Giáo dục không thể lệch pha với thế giới
Các chuyên gia nhận định chương trình giáo dục phổ thông mới phải chung dòng chảy của thế giới, tính đến việc chuyển giao tri thức không phân biệt quốc gia
Singapore, Israel, Phần Lan là những quốc gia có nền giáo dục hiện đại bậc nhất thế giới. Những cường quốc giáo dục đó đã thực hiện đường lối giáo dục như thế nào, liệu rằng sự thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới của Việt Nam có đang đi đúng hướng?
Hai nền giáo dục tương đồng
Đánh giá chương trình GDPT mới của nền giáo dục Việt Nam so với Singapore, bà Phạm Hải Yến – người có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Bộ Giáo dục Singapore – cho rằng giá trị trọng tâm của nền giáo dục hai nước hiện nay là tương đồng khi lấy giá trị con người làm trọng tâm. Chương trình GDPT mới của Việt Nam cũng hướng đến nền giáo dục nhân văn, từ nhân văn mới đến phát triển bền vững và phồn vinh, điều mà Singapore đã hướng đến nhiều năm trước.
Theo bà Yến, nền giáo dục hai nước đều hướng đến năng lực con người khi đào tạo những kiến thức về bản thân, hiểu về xã hội, giúp đưa ra những quyết định đúng đắn; chú trọng học những kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo đổi mới, nhận thức chuyển hóa toàn cầu và làm việc với những nền giáo dục đa văn hóa, khả năng giao tiếp, kỹ năng tổng hợp sử dụng thông tin… Những yếu tố đó sẽ giúp người học tự tin, biết định hướng việc học tập của mình, đóng góp năng lực cho xã hội.
Toán dạy trong trường học cũng cần giải quyết được các vấn đề thực tiễn Ảnh: TẤN THẠNH
Tại Singapore, mỗi trường đào tạo theo cách khác nhau, ở đó công nhận sự đa dạng về trí thông minh của mỗi học sinh. Các em có khả năng khác nhau thì các trường có chương trình khác nhau để đào tạo cho phù hợp. Chính phủ Singapore đưa ra chính sách, còn mỗi trường có thêm 2 chương trình học là học ứng dụng và học suốt đời. Trường sẽ có quyền tự chủ để chọn những chủ đề mà mình có thế mạnh hoặc những chủ đề mà hội đồng, ban quản lý, giáo viên của trường tin tưởng các kỹ năng này rất cần thiết cho học sinh thì sẽ tự lên kế hoạch, tự thiết kế chương trình để thực hiện.
Tại thời điểm năm 2015 đến 2017, khi mà những chính sách này triển khai, đa số trường chọn đưa STEM (thuật ngữ chỉ các ngành học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vào chương trình học ứng dụng, tư duy thiết kế, phát triển năng lực lãnh đạo… Mỗi trường được chọn theo bản sắc của trường mình.
“Chương trình GDPT mới của Việt Nam là phù hợp, tiến bộ vì đưa định hướng nghề nghiệp vào chương trình THCS và THPT. Vì nếu học sinh chọn ngành mà không hiểu về nghề thì sẽ dễ bỏ học, chán học. Đây là một bước tiến rất phù hợp với xu hướng của thế giới. Singapore cũng đang thực hiện việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp II” – bà Phạm Hải Yến chia sẻ.
Ngoài ra, bà Yến cũng nhận định Việt Nam đang có những bước tiến rất đáng khích lệ. Tư duy rất tích cực và phù hợp nhưng để đạt những khát vọng đó, cả Việt Nam và Singapore đều có những vấn đề phải giải quyết triệt để như: hệ thống đánh giá giáo viên, học sinh, nạn thành tích. Ở Singapore, theo thống kê, mỗi năm phụ huynh phải chi 3 tỉ SGD cho con đi học thêm để có thành tích cao, thậm chí những bé mới 18 tháng tuổi đã đi học thêm, đó là thực tại khá tương đồng giữa hai nước.
Chấm dứt dạy thiếu thực tế
Video đang HOT
Israel cũng gặp khó khăn khi thiếu giáo viên có khả năng về STEM, những sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp đa số chọn vào các tập đoàn lương cao. Đồng thời, tại đất nước này, việc đào tạo liền mạch còn khó khăn hơn rất nhiều khi tất cả học sinh tốt nghiệp THPT phải đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc: nam 3 năm, nữ 2 năm. Nhiều khó khăn nhưng đây luôn là nước dẫn đầu về nghiên cứu đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật.
