Giá lợn sụt giảm, hộ nuôi và người tiêu dùng thiệt thòi nhưng thương lái vẫn hưởng lợi
Tại ĐBSCL giá lợn hơi sụt đang giảm mạnh, nhưng giá thịt lợn bày bán tại các chợ chưa biến động nhiều. Trong khi hộ chăn nuôi thiệt thòi thì thương lái và người kinh doanh thịt lợn hưởng lợi.
Tại địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bến Tre giá lợn hơi loại tốt chỉ ở mức khoảng 8 triệu đồng/tạ, loại thường chỉ ở mức từ 7,5-7,8 triệu đồng/tạ, giảm so với tháng trước gần 1 triệu đồng/tạ. Trong khi đó, thương lái còn mạnh tay ép giá người nuôi, mặc cả khi đàn lợn không đạt chất lượng hoặc quá lứa.
Bà Lê Thị Mười Hai, hộ nuôi heo tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Lợn thịt mấy ngày nay giảm giá, thương lái đè dân dữ lắm. Cụ thể, chúng tôi nghe tin giá lợn 7,4 – 7,5 triệu đồng/tạ, nhưng thương lái vào chỉ trả 7,2 – 7,2 triệu đồng/tạ. Lợn giảm giá như vậy, thương lái không mất gì, người chăn nuôi bị thiệt thòi chứ thương lái lại hưởng lợi”.
Giá lợn thịt sụt giảm do ảnh hưởng của thị trường thịt lợn thế giới, nhất là gần đây, nước ta đẩy mạnh việc nhập khẩu mặt hàng thịt gia súc. Tuy giá giảm, nhưng với mức giá này, người chăn nuôi vẫn có lãi hơn 2 triệu đồng/tạ. Điều đáng nói, dù giá lợn hơi tại chuồng giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các chợ, cửa hàng vẫn còn cao.
Cán bộ thú y lấy mẫu kiểm tra sức khỏe đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi.
Tại tỉnh Tiền Giang, thịt lợn chỉ giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Tiểu thương ở một số chợ tại địa bàn Thành phố Mỹ Tho, bán thịt đùi giá 140.000 đồng/kg, ba rọi rút xương, thịt sườn 170.000 đồng/kg. Tại thành phố Cần Thơ, giá thịt lợn bán tại các chợ, siêu thị cũng ở mức cao.
Bà Nguyễn Thị Lệ, người dân ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều cho rằng, gần đây, nghe thông tin trên Báo, Đài giá lợn hơi đã giảm xuống nhưng không hiểu lý do tại sao giá thịt lợn tại chợ vẫn chưa hạ nhiệt.
“Lúc đầu giá lợn khoảng 170.000 đồng/kg, bây giờ sụt xuống còn 160.000 đồng/kg, nếu mua chỗ quen thì giá khoảng 150.000 đồng/kg đối với thịt ba rọi, còn giò lợn giá khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg, vẫn ở mức cao và giá không giảm nhiều. Ngày trước, mỗi kg thịt có 50.000 – 60.000 đồng nhưng bây giờ giá đã tăng gấp mấy lần. Giá thịt ở siêu thị cũng cao như vậy”, bà Lệ nói.
Dạo một vòng tại các chợ trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giá thịt lợn các loại hiện vẫn dao động ở mức từ 110.000 -200.000 đồng/kg. Tại chợ Tân An, quận Ninh Kiều, các tiểu thương ở đây cho biết, giá thịt lợn bây giờ ổn định hơn, giảm khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg, tùy loại. Điều khác biệt so với lúc trước là lượng tiêu thụ tăng mạnh hơn.
Video đang HOT
Người tiêu dùng ở tỉnh Tiền Giang mua thịt lợn vẫn ở mức cao.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng chia sẻ, giá thịt lợn tại chợ vẫn ở mức cao, trong khi thu nhập của họ lại giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nên, để cân bằng chi tiêu, họ buộc phải cắt bớt khẩu phần thịt lợn trong các bữa ăn, thay vào đó chọn ăn các thực phẩm có giá thành rẻ hơn như cá, tép, gà, trứng.
