Giáo dục đạo đức, lối sống từ thấu cảm, sẻ chia
Tình trạng bạo lực học đường, đạo đức, lối sống lệch chuẩn của học sinh diễn ra ngày càng nhiều.
Điều đó đòi hỏi biện pháp giáo dục phù hợp.
Thầy cô thấu hiểu và làm bạn để giáo dục học trò hiệu quả.
Tuổi “ coi trời bằng vung”
Tình trạng bạo lực học đường diễn ra không chỉ tăng về số vụ mà còn nguy hại về tính chất. Ở tuổi học trò những nhiều em đã dám đánh vào đầu bạn bằng ghế nhựa, gạch đá. Thậm chí gọi bạn cùng đánh “hội đồng”, đấm đá thẳng vào mặt, đầu, các vị trí nguy hiểm tính mạng. Tình trạng cắt tóc, lột quần áo hạ nhục đối phương chỗ đông người, quay video cảnh đánh đấm làm nhục… đưa lên mạng cũng xảy ra.
Bạo lực ở lứa tuổi học trò không chỉ diễn ra với học sinh nam mà học sinh nữ cùng bùng phát từ những lí do hết sức đơn giản như ghen tuông, nhìn đểu, hoặc chỉ vì thích và tiến lại gần người mình thích, xinh đẹp được nhiều quý mến hơn…
Học trò dính vào bạo lực từ muôn vàn nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất đánh nhau để thể hiện khẳng định vai trò vị trí trong trường, lớp. Cũng có thể tham gia đánh nhau vì bị lôi kéo, hoặc chửi nhau qua nhóm trên mạng cảm thấy bị xúc phạm, tự ái. Nhiều học trò vì cái tôi sẵn sàng “coi trời bằng vung”, vì thế bạo lực học đường diễn ra ngày càng tăng về số lượng và tính chất nguy hiểm.
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) chỉ ra, học sinh lứa tuổi THCS, THPT bắt đầu phát triển và biến đổi trong tính cách, cư xử, nhìn nhận cuộc sống. Chỉ để khẳng định bản thân, thích bùng nổ… thì lý do dù nhỏ cũng có thể dẫn tới cà khịa, bạo lực.
TS Vũ Việt Anh cho rằng, bạo lực học đường và đạo đức của học sinh phổ thông xuống cấp do chịu ảnh hưởng từ 3 tác động: xã hội, gia đình, nhà trường.
Xã hội phát triển, nhiều học sinh nghiện game online tìm cách moi tiền của cha mẹ tiêu xài, trốn học xin “đểu”, cướp giật để có tiền chơi game. Nhiều em bị lôi cuốn vào trang web đen, nội dung đồi trụy.
Về phía gia đình, không ít phụ huynh thiếu sự quan tâm đến việc học tập của con em thường xuyên, thậm chí buông lỏng. Có bố mẹ lại nhiễm tệ nạn xã hội và trở thành tấm gương xấu, ảnh hưởng tới con. Không ít phụ huynh vì thương con không đúng cách, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất nhưng lại không quan tâm, chia sẻ cùng con để phát hiện những lỗi lầm, suy nghĩ lệch chuẩn. Nhiều cha mẹ đặt nhiệm vụ kiếm tiền lên trên trách nhiệm giáo dục con.
Video đang HOT
Trong các nhà trường, dù giáo dục đạo đức đã được quan tâm và đặt lên hàng đầu nhưng không ít cán bộ quản lý chú trọng nhiều hơn đến chuyên môn, không đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống học sinh. Còn những giáo viên làm công tác chủ nhiệm thiếu sâu sát rèn luyện đạo đức tác phong học trò. Chưa chủ động, trong liên kết, phối hợp cùng các lực lượng để giáo dục đạo đức cho học sinh.
Thầy cô là điểm tựa của học trò
Giáo dục từ kỉ luật tích cực
Tìm phương pháp giáo dục đạo đức lối sống phù hợp cho lứa tuổi “nổi loạn” đã và đang là yêu cầu bức thiết. Kỷ luật tích cực là phương pháp giáo dục hiện đại đã và đang được đánh giá cao từ các nhà tâm lý giáo dục, thầy cô giáo trong quá trình thực hành, trải nghiệm sư phạm.
