Gia Lai: 3 thanh niên “ngăn suối” mở lớp dạy bơi “dã chiến” cho trẻ em làng
Trước số trường hợp tử vong do đuối nước đang tăng lên trong thời gian vừa qua, những chàng trai người Jrai (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã biến suối, mương thủy lợi để dạy bơi cho trẻ em trong làng.
Cũng chính các học viên nhí của lớp dạy bơi này đã cứu sống được nhiều bạn cùng trang lứa bị đuối nước.
Mỗi buổi chiều, ba chàng trai trẻ người dân tộc Jrai là Y Pyiu (SN: 1994), Y Tai (SN 1994) và Rơ Ni (SN 2000) (cùng trú tại làng Xoă, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai) đang chuẩn bị những công cụ học bơi thô sơ như: can nhựa, bẹ chuối… để dạy bơi cho trẻ em trong làng.
Theo chân ba chàng trai Jrai này là hàng chục trẻ em trong làng có độ tuổi từ 5 – 15 “rồng rắn” ra suối học bơi. Khác với tưởng tượng, “bể bơi làng” được làm nên từ việc ngăn dòng suối, mương thủy lợi. Mặc dù chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp dạy bơi hay môi trường sự phạm nào, nhưng những bài giảng về lý thuyết của 3 “huấn luyện viên” rất cuốn hút các em. Qua phần giảng lý thuyết, các em được trang bị kiến thức về môn bơi lội, kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước, cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cách cứu người đuối nước, các kỹ năng sơ cứu người đuối nước.
Lớp học bơi miễn phí của 3 chàng trai trẻ người Jrai
Sau phần lý thuyết, 3 “huấn luyện viên” đã tận tình chỉ cách lặn, ngụp, đạp chân, sải tay cho từng em. Dù được tổ chức ở con suối nhỏ, lớp học bơi “dã chiến” này luôn ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ. Anh Y Pyiu khẳng định, em nào học nhanh thì chỉ cần 7 ngày là biết bơi, chậm thì nửa tháng. Nhưng không dừng lại ở biết bơi, các em phải nắm được các kỹ thuật bơi khác nhau, cách cứu người bị đuối nước. Ngoài ra, lớp còn tạo sân chơi lành mạnh cho các em ngoài những giờ đến trường.
Khi được hỏi ai từng cứu được người đuối nước hãy giơ tay, có tới 7 cánh tay của các em đưa lên. Em Siu Than (SN 2008, làng Xoă, xã Chư Đăng Ya) kể lại: “Năm 2017, có học sinh lớp 1 tên là Siu Hmin ở cùng làng khi đi từ trường về nhà đến cầu tạm bị trượt chân rơi xuống suối. Khi đó, em cũng đang đi học về và nhìn thấy nên bỏ cặp sách trên bờ, nhảy xuống cứu. Em nắm cổ áo từ phía sau, dìu Hmin đến đoạn nước cạn rồi hai anh em tự lên bờ an toàn”.
Sau lần thoát chết may mắn đó, em Siu Hmin cùng với anh trai đã đến tham gia lớp học bơi. Hiện, hai anh em Siu Hmin đã bơi rất giỏi, nhưng cứ ngày nào rảnh là đến lớp cùng các bạn. Hai anh em vừa học thêm kỹ năng, vừa tham gia dạy cho các em chưa biết bơi.
Video đang HOT
Anh Y Tai đang theo dõi các em bơi
Trong lớp, em A Lai (SN 2007) được gọi là “kình ngư” số 1 vì thành tích bơi giỏi và cứu được nhiều bạn bị đuối nước. Em Lai chia sẻ: “Từ khi biết bơi tới giờ, em đã cứu được 4 bạn bị đuối nước. Lần đầu tiên, em cứu được người bị đuối nước cách đây hơn 2 năm. Khi đó, em cùng các bạn đi tắm dưới ao tưới cà phê, bạn tên Bích (SN 2009, ở cùng làng) không biết bơi nhưng vẫn nhảy xuống tắm cùng. Do ao sâu nên Bích bị đuối nước. Em khi đó đang ở phía dưới ao đã bơi ra, túm lấy quần đưa vào bờ. Còn 3 bạn còn lại được cứu khác đều không biết bơi, nhưng đi tắm suối vẫn cứ nhảy xuống nước”.
