Ghi hình các tiết dạy trực tuyến: Nên hay không?
Trong khi nhiều trường đã tổ chức ghi hình các tiết dạy trực tuyến để nhận xét, rút kinh nghiệm sau mỗi buổi dạy thì một số giáo viên cho rằng việc làm này là không cần thiết, gây áp lực khiến cả cô và trò đều không thoải mái trong buổi học.
Giáo viên dạy trực tuyến. Ảnh: T. Hoài.
Áp lực nhân đôi
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong thời gian qua, nhiều giáo viên phản ánh việc dạy học trực tuyến áp lực hơn rất nhiều so với học trực tiếp. Cô giáo Phạm Thu (giáo viên Trường THPT Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội) cho biết, khối lượng công việc nhiều hơn do phải soạn bài, chấm bài, giảng bài hoàn toàn trên máy tính, học sinh (HS) lại mất tập trung hơn vì học ở nhà. Bên cạnh đó, việc làm quen với các công cụ, phần mềm giảng dạy trực tuyến với nhiều giáo viên lớn tuổi cũng là một thách thức không nhỏ.
Mới đây, một số giáo viên Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phản ánh tới báo chí về việc hiệu trưởng nhà trường yêu cầu giáo viên ghi hình lại các giờ dạy trực tuyến. Đây là một điều chưa hề có trong tiền lệ từ trước tới nay ở trường khiến giáo viên thấy gia tăng áp lực.
Về vấn đề này, bà Hoàng Quý Hương – Trường THCS Trung Hòa cho rằng, việc ghi lại các tiết dạy trực tuyến là hết sức bình thường. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi cho cả giáo viên, phụ huynh và HS.
Cụ thể, khi HS có đường truyền mạng không đủ chất lượng hay vắng nghỉ học trong tiết học đó thì các em có thể xem lại tiết học đã ghi hình lại. Đây cũng là minh chứng để bảo vệ cho giáo viên về việc đã triển khai tiết dạy trực tuyến hoặc trong giờ dạy có những điều gì sơ sảy, phụ huynh phản ánh những điều không tốt chẳng hạn thì đó chính là minh chứng cho giáo viên.
Trên thực tế, nhiều trường cũng đã áp dụng việc ghi hình tiết học trực tuyến để ban giám hiệu và tổ bộ môn góp ý khi cần. Tại Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm sẽ là người quản lý chung có thể kiểm tra được việc làm bài tập của HS và có thể dự giờ tất cả các lớp học để hỗ trợ đồng nghiệp của mình trong công tác quản lý. Ban Giám hiệu và Tổ tin học sẽ chịu trách nhiệm giám sát chung toàn bộ hệ thống. Mỗi tiết học sẽ được ghi hình để có thể xem lại hoặc góp ý khi cần. Giáo viên nhận xét, đánh giá giờ học trên Sổ ghi đầu bài trực tuyến để ghi nhận sự tham gia tích cực của HS cũng như khuyến cáo những HS chưa nghiêm túc.
Cách làm này theo cô Đỗ Thu Hà (Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành) ban đầu sẽ cảm thấy hơi áp lực nhưng khi tập huấn về giảng dạy trực tuyến, các thầy cô đều đã biết về chức năng ghi hình trong tất cả các phần mềm và biết cách sử dụng để ghi lại tất cả các giờ dạy. Điều này có thể đảm bảo quyền lợi cho chính thầy cô trước hết và đối với học trò, khi biết được việc này cũng sẽ hiểu mỗi buổi học đều quan trọng, đó là cả một quá trình rèn luyện, đánh giá thường xuyên chứ không phải chỉ điểm thi cuối kỳ nên các em sẽ có ý thức hơn.
Động viên, hỗ trợ giáo viên
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT cho rằng trước hết thầy cô phải xác định dạy trực tuyến là bất cứ lúc nào cũng có khả năng “lên sóng” toàn quốc ngay tại thời điểm đó. Thầy cô không chỉ đang dạy 40, 50 HS của lớp mà có thể hàng triệu người xem bởi hiện nay có rất nhiều thiết bị và phần mềm ghi hình lại buổi học trực tuyến với cách sử dụng rất đơn giản.
Hiện nay Bộ GDĐT không có quy định về việc ghi hình các tiết dạy học trực tuyến mà việc này phụ thuộc vào quan điểm, cách làm của từng trường. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, nếu trường nào có quy định về việc ghi hình thì cần thông báo cụ thể để thầy cô biết và có sự chuẩn bị tâm lý. Áp lực ban đầu là không tránh khỏi. Về lâu dài, nếu xuất phát từ động cơ tốt đẹp là sau mỗi buổi học, thầy cô trong tổ bộ môn hay ban giám hiệu, thậm chí chính giáo viên có thể xem lại tiết học để góp ý cho giáo viên hoàn thiện hơn thì việc này có thể nhận được sự đồng thuận từ giáo viên. Vấn đề là phải động viên, khuyến khích giáo viên làm tốt và có hỗ trợ, hướng dẫn để những giáo viên làm chưa tốt khắc phục dần dần – đó mới là ý nghĩa quan trọng của việc ghi hình lại tiết dạy trực tuyến chứ không phải nhằm “săm soi”, bắt lỗi giáo viên.
“Phải hiểu và thông cảm rằng chúng ta mới bắt đầu dạy học trực tuyến, giáo viên mới được tập huấn, bồi dưỡng chứ không được đào tạo bài bản nên có những thầy cô vẫn còn đang lúng túng là điều có thể hiểu. Cần thêm thời gian để tập dượt cho nhuần nhuyễn” – ông Ngọc nói.
Video đang HOT
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT Nguyễn Xuân Thành gợi ý các thầy cô giáo có thể thiết kế trước các video clip bài giảng nội dung dạy học cốt lõi gửi cho học sinh trước tiết học, kèm theo nhiệm vụ cụ thể khi nghiên cứu học liệu. Thời gian tại lớp học trực tuyến giáo viên sử dụng để cho học sinh thảo luận, giải đáp, sửa chữa, chốt kiến thức, tăng cường tương tác với học sinh. Như vậy, tiết học trực tuyến có thể giảm xuống được còn 30 – 35 phút mà vẫn đảm bảo được mục tiêu. Việc này sẽ khuyến khích học sinh tự học, đọc tài liệu, thực hiện nhiệm vụ được giao, còn giáo viên dù dạy trực tuyến một tiết nhưng thời gian làm việc thực tế bao gồm cả việc thực hiện xây dựng các video clip bài giảng, thiết kế các nhiệm vụ học tập, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh.
Đằng sau công việc giáo viên online: Thu nhập khủng 50-60 triệu/tháng nhưng dạy học cứ như "làm dâu trăm họ"
Giáo viên online cũng gặp không ít tình huống éo le khi đi dạy.
Ngày nay internet ngày càng phát triển và giáo viên cũng mong muốn có thêm nơi tương tác với các bạn học sinh. Trào lưu học trực tuyến với các khoá học online, cung cấp kiến thức cho cả năm học đã được ra đời.
Nhưng nếu ngày xưa chỉ có thầy cô (những người trực tiếp giảng dạy ở trường lớp) chuyển qua dạy trực tuyến thì ngày nay, ai cũng có thể trở thành "giáo viên online". Điều này cũng từng gây ra tình trạng bát nháo trong thị trường dạy online khi nhiều người lấy mác "giáo viên" rồi có những phát ngôn không hay, ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề giáo.
Nhân ngày 20/11, hãy cùng chúng tôi khám phá thêm về nghề dạy online đang cực hot cũng như mặt trái của công việc này nhé!
Ảnh minh hoạ
Dạy online như làm dâu trăm họ, cũng vất vả và éo le lắm...
Nhiều thầy cô cho rằng dạy online cũng giống như việc làm dâu trăm họ, chín người mười ý: Có bạn thấy hợp nhưng có người lại không tiếp thu nổi.
Cơ hội của việc giảng dạy online chính là tiếp cận được nền tảng đông người dùng và là giải pháp hữu hiệu nhất trong hoàn cảnh dịch bệnh. Nhưng lại có không ít thách thức và những khó khăn nhất định. Bởi dạy trực tuyến, thầy cô không trực tiếp tiếp xúc với học trò nên không thể quan tâm theo cách dạy truyền thống. Và một điểm bất lợi lớn nhất của học online là từng câu chữ bài giảng nếu không được truyền đạt kỹ càng, tối ưu có thể sẽ bị ghi lại và đem ra đánh giá trên mạng xã hội.
Theo cô Thùy Dương (chủ group ôn thi Văn cho học sinh có khoảng 90k follower) chia sẻ những nhược điểm của công việc dạy học online này:
"- Thứ nhất, mất đi tính kết nối. Dạy online giáo viên không được tiếp xúc trực tiếp với học sinh nên phải xác định tâm lý và vượt qua mặc cảm độc thoại. Đây là bất lợi lớn và phải mất một thời gian dài mới khắc phục được. Nhiều khi sợ các em không hiểu nên hỏi đi hỏi lại: "Cô giảng dễ hiểu không? Các em nghe rõ không?" mà không ai trả lời, thực sự bất lực!
- Thứ hai, việc kiểm tra bài tập của các em cũng rất khó. Bởi lẽ nhiều em học sinh có thể chép bài, hoặc thậm chí lấy luôn bài tập của bạn trên mạng xã hội như một cách chống đối giáo viên.
- Thứ ba, học online không thể có cơ hội quan tâm nhiều đến mong muốn, hoàn cảnh để giúp đỡ học trò - những điều vốn rất cần trong dạy học truyền thống".
Cô Thùy Dương - chủ group ôn thi Văn cho học sinh có khoảng 90k follower
Thu nhập khủng lên đến hàng 50-60 triệu/ tháng?
Các giáo viên online có thể có nguồn thu nhập khủng lên đến ít nhất 50 - 60 triệu/tháng. Song đây cũng chỉ chiếm số ít trên thị trường. Nếu không gây dựng được thương hiệu tốt, có được nhiều lớp học học thêm, mở thành trung tâm thì các giáo viên online cũng khó lòng đạt được mức thu nhập tốt như vậy.
Cô giáo Đường Mai có hơn 4 năm kinh nghiệm dạy online tại Hà Nội cho biết mức lương hiện tại chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống chứ chưa thể gọi là giàu như lời đồn.
Cô Thùy Dương với 6 năm gắn bó với công việc dạy học cũng chia sẻ: "Nếu nói giáo viên dạy online lương khủng thì có đúng và có phần chưa đúng. Suốt hành trình dạy online, mình thấy lương mình không hề thấp so với mặt bằng chung. Nguồn thu nhập 100% đến từ dạy online, nhưng để có được mức lương khủng thì cũng phải lao động hết sức".
Cô Đường Mai có 4 năm kinh nghiệm trong việc dạy online cho học sinh Hà Nội
Thu nhập chính của việc dạy học online từ nhiều nguồn như bán khóa học, tài liệu, đề cương online,... với mức lương hot có thể lên đến hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên không phải giáo viên nào cũng có bề dày kinh nghiệm và làm truyền thông giỏi để thu hút lượng lớn học trò.
Hiện nay xuất hiện nhiều group câu kéo, PR khóa học online ảo hét giá trên trời khiến nhiều học sinh chủ quan nên "tiền mất tật mang". Điều này vô tình cũng tạo ra cái nhìn e ngại, khiến cho học sinh mất niềm tin vào các khoá học trực tuyến.
Với các giáo viên, điều khiến họ trăn trở nhất là phải làm sao thu hút được người học giữa hàng ngàn lớp học online tràn lan trên MXH. "Phải làm nghề tâm huyết chứ không phải vì quá đặt nặng vào đồng tiền. Vậy mới có thể gắn bó với công việc này hơn 8 tiếng/ngày và làm một cách say mê" - nữ giáo viên tâm sự.
Ảnh minh hoạ
Các giáo viên online nói về hiện tượng bát nháo danh xưng "giáo viên" trong làng dạy học
Chỉ qua 1 đêm livestream, chia sẻ vài kiến thức thông qua những chiêu trò thu hút hàng nghìn thậm chí hàng triệu lượt xem là dễ dàng trở thành giáo viên. Có những người gắn mác giáo viên sau đó bị chính học trò lên mạng đăng đàn bóc phốt.
Không ít những giáo viên "tự xưng" là thầy cô nhưng khiến người ta ngỡ ngàng vì thiếu kinh nghiệm trường lớp, chưa có bằng Đại học, thậm chí là chuyện nợ môn, nợ tín chỉ bị bóc mẽ. Cũng có những người sau đó đã có những hành động cấm kị trong nghề giáo như chửi bậy, dụ học sinh chơi game...
Tuy vậy, không thể đánh đồng giữa hàng trăm giáo viên lựa chọn hình thức dạy trực tuyến, bởi vẫn có người thật tâm với nghề bằng kinh nghiệm dạy học và nền tảng kiến thức vững vàng.
Chia sẻ về cách để học sinh tránh được chiêu trò của những giáo viên ôn thi "rởm" này, cô Đường Mai cho hay: "Mình tin bằng sự thông minh và tỉnh táo của các bạn học sinh bây giờ thì sau một thời gian sẽ nhận ra đâu là giá trị đích thực để chọn được lớp học và giáo viên phù hợp chứ không phải chạy theo số đông".
Ảnh minh hoạ
Ngày 20/11 của giáo viên online khác biệt thế nào?
Việc dạy học trực tuyến khiến giáo viên không cảm nhận được tình cảm trực tiếp từ học trò, nhất là trong dịp 20/11. Đối với các thầy cô online ngày này cũng như những ngày bình thường khác: không hoa, không quà, chỉ có lời chúc là giá trị nhất.
Theo nhiều chia sẻ của giáo viên online, năm nay dịch bệnh phức tạp cũng không khiến dạy có quá nhiều khác biệt so với mọi năm. Tuy nhiên dạy online cũng có những cảm xúc khó quên mà các giáo viên truyền thống không có được. Đó là những món quà tinh thần lưu lại cho đến những năm sau này.
"20/11 này cũng thế thôi, tôi có chạnh lòng một chút vì dạy online nên không có được những cảm xúc hồi hộp như các đồng nghiệp trên trường. Nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì món quà tinh thần là các cuộc gọi, video hình ảnh ca hát, nhảy múa và tấm thiệp ghi lời chúc của học trò. Đó là thứ tình cảm còn quý giá hơn vật chất" - Cô Đường Mai tâm sự.
Cô Đường Mai cho hay 20/11 của mình cũng giống như ngày bình thường
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 luôn đặc biệt, khó quên đối với mỗi thầy cô khi nhận những món quà và tình cảm từ học sinh. Với giáo viên dạy học gián tiếp thì có những cảm xúc đặc biệt hơn từ các học trò ở xa. Với công việc ổn định trong thời dịch bệnh nhưng lại không nhận được trực tiếp tình cảm của học trò, món quà tinh thần và kết quả học tốt là điều mà giáo viên online mong muốn nhận được.
Mẹ dạy học trực tuyến, con nằm ngủ cạnh chân Không ít cô giáo tiểu học đối mặt áp lực khi dạy trực tuyến với khối lượng công việc kéo dài từ sáng đến gần nửa đêm mỗi ngày, cùng lúc phải chăm sóc con nhỏ cũng đang học trực tuyến. 'Mắc cỡ' vì cô giáo cũng quên nộp bài tập cho con Hiện giáo viên tiểu học vẫn phải dạy trực tuyến...