Từ sau dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn ở khu vực ĐBSCL giảm hơn nữa. Tỉnh Tiền Giang, Bến Tre là 2 địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất vùng ĐBSCL, nhưng hiện nay, mỗi địa phương này chỉ có vài trăm nghìn con lợn. Riêng tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, mới tái đàn lợn được gần 300.000 con, bằng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, toàn xã mới tài đàn được khoảng 15.000 con, giảm 70% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, người chăn nuôi gặp rất khó khăn, do giá thức ăn tăng, con giống ở mức gần 3 triệu đồng/con. Giá lợn sụt giảm, người nuôi bị thiệt thòi chứ thương lái, doanh nghiệp thu mua lợn vẫn lãi cao.
“Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Đông, giá lợn hơi từ 80.000 – 82.000 đồng/kg. Thịt lợn bán đắt như tôm tươi. Ở chợ thì thấy bán giá cũng vậy, thịt lợn dù sụt giá nhưng ở chợ giá giảm không nhiều. Tái đàn thì có một số hộ không có khả năng, số hộ nuôi lớn thì đang tái đàn nhưng cũng rất thận trọng”, ông Nguyễn Văn Mười cho hay.
Có thể nói giá lợn hơi đang sụt giảm nhưng người tiêu dùng mua thịt lợn tại các chợ vẫn chưa giảm tương xứng; thương lái, tiểu thương vẫn ép giá người chăn nuôi và khách hàng khi tiêu thụ thịt lợn.
Các sạp thịt tại các chợ trên địa bàn thành phố Cần Thơ với nhiều mức giá khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, chủ trang trại lợn ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng, vấn đề đầu ra con lợn là rất quan trọng. Người chăn nuôi cần có sự liên kết, hợp đồng chặt chẽ với doanh nghiệp hay hợp tác xã trong vấn đề bao tiêu sản phẩm để tránh sự ép giá khi có biến động của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng chia sẻ: “Đúng ra lái ép giá, lời 2 -3 lần so với đầu vào. Hướng tới chăn nuôi lợn quan trọng nhất là phải có đầu ra, đầu ra của mình phải làm sao có hợp tác xã mua tận nơi, bán tận gốc. Như vậy không phải qua 2-3 lần trung gian”.
Để đảm bảo công bằng cho người chăn nuôi, thương lái hay doanh nghiệp thu mua lợn và người tiêu dùng, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là việc niêm yết giá bán thịt lợn ở các chợ cho hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp ép giá, nâng giá bất thường, găm hàng, tạo giá tăng ảo, buộc người chăn nuôi lợn bán giá thấp nhưng người tiêu dùng lại mua giá cao./.
"Giá lợn chỉ giảm trên tivi": Doanh nghiệp lãi đậm, người tiêu dùng chịu thiệt
"Lợi nhuận một số công ty chăn nuôi rất lớn, theo phản ánh bán một con lợn hơi tại cửa chuồng với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, họ đã lãi 2-3 triệu đồng/con...", ông Vũ Vinh Phú cho hay.
"Giá lợn hơi chỉ giảm trên tivi"?!
Một trong những vấn đề nóng được quan tâm nhất hiện nay chính là giá thịt lợn vì suốt cả năm qua, giá thịt lợn tăng cao bất chấp các biện pháp của bộ NN&PTNT. Câu chuyện dân sinh này không chỉ dừng ở những bữa cơm gia đình, hay trong các câu chuyện của các bà nội trợ mà đã lên hẳn diễn đàn Quốc hội, được các Đại biểu thảo luận nghiêm túc.
Cụ thể, sáng 30/3, bộ NN&PTNT ra đề nghị từ 1/4, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tiến tới giá thấp hơn, ở mức phù hợp khi sản lượng lợn đạt mức cao như trước khi xảy ra dịch vào những quý cuối năm 2019.
Cùng với đó, tính đến hết tháng Năm, nước ta đã nhập khẩu hơn 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga.
Từ ngày 12/6, bộ NN&PTNT cũng cho phép nhập lợn nguyên con từ Thái Lan và coi đây là một trong những cách giúp hạ nhiệt giá trong nước.
Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Hàm - Ủy viên ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nói, việc điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải căn cứ trên biện pháp thị trường. Hiện tượng giá thịt lợn vừa qua không hạ dù các cấp thẩm quyền liên tục đưa ra "lệnh" giảm, ông Hàm phân tích, cần nghiên cứu việc tăng giá này do sản xuất hay lưu thông. Nếu do khâu sản xuất thì kích thích tăng đàn, còn do lưu thông thì cân nhắc việc Nhà nước đứng ra thu mua,cung ứng trực tiếp trên thị trường.
