Giá SGK tăng cao, giáo viên vùng cao khổ vì bị hiểu lầm ‘ăn chặn’ tiền học sinh
Giá SGK mới tăng cao đang tạo thêm áp lực cho không ít gia đình có con em đi học, đặc biệt, với các phụ huynh ở khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dùng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện dùng chung là điều cần thiết.
Trước những phản ánh của dư luận về việc giá SGK trong chương trình GDPT 2018 tăng cao, mới đây, Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
Ảnh minh họa.
Là giáo viên công tác công tác tại điểm trường vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn Chè Lỳ A (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) cô Hoàng Thị Điệu rất vui mừng khi biết Bộ GD-ĐT có chủ trương xây dựng thư viện SGK dùng chung cho học sinh khó khăn: “Tại điểm trường Tiểu học Chè Lỳ A, hầu hết học sinh không có điều kiện mua sách, phụ huynh cũng không thể bỏ ra vài trăm nghìn để mua sách cho con, họ sẵn sàng cho con nghỉ học. Hiện nay theo quy định, các em học sinh ở vùng 3 – khu vực khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng. Đầu năm học Phòng GD-ĐT sẽ đăng ký sách cho học sinh và đợi đến khi hết học kỳ 1, có tiền hỗ trợ mới lấy tiền này trả tiền sách cho học sinh”.
Theo cô Điệu, với giá SGK như trước đây, sau mỗi kỳ học, trừ khoản tiền khoảng hơn 150.000 -200.000 đồng mua sách, học sinh vẫn được nhận lại vài trăm nghìn đồng từ tiền hỗ trợ của nhà nước để trang trải những chi phí khác, mua sắm thêm vở bút, đồ dùng học tập. Thế nhưng khi SGK mới tăng cao, tiền hỗ trợ học sinh mỗi kỳ học chỉ vừa đủ mua SGK.
“Với học sinh vùng cao, số tiền hỗ trợ dư ra được lấy về dù chỉ vài trăm nghìn nhưng có ý nghĩa rất lớn với các em. Giờ đây giá sách tăng cao, tiền mua sách và tiền hỗ trợ chỉ “sang ngang”, học sinh không phải bỏ thêm tiền túi đã là may. Cũng bởi vậy mà 2 năm học qua, nhiều phụ huynh lớp 1, 2 chưa hiểu vẫn thắc mắc tại sao tiền mua sách của học sinh lớp 3, 4, 5 tại sao lại thấp hơn nhiều, học sinh lớp lớn hơn vẫn được cầm tiền về sau khi trừ hết tiền mua sách còn học sinh lớp 1, 2 lại không có. Nhiều phụ huynh chưa hiểu còn nói giáo viên “ăn chặn”, lấy tiền của học sinh bỏ túi”, cô Điệu chia sẻ.
Bởi vậy, cô Hoàng Thị Điệu rất vui mừng và ủng hộ việc xây dựng thư viện SGK dùng chung tại các nhà trường, đặc biệt là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Song cô Điệu cũng không khỏi băn khoăn, tại các trường vùng núi như Chè Lỳ A, thì gần như 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự mua SGK. Mỗi điểm trường của Tiểu học Chè Lỳ cũng đã có khoảng 200 học sinh, nếu dùng ngân sách để mua toàn bộ SGK phụ vụ học sinh sẽ cần một khoản chi phí rất lớn.
Do đó, giáo viên này cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa trong việc xây dựng thư viện SGK dùng chung cho học sinh khó khăn cũng như vận động học sinh tặng SGK cũ sau khi học cho các thư viện nhà trường. Về lâu dài, vẫn cần giải pháp kiểm soát giá với SGK, bản thân các nhà xuất bản cũng cần tính toán để giảm bớt chi phí trong in ấn, phát hành từ đó giúp giảm giá SGK.
Trao đổi về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc xây dựng thư viện SGK dùng chung là chủ trương tốt, thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua và ý kiến nhân dân của Bộ GD-ĐT.
“Nếu triển khai được ngay, đây sẽ là động thái tích cực của Bộ GD-ĐT. Việc xây dựng thư viện SGK dùng chung có ý nghĩa rất lớn để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh. Khi các thư viện này được thành lập, rất dễ dàng để xã hội hóa. Cũng cần xác định rằng SGK trong thư viện không nhất thiết phải là sách mới, để tiết kiệm kinh phí, các trường có thể vận động học sinh quyên góp sách cũ đã học vào thư viện, đây cũng là giải pháp tương đối hữu hiệu tại thời điểm hiện tại”, bà Nga cho biết.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, xây dựng thư viện SGK dùng chung chỉ là giải pháp trước mắt, ngoài ra cần rất nhiều giải pháp khác và quan trọng nhất là có mức giá SGK hợp lý. Bởi bất cứ học sinh nào đến trường cũng cần có sách, SGK là mặt hàng thiết yếu, nên giá thành không thể quá cao, nhất là khi đang dần tiến tới phổ cập giáo dục phổ thông, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người học.
“Chúng ta đừng nghĩ chỉ xây dựng thư viện SGK cho học sinh nghèo là xong, điều quan trọng là phải có giá cả hợp lý, không được quá cao. Ngoài ra cũng cần tính đến việc tiết kiệm nguồn lực, cần những giải pháp tổng thể từ khâu in ấn, xuất bản sách”, bà Nga nói.
Từ thực tế tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của người dân, bà Nga cho biết, có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, phải chăng SGK hiện nay chưa phải mặt hàng được nhà nước định giá, nên giá sách tăng mạnh trong thời gian qua? Đồng thời, đại biểu Quốc hội cũng nhận định thực tế rằng, người dân không có điều kiện để đối chiếu, so sánh, hay đánh giá rằng một quyển hay 1 bộ SGK mới giá thành đã hợp lý hay chưa. “Con em đến trường thì phải có sách, giá đã in sẵn trên bìa, phụ huynh không còn cách nào khác, chỉ biết rằng sách bán giá bao nhiêu thì phải mua từng ấy”. Bởi vậy, việc đưa SGK vào danh mục nhà nước quản lý về giá là rất đúng đắn và cần thực hiện sớm. Nếu tiếp tục “thả nổi” giá sách như hiện nay sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân và tạo ra sự thiếu công bằng./.
Giáo dục Mường Lát vượt khó
Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa. Vượt lên khó khăn, thiếu thốn, những năm qua học sinh, giáo viên nơi đây đã nỗ lực vượt khó, đưa sự nghiệp trồng người của huyện ngày càng khởi sắc.
Thầy và trò Trường Tiểu học Trung Lý 2 trong giờ dạy và học.
Gieo chữ ở những bản khó khăn
Không còn những lớp học tạm bằng tranh tre nứa lá, Trường Tiểu học Trung Lý 2 (xã Trung Lý) mặc dù có tới 6 điểm trường (điểm trường chính tại bản Cò Cài, 5 điểm lẻ tại Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Pá Búa, Lìn) đều đã có đủ phòng học tương đối khang trang, với đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc dạy, học của giáo viên và học sinh.
Từ trung tâm xã Trung Lý vào bản Cò Cài hơn 20 cây số.
Thầy Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2 chia sẻ: Toàn trường có hơn 368 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm trường chính có 3 lớp với 5 trình độ, 2 lớp ghép là lớp 1 và 2; 3 và 4 và lớp đơn là lớp 5. Vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất của trường được đầu tư xây dựng nên khang trang, sạch đẹp. Giáo viên có khu nội trú khang trang.
Mặc dù có tới 5/6 bản chưa có điện lưới nhưng khu chính đã được các nhà hảo tâm tặng hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập có lưu trữ, sắp tới sẽ có thêm 3 khu nữa được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giáo dục của nhà trường.
Đường vào bản Cò Cài vẫn còn nhiều khó khăn.
Thầy Nguyễn Tiếp Hiệp cho biết thêm: Năm học 2021-2022 trường có 291 em/368 em là con em hộ nghèo, đường sá, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Một số em học sinh ở bản Mông, có bố hoặc cả bố và mẹ đều bị nghiện nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là học sinh ở đây gần như lúc nào cũng đi học đầy đủ 100%, trừ những ngày mưa bão, đường sá đi lại khó khăn thì các em mới nghỉ học.
