Giảm gần 800 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc
Đến 31/5/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,404 triệu người, giảm 796 nghìn người so với năm 2019.
Theo BHXH Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động. Đã có hơn 1 triệu 576 nghìn người mất việc, trong đó có 959 nghìn người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm gần 800 nghìn người so với năm 2019.
Làm thủ tục BHXH tại BHXH Hà Nội (ảnh minh họa)
Tính đến ngày 31/5/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14 triệu 404 nghìn người, giảm hơn 11 nghìn người so với tháng 04/2020, giảm 796 nghìn người so với năm 2019. Hơn 600 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 50% kế hoạch giao. Số người tham gia BHYT là hơn 85 triệu người, giảm 849 nghìn người so với năm 2019. Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc, thu nhập người dân giảm do dịch bệnh nên có một bộ phận không thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, BHYT…
Video đang HOT
Riêng số người tham gia BHXH tự nguyện tăng do BHXH Việt Nam thực hiện đổi mới công tác truyền thông, phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức thành công “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân – Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện” trên quy mô toàn quốc.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, làm sao để duy trì số người tham gia BHXH bắt buộc và tăng số người tham gia BHXH tự nguyện cần sự nỗ lực không chỉ của ngành BHXH. Để đạt 1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2020 là điều khó nhưng cần phải làm: “Thống kê của chúng tôi từ đầu năm đến nay có khoảng trên 900 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Chúng tôi sẽ dùng tất cả các biện pháp, vừa phát triển mới nhưng với những đối tượng bị mất việc, chúng tôi sẽ vận động, tuyên truyền tăng đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ tiêu năm nay tăng người tham gia BHXH tự nguyện rất quan trọng nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn tổng chỉ tiêu kể cả tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện đều không giảm mới là quan trọng để chúng ta thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân. Nếu đối tượng tự nguyện tăng và bắt buộc giảm thì chúng tôi vẫn không hoàn thành. Năm nay khó khăn như vậy nhưng phải làm sao để số người thụ hưởng chính sách phải tăng lên mới là quan trọng”
Đối với việc giãn đóng BHXH, BHXH Việt Nam đã kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến ngày 31/5, đã có gần 1.200 doanh nghiệp trên cả nước được giãn thời gian đóng BHXH cho người lao động tương ứng với hơn 107.000 lao động và số tiền ước khoảng 396 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đợt dịch Covid 19, trên mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng mạo danh cơ quan BHXH thu gom mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi, BHXH Việt Nam đã chủ động đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý hành vi vi phạm này; đồng thời tăng cường tuyên truyền và đưa ra cảnh báo tới người lao động không nên bán sổ BHXH để bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động. Đối với hành vi lợi dụng chính sách để trây ì, trốn đóng BHXH cho người lao động, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ có những biện pháp xử lý.
Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết: “Khi mà doanh nghiệp nộp hồ sơ lên thì không chỉ cơ quan BHXH, nếu có những vấn đề nghi vấn thì kể cả các cơ quan liên quan như Lao động, Thương binh và Xã hội xác nhận tình trạng của doanh nghiệp để có quyết định doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hay không và thời gian tạm dừng đóng là bao nhiêu cho sát thực tế. Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, chúng tôi cũng yêu cầu BHXH các địa phương xuống các doanh nghiệp đó để kiểm tra, nắm được thực trạng của doanh nghiệp xem khai báo như thế có đúng hay không để đảm bảo rằng cơ quan BHXH giải quyết đúng hồ sơ theo đúng thực trạng của doanh nghiệp”
Hiện toàn ngành BHXH đã thực hiện chi trả cho hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết hưởng mới các chế độ BHXH một lần, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, tuất một lần; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay, số tiền chi khám chữa bệnh BHYT được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định BHYT là khoảng 38.005.146 triệu đồng với tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 38%./.
Cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, BHXH đã ban hành Kế hoạch số 1829/KH-BHXH nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68.
Bảo hiểm xã hội đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, theo tinh thần của Nghị quyết, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện hàng năm (từ năm 2020 đến năm 2025) đảm bảo mục tiêu sau: Cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, người dân trong các văn bản hiện hành; giảm thời gian và chi phí cho DN và người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trong tháng 6/2020, BHXH Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch và chuẩn bị thực hiện. Đặc biệt sẽ tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; qua đối thoại, tham vấn.
Triển khai thống kê, cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của BHXH Việt Nam. Trước 31/10/2020 sẽ tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ kết quả thống kê, tính chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020. Triển khai rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ sau đơn giản hóa; đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN.
Cùng với cắt giảm TTHC không cần thiết, BHXH Việt Nam đã có Quyết định số 826/QĐ-BHXH ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư năm 2020.
Theo đó, BHXH Việt Nam giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Ban Sổ thẻ, Ban Thu, Vụ Tài chính-Kế toán và Trung tâm CNTT xây dựng Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2020 trong quý II/2020.
Đồng thời, căn cứ thời điểm hoàn thành và vận hành CSDL quốc gia về dân cư, để tổ chức thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC, tờ khai, biểu mẫu thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp được thông qua tại Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ.
Đối với công tác hoàn thiện, kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL chuyên ngành khác, BHXH Việt Nam giao Trung tâm CNTT chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị và bộ, ngành liên quan trong năm 2020 cần đề xuất khó khăn, vướng mắc, nhu cầu kết nối thông tin giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư và CSDL chuyên ngành khác. Đồng thời, hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm và kết nối, cung cấp, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư và CSDL chuyên ngành khác trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với thành viên Tổ công tác và các đơn vị liên quan, trong tháng 11/2020 xây dựng báo cáo tổng kết Đề án 896 năm 2020 và giai đoạn 2013-2020 cũng như tổ chức các cuộc họp liên quan đến việc triển khai Đề án 896...
TP.HCM: Gỡ vướng chi trả hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh mới chi hỗ trợ cho hơn 4.800 người lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với tổng tố tiền gần 5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8%. Trao quà hỗ trợ cho gia đình thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) Theo Sở...