Giáo dục 2018 qua góc nhìn của một Nhà giáo
Nhìn lại giáo dục trong năm 2018, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, điều ông trăn trở nhất chính là kỷ luật học đường và trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng sống đối với thế hệ trẻ.
Có thể nói, 2018 là một năm “khủng hoảng” của ngành Giáo dục. Giáo sư có cho là như vậy không?
Tôi không nghĩ đến mức như thế. Chúng ta mắc những sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng đã cố gắng làm rõ và mang lại công bằng cho học sinh. Công luận đánh giá cao việc quyết tâm khắc phục khuyết điểm và có những biện pháp để không lặp lại các sự việc đáng tiếc tương tự.
Chúng ta không thể thờ ơ với tình trạng thiếu đạo đức của một số giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước có khoảng 1,24 triệu giáo viên. Đa số họ vẫn yêu nghề, yêu trẻ, đang ngày đêm lo lắng chuyện “trồng người”.
Đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, không nên vì những khuyết điểm của một số cá nhân mà đánh giá sai cả đội ngũ giáo viên. Bởi thực tế, có rất nhiều thầy cô tuy điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nhưng vẫn bám lớp, bám trường, tất cả vì thế hệ trẻ của nước nhà.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng.
Dường như những câu chuyện buồn trong ngành Giáo dục, đặc biệt là bạo lực học đường liên tiếp diễn ra và vẫn chưa có giải pháp triệt để?
Câu chuyện giáo viên tát học sinh, giáo viên phải quỳ trước phụ huynh, cô giáo bắt học sinh uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng, thầy Hiệu trưởng lạm dụng với chính học sinh trong trường… đều là những chuyện đau lòng đến xót xa. Nhưng ngành Giáo dục đã nghiêm khắc xử lý, công luận mạnh mẽ lên tiếng và hy vọng những chuyện xấu tương tự không thể tái diễn.
Trước thực trạng đó, làm sao để nâng cao vị thế người thầy?
Hiếu học và “tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của dân ta. Khi chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, rõ ràng thầy cô giáo có mức lương thấp hơn nhiều thành phần khác trong xã hội. Điều này dẫn đến những hiện tượng tiêu cực tại một số cơ sở giáo dục như lạm thu, dạy thêm tràn lan…
Những điều không lành mạnh trong giáo dục đã làm hình ảnh người thầy bị tổn thương và rõ ràng cần khắc phục. Để nâng cao vị thế – trước hết người thầy phải là tấm gương trong sáng cho học sinh của mình. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm? Làm sao để giữ chân được những giáo viên giàu tâm huyết? Theo tôi, nâng lương và tạo môi trường xã hội sẽ giúp họ có thể yên tâm, tự hào gắn bó với nghề.
Theo ông, nước ta đã thực sự có triết lý giáo dục chưa và có phù hợp với tình hình hiện tại?
Theo tôi, nước ta luôn có triết lý giáo dục nhưng chưa đúc kết thành văn bản chính thức mà thôi. Để đáp ứng đường lối xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, ngành Giáo dục phải có nhiệm vụ đào tạo ra một thế hệ trẻ phát triển toàn diện: có đạo đức trong sáng, có lòng hiếu thảo. Đặc biệt, họ phải có kiến thức phù hợp với yêu cầu của từng bậc học, có tinh thần tự học, nhất là trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 với rất nhiều phương tiện hỗ trợ việc tự học…
Nói cách khác, họ phải phát triển đồng đều cả bốn mặt: “Đức, Trí, Thể, Mỹ”, phấn đấu để có trình độ toàn diện tương đương với phần lớn học sinh cùng lứa tuổi ở các nước. Các triết lý này cũng không hề mâu thuẫn với các mục tiêu như UNESCO đã đề ra, đó là học để biết, để làm, để tự khẳng định, để tự kiếm sống.
Vậy lúc này, ngành Giáo dục phải thay đổi gì, làm mới mình ra sao và cần có những dự báo gì, thưa GS?
Chuyện thay đổi chương trình và sách giáo khoa cũng đang có những sự chuẩn bị tích cực, theo định hướng chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học.
