Giáo dục học sinh vượt lên chính mình
Để động viên học sinh duy nhất không đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thầy Lê Thành Tuyên – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã viết một bức thư gửi nữ sinh này.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên khen thưởng giáo viên, học sinh. Ảnh: NTCC
Bức thư không quá dài nhưng đủ đầy tình cảm, bài học vượt qua chính mình của người thầy dành cho học trò của mình.
Giúp học sinh hiểu giá trị bản thân
Thầy Tuyên chia sẻ: Ở kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Tuyên Quang, nhà trường có 8 học sinh tham gia, trong đó có 7 em đoạt giải, chỉ có em Lê Vân Anh – học sinh lớp 9 thi môn Văn – không đoạt giải. Đây là lý do để thầy Tuyên viết thư động viên học trò của mình. Trong thư thầy viết: “Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả. Vân Anh à, đón nhận thành công thì dễ, dũng cảm vượt qua được những thất bại mới thực sự là thành công em ạ, đó mới là điều thầy cô và người mẹ yêu quý của em mong muốn em có được”.
Lời nhắn nhủ của thầy không chỉ có ý nghĩa với Vân Anh, mà còn với nhiều em học sinh khác. “Giáo dục học sinh vươn lên, vượt qua khó khăn, áp lực là việc làm thường xuyên của nhà trường. Chúng tôi đã thành lập tổ tư vấn cho học sinh nội trú, nhằm giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc của học trò. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng tổ chức giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh” – thầy Tuyên chia sẻ, đồng thời cho biết: Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống là môn học tự chọn của nhà trường và có tính điểm trong chương trình học chính khóa. Môn học này giúp học sinh hiểu giá trị đích thực của bản thân, cuộc sống; từ đó biết cách vượt qua khó khăn, áp lực hằng ngày.
Chia sẻ về cách đánh giá, nhận xét học sinh, thầy Tuyên trao đổi: Từ hiệu trưởng đến giáo viên đã thay đổi nhận tư duy, nhận thức. Nhà trường chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, không nặng về điểm số, thành tích học tập; đồng thời quan tâm đến kết quả giáo dục của học trò để động viên các em tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.
Thầy Tuyên viện dẫn: 3 năm nay, nhà trường duy trì hình thức vinh danh học sinh bằng cách in ảnh pano khổ lớn rồi treo trong trường. Theo đó, cuối năm trường tổ chức lấy ý kiến học sinh để lựa chọn 3 – 4 bạn tiêu biểu để làm poster. Không nhất thiết phải học giỏi mới được vinh danh, những em tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của nhà trường, có việc làm tốt đều có cơ hội được chụp để in ảnh khổ lớn treo trong trường.
Video đang HOT
“Ngoài ra, nhà trường cũng đổi mới hình thức khen thưởng. Trong buổi tổng kết năm học, giáo viên ngồi họp toàn trường, bình chọn 1 – 3 học sinh có tiến bộ vượt bậc trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và học tập để đề xuất khen thưởng. Chẳng hạn: Có em năm học trước học kém, phải thi lại nhưng năm học này trở thành học sinh tiên tiến. Những em đó rất xứng để được khen thưởng. Trong buổi tổng kết năm học, nhà trường mời cả phụ huynh đó lên để tặng hoa chúc mừng” – thầy Tuyên cho hay.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên được giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống thông qua hoạt động hằng ngày. Ảnh: NTCC
Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Trách nhiệm và tâm người thầy
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng: Thầy Tuyên viết thư động viên học sinh kịp thời. Cách làm của thầy rất hay và khéo. Qua đó, giúp học sinh có nhận thức về việc học tập của mình, bởi điểm số không nói lên tất cả. Bức thư của thầy cũng là cách để giáo dục học sinh có ý thức vươn lên, dám đối diện với khó khăn và biết biến khó khăn trở thành động lực cho mình.
“Tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Vì thế, việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá là cần thiết. Qua đó, khích lệ học sinh vươn lên trong học tập và rèn luyện. Muốn vậy, cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần thay đổi từ nhận thức cho đến hành động” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), câu chuyện của Lê Vân Anh – học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên không phải là cá biệt. Thầy hiệu trưởng sống có lòng trắc ẩn, xử lý nhân văn, tất cả vì học trò của mình.
Ông Đặng Tự Ân trao đổi: Thời gian học tập ở trường phổ thông là quá trình đang hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Đời còn dài, mỗi em phải biết tự rèn luyện bản thân, trau dồi tri thức mới trưởng thành, đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và đất nước. Vì thế, cách đánh giá quá trình học tập của học sinh thông qua nhận xét, giúp các em rèn luyện phương pháp học tập theo tư duy khoa học để giải quyết một vấn đề, tình huống cụ thể là phù hợp. Từ đó định hướng học sinh phát huy phương pháp học tập độc lập, sáng tạo và có thói quen học tập suốt đời sau này. Đây là phương pháp đánh giá ưu việt mà chúng ta đang coi trọng và tích cực làm. “Đánh giá học sinh, đừng phụ thuộc vào một bài kiểm tra hay điểm số. Hãy nhìn vào quá trình phấn đấu để đánh giá năng lực và phẩm chất toàn diện từng em” – ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh.
“Mỗi tuần, ban giám hiệu dành một buổi nói chuyện với học sinh tại nhà đa năng của trường, qua đó, giải đáp băn khoăn, thắc mắc của học trò. Nhà trường đã và đang vận dụng theo Mô hình trường học mới nên việc kiểm tra, đánh giá học sinh có nhiều cải tiến và hoàn toàn có thể “bắt nhịp” với cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới”. – Thầy Lê Thành Tuyên
Thấy gì từ bức thư thầy hiệu trưởng gửi học sinh không đoạt giải cấp tỉnh?
