Gây thiệt hại trăm tỉ đồng, được đề nghị án treo?
Gây thiệt hại cho ngân sách hơn 135 tỉ đồng, nhưng cả 11 bị cáo trong vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm Vimedimex đều được đề nghị cho hưởng án treo.
Vì sao?
TAND TP.Hà Nội đang nghị án kéo dài vụ án sai phạm về đấu giá đất liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (viết tắt Tập đoàn Vimedimex). Theo cáo trạng, bị cáo Loan cùng 10 bị cáo khác đã có hành vi “vi phạm quy định về đấu giá tài sản” hoặc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi tổ chức và tham gia đấu giá hơn 16.000 m 2 đất tại H.Đông Anh (Hà Nội), dẫn tới thiệt hại hơn 135 tỉ đồng cho ngân sách.
Các bị cáo trong vụ án liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex. Ảnh PHÚC BÌNH
Tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội (VKS) đề nghị hình phạt tù với 11 bị cáo, nhưng tất cả đều được hưởng án treo, thấp nhất 9 tháng, cao nhất 36 tháng. Điều này rất hiếm gặp, bởi 100% bị cáo trong một vụ án cùng được đề nghị cho hưởng án treo, hơn nữa đây còn là vụ án gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của nhà nước. Vì sao đại diện VKS lại đề nghị như vậy, liệu đề nghị này có được HĐXX chấp nhận?
Án treo hay án giam đều phải đúng quy định
Ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội, cho rằng việc VKS đề nghị cho tất cả bị cáo trong một vụ án được hưởng án treo “là không có gì bất thường”. Ông lấy ví dụ, năm 2017, TAND TP.Hà Nội từng xét xử vụ án Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank) và đồng phạm, đã tuyên hơn 30 bị cáo hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Bởi thế, vấn đề không nằm ở chỗ bao nhiêu người án treo, bao nhiêu người án tù giam, mà quan trọng là có đúng quy định pháp luật, có đủ điều kiện hay không.
Trong vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Vimedimex, bị cáo Loan và 8 bị cáo bị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, theo quy định tại khoản 2 điều 218 bộ luật Hình sự (khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù); 2 bị cáo còn lại bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 3 điều 360 bộ luật Hình sự (khung hình phạt cao nhất đến 12 năm tù).
Theo ông Toàn, trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự (thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, có thành tích xuất sắc trong công tác hoặc sản xuất…), HĐXX có thể áp dụng hình phạt ở khung liền kề (thấp hơn) của điều luật mà bị cáo bị truy tố. Đồng thời, nếu mức án không quá 3 năm tù và bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, HĐXX có thể cho bị cáo được hưởng án treo.
“Mấu chốt đặt ra, đó là những người được đề nghị hoặc tuyên án treo có đủ những điều kiện vừa nêu hay không. Nếu đủ, một hay toàn bộ bị cáo được hưởng án treo là điều hết sức bình thường”, ông Toàn khẳng định.
Trở lại vụ án, tại bản luận tội của mình, đại diện VKS ghi nhận cả 11 bị cáo đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Trong số này, bị cáo Nguyễn Thị Loan có tới 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự, gồm: tự nguyện khắc phục hậu quả (điểm b), đạt nhiều thành tích trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh của tập đoàn (điểm v) và gia đình có công với cách mạng khi chồng là tử sĩ (điểm x). Ngoài ra, bị cáo còn có tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại khoản 2 của điều luật này.
Video đang HOT
Tương tự, 2 bị cáo ở nhóm tội thiếu trách nhiệm, là các cán bộ thuộc Sở TN-MT TP.Hà Nội, cũng được ghi nhận có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự, gồm thành khẩn khai báo, đạt thành tích xuất sắc trong quá trình công tác hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả…
Đảm bảo thận trọng, khách quan
Trao đổi thêm về vụ án, luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Vinh, Đoàn LS TP.HCM, nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho biết điều 65 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rất rõ về án treo. Theo đó, khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo.
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng ban hành tới 2 nghị quyết, gồm Nghị quyết 02/2018 và Nghị quyết 01/2022 (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2018), nhằm hướng dẫn áp dụng thống nhất điều luật trên.
Theo quy định tại bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại nghị quyết, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đầy đủ 5 điều kiện. Một là bị xử phạt tù không quá 3 năm. Hai là người phạm tội (ngoài lần phạm tội này) chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Ba là có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết quy định tại khoản 1 điều 51 và không có tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 điều 52 bộ luật Hình sự. Bốn là có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Năm là người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với các trường hợp được hưởng án treo, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng nêu rõ các trường hợp không được hưởng án treo. Điển hình như người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hoặc người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã.