Các chương trình môn học và hoạt động đều hướng tới việc học sinh thực hành, vận dụng được kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế. Các môn học, hoạt động cũng chú trọng phát triển các kỹ năng, phẩm chất cần thiết để học sinh có nền tảng cơ bản ở giai đoạn từ tiểu học đến THCS và tăng tính định hướng nghề nghiệp, mềm dẻo hơn trong lựa chọn môn học ở bậc THPT. Tất nhiên, còn phải trải qua thử nghiệm chúng ta mới có thể hoàn thiện chương trình này.
Cùng với đó, việc có nhiều bộ sách giáo khoa như chủ trương của Quốc hội cho đến nay vẫn chưa thấy có sự chuẩn bị tốt. Thiết nghĩ, muốn có nhiều bộ sách hay nhiều cuốn sách khác nhau cho từng môn học phải có tính dân chủ, bình đẳng. Có nghĩa là, không có bộ sách nào được bao cấp, tốt hay xấu, phát hành nhiều hay ít, tất cả phải do thị trường quyết định.
Tôi nghĩ, cũng không nên đề ra các tiêu chuẩn cho người viết. Thầy cô nào viết cũng được, chỉ cần không sai với chương trình đã được công bố chính thức, không sai về khoa học và đường lối chính trị của đất nước.
Nhìn lại một năm qua, có vấn đề gì về giáo dục khiến ông trăn trở?
Tôi trăn trở nhất là về kỷ luật học đường và trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng sống đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh việc học, trẻ cần được giao lưu, chia sẻ, biết xây dựng mục tiêu cho đời mình, biết sống thế nào để đạt tới những thành công mà mình mong muốn. Đặc biệt, trẻ cần biết làm sao để có được một cuộc sống hạnh phúc và được mọi người quý trọng, yêu mến. Tôi hy vọng sẽ có nhiều thầy cô giáo, nhiều nhà văn hóa cùng đồng hành trong việc này.
Xin cảm ơn GS!
Những vấn đề giáo dục nổi bật năm 2018
- Bất thường trong điểm thi THPT quốc gia ở một số địa phương
- Nhiều vụ bạo lực thể chất, tinh thần học sinh
- Sách đánh vần lớp 1 gây tranh cãi
- Luật Giáo dục đại học sửa đổi được thông qua
- TP. Hồ Chí Minh giảm học phí Trung học cơ sở từ năm 2019
- Việt Nam giành 38 huy chương Olympic khu vực và quốc tế…
Theo baoquocte
Ninh Bình: Thầy giáo làng say mê "truyền lửa" văn hóa đọc cho học sinh
Mong muốn văn hóa đọc không bị mai một trong thế hệ trẻ, thầy giáo Bùi Văn Đông ở Ninh Bình đã âm thầm gây dựng hàng trăm tủ sách lớp học tại các nhà trường. Ông còn tự bỏ tiền túi mở tủ sách gia đình với hàng nghìn cuốn, phục vụ miễn phí cho học sinh và người dân.
Tủ sách phục vụ miễn phí của gia đình thầy Đông
Âm thầm gây dựng những "tủ sách lớp học"
Thầy giáo Bùi Văn Đông (SN 1962), quê ở làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Trước khi về công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Yên Mô năm 2008, thầy Đông là giáo viên dạy môn Toán, công tác từ năm 1984 và kinh qua nhiều công việc từ giảng dạy đến quản lý tại các trường THCS trên địa bàn.
Ngày nhỏ, cậu học trò Bùi Văn Đông rất thích đọc sách, nhưng vì gia đình không có điều kiện nên phải sang đọc nhờ nhà bác họ. Nhờ việc đọc mà Đông học hỏi và đạt được nhiều giải thưởng. Niềm vui nhất của cậu học trò Đông lúc bấy giờ là cứ mỗi lần đạt giải học sinh giỏi thì lại được tặng một cuốn sách. Từ đó lại càng kích thích và làm Đông ham học, say mê đọc sách hơn.
