ, bạn đã có thể hình dung khái quát về nội dung tệp âm thanh. Nếu chưa thể hình dung ra, đừng lo lắng mà hãy tiếp tục ghi lại những từ khóa quan trọng. Thực hiện liên tục nhiều lần, bạn có thể vẽ nên bức tranh tương đối chi tiết về nội dung nghe.
Ở bước hai, tôi khuyến khích các bạn nên nghe ít nhất ba lần với mỗi lần nghe để hiểu thêm một chút về tài liệu. Mục tiêu chính là sử dụng trình độ, kiến thức ngoại ngữ hiện tại để nghe hiểu càng nhiều càng tốt trước khi chuyển sang đọc nội dung. Khi bạn không thể nghe thêm bất cứ từ mới nào, hãy chuyển sang bước tiếp theo.
3. Đọc
Giờ là thời gian để đọc nội dung văn bản. Trong khi đọc, hãy đối chiếu ghi chú của bạn với nội dung văn bản để kiểm tra độ chính xác. Nếu gặp từ mới trong văn bản, bước đầu bạn nên đoán nghĩa của từ dựa theo bối cảnh hoặc câu văn. Khi thực sự không thể đoán được, hãy tra từ điển. Với những từ mới có thể sử dụng trong thực tế, bạn nên ghi lại và luyện tập sử dụng.
Với những từ bạn nhìn quen mắt nhưng không hiểu rõ nghĩa, hãy cứ tra cứu cẩn thận vì dù quen mắt bạn vẫn chưa biết cách sử dụng. Một số từ nghe rất khác với bạn vẫn hay luyện tập vì có thể được nói ở tốc độ bản địa. Bạn nên lưu ý chúng khi nghe lại tệp âm thanh.
4. Nghe kết hợp đọc
Khi đã đọc qua nội dung, tra cứu nghĩa của từ mới, bạn có thể nghe lại tệp âm thành nhiều lần kết hợp đọc văn bản. Đây là bước duy nhất bạn kết hợp thị giác và thính giác cùng nhau nên hãy tận dụng nó. Cố gắng kết nối âm thanh nghe được và nội dung văn bản, đặc biệt chú ý đến từ mới, cụm từ hoặc cách phát âm.
Nếu văn bản chứa nhiều từ mới, bạn nên chia nhỏ tệp âm thanh thành các đoạn để có thể kết hợp nghe hiểu và đọc hiểu cùng lúc. Bạn có thể nghe toàn bộ hoặc nghe một phần nội dung. Cá nhân tôi thường lặp lại bước này ít nhất hai lần.
5. Nghe không có văn bản
Bước cuối cùng là nghe lại tệp âm thanh nhưng thoát ly khỏi văn bản. Đến lúc này, bạn có thể nghe hiểu âm thanh tương đối tốt mà không cần đến sự trợ giúp bên ngoài.
Trong nhiều ngày sau, hãy nghe lại tệp âm thanh vào thời gian rảnh rỗi. Nếu bước này lặp lại càng nhiều lần, độ tự tin và mức độ am hiểu của bạn sẽ càng tăng cao. Sau này, bạn có thể nhanh chóng nắm bắt một số từ hoặc cụm từ trong giao tiếp hoặc những tệp âm thanh khác.
Tú Anh ( Fluent in 3 Months/VNE)
Cách thức thi tuyển công chức 2020 sẽ có gì mới? Để có thể kiểm tra được toàn diện hơn nữa năng lực, trình độ, kỹ năng của người tham gia dự tuyển công chức, Bộ Nội vụ đề xuất trường hợp thi vòng 2 bằng hình thức kết hợp cả thi viết và thi phỏng vấn. Đê xuât kêt hơp ca thi viêt va phong vân khi tuyên dung công chưc. (Ảnh minh...