Ông Nguyễn Việt Trung – chuyên gia phát triển chương trình STEM, không gian sáng chế theo mô hình giáo dục Israel – cho biết đất nước này luôn có những chính sách bảo đảm việc phát triển STEM trong nguồn lao động, xuyên suốt từ phổ thông, quân đội, trường ĐH cho tới việc nghiên cứu. STEM sẽ được chia ở các mức độ khác nhau, không tập trung vào môn học mà vào giải quyết vấn đề. Trong quá trình giải quyết vấn đề sẽ tích hợp những kiến thức cần thiết. Ví dụ, một học sinh đưa ra phương pháp để giải quyết vấn đề thiếu nước, em sẽ nghiên cứu những hoạt động tốn nhiều nước nhất của con người, sau đó đưa ra mô hình tương tự như đèn giao thông, ước lượng 20 lít là tối ưu với một lần tắm, đèn xanh người dùng sẽ được tắm, đèn đỏ báo hiệu lượng nước được sử dụng trong việc tắm đã hết, như vậy đã tiết kiệm được một lượng nước đáng kể.
Ở Israel chia dạy toán ra thành 4 mức độ, đánh giá học sinh cũng thông qua 4 mức độ đó. Những kiến thức về khái niệm sẽ chiếm 10% số câu hỏi; những kiến thức liên quan đến phương pháp giải, giải quyết vấn đề chiếm 30%; liên kết những vấn đề khác để đưa ra kết quả sẽ chiếm 60% tổng số câu hỏi. Phương pháp này hướng đến năng lực giải quyết vấn đề thay vì đưa ra một đáp án cụ thể.
Theo ông Trung, ở Việt Nam có một tình trạng là chương trình học rất nặng, tích phân, đạo hàm hay đặt vấn đề còn nhiều, chưa áp dụng được thực tế. Nếu giảm tải thì phải đánh giá chương trình giảm tải đó có tốt hay không, phù hợp hay không.
Thiếu nghiên cứu vì bận chạy “sô”
Các chuyên gia cho rằng ở Phần Lan, giáo dục được miễn phí, chất lượng giáo dục đồng đều, khả năng tự nghiên cứu và cải thiện chuyên môn của giáo viên cực kỳ tốt, đó cũng là thời gian chính thức được tính trong lương.
“Ở Việt Nam, giờ giáo viên nghiên cứu, tái tạo sức sáng tạo không được tính như lương, dẫn đến trường hợp chạy “sô” dạy học, không còn sức lực để sáng tạo, nghiên cứu” – ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc khu vực Công ty Tư vấn Công nghệ và Vận hành giáo dục hàng đầu Oksidia đến từ Phần Lan, nhận định.
NGUYỄN THUẬN
Theo nld.com.vn
Thầy Mạnh "đại ca" bật mí về dạy học phân hóa
Từng được học sinh gọi biệt danh "Đại ca", thầy Phạm Thế Mạnh - giáo viên dạy giỏi của Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), "bật mí" về phương pháp dạy học phân hóa.
Thầy Phạm Thế Mạnh trong một giờ lên lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những việc đã làm
Theo thầy Mạnh, đây là giải pháp mà thầy hướng đến trong những tình huống một lớp có nhiều đối tượng học sinh khác nhau: Có em rất giỏi nhưng cũng có em rất yếu và sợ Toán. Mục đích của thầy là để không học sinh nào cảm thấy bị "bỏ rơi" trong lớp học.
Để làm được điều đó, thầy Mạnh "bật mí" những công việc mà thầy đã làm: Thứ nhất là biên soạn, chuẩn bị bộ tài liệu tự học với nội dung ở nhiều cấp độ từ dễ đến khó.
Thứ hai, với những học sinh yếu, chỉ đặt ra yêu cầu ở mức độ vừa phải với khả năng của học sinh đó. Với những học sinh học tốt, yêu cầu học sinh hoàn thành các mức độ cơ bản, sau đó, chủ động dành thời gian để tiếp cận các yêu cầu ở mức độ khó hơn.
Thứ ba, phân chia thời gian trong giờ học dành cho từng đối tượng một cách hợp lý. Đặc biệt, sẵn sàng dành thời gian ngoài giờ để hỗ trợ, phụ đạo thêm cho những học sinh có lực học chưa tốt.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc ra các đề kiểm tra môn Toán và các hình thức đánh giá năng lực môn Toán, thầy Mạnh trao đổi: Kiểm tra đánh giá trong môn Toán cần thay đổi theo hướng tăng cường đánh giá quá trình, kết hợp với đánh giá tổng kết một cách phù hợp.
Không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra viết 15 phút hay 45 phút, giáo viên có thể đánh giá kết quả của học sinh thông qua việc thực hiện chuyên đề, dự án, hoặc đánh giá quá trình tương tác của học sinh trong các giờ làm việc, thảo luận nhóm... khuyến khích tự đánh giá và đánh giá chéo của học sinh.