Thầy Đông cùng tủ sách gia đình phục vụ miễn phí các em học sinh và người dân.
Khi lên học cấp 3, đại học, rồi sau này ra trường làm giáo viên, lúc nào chàng trai trẻ Bùi Văn Đông cũng luôn dành tiền để mua những cuốn sách yêu thích về đọc. Có niềm yêu sách đặc biệt, thầy Đông luôn ấp ủ làm sao để truyền được văn hóa đọc cho những người xung quanh mình, nhất là thế hệ học sinh đang mất dần văn hóa đọc sách bởi các trò chơi trên mạng. Vì thế, cứ mỗi lần có sách hay, thầy lại mang đi tặng.
Thầy Đông luôn ấp ủ sẽ lập ra những tủ sách lớp học và tủ sách gia đình để truyền cảm hứng đọc cho nhiều người. "Cách đây hơn một năm, trong lần đi công tác đến trường THCS xã Yên Đồng, thấy các em học sinh ở đây rất ham đọc sách. Tôi hứa, đầu năm học sẽ tặng sách cho các em. Đúng năm học mới 2018 - 2019, tôi bỏ tiền túi mua hơn 1 triệu đồng tiền sách và mang tặng các em học sinh nhà trường" - thầy Đông nhớ lại.
Từ trường THCS Yên Đồng, thầy Đông cứ âm thầm, lặng lẽ truyền văn hóa đọc đến các thầy cô giáo, rồi các em học sinh toàn huyện. Tủ sách lớp học của thầy Đông nhem nhóm từ trường THCS Yên Đồng bắt đầu được lan rộng ra nhiều trường trên địa bàn. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện, với 3 đợt triển khai, thầy cùng các nhà trường đã thực hiện được 302 "tủ sách lớp học" ở 13 trường THCS, 10 trường Tiểu học và 18 trường Mầm non trên địa bàn. Ngoài ra, thầy còn thực hiện tủ sách nhỏ lẻ ở nhiều trường, tùy theo nhu cầu của các trường khác nhau.
Thầy Đông hướng dẫn các em học sinh chọn sách đọc phù hợp.
Về kinh phí thực hiện "tủ sách lớp học", thầy Đông cho hay, ban đầu việc làm này thầy hoàn toàn chủ động. Sau đó, thầy nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nhà trường, giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh vì mọi người đều hiểu được giá trị to lớn của việc đọc sách. Việc nâng cao văn hóa đọc là cốt lõi của giáo dục, không chỉ nâng cao trí thức mà còn giúp xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển hơn. Vì thế các tủ sách lớp học sau này được thực hiện xã hội hóa, thầy Đông chỉ là người "truyền lửa" và góp phần ít đầu sách cho các tủ sách này.
"Mỗi tủ sách ở các lớp học sẽ có từ 30 đến 40 đầu sách khác nhau. Một tủ sách ít đầu sách nhưng học sinh vẫn được đọc nhiều sách khác nhau do các cuốn sách ở các lớp không giống nhau. Vì thế, theo thời gian, những cuốn sách ở các lớp học lại có sự quay vòng để học sinh không nhàm chán" - thầy Đông tâm sự.
Về cách quản lý sách ở từng lớp, thầy Đông cho hay, mỗi lớp sẽ có một cuốn sổ nhập sách, sổ mượn sách và cuốn ghi cảm nhận về từng cuốn sách sau khi đọc. Những cuốn sổ này do lớp trưởng phụ trách. Để kích thích văn hóa đọc, thầy Đông cùng các nhà trường thường xuyên thực hiện hướng dẫn đọc sách. Tổ chức hoạt động "khuyến đọc" gắn với các cuộc thi như: thi giới thiệu sách, thi viết cảm nhận về sách, diễn tiểu phẩm theo sách...
Học sinh được chọn lựa sách thoải mái tại tủ sách gia đình thầy Đông.
Ngoài ra, thầy Đông cũng luôn phối hợp với các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản nổi tiếng tổ chức các sự kiện tặng sách, giao lưu để hoạt động khuyến đọc được nhân rộng tại các nhà trường có "tủ sách lớp học" như: các sự kiện tặng sách "Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam", "Người mẹ tốt", "Môn Sử không chán như em tưởng"; tổ chức cho những học sinh ham đọc sách trong huyện đi trải nghiệm không gian văn hóa sách ở Hà Nội...
