Gia sư – cơ hội việc làm cho sinh viên
Ra tết, nhu cầu gia sư khá cao khi học sinh bắt đầu vô học kỳ hai, chuẩn bị cho các kỳ thi lớn vào cuối năm. Trước đây, công việc gia sư thường chủ yếu dành cho sinh viên sư phạm, bách khoa, khoa học – xã hội – nhân văn… nhưng với nhu cầu gia sư tăng lên như hiện nay, nghề gia sư đã trở thành cơ hội việc làm cho sinh viên nhiều trường cao đẳng, đại học.
Sinh viên từ chương trình “ Gia sư áo xanh” dạy học trẻ em là con em công nhân Khu Công nghiệp Tân Bình
Làm gia sư là công việc không chiếm nhiều thời gian của sinh viên, ít trùng với lịch học ở trường và giúp tạo một nguồn thu nhập hỗ trợ thêm. Hoàng Long (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính), sau một năm làm gia sư, đã không cần sự hỗ trợ của gia đình. Hiện tại Long đang có 2 lớp gia sư kèm học sinh hai buổi/tuần, thu nhập 1,2 triệu đồng/lớp và làm trợ giảng tại một lớp dạy thêm, thu nhập 150.000 đồng/buổi.
Long chia sẻ thêm: “Lúc đầu tôi nghĩ mình không thích hợp với công việc gia sư vì không học chuyên ngành sư phạm và cũng chưa từng có kinh nghiệm hướng dẫn người khác học. Nhưng sau khi thử sức, tôi thấy khá ổn, mỗi buổi học, tôi chỉ cần giúp các em hiểu thêm và mở rộng kiến thức đã học trên lớp, dò bài và ôn tập, giáo án thì nhà trường đã có riêng nên cũng không cần phải chuẩn bị nhiều”.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM, cho biết: “Hiện nay yêu cầu của phụ huynh đối với việc tuyển gia sư cũng thoáng hơn trước, đa số phụ huynh quan tâm đến chất lượng và ứng xử chứ không yêu cầu phải là sinh viên trường sư phạm hay những trường nổi tiếng. Với công việc làm gia sư, trung tâm hỗ trợ khảo sát về gia đình có nhu cầu tuyển gia sư để đảm bảo an toàn cho các bạn sinh viên, cũng như theo dõi và nhận phản hồi để trao đổi với sinh viên nâng cao chất lượng dạy học”. Ngoài ra, trung tâm đang thực hiện chương trình “Gia sư áo xanh” dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là con em công nhân làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. Chương trình gồm sinh viên các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn TPHCM, đến dạy và ôn tập cho các em miễn phí trong kỳ nghỉ hè.
Quỳnh Hương (sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm TPHCM), làm gia sư cho học sinh tiểu học thông qua sự giới thiệu của trung tâm. Hương chia sẻ, nhờ công việc này mà đã cảm thấy có động lực hơn trong ngành học của mình: “Tôi quyết định thử làm gia sư xem mình có phù hợp với nghề sư phạm không. Tuy cũng có những lúc buồn bực vì trẻ con thường hiếu động không nghe lời nhưng chỉ cần kiên nhẫn là sẽ quen dần. Lâu dần cô trò cũng mến nhau, hiểu nhau hơn nên phụ huynh đề nghị tôi tiếp tục làm gia sư khi em lên cấp hai”.
Ngoài Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM, các trung tâm gia sư cũng đang được nhiều phụ huynh và sinh viên tìm đến với chi phí trung gian khoảng từ 30% – 40% học phí. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu gia sư tại các trung tâm cao hơn nên thị trường tuyển gia sư cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho sinh viên. Với bảng giá hiện nay tại các trung tâm, việc thuê gia sư là sinh viên sẽ chỉ mất phân nửa chi phí so với giáo viên nên rất được phụ huynh ưu tiên lựa chọn. Một cách khác để làm và tuyển gia sư là đăng thông tin lên các trang, hội nhóm gia sư trên mạng xã hội, nhưng cách này không hiệu quả vì thông tin tìm việc của sinh viên thường ít được phụ huynh quan tâm.
