Giáo dục Malaysia dưới tác động của Covid-19
Học sinh, giáo viên Malaysia phải đối mặt với những khó khăn liên tiếp khi dạy và học trực tuyến nhưng Chính phủ Malaysia đã có những giải pháp khắc phục cho năm học 2021.
Phụ huynh Malaysia hướng dẫn con học trực tuyến tại nhà.
Thử thách khi dạy và học trực tuyến
Theo dõi bài giảng qua thiết bị công nghệ đòi hỏi học sinh phải có tính kỷ luật, tập trung. Ban đầu, Chiam Kai Li, 17 tuổi, cảm thấy thoải mái khi học trực tuyến vì có thêm thời gian để tự ôn luyện. Nhưng quá trình học online kéo dài khiến nữ sinh thấy nhàm chán, làm việc riêng.
Do Covid-19, kỳ thi lấy Chứng chỉ THPT Malaysia (STPM) đã bị hoãn sang tháng 2, tháng 3 năm nay. Điều này khiến nhiều học sinh cuối cấp lo lắng về kế hoạch học đại học. Hệ thống giáo dục đại học Malaysia cho phép học sinh mới tốt nghiệp trung học đăng ký bằng kết quả thi Chứng chỉ giáo dục Malaysia (SPM).
Sau đó, học sinh sẽ học dự bị đại học, cao đẳng và thi STPM vào tháng 1 để đăng ký vào các trường đại học. Nhưng hiện tại, kết quả của SPM và STPM sẽ công bố vào cuối năm 2020, điều này đồng nghĩa học sinh bị lỡ sáu tháng học đại học.
Đối với giáo viên, giảng dạy trực tuyến đặt ra những thách thức hoàn toàn mới, đặc biệt khi trường học phải đóng cửa chóng vánh vì Covid-19. L, giáo viên giấu tên, sống tại Malacca, nhận xét học trực tuyến không ảnh hưởng nhiều đến học sinh khá giỏi nhưng lo lắng cho học sinh yếu hơn.
Giáo viên này cho biết: “Không gì có thể thay thế lớp học truyền thống vì giáo viên có thể nắm bắt tâm lý học sinh thông qua ngôn ngữ cơ thể, ở lại sau giờ học để giải đáp câu hỏi của học sinh hoặc dạy thêm. Khi học online, tôi không biết học sinh có thực sự hiểu kiến thức hay không. Tôi phải gọi ngẫu nhiên để kiểm tra sự chú ý của học sinh và giao nhiều bài tập”.
L lưu ý dạy trực tuyến nên ưu tiên các môn Toán học, Khoa học, giảm thời lượng các môn ngôn ngữ, Lịch sử. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong năm học 2020 vừa qua.
“Mặc dù, việc dạy và học trực tuyến mở ra những cánh cửa mới nhưng tôi đã quen làm việc trực tiếp với học sinh. Một số học sinh gửi email, nhắn tin riêng cho tôi để hỏi bài nhưng số khác thì không. Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là liệu học sinh có đang học hiệu quả hay không”, giáo viên này cho biết.
Thiếu thiết bị kỹ thuật số
Trong thời gian đóng cửa, điểm quan trọng là trang bị công cụ học trực tuyến cho học sinh. Các gia đình có mức thu nhập khá, trung bình có thể mua máy tính xách tay, gói data Internet để con học tại nhà nhưng nhiều người khác không may mắn như vậy. Ngoài ra, kết nối Internet cũng là vấn đề lớn đối với người dân nông thôn vì địa lý, chi phí xây dựng băng thông.
Vào tháng 7, Radzi Md Jidin, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia cho biết, 36,9% học sinh không có thiết bị học online, 5,8% có máy tính bảng trong khi 46,5% sử dụng điện thoại thông minh.
Kế hoạch năm 2021
Trả lời phỏng vấn của CNA, Bộ Giáo dục Malaysia cho biết nhận thức những hạn chế của học trực tuyến và thách thức của những gia đình khó khăn. Bộ đang tìm các biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề như xây dựng chương trình Cerdik liên kết với các tổ chức kinh doanh. Dự án nhằm cung cấp cho 150.000 học sinh các thiết bị, kết nối Internet để học online vào đầu năm 2021.
Rút kinh nghiệm từ năm 2020, Bộ Giáo dục Malaysia cho biết đã lên kế hoạch cho chương trình học chuyển tiếp, chương trình giảng dạy thích ứng trong năm học 2021. Chương trình chuyển tiếp đồng nghĩa khi trường học tái mở cửa, họ sẽ tiếp nhận và chuẩn bị cho học sinh lớp Một phải nghỉ học kéo dài ở trường mầm non. Chương trình giúp các em thích ứng về mặt tinh thần, thể chất và xã hội trong môi trường học tập mới và chuẩn bị các kỹ năng đọc viết, làm toán cơ bản.