Bức thư thầy hiệu trưởng gửi cô học trò duy nhất không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đã nhận được sự thấu cảm của chính những người thầy.
Một số đoạn trong bức thư thầy hiệu trưởng gửi học trò
Thầy buồn gấp 10 trò, nhưng không vì thế mà khiến trò thêm mặc cảm
Bức thư của thầy hiệu trưởng Lê Thành Tuyên, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, gửi học sinh L.V.A, lớp 9A khi em này là học sinh duy nhất trong số 8 em không đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, đã khiến nhiều người xúc động. Thông điệp mà thầy Tuyên gửi tới học trò của mình là: "Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả, đón nhận thành công rất dễ, dũng cảm vượt qua những thất bại mới thực sự thành công, đó là điều thầy cô và người mẹ yêu quý của em mong muốn em có được".
Nhà giáo ưu tú - tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, chia sẻ: "Đây là một bức thư rất xúc động. Thầy hiệu trưởng đã làm đúng chức năng của một người thầy. Lời động viên của thầy vô cùng cần thiết và ý nghĩa trong lúc cô học trò đang trong tâm lý chới với, cần có sự bám víu để đứng lên. Vì chắc chắn kết quả đó khiến cô bé cảm thấy xấu hổ, mất tự tin, cô bé cảm thấy mình đang làm ảnh hưởng tới thành tích của trường và phụ sự kỳ vọng của thầy cô. Ở lứa tuổi đó, sẽ thật kinh khủng nếu thầy cô hay cha mẹ buông lời trách móc".
Theo tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng, lâu nay sai lầm của người lớn, trong đó có thầy cô và cha mẹ, là luôn dạy các con phải đạt được thành tích, thành công mà quên đi việc dạy các con phải vượt qua được chính mình, tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. "Một kỳ thi chưa đủ sức đánh giá giá trị của một con người. Thầy cô hãy gieo cho trẻ những ước mơ, chứ đừng gây áp lực về điểm số, thành tích. Điều đó làm hao tổn trí lực của trẻ, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm lý, nhân cách", tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng nhìn nhận.
Đối với thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, một lời động viên của thầy đến học trò trong lúc học trò vừa gặp "thất bại" nếu xuất phát từ cái tâm và sự chia sẻ, sẽ tác động rất lớn tới tâm lý của em. "Ngay từ lúc học sư phạm, chúng tôi đã được dạy về cách ứng xử với học trò trong các tình huống như vậy.
Trong tình huống học trò đi thi không đoạt giải, trò buồn chứ. Nhưng trò buồn một thì thầy buồn gấp 10, vì thầy đã dồn tâm huyết dạy trò để mong muốn trò đạt được một thành tích nào đó sau nhiều ngày cả thầy và trò đều nỗ lực. Đó là một tâm lý hết sức thông thường. Tuy nhiên, ứng xử như thế nào phụ thuộc vào cái tâm và sự bao dung, chia sẻ của người thầy.
Là một người thầy, hãy vượt qua cảm xúc buồn, thất vọng đó để hướng tới điều lớn lao hơn: động viên và dạy học trò vượt qua mặc cảm, vượt qua chính mình vì tương lai còn rộng mở ở phía trước".
Ảnh minh họa
Dạy học trò biết vượt qua thất bại
Thầy Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), kể lại: "Trong trường, các em học sinh của chúng tôi vẫn tham gia các cuộc thi như đá banh, vẽ... Có mấy em nam thi đá banh không đạt giải gì về khóc sướt mướt. Nếu thầy cô mà không kịp thời động viên thì các em sẽ nghĩ đó là một thất bại nặng nề và kinh khủng lắm. Tôi vẫn nói với các em là việc không đạt được thành tích gì cũng là điều bình thường thôi. Cuộc đời này đâu phải chỉ có một cuộc thi đấu duy nhất, vượt qua được chính mình mới là chiến thắng. Thế là các em không cảm thấy buồn nữa, một lúc sau lại cười tươi rói".
Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Lê Minh Công, khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng không chỉ là trẻ con mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình huống sai sót hay thất bại trong cuộc sống. Khi rơi vào thất bại, người trong cuộc sẽ trải qua cảm xúc buồn, tự ti, thất vọng và rất cần lời động viên của những người bên cạnh.
"Đặc biệt là đối với một đứa trẻ, lại càng cần cha mẹ hay thầy cô lắng nghe, động viên, chia sẻ thì con mới nhanh chóng vượt qua được cảm xúc đó, từ từ có suy nghĩ tích cực hơn. Người lớn không nên dùng kỷ luật tiêu cực để ứng xử trước những sai sót hay thất bại của con, sẽ khiến con có cảm giác đó là một thất bại không thể cứu vãn, càng gia tăng cảm xúc lo âu, buồn chán, lòng tự tin và tự trọng mất dần, có thể dẫn đến hành động xã hội chệch chuẩn như nói dối, căng thẳng, trầm uất", tiến sĩ Công lưu ý.
Cũng từ bức thư của thầy hiệu trường, tiến sĩ Công cho rằng quan trọng nhất là thầy cô, cha mẹ cần giúp trẻ nhận ra được bài học sau mỗi thất bại. Vì ở lứa tuổi non nớt của trẻ, việc nhận ra những điều tích cực và bài học giá trị từ thất bại là rất khó nếu không có sự phân tích, động viên từ người lớn.
Tựu trường sát khai giảng, học sinh lớp 1 có bỡ ngỡ khi nhập lớp? Hè năm nay, học sinh được nghỉ ít và trở lại trường sát dịp khai giảng năm học mới. Nhiều phụ huynh lo lắng con vào lớp 1 không đủ thời gian để làm quen, bắt nhịp với việc học. Theo ghi nhận, tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, hè năm nay các trường công lập đều không tổ...