Do đó, dù thời gian học sinh phải nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 kéo dài các em cũng như nhà trường không có đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học online, nhưng để đảm bảo tiến độ khung chương trình năm học, nhà trường đã tiến hành dạy tăng cường thêm 3 buổi chiều cho học sinh sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, do đó đến thời điểm hiện tại nhà trường đã cơ bản hoàn thành chương trình giảm tải theo quy định.
Trường Tiểu học Trung Lý 2 khu chính nằm ở bản Cò Cài.
Học sinh ở Cò Cài chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái.
Không như nhiều năm trước, sau mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết nguyên đán thầy cô giáo lại phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp. Hiện nay tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng không còn nhiều, nhận thức của phụ huynh cũng đã thay đổi, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con em đến trường theo lịch học tập của nhà trường.
Để có được kết quả đáng mừng này là nhờ nỗ lực của các thầy, cô giáo, chính quyền địa phương trong việc vận động, tuyên truyền bà con dân bản, đưa con em tới trường học con chữ để có tương lai tốt đẹp hơn. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số thiết thực và hiệu quả của nhà nước, của tỉnh.
Nh ững nỗ lực vượt kh ó nâng ch ất lượng gi áo d ục
Xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát có 6 bản gồm các dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, Kinh sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 98% dân số. Trường THCS Nhi Sơn đóng trên địa bàn bản Chim, xã Nhi Sơn có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó chủ yếu là các thầy cô giáo ở miền xuôi lên công tác, gắn bó với mảnh đất biên cương hàng chục năm nay. Họ cùng chung trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục nơi miền biên viễn xa xôi này.
Trường THCS Nhi Sơn nằm trên địa bàn bản Chim, học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Là trường chuẩn Quốc gia, Trường THCS Nhi Sơn có trường lớp khang trang, khuôn viên sư phạm sạch đẹp, đồ dùng, trang thiết bị dạy học được trang bị tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu cơ bản cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thầy Lê Quang Đức, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nhi Sơn cho biết: Năm học này nhà trường có 219 học sinh, chủ yếu là đồng bào Mông. Nhà trường hiện có 65 em học sinh ở 2 bản Kéo Té và Lốc Há ở lại ký túc xá và được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ do nhà cách trường từ 6 - 8 km. Hàng tháng các em được hỗ trợ 596.000 đồng và 15 kg gạo.
"Đầu năm 2022 nhà trường đã làm tờ trình, đề án chuyển đổi thành Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nhi Sơn. Thầy, trò nhà trường rất mong được chấp thuận để việc học tập của học sinh thuận lợi hơn", thầy Lê Quang Đức nói.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Nhi Sơn.
Chia sẻ về những đổi mới của ngành giáo dục địa phương, ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết: Với sự nỗ lực của toàn ngành trong việc quan tâm, tập trung nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, cùng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, những năm qua hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các nhà trường đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy được đội ngũ giáo viên quan tâm và thực hiện thường xuyên, 99% đội ngũ giáo viên từ Tiểu học đến THCS thực hiện soạn bài trên máy tính, 100% trường thực hiện phần mềm Vnedu. Công tác chăm lo, bồi dưỡng học sinh giỏi được quan tâm, đầu tư. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được nâng lên qua các năm; Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm... Qua đó, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi đạt 100%, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS ngày càng được duy trì bền vững.
Đây là tín hiệu đáng mừng, sự thay đổi đáng kể về chất lượng và số lượng cũng như nhận thức của phụ huynh, học sinh, là minh chứng cho sự "thay da, đổi thịt" của giáo dục vùng khó.
Tin tưởng rằng với sự nỗ lực, tích cực thay đổi tư duy của phụ huynh, học sinh, sự nỗ lực của toàn ngành, giáo dục Mường Lát sẽ ngày càng khởi sắc.
Giáo viên nhận xét học sinh trong sổ điểm cá nhân, phần mềm điện tử cho ai đọc? Trên dịch vụ điểm điện tử mà phụ huynh mua đầu năm cho con mình không hiển thị lời nhận xét và ngay cả học bạ của học sinh cũng không có ô nhận xét của giáo viên. Giáo viên phổ thông, dù là cấp tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông, đều phải có sổ điểm cá nhân...