“Học sinh các cấp còn lại sẽ học tập dựa trên chương trình giảng dạy thích ứng gồm chương trình chưa được dạy trong năm 2020, chương trình học của năm 2021″, Bộ cho biết.
Ngày 2/1, Bộ Giáo dục Malaysia thông báo năm học 2021 sẽ bắt đầu từ ngày 20/1 như dự kiến trước đó. Tuy nhiên, số ca nhiễm nCoV gia tăng khiến nhiều phụ huynh lo ngại nếu các trường học tái mở cửa.
Hew, phụ huynh sống tại Sarawak cho biết: “Tôi cảm thấy lo lắng cho học sinh nhỏ tuổi, không chỉ riêng con tôi. Tuy nhiên, điều cần quan tâm hiện nay là các trường sẽ tổ chức lớp học như thế nào nếu mọi học sinh đều tập trung cùng lúc”.
Người Indonesia phẫn nộ vì video YouTube xúc phạm quốc ca
Người Indonesia phẫn nộ về một video trên YouTube, được cho là do người dùng Malaysia đăng tải, có nội dung xúc phạm quốc ca nước này.
Làn sóng giận dữ bùng lên khi video có tựa đề "Indonesia Raya Instrumental (Nhại Lời)" lan truyền trên mạng vào cuối tuần qua.
Từ hai tuần trước, video được tài khoản có tên "MY Asean" đăng tải trên Youtube. Tài khoản này sử dụng hình ảnh cờ Malaysia làm ảnh đại diện.
Trong video, lời bài quốc ca của Indonesia bị sửa đổi, chẳng hạn như từ "Indonesia quê hương tôi" thành "Indonesia nỗi bất hạnh của tôi". Một câu khác trong bài cũng bị sửa đổi để có nội dung nói xấu và xúc phạm Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Trong video, chim Garuda - quốc huy của Indonesia, vốn là con chim ưng Java - cũng bị sửa đổi thành một con gà, theo South China Morning Post.
Video xúc phạm quốc ca Indonesia xuất hiện trên Youtube và gây ra làn sóng phẫn nộ. Ảnh: Chụp màn hình.
Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Đại sứ quán nước này tại Kuala Lumpur đã báo cáo vụ việc cho cảnh sát Malaysia.
"Theo yêu cầu của Indonesia, chính phủ Malaysia đã thực hiện các biện pháp, bao gồm cả việc (yêu cầu YouTube) gỡ video xuống", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Malaysia Teuku Faizasyah nói với tờ This Week in Asia.
Yoshi Iskandar, Tham tán Thông tin và Văn hóa Xã hội tại Đại sứ quán Indonesia ở Kuala Lumpur, cho biết các nhà chức trách Malaysia vẫn đang điều tra vụ việc.
"Chúng tôi kêu gọi người Indonesia tự kiềm chế và tôn trọng quá trình điều tra đang diễn ra theo luật hiện hành", Tham tán Yoshi nói.
Hôm 27/12, Đại sứ quán Malaysia tại Jakarta cam kết sẽ "xử lý nghiêm khắc" nếu video đúng là do một công dân Malaysia đăng tải.
"Chính phủ Malaysia cực lực lên án bất kỳ hành động khiêu khích tiêu cực nào nhằm ảnh hưởng đến quan hệ song phương thân thiết giữa Malaysia và Indonesia", Đại sứ quán Malaysia tại Jakarta tuyên bố.
Video gốc trên YouTube có hơn 44.000 lượt xem nhưng hiện đã bị gỡ. Tài khoản đăng tải video này cũng bị xóa.
Cây thông Noel được trang trí bằng khẩu trang và nước sát khuẩn
Một nhà thờ tại Indonesia đã trang trí cây thông Noel bằng khẩu trang và chai nước sát khuẩn như một cách để tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch Covid-19.
Con trai cựu quan chức đón 10.000 khách dự đám cưới kiểu 'lái xe tạt qua' Hôm 20/12, khoảng 10.000 người đã tham dự một đám cưới ở Putrajaya, Malaysia mà không cần bước ra khỏi xe ô tô, đảm bảo tuân thủ các quy tắc phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Khách mời lái xe qua chỗ tiếp đón để chào gia đình chú rể rồi đi thẳng. Ảnh: Bernama Hãng thông tấn Bernama đưa...