LS Vinh cho hay án treo là chế định về pháp luật hình sự có lợi cho người phạm tội, nhằm thể hiện sự khoan hồng trong chính sách pháp luật của Nhà nước. Để được hưởng án treo, người phạm tội phải có đủ các điều kiện chặt chẽ như đã nêu. Vì thế, khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo, tòa án phải xem xét thận trọng, khách quan, bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định pháp luật.
Với vụ án gây thiệt hại cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng, nhiều người băn khoăn khi đại diện VKS đề nghị cho cả 11 bị cáo được hưởng án treo là điều dễ hiểu. Tuy vậy cần hiểu rằng, để đưa ra đề nghị nêu trên, chắc chắn VKS phải căn cứ vào các quy định pháp luật chứ không thể tùy tiện. Tương tự, trong bản án sẽ tuyên tới đây, dù chấp nhận đề nghị này hay không, HĐXX cũng sẽ cân nhắc, đánh giá toàn diện hồ sơ vụ án, áp dụng các quy định pháp luật như đã đề cập, để đưa ra phán quyết của mình.
Phán quyết nào cho cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex?
Viện kiểm sát đề nghị cho cả 11 bị cáo được hưởng án treo, trong khi luật sư của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex cho rằng vụ án còn nhiều 'điểm mờ'.
Vậy tòa sẽ phán quyết ra sao?
TAND TP. Hà Nội đang nghị án kéo dài vụ án sai phạm về đấu giá đất liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (gọi tắt là Tập đoàn Vimedimex), sẽ tuyên án vào 22.4 tới.
Hai ngày xét xử trước đó, nhiều vấn đề được các bị cáo, luật sư bào chữa và đại diện viện kiểm sát tranh luận quyết liệt. Cùng điểm lại những diễn biến chính của phiên tòa trước khi hội đồng xét xử đưa ra phán quyết đối với các bị cáo.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng các bị cáo tại tòa. ẢNH PHÚC BÌNH
Cả 11 người được đề nghị án treo
Cáo trạng của viện kiểm sát xác định quá trình triển khai đấu giá khu đất rộng hơn 16.000 m 2 (tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, H.Đông Anh, TP.Hà Nội) có nhiều vi phạm, dẫn tới thiệt hại cho ngân sách. Trách nhiệm thuộc về nhiều cá nhân, từ phía chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn thẩm định giá, cơ quan quản lý về đất đai, cho đến doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Trong đó, bị cáo Trần Công Tuyên (cựu trưởng phòng thuộc Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng H.Đông Anh) bị cáo buộc đã yêu cầu phía thẩm định giá hạ giá trị khu đất từ khoảng 500 tỉ đồng xuống còn khoảng 300 tỉ đồng. Xuất phát từ điều này, sau khi được lựa chọn làm đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm, công ty thẩm định giá đã lập khống các phiếu khảo sát, ban hành chứng thư thẩm định giá, xác định giá trị khu đất chỉ là hơn 284 tỉ đồng, tương đương 17,6 triệu đồng/m 2.
Do không phát hiện sai phạm, Sở TN-MT TP.Hà Nội chấp thuận chứng thư, trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.Hà Nội. Hội đồng họp, chốt đơn giá là 18,2 triệu đồng/m 2.
Về phía cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex, bà Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc sử dụng 3 pháp nhân do mình chi phối (gồm Công ty Bắc Từ Liêm, Công ty Mỹ Đình và Công ty Thanh Trì) để chỉ đạo tham gia đấu giá, trả giá theo kịch bản tính toán từ trước. Nhờ vậy, Công ty Bắc Từ Liêm trúng đấu giá khu đất với số tiền hơn 326 tỉ đồng, tương đương hơn 20,1 triệu đồng/m 2.
Kết quả điều tra cho thấy, giá trị thực tế khu đất tại thời điểm ban hành chứng thư thẩm định giá phải là hơn 462 tỉ đồng, tương đương hơn 28,5 triệu đồng/m 2. Vì thế, phần chênh lệch giá đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỉ đồng.
Tại bản luận tội, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội cáo buộc bà Loan cùng 9 người khác tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, 2 bị cáo còn lại tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cả 11 người đều bị đề nghị hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, thấp nhất 9 tháng, cao nhất 36 tháng.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Loan. ẢNH PHÚC BÌNH
Bị cáo kêu oan, luật sư cho rằng "bỏ lọt tội phạm"
Quá trình xét xử, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex cho rằng, hồ sơ vụ án có đến "20 bút lục là giả". Bị cáo khẳng định chỉ sở hữu 20% cổ phần tại 3 công ty Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình và Thanh Trì; đây không phải là các công ty của riêng bị cáo, không có việc chỉ đạo thông đồng dìm giá đất. Bà Loan còn tố nội bộ tập đoàn có "thông đồng", lập khống các phiếu thu, phiếu chi... nhằm buộc trách nhiệm sai phạm đối với mình.