Sự ra đời của lớp bơi này cũng thật đặc biệt, bởi cả 3 “huấn luyện viên” dạy bơi từ lúc đi chăn bò. Trong thời gian đi chăn bò cạnh con suối gần làng, thấy nhiều em đi cùng không biết bơi, cả 3 mới nảy sinh ý định dạy bơi. Cứ thế, tất cả hội trẻ em chăn bò dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya được 3 “chàng trai chăn bò” tập cho biết bơi hết. Đến năm 2017, 3 chàng trai này kết thúc công việc đi chăn bò nên việc học bơi của nhiều em dở dang. Trong khi, trong xã có nhiều ao hồ, suối nên số vụ đuối nước xảy ra liên tục, từ đó 3 “chàng trai chăn bò” quay lại mở lớp dạy bơi.
Lớp học bơi được tổ chức ở các son suối
Ngày thường, các em đi học nên nghỉ buổi nào học buổi đó. Còn những tháng nghỉ hè, các em đi chăn bò buổi nào thì các “huấn luyện viên” ra dạy bơi buổi đó. Hồ bơi được thiết kế gần làng và gần địa điểm chăn bò cho tiện cả thầy và trò.
“Việc dạy bơi của bọn mình là tự nguyện và miễn phí hoàn toàn. Các em trong xã đến đây thấy các bạn học bơi là tự vào học luôn, chẳng có ai đưa đến hay xin học gì cả. Bọn mình cũng nhắn với các em, thấy bạn nào chưa biết bơi thì bảo ra học luôn. Phao bơi không có thì bọn mình đi xin mấy can nhựa hỏng, hoặc chặt mấy cây chuối rừng để cho các em tập bơi. Còn con số bao nhiêu em đã biết bơi khi tham gia lớp học, bọn mình không thông kê và không nhớ nổi”, anh Y Tai cười tươi nói.
Ông Nguyễn Văn Nội – Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết: “Mô hình dạy bơi cho trẻ em người dân tộc của 3 thanh niên làng Xoă đáng được tuyên dương và nhân rộng. Trước đây, không chỉ vùng này mà nhiều vùng khác thường hay xảy ra các vụ đuối nước trẻ em rất thương tâm. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ đuối nước nào đó là một điều đáng mừng. Chúng tôi hi vọng mô hình này sẽ được lan rộng trên địa bàn vùng sâu, xa của các buôn làng ở Tây Nguyên.”
Phạm Hoàng
Theo Dân trí
Bơi sẽ là môn học bắt buộc ở Nghệ An
Theo thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 40 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng hơn 50 trẻ.
Mặc dù đã có công văn gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng đuối nước trẻ em trên địa bàn nhưng hằng năm số trẻ bị đuối nước ở Nghệ An vẫn tăng mà chưa ai bị xử lý. Có vụ học sinh ngày mai làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng rồi ra đi mãi mãi do đuối nước.
Liên tiếp xảy ra đuối nước thương tâm
15 giờ ngày 29-4, thời tiết nắng như đổ lửa, năm em nhỏ rủ nhau ra sông Hiếu (đoạn qua phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) tắm mát. Khi đang tắm, không may em Phùng Thị Mai (năm tuổi, phường Long Sơn) và hai chị em ruột Trần Thị Kim Xuyến (13 tuổi) và Trần Văn Luyện (11 tuổi, cùng trú xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) bị đuối nước, tử vong.
Tiếp đó ngày 30-5, nhóm năm học sinh lớp 8A Trường THCS Trung Thành (huyện Yên Thành) cùng nhau đi dã ngoại ở khu vực Trại Xanh (xã Bắc Thành, huyện Yên Thành). Trong lúc vui chơi cạnh đập nước thủy lợi, cả năm em Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Giang, Trần Long Nhật, Nguyễn Thị Trang và Cao Thị Nương (đều 14 tuổi, trú xã Trung Thành, huyện Yên Thành) bị đuối nước tập thể, dẫn đến tử vong.