"Cần thiết thì kinh tế Nhà nước phải hỗ trợ, không nên như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi", báo VnExpress dẫn lời ông Hàm.
"Thịt lợn đắt quá, rất ít người mua. Trước đây, trung bình một ngày, tôi bán được khoảng 1 tạ thịt, giờ chỉ bán được 40- 50kg, có hôm ế, phải để tủ đông. Sinh viên hỏi mua 15.000 đồng thịt lợn, tôi không biết cắt thế nào. Nói chung là thịt lợn đắt nên sinh viên "chạy", chắc họ không đủ tiền, chuyển qua ăn loại thực phẩm khác...", chị Giang, chủ một sạp bán thịt lợn ở phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với báo Lao động.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, vấn đề giá thịt lợn vẫn chưa "hạ nhiệt".
Trong khi đó, chị Yến, chủ căng-tin phục vụ cơm sinh viên trong ký túc xá học viện Báo chí và Tuyên truyền tâm sự: "Thịt lợn tăng kéo theo cả giá giò chả, thậm chí là thịt gà, mặc dù rất thương sinh viên nhưng chúng tôi vẫn phải tăng giá cơm".
Theo đại diện bộ NN&PTNT, dù nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh nhưng giá lợn hơi không những không giảm mà vẫn tăng cao là vì ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi gây xáo trộn nguồn cung nghiêm trọng. Ước tính của ngành nông nghiệp, với tốc độ tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, phải cuối quý IV, lượng lợn hơi xuất chuồng mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, bài toán cung cầu không phải nguyên nhân trọng yếu khiến giá lợn hơi tăng cao.
Giá tăng vì mỗi khâu "ăn" một ít
Tại phiên thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước của Quốc hội, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng bộ Công Thương nhận định, nguồn cung thịt heo hiện vẫn thiếu do yếu tố khách quan khi vẫn chưa tái đàn kịp sau đợt dịch tả lợn châu Phi.
Hiện vẫn còn một số tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nông dân vẫn chưa yên tâm tái đàn. Mặt khác, giá con giống tăng cao, 2-3 triệu đồng/con, cũng khiến người chăn nuôi thiếu vốn khi muốn tái đàn. Bên cạnh đó, giá bán lẻ thịt lợn phụ thuộc vào giá lợn hơi, tức giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng tương ứng. Ngoài ra, khâu trung gian hiện chiếm 40-60% giá thành thịt lợn bán tới tay người tiêu dùng, cũng là nguyên nhân đẩy giá heo lên cao.
Trong khi đó, phân tích nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao, theo ông Vũ Vinh Phú -nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nước ta có 100 triệu dân nhưng chỉ có 15 doanh nghiệp cung ứng thịt lợn là có dấu hiệu độc quyền theo nhóm. "Lợi nhuận một số công ty chăn nuôi rất lớn. Theo phản ánh, bán một con lợn hơi tại cửa chuồng với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, họ đã lãi 2-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận rất cao nên khó chấp nhận", báo Tiền phong dẫn lời ông Phú.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng, mỗi kg thịt lợn hiện "cõng" 6-7 khâu trung gian, mỗi khâu "ăn" một ít khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao. "Lâu nay chúng ta vẫn tập trung giảm giá thịt lợn ở khâu nguồn cung, song dường như còn bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ. Từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ giá tăng 40-60%, bao gồm thương lái công ty liên kết, lò mổ, bán lẻ; hưởng chi phí mỗi công đoạn 10- 15%, riêng khâu bán lẻ còn hưởng có thể cao hơn, thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chiết khấu lên đến 20-30%", ông Phú nói.
Thịt lợn là một trong những loại thực phẩm thiết yếu, quan trọng nhất trong bữa ăn của mỗi gia đình, vì vậy việc giá thịt lợn tăng cao ngay lập tức ảnh hưởng tới túi tiền của bà nội trợ. Hy vọng với sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, giá thịt lợn trong thời gian tới sẽ được "hạ nhiệt", tiến tới bình ổn.
Giá thịt lợn tăng cao và đắt đỏ ở Cần Thơ Giá thịt lợn trên địa bàn Cần Thơ có chiều hướng tăng cao. Giá thịt tăng, nguồn cung ứng khan hiếm gây khó khăn cho cả người tiêu dùng và thương lái. Tại chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, như thường ngày, vào khoảng 5 giờ sáng, các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ với đầy đủ các...