Bào chữa cho cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex, các luật sư cho rằng có nhiều sai phạm trong quá trình bắt giữ, khám xét đối với bị cáo. Theo đó, việc bắt giữ, khám xét diễn ra vào ban đêm, khoảng 23 giờ, là "vi phạm nghiêm trọng" quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự; bị cáo bị bắt khi ở nhà riêng nhưng không có sự chứng kiến của đại diện UBND phường...
Luật sư Dương Đình Khuyến (Công ty luật Hoàng Đàm và Toàn cầu) nêu quan điểm rằng, sai phạm trong việc xác định giá khởi điểm thuộc về đơn vị tư vấn thẩm định giá, người có tài sản bán đấu giá và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm. Các công ty tham gia đấu giá không có trách nhiệm và cũng không có khả năng xác định giá khởi điểm đã đúng giá trị thực tế hay chưa. Họ chỉ tham gia, trả giá đúng theo quy định nên không thể kết luận có sự thông đồng, dàn xếp từ trước.
Ở vụ án này, cơ quan tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân thuộc công ty thẩm định giá, Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng H.Đông Anh và Chi cục quản lý đất đai thuộc Sở TN-MT TP.Hà Nội; đây là những người có vai trò tư vấn, tham mưu, không có thẩm quyền quyết định. Trong khi đó, các thành viên trong Hội đồng định giá đất cụ thể TP.Hà Nội mới là những người có thẩm quyền quyết định giá đất khởi điểm đấu giá, nhưng lại không bị truy cứu. Điều này là không phù hợp.
Luật sư của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex cũng đề cập đến công văn của Ban Nội chính T.Ư gửi TAND TP.Hà Nội mới đây. Theo đó, bị cáo Loan có đơn khiếu nại đối với các bản kết luận điều tra; đề nghị làm rõ sự thật khách quan, bản chất của vụ án và ban hành quyết định đình chỉ điều tra đối với mình. Sau khi tiếp nhận, Ban Nội chính T.Ư chuyển đơn này tới TAND TP.Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo kết quả giải quyết cho Ban Nội chính T.Ư.
Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội tại phiên tòa. ẢNH PHÚC BÌNH
Viện kiểm sát: Truy tố đúng người, đúng tội
Đối đáp với bị cáo và luật sư bào chữa, đại diện viện kiểm sát khẳng định việc bắt giữ đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan là khẩn cấp, được tiến hành đúng pháp luật. Việc lấy lời khai bị can ngay sau khi bắt là cần thiết và đây chỉ là lấy lời khai, không phải hỏi cung.
Bị cáo Loan tố "20 bút lục là giả" vì tên điều tra viên không đúng. Kiểm sát viên cho hay, các tài liệu nêu trên đều có chữ ký của bị cáo nên "không thể nói là giả". Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra phân công 27 điều tra viên tham gia, trong đó có điều tra viên mà bị cáo cho là "không đúng tên", vì thế điều tra viên này hoàn toàn đủ tư cách tham gia tố tụng.
Vẫn theo kiểm sát viên, để xảy ra hậu quả trong vụ án này xảy ra, "điều kiện cần" là giá khởi điểm thấp hơn thực tế, "điều kiện đủ" là có hành vi thông đồng dìm giá để mua giá thấp nhất. Thực tế, các bị cáo đã thực hiện cả 2 nhóm hành vi trên.
Đại diện viện kiểm sát dẫn chứng một số lời khai của bị cáo Loan, cùng email trao đổi với cấp dưới tại tập đoàn, cùng đó là dòng tiền đến 3 công ty Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình và Thanh Trì..., để cáo buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex đã tham gia, chỉ đạo thực hiện việc thông đồng dìm giá đất.
Từ những căn cứ đã nêu, đại diện viện kiểm sát khẳng định việc truy tố đối với 11 bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan trong lời nói sau cùng đã cảm ơn hội đồng xét xử vì tạo điều kiện để mình nộp thêm các hồ sơ, chứng cứ; đồng thời mong tòa xem xét đầy đủ, thấu đáo để xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Nữ bị cáo cũng đề nghị tòa xử lý nghiêm "hành vi vu khống, bịa đặt" của một số cá nhân trong vụ án này.
VKSND bác đề nghị hưởng án treo đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca VKSND tỉnh Quảng Ninh đã bác lý lẽ của luật sư bào chữa cho rằng bị cáo Đỗ Hữu Ca bị đề nghị mức án từ 10 - 11 năm là quá nặng. Đồng thời khẳng định, đề nghị của luật sư cho bị cáo Đỗ Hữu Ca hưởng án treo là không có căn cứ. Ngày 11/4, tại ngày thứ hai TAND...