Các bậc phụ huynh đang ngày càng đầu tư vào việc học của con mình và nhiều gia đình tìm đến các gia sư là sinh viên. Đây là công việc có thời gian làm linh động, thu nhập ổn định. Ngoài ra, sinh viên còn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp, hiểu biết thêm những kiến thức mới và có những trải nghiệm quý giá khi đang ngồi trên ghế giảng đường.
LÊ DUY
Video đang HOT
Theo sggp
Cấp sinh hoạt phí có hút người giỏi vào sư phạm?
Sinh viên sư phạm sau khi ra trường làm việc tối thiểu 5 năm trong ngành sẽ không phải trả lại khoản vay tín dụng sư phạm. Có nghĩa, không chỉ miễn học phí như trước đây, sinh viên sư phạm còn được cấp thêm sinh hoạt phí tối đa 3,5 triệu đồng/tháng.
Thí sinh làm thủ tục đăng ký nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay - ĐÀO NGỌC THẠCH
Điều này sẽ thành hiện thực nếu dự thảo nghị định Chính phủ quy định chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm (SP) được thông qua trong thời gian tới.
Mượn thay vì miễn học phí
Theo dự thảo nghị định này, người theo học SP sẽ có chính sách tín dụng SP, tức cho vay để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong toàn khóa học. Cụ thể, mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên (SV) theo học và sinh hoạt phí tối đa 3,5 triệu đồng/tháng (thời gian vay không quá 10 tháng/năm học với lãi suất 0,5%/tháng).
Cũng theo dự thảo này, người học ra trường làm trong ngành SP tối thiểu 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay. Sau 2 năm từ khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành mới phải hoàn trả. Còn người không vay tín dụng nhưng ra trường công tác đủ 5 năm trong ngành cũng được bồi hoàn chi phí đào tạo.
Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia, so với quy định đã lỗi thời của chính sách miễn học phí SP hiện hành, rõ ràng chính sách này có nhiều ưu việt.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ủng hộ việc miễn học phí và thay bằng "mượn học phí". Theo tiến sĩ Hồng, đầu tư ngân sách cho SV ngành SP trong thời gian qua chưa gắn chặt với trách nhiệm người thụ hưởng. Việc "cho mượn" có điều kiện vừa duy trì chính sách ưu tiên dành cho các đối tượng đặc biệt vừa đảm bảo định chế tài chính ngoài nhà trường thông qua hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng.
Theo đại diện Trường ĐH Sài Gòn, chính sách này đã có sự tiến bộ hơn, vẫn ưu đãi riêng cho sinh viên SP nhưng không còn cào bằng như trước đây khi chỉ những người gắn bó thực sự với nghề mới được hưởng ưu đãi.
Cấp học bổng hay sinh hoạt phí ?
Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH Sài Gòn vẫn cho rằng, để tạo thêm sự đột phá và tránh cào bằng thì nên chuyển sang cấp học bổng thay vì cho vay sinh hoạt phí. "Khi chuyển thành học bổng thì chỉ những SV giỏi mới được nhận. Chỉ nên có khoảng 30% SV tốp đầu được cấp học bổng 3,5 triệu đồng/tháng này; 20% SV giỏi tiếp theo được nhận 50% số học bổng trên và số còn lại chỉ được vay học phí. Có như vậy mới tránh được sự cào bằng và tạo động lực học tập cho SV", lãnh đạo này đề xuất.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ủng hộ chính sách này và cho rằng sẽ có nhiều học sinh ở các tỉnh yêu thích và lựa chọn nhóm ngành SP. Việc cho vay này sẽ tạo cơ hội học tập tốt hơn với học sinh giỏi nhưng có điều kiện kinh tế chưa tốt tham gia học tập.
Cần chính sách ưu đãi như ngành công an, quân đội
Tán đồng quan điểm chính sách này cần và tốt nhưng tất cả ý kiến đều cho rằng, để hút người giỏi học và làm việc trong ngành SP thì những ưu đãi này vẫn chỉ giải quyết phần ngọn.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: "Học phí chỉ là phần ngọn, gốc vẫn là chính sách lương cho giáo viên".