Theo TS Vũ Việt Anh: Học sinh lứa tuổi “teen” luôn cần một số nhu cầu cơ bản để phát triển hoàn thiện nhân cách như: an toàn, yêu thương, tôn trọng, thông cảm, có giá trị… Do đó, cha mẹ và thầy cô cần có thái độ, hành vi phù hợp để đáp ứng các nhu cầu này. Nên thể hiện cho học sinh thấy an toàn qua sự giáo dục khoan dung, phân biệt đúng sai một cách khoa học.
Cần truyền tới các em thông điệp gia đình, nhà trường là điểm tựa. Mỗi cha mẹ, thầy cô cần thấu cảm, thông cảm và chia sẻ trong quá trình giáo dục. Hãy cùng học sinh thảo luận, bàn bạc để có được những quyết định tốt nhất cho chính các em. Song cũng nên kiên định với các chuẩn mực, xử lý một cách công bằng.
Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) khẳng định, để giáo dục đạo đức lối sống học sinh hiệu quả, tích cực đòi hỏi mỗi giáo viên tạo ra môi trường thân thiện, cởi mở cùng những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần, lời nói dịu dàng, thân mật gần gũi và có thể tâm sự chia sẻ.
“Mỗi ngày tới trường, hãy cho các em thấy được thầy cô thấu hiểu, quan tâm, lắng nghe, tạo điều kiện để diễn đạt ý nghĩ, bộc lộ cảm xúc, được thể hiện bản thân… Kỷ luật tích cực luôn là biện pháp hữu hiệu trong quá trình giáo dục toàn diện học trò. Nó cũng góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn cho học sinh…”, cô Thanh bày tỏ quan điểm.
“Giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, giáo dục hiệu quả đạo đức lối sống học sinh cần đi vào gốc rễ vấn đề. Trong đó không thể thiếu sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ngành; nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt quan trọng, mỗi thầy cô giáo cần thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong quá trình giáo dục tại trường lớp với biện pháp kỷ luật tích cực..”, TS Vũ Việt Anh trao đổi.
“Cần giúp học sinh thấy được giá trị bản thân. Khi học sinh mắc lỗi không nên coi đó như nhân cách biến dạng, lối sống đạo đức xuống cấp. Cần coi đó như hành vi thiếu tích cực để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp ở giai đoạn tiếp theo…”, TS Vũ Việt Anh.
Thầy cô là bạn đồng hành tạo hiệu ứng giáo dục tích cực
Trường THPT Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, thầy cô đồng hành trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã tạo những hiệu ứng tích cực.
Ảnh minh họa.
Đẩy mạnh các hoạt động
Thầy giáo Trần Mạnh Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Phả cho biết: Trường có 33 lớp với 1382 học sinh, trong đó có cả học sinh người dân tộc.Thực hiện nhiệm vụ giáo dục được giao, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của cấp học.
Chúng tôi chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức cho các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Trong đó đặc biệt chú trọng lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, để các em tự hào với truyền thống dạy tốt, học tốt của nhà trường và đất mỏ Anh hùng.
Để hiện thực hóa điều đó, chúng tôi yêu cầu giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình GDPT mới. Từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh của nhà trường (Chương trình giáo dục nhà trường) phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng học tập của học sinh.
Nhà trường cũng yêu cầu tổ/nhóm/môn nghiên cứu, tự học nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Từng thầy cô giáo phải tự nhìn nhận đánh giá thế mạnh và định hướng phát triển của cá nhân, gắn với nâng cao chất lượng dạy - học. Yêu cầu đặt ra đối với nhà trường không chỉ là chất lượng dạy - học mà còn là học sinh có đạo đức, lối sống đúng đắn, có lý tưởng và hoài bão vươn lên trong cuộc sống.
Các hoạt động giáo dục được Trường THPT Cẩm Phả tổ chức luôn gắn với giáo dục đạo đức, lối sống.
Thật là vui, khi các tổ/nhóm chuyên môn, các thầy cô giáo đã chủ động nhập cuộc, rà soát, tinh giản nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng và thái độ của chương trình môn học.