Nhưng quan trọng nhất việc đánh giá cần phải thực sự công bằng, minh bạch, nhấn mạnh vào sự hợp tác, chú trọng vào quá trình tạo ra sản phẩm, chú ý đến ý tưởng sáng tạo, đến các chi tiết của sản phẩm để nhận xét và mang tính chất khuyến khích động viên học sinh.
Thầy Mạnh cho biết, các năng lực mà thầy tập trung xây dựng cho học sinh là: Năng lực tư duy, lập luận Toán học; Năng lực mô hình hóa Toán học; Năng lực giải quyết vấn đề Toán học; Năng lực giao tiếp Toán học; Năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện Toán học
"Đối với cá nhân tôi, mục tiêu cuối cùng của quá trình dạy Toán ở THPT là giúp cho học sinh khi gặp một vấn đề nào đó có thể biết cách tư duy, mô hình hóa thành một vấn đề Toán học, sử dụng các công cụ và phương tiện Toán học để giải quyết vấn đề Toán học, từ đó đi đến cách giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhất" - thầy Mạnh chia sẻ.
Không được phép có tâm lý tiêu cực với môn học
Thầy Mạnh được học sinh gọi bằng biệt danh "đại ca". Ảnh: Vietnamnet.vn
Đặt vấn đề, học sinh cần đạt điểm cao trong các kỳ thi để làm gì? Thầy Mạnh cho rằng, trước hết là để khẳng định bản thân, để gia đình hài lòng, để đỗ vào trường đại học mình mong muốn, để tìm được những cơ hội tốt cho tương lai của mình...
"Trong thực tế, việc học để đạt kết quả cao trong các kỳ thi không phải là điều xấu và một trong những mục tiêu của giáo dục chẳng phải là giúp học sinh có được kết quả tốt hay sao? Tuy nhiên theo tôi, đó không phải là mục tiêu duy nhất. Nếu như học sinh vừa có kết quả thi tốt, vừa có khả năng vận dụng được những kiến thức đã học để giải quyết được những vấn đề mình gặp phải thì đó mới thực sự là mục tiêu hoàn hảo nhất của giáo dục" - thầy Mạnh thẳng thắn nói.
Thầy Mạnh cố gắng hướng học sinh đến việc phải thực sự hài lòng với kết quả mình đạt được. Không cần phải đạt điểm cao bằng mọi cách, nhưng không được phép có tâm lý tiêu cực với môn học. Sức và khả năng của mình đến đâu, mình thể hiện đến đó, quan trọng nhất là bản thân mình phải thực sự nghiêm túc và cố gắng trong quá trình học.
Theo thầy Mạnh, để có thể tự tin hơn khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới sắp tới, việc đầu tiên là cần đọc và tìm hiểu kỹ Chương trình.
Tiếp đến là tham gia nghiêm túc các buổi tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tổ chức. Tích cực tham gia đặt câu hỏi hoặc đóng góp ý kiến cho ban biên soạn chương trình.
Đồng thời luôn lắng nghe, học tập kinh nghiệm từ những chuyên gia giáo dục và đồng nghiệp, mạnh dạn áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, những ứng dụng của công nghệ trong dạy học để có thêm nhiều kinh nghiệm đứng lớp. Bất kỳ một điều gì mới cũng là thách thức nhưng đem lại rất nhiều cơ hội tốt để phát triển tay nghề.
Song điều quan trọng là yêu nghề với cả trái tim nhiệt thành nhất, không so đo tính toán thiệt hơn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
"Toán học là môn khoa học cơ bản. Có rất nhiều nội dung không chỉ áp dụng trong bộ môn Toán mà còn được vận dụng để xây dựng các kiến thức trong các môn khoa học khác như: Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Kinh tế học, kiến trúc... thậm chí cả những môn thuộc về xã hội như Địa lý...
Nhưng đôi khi, nó không hiện hữu một cách cụ thể, mà nằm ẩn sâu bên dưới nhiều tầng kiến thức khác, khiến cho những người không có sự tìm hiểu sâu sẽ cho rằng không có sự tham gia của Toán học trong giải quyết vấn đề.
Nói như thế để thấy rằng, Toán học có mặt ở mọi lúc, mọi nơi quanh ta, nó hòa trộn một cách khéo léo và tài tình cùng các môn khoa học khác để tạo nên những phát kiến vĩ đại hoặc góp phần giải quyết rất nhiều các vấn đề phức tạp trong cuộc sống"
Thầy Phạm Thế Mạnh
Minh Phong (ghi)
Theo giaoducthoidai
Giáo dục trong một thế giới đầy biến động Trong một buổi trò chuyện với một thầy giáo già, ông đã hỏi tôi một câu 'Thế hệ 5X, 6X sống dài trong cách nghĩ 'white' là trắng 'black' là đen. Tư duy phản biện và sáng tạo là cặp năng lực cần đạt của mọi công dân tương lai. Học sinh hiện nay đã bắt đầu hình thành tư duy phản biện...