Giáo dục với nhiều thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận
Lý do giáo dục Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng PISA 2018; Bộ GD&ĐT chính thức công bố 32 cuốn SGK lớp 1 của tám môn học được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới; Khai tử chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A-B-C đã tồn tại suốt 26 năm,… là những thông tin giáo dục thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Ảnh minh họa
Công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình GDPT mới
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 32 cuốn SGK lớp 1 của tám môn học được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vào tuần đầu tháng 12, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến trước khi ban hành để triển khai SGK cho chương trình mới từ năm học 2020-2021. Các góp ý gửi về bộ đến hết ngày 30/1/2020. Như vậy, phải đến đầu tháng 2/2020, Bộ GD&ĐT mới chính thức công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK.
Bộ GD&ĐT đã tính toán rất kỹ rồi, các mốc thời gian và các đầu việc phải hoàn thành trước khi năm học mới diễn ra, đảm bảo có SGK cho thầy cô và các em học sinh. Các NXB có nhà in trên khắp cả nước chứ không phải in một chỗ rồi chuyển. Hệ thống phát hành tỉnh nào cũng có.
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành
Theo nội dung dự thảo thông tư, các trường phải công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ năm tháng. Nhiều ý kiến lo ngại hiện tại các trường chưa được tiếp cận SGK thì làm sao có thể chọn lựa, thành lập hội đồng nghiên cứu lựa chọn sách.
32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 đã được lựa chọn cho chương trình GDPT mới.
PGS -TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cho biết, sau khi công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK vào đầu tháng 2/2020, các trường sẽ nhận được các bản mẫu SGK đã được Bộ phê duyệt và tiến hành lựa chọn.
Các trường sẽ có hai tháng để lựa chọn SGK, đến ngày 31/3 phải công bố các SGK đã lựa chọn. Sau đó, nhà xuất bản (NXB) có SGK lớp 1 được lựa chọn sẽ tiến hành in, phát hành và phối hợp tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021.
Về sự chậm công bố SGK tiếng Anh lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết trong chương trình lớp 1 có hai môn tự chọn là môn tiếng dân tộc và môn tiếng Anh.
Video đang HOT
Bộ đã công bố SGK những môn học bắt buộc, sau đó mới công bố môn tự chọn và những bản thảo SGK được thẩm định lại.
“Khai tử” chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A-B-C
Sau 26 năm tồn tại, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A-B-C đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và sẽ chính thức bị bãi bỏ bằng việc dừng kiểm tra và cấp từ 15/1/2020.
Điều này được Bộ GD&ĐT ban hành tại Thông tư bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Như vậy, tới đây sẽ không còn việc tổ chức thi, kiểm tra cấp các chứng chỉ trình độ A-B-C. Các chứng chỉ ngoại ngữ đã được cấp theo quy định tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT vẫn có giá trị sử dụng. Hiện việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ sẽ thực hiện theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã được bãi bỏ.
9 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Vinh.
Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 cho 422 nhà giáo
Sau quá trình xem xét, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ đã ký công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư cho 73 nhà giáo và đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cho 349 nhà giáo. Quyết định có hiệu lực từ ngày 27/11.
Năm 2019, có 28 Hội đồng Giáo sư cơ sở có ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư với 725 ứng viên, trong đó có 119 ứng viên Giáo sư, 606 ứng viên Phó Giáo sư.
Riêng Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Quân sự và Khoa học An ninh đề nghị 47 ứng viên (1 ứng viên GS, 46 ứng viên PGS) nhưng chưa tổ chức xét tại kỳ họp lần này do chưa có hướng dẫn cụ thể theo quy chế đặc thù của cấp trên.
Danh sách GS, PGS được công nhận năm nay giảm mạnh so với kỳ công nhận năm 2017. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến trái chiều về kết quả.
Việt Nam không xuất hiện trong bảng xếp hạng PISA 2018
Trong công bố kết đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018, Việt Nam không xuất hiện trong bảng xếp hạng toàn cầu mặc dù đạt nhiều điểm số cao.
Bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm đánh giá Giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, có 2 lý do chính để OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh.
Trong quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã có những chất vấn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện PISA tại Việt Nam ở tất cả các công đoạn, đã cử Trưởng Ban phân tích dữ liệu của OECD sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn các cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu.
Bà Lê Thị Mỹ Hà
Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Bởi vì, ban đầu OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang 2020 mới công bố, họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam.
Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu nên đến tháng 9/2019, OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác vào ngày 3/12/2019.
OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm.
Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.
Sau quá trình xác minh, thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm. Tuy nhiên, do kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.
Kim Thoa
Theo GDTĐ
Chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C đã bị khai tử từ lâu
Sau khi chứng chỉ ngoại ngữ hệ A, B, C bị khai tử, việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ sẽ thực hiện theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc đã thay thế các chứng chỉ A,B,C
Ông Nguyễn Công Hinh- Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngày 29 tháng 9 năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Trong đó, chứng chỉ ngoại ngữ được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ bậc 1 đến bậc 6.
Mẫu chứng chỉ ngoại ngữ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.
Như vậy Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã thay thế chứng chỉ chỉ ngoại ngữ A,B,C được quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008.
Ông Nguyễn Công Hinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT)
Việc Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thay thế cho các chứng chỉ ABC từ lâu đã được thừa nhận vì không thể tồn tại song song 2 loại chứng chỉ.
Tuy nhiên Thông tư 23 lại chưa nhắc đến việc sẽ thay thế Quyết định 30 nên Bộ GD&ĐT đã tiếp tục ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.
Hiện nay có 9 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Vinh.
An Nhiên
Theo GDTĐ
Sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1: Vẫn còn nhiều băn khoăn Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, một số sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được Hội đồng Thẩm định quốc gia Việt Nam phê duyệt đã được giảng dạy rộng rãi ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Sự phù hợp với yêu cầu của Chương trình mới...