Tủ sách gia đình 2.000 cuốn phục vụ miễn phí
Sau nhiều năm ấp ủ, đúng Ngày sách Việt Nam năm nay (21/4/2018), thầy giáo Bùi Văn Đông chính thức khai trương "Tủ sách gia đình", phục vụ miễn phí cho các em học sinh và người dân địa phương. Hiện nay, tủ sách của gia đình thầy Đông có hơn 2.000 đầu sách với nhiều loại sách khác nhau như: sách học sinh, sách tri thức khoa học giáo dục, sách lịch sử, văn học, tiếng anh, sách cho các bà mẹ và trẻ em... Nhiều nhất là sách học sinh, chiếm 50%.
Thầy Đông chia sẻ, sở dĩ sách học sinh nhiều là vì lượng độc giả đến với tủ sách gia đình đông nhất là các em học sinh ở các cấp học. Sách học sinh có nhiều loại để các em bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng sống, yêu thiên nhiên và khoa học... Đối với sách chuyên các môn học rất ít, vì ở trường các em đã có các loại sách này.
Thầy giáo làng Bùi Văn Đông hướng dẫn các em học sinh đọc sách.
Tủ sách gia đình thầy Đông cũng có đa dạng các loại sách cho bà mẹ, trẻ em, sách tri thức khoa học giáo dục... Những cuốn sách này được thầy gom góp, chắt lọc từ nhiều năm, nhiều nguồn khác nhau. Trước khi được đánh mã số, đưa lên giá sách phục vụ bạn đọc, thầy đều đọc hết từng cuốn và nghiên cứu kỹ xem sách có ý nghĩa hay không rồi mới cho người khác đọc.
Sau nhiều tháng hoạt động, đến nay "tủ sách gia đình" đã có 10.000 lượt mượn sách và có hàng trăm độc giả thường xuyên. Độc giả nhỏ tuổi nhất là các em học sinh mới biết đọc, đến những người phụ nữ, người già cao tuổi... Những tháng hè, thầy Đông mở cửa tủ sách cả ngày để tiếp đón độc giả. Vào năm học, tủ sách chỉ mở cửa ngày vào thứ 7 và chủ nhật. Các em học sinh, người dân khi đến đọc và mượn sách được thầy Đông tận tình hướng dẫn cách chọn sách đọc sao cho phù hợp với lứa tuổi, cách thưởng sách sao cho hiệu quả.
Em Nguyễn Thị Thùy, học sinh lớp 12A, trường THPT Yên Mô A chia sẻ: "Mỗi khi có thời gian em lại đến tủ sách nhà thầy Đông, dù nhà cách xa 4km. Đến đây, em không chỉ được tự do đọc và mượn sách mà còn được thầy hướng dẫn đọc sách đúng cách, đọc cuốn sách có ý nghĩa phù hợp. Từ ngày có tủ sách nhà thầy Đông em ngày càng ham đọc sách và hiểu biết thêm nhiều kiến thức hơn".
Hoạt động được ít tháng nhưng đến nay tủ sách của thầy giáo làng đã có hơn 10.000 lượt mượn sách, hàng trăm độc giả "ruột".
"Tôi có dự định, ít năm nữa khi về hưu sẽ mở rộng tủ sách gia đình lớn hơn để được phục vụ mọi người nhiều hơn. Khi đó, tôi cũng có thời gian để được chia sẻ với các độc giả đến với tủ sách gia đình mình nhiều hơn" - thầy Đông tâm sự.
Thái Bá
Theo Dân trí
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không yêu cầu tỉ lệ học sinh lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, sắp tới Bộ sẽ rà soát toàn bộ hoạt động của giáo viên, cái gì không phù hợp thì cắt giảm, kiên quyết không đưa tỉ lệ học sinh lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên. Trong bối cảnh nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra vừa qua một phần do áp...