Tương tự, đại diện Trường ĐH Sài Gòn cũng cho rằng ngay cả khi cấp sinh hoạt phí vẫn chỉ giải quyết được một nửa vấn đề trong những bất cập đào tạo giáo viên hiện nay. "SV sẽ vui khi được vay tiền học nhưng lại đắn đo nếu nghĩ tới bối cảnh ra trường muốn mà không tìm được việc để làm trong ngành rồi phải quay sang trả nợ các khoản vay. Chỉ khi nào ngành giáo dục làm được việc phân công nhiệm sở với SV có thứ hạng giỏi từ cao xuống thấp vào các cơ sở y tế của TP.HCM cho SV tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khi đó mới hút người giỏi thực sự", người này nói.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cũng nhìn nhận chính sách này chưa đủ mạnh để hút người tinh hoa vào SP. "Nhìn vào kinh nghiệm đào tạo khối ngành quân đội, không chỉ miễn học phí mà còn ăn ở, việc làm. Chính sách ưu đãi ngành SP cần được thực hiện như với khối ngành quân đội vì nếu không hút được tinh hoa vào SP thì giáo dục không phát triển được", tiến sĩ Tùng kiến nghị.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM phân tích: "Có 2 chi tiết cần lưu ý thêm là đang thừa giáo viên tại nhiều tỉnh, thành và thu nhập của giáo viên quá thấp so với thu nhập của nhiều ngành nghề khác. Khi chọn trường, bên cạnh sự phù hợp, yêu thích với ngành nghề thì câu hỏi tiếp theo sẽ là liệu khi tốt nghiệp, họ có cơ hội việc làm, thu nhập và có thể sống bền bỉ với nghề hay không?".
Từ góc nhìn thực tế từ trường phổ thông, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), chia sẻ: "Học phí thực ra không phải vấn đề quyết định với nhiều học sinh thời nay nếu đưa lên bàn cân chọn ngành nghề. Điều khiến học sinh tâm tư khi chọn học SP là không có chỗ làm. Ngay ở một số địa phương hiện nay việc điều chuyển, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cũ trong ngành vẫn còn nhiều khó khăn thì làm sao nói chuyện tuyển mới".
Ý kiến
Hữu ích với nhiều sinh viên
Trước đây, khi nghe nhiều ý kiến đề xuất việc bỏ hẳn chính sách miễn học phí cho SV SP tụi em cũng cảm thấy nhiều băn khoăn. Việc ra đời dự thảo chính sách tín dụng SP này theo em là cần thiết. Bạn bè em nhiều người đến đây học từ các địa phương khác nhau, nên chính sách này thật sự hữu ích.
Khánh Hà
(SV ngành SP toán Trường ĐH SP TP.HCM)
Lo lắng tìm nơi dạy học
Nếu mỗi tháng, ngoài học phí SV còn được vay thêm tối đa 3,5 triệu đồng để phục vụ sinh hoạt, không ít SV sẽ không cần phải lo lắng chuyện làm thêm mà tập trung học tập. Nhưng nếu hỏi về chính sách cho người học SP, theo em chỉ dừng ở đây là chưa đủ. Dù mới năm thứ 2 nhưng ngay thời điểm này em đã rất lo lắng về khả năng tìm được nơi dạy học.
Mạnh Dũng
(SV ngành SP tiếng Anh Trường ĐH SP TP.HCM)
Theo thanhnien
Lời khuyên của nhà khoa học hàng đầu Úc để bạn trẻ có được công việc trong mơ Muốn có việc lương cao? Bạn có thể bắt đầu từ vị trí part-time tại McDonald's. Đó là một trong những lời khuyên từ nhà khoa học hàng đầu Australia, ông Alan Finkel, cho các em học sinh về những cách thức và kỹ năng cần thiết để có được công việc trong mơ. Nhà khoa học hàng đầu Australia- Tiến sĩ Alan...