Giảm môn học bắt buộc, tăng môn học tự chọn
Tại hội thảo quốc tế về Xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông khai mạc tại Hà Nội sáng qua (10.12), đại diện Ban Soạn thảo đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông đã đưa ra những dự kiến chung về chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam sau năm 2015.
Theo đó, cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông dự kiến vẫn giữ 12 năm với 5 năm tiểu học, 4 năm THCS và 3 năm THPT. Độ tuổi bắt đầu đi học vẫn là 6 tuổi và tốt nghiệp THPT là 18 tuổi.
Việc đổi mới cũng chủ trương tích hợp nhuần nhuyễn kết hợp với phân hóa sâu dần để có một chương trình giảm số đầu môn học bắt buộc, tăng các môn học chủ đề tự chọn…
Một chủ trương rất quan trọng khác của ban soạn thảo, đó là thay đổi lớn trong các kỳ thi. Theo đó, tuyển sinh vào THCS và THPT sẽ giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường; thi tốt nghiệp THPT sẽ giao cho các sở GD-ĐT tổ chức dựa trên quy chế thi, phôi bằng và ngân hàng câu hỏi, bài tập do Bộ GD-ĐT ban hành.
Tuệ Nguyễn
Theo thanh niên
Giảm môn học bắt buộc, tăng môn tự chọn
Để đổi mới cơ bản chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo hướng dạy học tích hợp và phân hóa, nhiều nhà nghiên cứu đề xuất cần chú trọng đến việc tích hợp trong nhiều môn học và giảm các môn học bắt buộc, tăng môn học tự chọn.
Video đang HOT
Nội dung này được đề cập tại hội thảo "Dạy tích hợp - dạy học phân hóa trong chươngtrình giáo dục phổ thông sau năm 2015" do Bộ GD-ĐT tổ chức ở TPHCM ngày 27/11.
Tăng môn học tự chọn, giảm môn bắt buộc
Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam để thực hiện dạy tích hợp và phân hóa cần giảm các môn học bắt buộc và tăng các môn học và hoạt động tự chọn.
Trước hết, cần tăng cường tích hợp trong nội bộ các môn học cơ bản của các bậc học. Như ở các lớp 1, 2, 3 ở các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội. Ở lớp 4 và lớp 5 xây dựng hai môn học mới là môn Khoa học và Công nghệ, Tìm hiểu xã hội.
Sau 2015, ngoài một số môn bắt buộc, học sinh phổ thông sẽ được chọn các môn theo sở thích năng lực?
Ở bậc THCS, nhóm đề xuất ngoài các môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục Công dân sẽ xây dựng hai môn học mới gồm môn Khoa học Tự nhiên (trên cơ sở các môn Lý, Hóa, Sinh trong chương trình hiện hành) và môn Khoa học Xã hội (trên cơ sở môn Sử, Địa trong chương trình hiện hành cùng các vấn đề xã hội).
Về phân hóa ở từng cấp học, nhóm nghiên cứu này triển khai theo định hướng: Bên cạnh các môn học bắt buộc sẽ tổ chức dạy học tự chọn theo chủ đề/môn học và các hoạt động giáo dục ở Tiểu học và THCS. Sau THCS sẽ phân luồng theo hệ thống trường nghề, trường THPT và các trường chuyên biệt.
Đặc biệt, các năm lớp 11 và 12 nhóm đề nghị 4 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và GDCD, còn lại học sinh (HS) sẽ chọn 3 môn học danh mục các môn tự chọn gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tin, Môi trường, Công nghệ... Như vậy HS sẽ học 7 môn.
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh và TS Trương Công Thanh (Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM) hệ thống giáo dục phổ thông vẫn nên duy trì 12 năm như hiện nay. Trong đó, chú trọng tích hợp đối đa ở các cấp học dưới và phân hóa ở các cấp học trên, nhất là ở các lớp cuối cấp bậc THCS và THPT.
Về môn học, cần tăng cường các môn và chủ đề tự chọn để HS có thể học theo khả năng và xu hướng của mình. Năm lớp 12 sẽ thực hiện phân ban triệt để để chọn ngành nghề cho tương lai giống như dự bị đại học.
Theo hai tác giả này, cần có một kế hoạch đồng bộ về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên để đội ngũ này chủ động khai thác tốt nhất cho yêu cầu dạy học phân hóa và tích hợp.
Học theo mô hình nước ngoài
Tại hội thảo, nhiều tác giả đưa ra mô hình dạy học tích hợp và phân hóa cho giáo dục phổ thông nước nhà dựa trên kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, Pháp...
Dựa vào cấu trúc chương trình các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông của Hàn Quốc và thực hiện giáo dục Việt Nam, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đề xuất lớp 1 và lớp 2 chỉ học 3 môn là Toán, Ngữ văn và Cuộc sống quanh ta. Trong đó môn Ngữ văn dạy tích hợp đạo đức, môn Cuộc sống quanh ta tích hợp nhiều nội dung về nhà trường, gia đình, thiên nhiên...
Bậc THCS, ngoài các môn bắt buộc sẽ có các môn tự chọn; bậc THPT lớp 10 sẽ học các môn chung còn lớp 11 và 12 ngoài các môn cơ bản bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì sẽ có tự chọn bắt buộc 2 môn chuyên ngành từ các môn Toán, Văn, Lý, Sinh, Sử, Địa, Tin học, Ngoại ngữ...
Theo mô hình này, ông Thống cho rằng cần có cách đánh giá và cấp bằng phù hợp. Sở GD-ĐT sẽ cấp bằng tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả xếp loại hàng năm và kết quả bài thi cuối lớp 12. Còn thi ĐH và CĐ có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 - 2 môn tự chọn.
TS. Đỗ Xuân Hội (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay từ năm 2006, chương trình dạy học và SGK của Pháp đã triển khai việc dạy học theo chủ đề hội tụ cho HS cấp THCS. Mỗi chủ đề hội tụ sẽ có môi quan hệ của nhiều môn học.
Thao TS. Hội, SGK tại Việt Nam cũng ít nhiều đề cập về một số nội dung chủ đề hội tụ theo chương trình Pháp nhưng nội dung này khai triển tùy tiện, thiếu hệ thống.
Ông Hội đặt ra vấn đề liệu chúng ta có cần xác định một số chủ đề hội tụ nào đó nhất thiết phải thể hiện trong chương trình, trong SGK cũng như trong việc giảng dạy các môn học khác cho HS không.
Được biết, trong thời tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiến hành nhiều hội thảo để các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các giảng viên, giáo viên, các bộ quản lý trao đổi thảo luận những vấn đề về dạy học tích hợp và dạy học phân hóa trong chương trình và SGK sau năm 2015 để thực hiện đổi mới cơ bản chương trình và SGK.
Hoài Nam
Theo dân trí
Những nền giáo dục tốt nhất thế giới Phần Lan và Hàn Quốc lần lượt chiếm vị trí số 1 và 2 trong bảng xếp hạng hệ thống giáo dục của 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển. Bảng xếp hạng trên nằm trong một nghiên cứu hệ thống giáo dục của 40 quốc gia, vùng lãnh thổ vừa được công ty giáo dục Mỹ Pearson...