Trước ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, ba em Nguyễn Quang Thông và Nguyễn Gia Tiến (18 tuổi), Nguyễn Thế Hoàng (12 tuổi) cùng trú xóm 3, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương rủ nhau ra sông Lam tắm rồi đuối nước tập thể. Trường hợp đau lòng khác là của chị Nguyễn Thị Bình (xóm 8, xã Nghĩa Bình, huyên Tân Kỳ) khi chiều 19-7 chị mang hai con đứa bốn tuổi, đứa gần ba tuổi sang gửi nhà ngoại rồi đi làm đồng. Tối về đón con thì phát hiện cả hai bé đã nổi lên trong ao nước gần nhà.
Nơi xảy ra vụ đuối nước khiến ba học sinh tử vong trên sông Lam có hố hút cát sâu tạo thành vòng xoáy. Ảnh: ĐẮC LAM
Họp khẩn tìm giải pháp
Trước thực trạng đáng báo động này, ngày 7-6 tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp khẩn trực tuyến do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý chủ trì. Mặc dù là cuộc họp khẩnnhưng có đến 11/21 chủ tịch huyện, TP, thị xã vắng mặt.
Báo cáo giữa các cơ quan chức năng trong cuộc họp cũng không có sự thống nhất khi Sở LĐ-TB&XH báo cáo xảy ra 18 vụ đuối nước làm 25 trẻ thiệt mạng thì Tỉnh đoàn Nghệ An lại báo cáo xảy ra 28 vụ, số trẻ thiệt mạng là 37. Còn báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An là xảy ra 40 vụ và 47 trẻ thiệt mạng. Từ đó có thể thấy các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp trong công tác phòng, chống đuối nước.
Tiếp theo đó, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An ngày 11-7, trong phần trả lời chất vấn, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho rằng cái khó nhất hiện nay là môn bơi chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Toàn tỉnh mới chỉ có 200 bể bơi, trong đó 150 bể cố định, tập trung chủ yếu ở TP Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và trung tâm các huyện.
Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lớp tập huấn dạy bơi cho 600 giáo viên tiểu học, THCS của tỉnh và lớp tập huấn này sẽ được triển khai vào cuối tháng 7 này. Đây là tiền đề để tỉnh này đưa môn bơi vào trường học như một môn bắt buộc để học sinh vừa được rèn luyện sức khỏe, vừa học kỹ năng tự cứu mình và người khác khi chẳng may gặp nạn.
"Hiện Bộ GD&ĐT chưa đưa môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông nhưng trong chương trình học hằng năm đều có số tiết dành cho chương trình giáo dục địa phương. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đưa môn bơi vào chương trình giáo dục địa phương như một môn học bắt buộc. Môn bơi cũng sẽ là môn thi đấu chính thức của Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, tiến tới phổ cập bơi cho học sinh tiểu học, trung học toàn tỉnh Nghệ An" - ông Thành cho hay.
Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, năm 2016 tỉnh Nghệ An có 34 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã ký công văn yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, TP, thị xã tăng cường chỉ đạo, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Thế nhưng những vụ đuối nước đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra và chưa cán bộ nào bị xử lý, kỷ luật. Đến năm 2017 có 24 trẻ tử vong và năm 2018 có 20 trẻ. Tai nạn đuối nước xảy ra cao điểm nhất là tháng 5 và tháng 6 hằng năm.
Tình trạng trẻ đuối nước còn nhiều là do các ngành liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ, công tác tuyên truyền chưa tốt. Những tồn tại này cần khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tỉnh sẽ xếp loại thi đua cuối năm với những địa phương làm chưa tốt phòng, chống đuối nước cho trẻ.
Ông THÁI THANH QUÝ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
ĐẮC LAM
Theo PLO
Khuyến khích cha mẹ cho con học bơi trong dịp hè Ngày 21/5, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2019. Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích cha mẹ cho con đi học bơi trong dịp hè. Trẻ học bơi (ảnh minh họa) Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn...