Giao việc thi tốt nghiệp THPT cho địa phương, nên có giám sát xã hội
Theo các chuyên gia giáo dục, các khâu giám sát kỳ thi dù chặt chẽ, nhưng mới chỉ là giám sát nội bộ trong ngành giáo dục, chưa có giám sát xã hội.
Theo dự thảo Quy chế thi Tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT vừa công bố, một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là các khâu coi thi, chấm thi sẽ không có sự tham gia của giảng viên đại học như những năm trước. Công tác này được giao về cho các địa phương phụ trách.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc; giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự giam gia của thanh tra các cấp. Cán bộ, giảng viên đại học không tham gia chấm thi, coi thi, nhưng Bộ cũng sẽ huy động những giảng viên có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác chấm thi tham gia thanh tra, kiểm tra tại địa phương.
Tuy nhiên, sau những vụ gian lận thi cử chấn động đã xảy ra trước đây, dư luận vẫn băn khoăn việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức liệu có an toàn?
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trong thi cử, tinh thần tự giác của học sinh và đạo đức của người thầy rất quan trọng. “Thầy giáo xưa nay vẫn là người được học sinh kính trọng, hết lòng vì học trò. Song thương trò không có nghĩa là nâng đỡ các em để xảy ra gian lận, mà phải dạy đến nơi đến chốn, đánh giá công bằng kết quả 12 năm học của từng em. Khi tinh thần tự giác ấy chưa cao, thì cần đến những biện pháp siết chặt, làm nghiêm. Song nếu như mỗi kỳ thi phải cử đến hàng chục ngàn giảng viên các trường đi coi thi là một sự tốn kém không cần thiết. Hiện nay xu hướng của các nước trên thế giới đều mở rộng đầu vào đại học, nhưng hẹp đầu ra. Các trường đại học có thể giám sát kết quả thi thực tế hay không trong quá trình học”.
Video đang HOT
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ủng hộ việc không đưa giảng viên các trường ĐH về trông thi. Song nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, Bộ GD-ĐT cần cảnh báo về việc xử nghiêm nếu vi phạm quy chế thi. “Các phiên tòa xử vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình vừa diễn ra mới đây sẽ là bài học cho những ai tay muốn nhúng tràm sẽ phải nhìn vào đó để làm gương”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, việc cử giảng viên xuống các địa phương trông thi là một sự lãng phí.
TS Khuyến thẳng thắn cho rằng: “Chắc gì sự có mặt của giảng viên đại học sẽ không để xảy ra tiêu cực. Từ hàng chục năm trước, khi tôi về các tỉnh trông thi. Trước ngày thi, lần nào lãnh đạo các tỉnh cũng chiêu đãi các thầy ở các trường đại học một bữa, nói khó khăn, nhờ vả để nới lỏng cho địa phương. Dù là thầy ở đại học, hay phổ thông, thì cũng không tránh khỏi những chuyện như thế. Còn việc chấm thi, hiện nay chỉ có môn Ngữ văn là tự luận, các trường khối ngành kinh tế, kỹ thuật cũng không có giáo viên chấm, nên thực tế vẫn phải thuê giáo viên phổ thông về chấm bài”.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục có thái độ kiên quyết trong xử lý tiêu cực. Lãnh đạo các địa phương cũng nên tập trung, tránh lơ là trong công tác tổ chức thi, cần nhìn vào hình ảnh người thầy tay còng, đầu cúi trước những phiên tòa xét xử làm bài học nhãn tiền chua xót.
TS Khuyến nhấn mạnh, để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, vai trò của người đứng đầu các địa phương rất lớn. “Nếu kỳ thi có vấn đề, tỉnh tổ chức thi, thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng cho rằng, hiện nay Bộ GD-ĐT cho lắp đặt camera, giám sát tại tất cả các khâu, tuy nhiên, việc giám sát, thanh tra mới chỉ nằm ở phạm vi ngành, chưa có giám sát của toàn xã hội.
“Hiện nay chưa có giám sát xã hội, mới chỉ dừng lại ở giám sát nội bộ. Đây là một trong những kẽ hở cho những kẻ muốn gian lận lợi dụng. Nếu như công khai toàn bộ quá trình chấm thi, coi thi, để bất cứ ai cũng có thể xem, giám sát sẽ đảm bảo kỳ thi được diễn ra minh bạch, an toàn”, TS Khuyến nói./.
