Giáo dục năm 2015 – Một năm nhìn lại
Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong năm học 2015 – 2016, một loạt quyết sách lớn có tính lịch sử đã và đang được thực hiện. Nhân dịp năm mới 2016, LĐTĐ điểm lại những sự kiện nổi bật liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo trong năm qua.
1. Kỳ thi THPT quốc gia
Việc đổi mới tổ chức kỳ thi THPT năm 2015 đã làm giảm rõ rệt việc dạy thêm, học thêm và luyện thi, đã tiết kiệm đáng kể chi phí ăn ở, đi lại cho học sinh và gia đình. Việc tránh được sự tập trung đông người tại các thành phố lớn cũng làm giảm áp lực về giao thông và công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. So với chi phí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi đại học, cao đẳng mỗi năm trước đây, chi phí cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 giảm nhiều: Từ 4 đợt thi (năm 2014 trở về trước) nay chỉ còn 1, thời gian thi trước đây tối đa 9 ngày, nay tối đa 4 ngày. Thí sinh được thi tại địa bàn sinh sống hoặc địa phương lân cận nên giảm tốn kém.
2. Lễ khai giảng kiểu mới
Một trong những điểm mới ở năm học này là lễ khai giảng tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào sáng 5.9.2015 – “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Quyết định này được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến cho rằng cần chọn một ngày khai giảng đồng thời trên cả nước. Theo đó, lễ khai giảng có đủ nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch Nước… Cách tổ chức lễ khai giảng năm học mới này đã đơn giản hóa phần “lễ”, tăng phần “hội”, nên nhận được sự đồng tình của mọi người dân. Để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, 41.824 trường từ mầm non đến khối THPT trên cả nước đã lên kế hoạch tổ chức trước đó nhiều ngày.
Video đang HOT
3. Việc giảm tải cho học sinh phổ thông được thực hiện nghiêm túc
Cụ thể, Bộ GDĐT đã điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, xa thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, đồng thời giao quyền chủ động cho nhà trường xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình giáo dục, phù hợp với học sinh, gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương; hướng dẫn trường chủ động xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn với nội dung kiến thức được đề cập đến ở 2 hay nhiều môn học. Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, truy cập diễn đàn trực tuyến “Trường học kết nối” để tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường…
4. Mô hình trường học mới
Năm học này, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai mô hình trường học mới tại nhiều trường THCS, nhằm hướng học sinh phát triển toàn diện, tự rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
Đến nay, cả nước có hơn 1.600 trường THCS triển khai mô hình này. Tuy nhiên, để mô hình này triển khai ở cấp THCS thực sự hiệu quả, đòi hỏi Bộ GDĐT phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện điều lệ, mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy – học…
5. Thu phí đầu năm
Khoản thu đầu năm học luôn là mối quan tâm của mọi gia đình sau ngày khai giảng. Để tránh lạm thu, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GDĐT hướng dẫn và giám sát cơ sở GDĐT trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học đảm bảo đúng quy định hiện hành. Bộ GDĐT đề nghị các tỉnh cần xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng cơ sở để xảy ra việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu hoặc ép học sinh phải đóng những khoản không bắt buộc. Một số nội dung thu có quy định mức trần như: Chăm sóc bán trú, trang thiết bị bán trú, học 2 buổi/ngày, học thêm trong nhà trường, cần phải được thỏa thuận bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh.
6. Tự chủ đại học được tăng cường
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Bộ GDĐT công nhận quyền tự chủ trong việc xác định các tiêu chí tuyển sinh của các trường đại học (ĐH), dù phương án tuyển sinh của trường vẫn phải được bộ chấp thuận và phê duyệt trên cơ sở các chuẩn tối thiểu. Thực ra, có tới 2 tấm rào chắn: Kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh và phương án xét tuyển được bộ cho phép. Cũng lần đầu tiên, vấn đề tự chủ ĐH được đặt ra một cách nghiêm túc bằng NĐ 77/NĐ-CP và QĐ 70/QĐ-TTg (ban hành Điều lệ trường ĐH), thể hiện sự thận trọng với nhu cầu cải cách quản trị ĐH và chú trọng đến tự chủ về tài chính, thay vì phải nhấn mạnh nhiều hơn đến tự chủ về nhân sự và hoạt động học thuật.
7. Tái mở ngành y – dược gây nhiều tranh cãi
Sau gần 1 năm tạm dừng việc mở ngành đào tạo y – dược trình độ ĐH, quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành này làm dấy lên mối lo chất lượng của nghề đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Ngoài các trường có tiếng tăm thì một số trường mới bắt đầu đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH gần đây đã mang lại nỗi lo cho những người tâm huyết với ngành y. Nỗi lo này xuất phát từ khả năng đào tạo, cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, đội ngũ giảng viên, chất lượng, chương trình giảng dạy, đặc biệt là việc tuyển đầu vào chỉ với 15, 20 điểm, sẽ không thể nào đào tạo được những điều dưỡng viên, dược sĩ lành nghề và đáp ứng được nhu cầu công việc.
8. “Khai tử” môn lịch sử
Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GDĐT dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là “Công dân với Tổ quốc”. Những tranh luận quanh vấn đề này rất “ nóng” trong nhiều cuộc hội thảo sau đó. Các chuyên gia và giáo viên tâm huyết với môn lịch sử đã cho rằng, Bộ GDĐT đã đánh giá không đúng vai trò và vị trí của môn lịch sử trong các môn học phổ thông. Việc tích hợp kiến thức 3 môn học nói trên sẽ không khả thi trong cả việc dạy học lẫn viết SGK.
9. Xếp hạng, phân tầng đại học
Để sắp xếp lại mạng lưới gần 450 trường ĐH, cao đẳng trên cả nước, Chính phủ đã yêu cầu các trường phải được phân tầng và xếp hạng kể từ ngày 25.10. Thực tế, các trường vẫn thi nhau thành lập mới, nâng cấp, mở thêm ngành. Chỉ trong năm 2015, đã có 177 trường đăng ký mở 447 ngành đào tạo.
Hiện, việc “phân tầng” các trường ĐH, CĐ chủ yếu được mặc định dựa trên điểm trúng tuyển của các trường. Tuy nhiên, do thiếu những căn cứ khách quan, thí sinh vẫn chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm nhận để lựa chọn trường nên đã gây mất cân đối nguồn nhân lực; chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu sử dụng…
10. Dự thảo điều lệ trường học
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của Thông tư 30 về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học và mô hình trường học mới. Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo được công bố đã xuất hiện nhiều ý kiến đóng góp trái chiều. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo này là đã đưa ra một số nội dung mới như quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh. Nhận xét về những điểm mới của dự thảo điều lệ trường tiểu học, đặc biệt là chức danh được nhiều người đồng tình, bởi điều này sẽ tăng quyền cho học sinh, tạo không khí dân chủ trong lớp học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện cho rằng cách gọi “chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh” khá lạ lẫm và phức tạp. Việc dùng những từ này có thể tạo cho học sinh tâm lý tranh chức, tranh quyền ngay từ nhỏ, khiến cho trẻ em phải làm quen với bộ máy “cồng kềnh” ngay từ nhỏ là phức tạp và không cần thiết.
Theo LĐTĐ