Giải nhiệt với chè sen thập cẩm
Mấy ngày gần đây, nhiệt độ hôm nào cũng trên 33oC, đến bữa cơm, ai cũng lua vội vài đũa rồi vô phòng bật điều hòa trốn nóng. Chỉ tội má và chế Hai phải bỏ công nấu món này, món kia cho mọi người thưởng thức…
Hôm nay, trước bữa ăn trưa má dặn “mấy đứa ăn cơm ít thôi, chừa bụng để ăn chè sen cho mát”. Nghe má nói, Út “ồ” lên một tiếng kèm theo cái vỗ tay và không quên “nịnh: Món chè sen của má là nhất!
Thường thì món nào thích ăn, Út đều hỏi má cách nấu như thế nào rồi ghi chép cẩn thận vào sổ tay, phòng khi lên cơn thèm thì cũng có thể tự nấu. Với món chè sen thập cẩm này cũng không ngoại lệ.
Gọt vỏ một củ sen (khoảng 200g), cắt khoanh vừa ăn (không quá dày, cũng không quá mỏng), ngâm sen trong nước muối pha loãng cùng với chút nước cốt chanh để loại bỏ mủ sen. Nấu chút nước nóng để ngâm hạt bo bo, đậu xanh không vỏ và táo đỏ, ngâm riêng từng loại, mỗi loại khoảng 1 – 2 nắm tay, tùy theo sở thích mà có thể thêm, bớt nguyên liệu. Rửa sơ nhãn nhục cũng bằng nước ấm, để riêng. Nếu sử dụng hạt sen tươi thì không cần ngâm nươc ấm, chỉ cần lấy sạch tim sen. Củ năn gọt vỏ xắt miếng nhỏ.
Cho khoảng 3 lít nước vào nồi, nấu đến khi đậu xanh vừa mềm thì cho hạt bo bo vào nấu tiếp. Trong lúc nấu, vớt bọt thường xuyên. Khi nồi nước sôi trở lại thì thả củ sen đã rửa sạch vào nấu cùng. Dùng đũa xăm thử, thấy củ sen chín thì cho tiếp hạt sen tươi, củ năn, táo đỏ và nhãn nhục vô nấu đến khi nguyên liệu vừa chín mềm, canh lại lượng nước cho phù hợp. Tiếp tục cho đường phèn vào, dằn tí xíu muối, vò nhẹ vài lá dứa thả vào nồi chè, vặn nhỏ lửa nấu thêm khoảng 10 phút cho tất cả ngấm đường thì tắt bếp. Sau đó vớt bỏ lá dứa.
Chè sen có thể dùng nóng, nhưng với mùa hè nóng bức, thưởng thức lạnh sẽ ngon hơn. Vừa là chè, nhưng cũng có thể xem là thức uống với vị ngọt vừa, thanh và rất thơm. Củ sen, củ năn giòn sật, vị bùi bùi của hạt sen, bo bo, đậu xanh, cùng vị ngọt rất riêng của táo đỏ, nhãn nhục ăn rất vui miệng và không ngán.
Ngọt thơm trà vải
Đang vào mùa vải chín. Sáng nào mẹ đi làm, con trai cũng dặn với theo: "Mẹ, nhớ mua trái vải cho con ăn". Hôm nay, ngoài trái vải, thằng nhóc lại vòi vĩnh thêm ly trà sữa làm mẹ chợt suy nghĩ, tại sao mình lại không kết hợp thành trà vải nhỉ?!
Nghĩ là làm. Vậy là mua ngay 2kg vải thiều, một nửa để ăn và một nửa dành để làm món trà vải. Vải tươi cắt bỏ cuống, rửa sạch. Canh lượng nước sao cho đủ ngập mặt lượng trái vải cần dùng, bắc lên bếp nấu. Khi nước sôi, cho nguyên quả vải (còn vỏ) vào chần trong 2 - 3 phút rồi nhanh tay vớt vải thả ngay vào thau nước đá lạnh, ngâm một lúc.
Trong lúc chờ trái vải nguội thì nấu nước đường với tỷ lệ khoảng 0,5 lít nước với 400gr đường phèn (có thể gia giảm tùy theo khẩu vị thích ăn ngọt hay nhạt, và thịt vải có độ ngọt nhiều hay ít). Khi đường tan và có độ sánh nhất định thì tắt bếp, lọc nước đường qua rây rồi để cho nguội hẳn.
Trái vải sau khi ngâm nước đá khoảng 30 phút thì vớt ra để ráo nước. Dùng dao mũi nhọn khéo léo tách vỏ và hạt sao cho phần thịt vải không bị vỡ nát. Cho vải đã lột vỏ vào lọ thủy tinh (đã trụng qua nước sôi tiệt trùng, để ráo), châm nước đường vào ngập mặt vải. Đậy kín nắp và cho cả lọ vải vào bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khâu chế biến phần trái vải như vậy là hoàn tất, khi nào muốn thưởng thức thì chỉ cần pha trà nữa là xong.
Cách pha trà vải cũng rất đơn giản. Pha trà có vị nhẹ (hoặc trà hương vải túi lọc) với nước sôi, để một lúc cho ra trà, thêm nước vải và trái vải vào, nếm thử vị vừa ý, sau cùng cho vài viên đá vào, trang trí với vài lát chanh xắt mỏng, lá húng... tùy thích.
Trà vải có vị thơm lừng, miếng vải giòn dai, nước màu hổ phách trong veo, ngọt thanh rất ngon miệng. Tổng "thiệt hại" chẳng là bao so với trà sữa mua ngoài tiệm mà chất lượng thì trên cả tuyệt vời!
Giòn thơm bánh khoai môn chiên Sau giờ ngủ trưa, thằng nhóc kêu đói bụng rồi đưa mắt thăm dò... phản ứng của mẹ. Nghe mẹ hỏi muốn ăn gì, đứa nhỏ lên tiếng: Con muốn ăn món gì chiên chấm tương cà, tương ớt. Đã lâu mẹ không cho ăn gà rán, khoai tây chiên nên con thèm ăn. Con đòi ăn... bất tử, không kịp chuẩn bị...