Dễ xảy ra gian lận
Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp 2020 có nhiều điểm mới trong đó đáng chú ý nhất là vai trò coi thi, chấm thi trắc nghiệm của trường ĐH bị gạt bỏ hoàn toàn.
Nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng cường giám sát nếu không sẽ xảy ra việc nơi coi lỏng, nơi coi chặt thậm chí tái diễn gian lận, tiêu cực trong khâu chấm thi.
Cán bộ coi thi ở Thanh Hoá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019
Việc chấm trắc nghiệm năm ngoái do trường ĐH chủ trì, thực hiện. Năm nay việc này được giao hoàn toàn cho sở GD&ĐT. Cán bộ chấm trắc nghiệm gồm cán bộ của sở và giáo viên trường phổ thông, dùng phần mềm của bộ để chấm.
Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, TP Thanh Hoá, ông Lê Văn Dị cho rằng, ít nhất, Bộ GD&ĐT phải cử một lượng giám sát nhất định, không nên khoán trắng cho các địa phương tổ chức mới đảm bảo được tính nghiêm túc, minh bạch, khách quan của kỳ thi. "Các Hội đồng thi ở vùng sâu, vùng xa càng dễ có tâm lý nới tay sẽ không công bằng cho học sinh giữa các địa phương. Trong bài thi tổ hợp, phiếu trả lời trắc nghiệm cả 3 môn thi vẫn dùng trên 1 tờ do đó, dù hết thời gian làm bài môn này học sinh vẫn có thể làm sang môn khác là không phù hợp. Tôi đề nghị mỗi môn nên có 1 phiếu trả lời trắc nghiệm riêng", ông Dị nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trường Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi năm nay nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT. Nhưng cuối cùng, một loạt các trường ĐH huỷ bỏ phương án tuyển sinh riêng nên vẫn chủ yếu lấy kết quả này để tuyển sinh. Như vậy, bản chất của kỳ thi này vẫn là "2 trong 1"như các năm trước. "Tại các thành phố lớn năm nào cũng tổ chức thi bài bản, nghiêm túc nhưng các địa phương vùng miền liệu có đảm bảo nghiêm minh?. "Bộ phải làm sao dẹp được lo lắng của người dân bằng việc tổ chức một kỳ thi chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đảm bảo công bằng cho học sinh", ông Khang nói.
Theo ông Khang, thành công của kỳ thi dựa trên 3 khâu quan trọng: đề thi, coi thi và chấm thi. Trong đó, khâu ra đề, in sao đề lâu nay luôn được làm tốt. "Tôi cho rằng, nên có thêm camera giám sát toàn bộ mọi hoạt động từ phòng thi, thu bài, đưa bài vào kho, đến mở bài ra, chấm thi, xử lý điểm"...
Trả lời báo chí, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT ông Nguyễn Đức Cường cho biết, điểm mới của công tác thanh tra năm nay là ngoài lực lượng của bộ và sở, sẽ có thêm lực lượng thanh tra tỉnh, công việc của các đoàn sẽ được thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Ông Cường cho hay, năm nay dù không huy động cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia coi thi, chấm thi nhưng bộ sẽ huy động cán bộ, giảng viên ĐH có đạo đức tốt, có kinh nghiệm tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương. Dự kiến có 2 nhóm khác nhau, một số tham gia các đoàn thanh tra/kiểm tra của bộ, một số tham gia các đoàn của địa phương.
Hiệu trưởng 1 trường THPT ở Hà Nội nói rằng, điều ông lo lắng nhất chính là khâu chấm thi. Ở phòng thi mỗi thí sinh một mã đề nhưng ở khâu chấm thi "do cán bộ địa phương" chủ trì dễ xảy ra vấn đề thông đồng, gian lận thi. "Điều này dễ xảy ra nếu quy trình lỏng lẻo, có khe hở. Bởi một suất người ta ngã giá lên tới tiền tỷ chính là đánh vào lòng tham con người", vị này nói.
Hiệu trưởng các trường THPT cũng cho rằng, việc tăng cường thêm lực lượng thanh tra của UBND tỉnh chẳng khác nào "mình thanh tra mình" hay "cha con đóng cửa thanh tra nhau". Địa phương tổ chức thi nhưng phải có lực lượng cán bộ, giảng viên của bộ đủ lớn để tham gia thanh tra, giám sát ở mỗi điểm thi mới hạn chế được gian lận thi.
Khi nào thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông? Từ 1/7 tới, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực nên có một số điểm mới thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay cần lưu ý. Hỏi: Em có nghe thông tin về cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Vậy giấy này khác với bằng tốt nghiệp...