Đặc biệt, trong từng giờ lên lớp, các thầy cô đã thiết kế các tiết học thành các bài học theo chủ đề (đơn môn hoặc liên môn), lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, để tổ chức hoạt động dạy học tích cực, tự chiếm lĩnh kiến thức và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật. Các nhóm chuyên môn chủ động xây dựng Chương trình môn học cụ thể làm cơ sở để xây dựng Chương trình giáo dục của nhà trường. - Thầy Thắng chia sẻ.
Thực tế đã lý giải vì sao công tác giáo dục đạo đức, lối sống ở Trường THPT Cẩm Phả đạt được hiệu quả tích cực, được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao. Đó là trường đã tổng hợp và lên kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống lồng ghép với các môn học, kế hoạch các hoạt động giáo dục thành kế hoạch giáo dục nhà trường.
Sau đó ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học và triển khai đến các tổ/nhóm chuyên môn. Đặc biệt là sự nhập cuộc đầy tinh thần, trách nhiệm của các thầy cô giáo, trên cơ sở kế hoạch giáo dục nhà trường các thầy cô đã hiện thực hóa bằng những giờ học sinh động, hấp dẫn, tạo hứng khởi cho học sinh.
Khi thầy cô cùng đồng hành
Bí thư Đoàn trường, cô giáo Vũ Thị Thùy Dung, tâm sự: Chúng tôi luôn xác định đồng hành cùng học sinh trong mọi hoạt động. Thế nên, trước khi bước vào năm học mới, các thầy cô giáo đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.
Mỗi giờ học thực sự hấp dẫn với học sinh, các thầy cô vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học, dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT.
Các đoàn viên, thanh niên Trường THPT Cẩm Phả trong một hội thi của tỉnh đoàn Quảng NInh.
Cô Nguyễn Thị Huyền Trang môn địa lý, chia sẻ thêm: Chúng tôi tạo môi trường văn hóa để đưa học sinh tham gia như tổ chức thao giảng chào mừng 20/11. Đẩy mạnh tổ chức hoạt động sư phạm để nắm bắt các vấn đề nảy sinh trong tâm sinh lý độ tuổi của các em từ đó có sự điều chỉnh khi cần thiết.
Thật vui là lãnh đạo trường đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM, tạo điều kiện tốt nhất cho CLB STEM của giáo viên và học sinh hoạt động. Bên cạnh đó việc xây dựng đội ngũ CBQL và giáo viên cốt cán về công tác STEM, trong năm học đã tổ chức thành công nhiều chương trình khoa học kỹ thuật về STEM qua đó học sinh được học các kỹ năng mềm, việc học của học sinh được tạo thêm nhiều động lực mới mẻ hơn.
Còn với cô giáo Trần Thị Minh Hương dạy môn Ngữ Văn, cho biết: Việc khuyến khích học sinh bên cạnh việc học tập trên lớp, tham gia tích cực vào các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, ATGT cho nụ cười ngày mai, Thiết kế ấn phẩm tuyên truyền ATGT,... để phát huy năng lực, kĩ năng sống, được thử sức với những cuộc thi lớn.
Bên cạnh thi các môn văn hóa, học sinh nhà trường còn không ngừng rèn luyện thể lực tốt: Đức, trí thể, mĩ là những tiêu chuẩn giáo dục học sinh toàn diện. Đặc biệt, sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh, tích cực góp ý cùng thầy cô giáo chủ nhiệm và giáo viên bộ môn là tiếng nói chung giúp hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhà trường thiết thực và hiệu quả cao.
Tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong đó, tập trung giáo dục cho học sinh lý tưởng, bản lĩnh; có ý chí học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp; có kĩ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có đạo đức, ý thức công dân. Xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; thực hiện tốt phương châm "Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực"; "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu" thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên dương, vinh danh các tấm gương nhà giáo, học sinh tiêu biểu trong giảng dạy, học tập và rèn luyện. Nhà trường duy trì hàng tháng việc sơ kết và khen thưởng các tập thể lớp, các cá nhân học sinh có thành tích tốt trong học tập rèn luyện. - Thầy hiệu trưởng Trần Mạnh Thắng.
Phát triển toàn diện nhân cách học sinh qua bài học giáo dục đạo đức Là một phần của văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống góp phần hiện thực hóa 'học để làm người' và được các trường tổ chức đa dạng sáng tạo. Giáo dục đạo đức lối sống là một phần quan trọng trong các nhà trường. Ảnh minh họa. Giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên trẻ Thầy giáo...