Giảm quyền lực của hiệu trưởng
Trong suốt thời gian dài, trường ĐH công lập ở Việt Nam không có hội đồng trường, quyền lực tập trung trong tay hiệu trưởng. Hội đồng trường ĐH thành lập sẽ giám sát các hoạt động của hiệu trưởng
Thí sinh nộp hồ sơ vào một trường ĐH tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Hội đồng trường ĐH được nói đến nhiều năm kể cả ghi vào luật nhưng không thực hiện được chức năng cơ bản của mình là xây dựng chính sách phát triển và giám sát toàn bộ các hoạt động của nhà trường thông qua hiệu trưởng. Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến, trong đó hội đồng trường được nhiều thực quyền.
Hiệu trưởng có nên nằm trong hội đồng trường?
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT, cho biết nội dung của đợt sửa đổi lần này đi sâu vào quản trị ĐH. Trong đó có nội dung hội đồng trường (trong trường công) phải là hội đồng có thực quyền. Để đáp ứng yêu cầu đó, cơ cấu của hội đồng trường với những nội dung mới như tối thiểu 30% là thành phần ngoài trường quan tâm và chi phối, có quyền và lợi ích liên quan đến sự phát triển của trường; trong hội đồng trường còn có các thành viên trong trường là đại diện cấp ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cấp trường, hiệu trưởng, một phó hiệu trưởng, đại diện sinh viên, viên chức, người lao động.
Trước những nội dung mới trong quyền hạn của hội đồng trường, không ít ý kiến băn khoăn về vai trò của hiệu trưởng và sự tham gia của hiệu trưởng trong tổ chức này. Tại hội thảo góp ý sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây tại TP HCM, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng hội đồng trường là thiết chế quyền lực của trường mang tính đối chọi với ban giám hiệu nên hiệu trưởng không nên là thành viên trong hội đồng đó. Bên cạnh đó, sinh viên cũng không nên là thành viên của hội đồng trường, các em có thể qua hội sinh viên trường mà có đóng góp chín chắn hơn, nếu đưa sinh viên vào thì cũng chỉ là hình thức, nên xem lại.
Tương tự như hội đồng trường là HĐQT ở trường tư thục. Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Thiết cho rằng HĐQT là đại diện của những người góp vốn nhưng thành viên của HĐQT lại có những đối tượng không góp vốn, như đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể, thậm chí cả hiệu trưởng. “Tôi không rõ khi biểu quyết thì đối vốn hay đối nhân?” – vị này băn khoăn.
Đồng tình ý kiến này, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Miền Đông cho rằng những thành phần, cá nhân không góp vốn thì không tham gia HĐQT.
Tăng thực quyền của hội đồng trường
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng quyết nghị về cơ cấu tổ chức, danh mục vị trí việc làm, xác định cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp nên để cho vai trò của hiệu trưởng bởi nếu như luật sửa đổi thì vai trò hiệu trưởng không còn.
“Chúng ta muốn tăng vai trò của hội đồng trường nhưng không nên để hội đồng trường là bộ thu nhỏ để quản lý ban giám hiệu quá mức. Cần để hội đồng trường và hiệu trưởng tương đối độc lập” – PGS-TS Trần Diệp Tuấn nói.
Video đang HOT
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng từng thành viên trong hội đồng trường chứ không phải là sự tham gia của hiệu trưởng và một hiệu phó vào hội đồng trường. “Hội đồng trường làm chính sách, chiến lược còn hiệu trưởng là người thực thi. Hai cơ cấu song hành sẽ tốt hơn một hiệu trưởng vừa làm chiến lược vừa thực hiện chiến lược” – ông Tùng nói. Ông cũng đề nghị nên đưa hiệu trưởng lên làm chủ tịch hội đồng trường vì hiệu trưởng hiểu tường tận các vấn đề của trường.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD-ĐT, cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam quá nhiều cơ quan tham gia quản lý nhà nước, phân vai và trách nhiệm không rõ ràng. Vì vậy, hiệu trưởng băn khoăn về vai trò cũng là điều dễ hiểu. Khi tăng quyền hội đồng trường, quyền lực truyền thống của hiệu trưởng sẽ giảm, như các lợi ích về tài chính, chính trị, học thuật, tuyển dụng, mua sắm, xây dựng… và lại phải chịu sự kiểm soát chặt của hội đồng trường trong chi tiêu và giải trình.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết hội đồng trường trong dự thảo này mong muốn phải có thực quyền vì vậy trong nhiệm vụ quyền hạn, hội đồng trường có quyền quyết định về tất cả các vấn đề phát triển của trường, từ định hướng phát triển đến các vấn đề chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, cơ chế thu chi tài chính, quy chế tổ chức hoạt động…, thậm chí định hướng về mua sắm tài sản hằng năm.
Theo NLĐ
Ai sẽ công nhận kết quả bầu hiệu trưởng của Hội đồng trường?
Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.
Ai là người công nhận kết quả Hội đồng trường bầu hiệu trưởng?
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học.
Hội đồng này có nhiệm vụ và quyền hạn: quyết định đường lối phát triển, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; quyết nghị chủ trương thu chi tài chính của nhà trường; được tổ chức bầu hiệu trưởng, hiệu phó và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đột xuất nếu cần thiết...
Hội đồng trường phải có ít nhất 17 người và là số lẻ. Thành viên trong đó ngoài hiệu trưởng, một hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên... phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa/bộ môn, tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường.
Góp ý cho dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, nhiều đại biểu quan tâm đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên của hội đồng trường.
Theo dự thảo, ban soạn thảo xin ý kiến ở khoản 2 mục d Điều 16 với 2 phương án chọn về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường.
Phương án 1 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Phương án 2 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Theo ông Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải nghiêng về phương án 2 bởi theo ông điều này đảm bảo nếu sau này không còn cơ chế bộ chủ quản thì vẫn áp dụng được.
Đồng thời, theo ông Đông, hội đồng trường không nên quy định "cứng nhắc" với các thành viên trong trường là có 1 phó hiệu trưởng.
"Cần xem xét thực tế rằng 1 trường thường có 2 đến 3 phó hiệu trưởng. Mỗi người thường được hiệu trưởng giao phụ trách một số lĩnh vực nhất định.
Trong khi thành viên hội đồng trường cần sâu về từng lĩnh vực để góp ý xây dựng định hướng, chiến lược phát triển.
Nếu giả sử chỉ lấy 1 phó hiệu trưởng thiên về đào tạo thì mảng tài chính hay khoa học công nghệ lại hụt,...", ông Đông phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cũng đồng tình phương án 2 vì cho rằng nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.
"Bởi như trường chúng tôi, nếu chỉ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi thì vai trò của Bộ chủ quản như thế nào? Nếu sau này cơ chế bộ chủ quản xem xét lại thì việc này cũng giúp dễ khắc phục hơn sau này về luật", ông Thi nói.
Qua góp ý này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, "dự thảo đưa ra 1 phó hiệu trưởng nhằm mục đích để bộ máy của hội đồng trường không trùng với bộ máy quản lý hành chính của hiệu trưởng.
Nó là cơ quan quyền lực chứ không phải cơ quan điều hành. Do đó chỉ cần 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng tham gia".
Hội đồng trường không nên can thiệp vào những việc hành chính "hậu cần""
Về vấn đề nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đồng trường, ông Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:
Việc đưa vào dự thảo nhiệm vụ và quyền hạn cho hội đồng trường "quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính; mua sắm tài sản thiết bị hằng năm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển nhà trường" là chưa hợp lý.
"Công việc đó dành cho hội đồng trường tôi nghĩ là không thực sự cần thiết. Theo tôi, chỉ nên dừng ở việc thông qua kế hoạch tài chính hàng năm và báo cáo quyết toán tài chính hằng năm là đủ rồi".
Đồng tình với ông Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội nêu quan điểm:
"Hội đồng trường theo tôi chỉ nên có nhiệm vụ là định hướng và thông qua tất cả những chiến lược phát triển, chủ trương chính, chứ không phải vai trò là can thiệp quá sâu vào những việc hành chính "hậu cần"".
Tuy nhiên, đại diện một số trường đại học cho rằng, không nên để hội đồng trường can thiệp quá sâu vào hành chính, mua sắm vì không đúng vai trò.
Theo Hiệu trưởng Đại học Điện lực Trương Huy Hoàng, nếu để hội đồng trường quyết nghị thu chi tài chính, mua sắm hàng năm thì sẽ phải có một ban bệ để xem xét được những báo cáo đó, như vậy hội đồng trường sẽ "phình" lên rất lớn.
Là một trong số ít đại học đầu tiên của Việt Nam có hội đồng trường từ năm 2007, nhưng Hiệu phó Đại học Hàng hải Việt Nam - Nguyễn Khắc Khiêm cho biết, đến nay vai trò của hội đồng trường vẫn chưa rõ ràng.
Ông Khiêm cho hay: "Khi họp để ra quyết sách cuối cùng thì hiệu trưởng và bí thư Đảng ủy vẫn là người quyết định".
Từ thực tiễn này, ông Khiêm cho rằng, cần tăng thực quyền cho hội đồng trường.
Ngoài ra, ông Khiêm cũng đặt ra băn khoăn rằng, liệu có mâu thuẫn khi Luật giáo dục đại học nêu ra việc hội đồng trường sẽ bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng nhưng hiện nay rất nhiều bộ ngành đã tiến hành thi chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó.
Trước các ý kiến góp ý này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Theo Giaoduc.net
Một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có Luật Nhà giáo?Muốn tự chủ đại học phải tự chủ về khoa học - công nghệGiáo dục đại học...